Họa Sĩ Nguyễn Gia Trí – Tiểu Sử Cuộc Đời, Sự Nghiệp, Tác Phẩm Nổi Tiếng
Nguyễn Gia Trí là một họa sĩ hiện đại, nổi tiếng với kỹ thuật điêu luyện trong dòng tranh sơn mài. Ông là người đi đầu trong việc chuyển những bức tranh nghệ thuật trang trí thành những kiệt tác nghệ thuật. Từ đó ông được mệnh danh là “người cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam”, người tạo ra khuynh hướng nghệ thuật mới cho Việt Nam.
Tiểu Sử Cuộc Đời Họa Sĩ Nguyễn Gia Trí
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) là một trong tứ kiệt của hội họa Việt Nam. Ông cùng với 3 họa sĩ lừng danh là Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn đã tạo thành bộ tứ họa sĩ đầu đời của nền mỹ thuật Việt Nam: nhất Trí nhì Vân tam Lân tứ Cẩn.
Ông sinh ra tại làng An Trạch, Chương Mỹ, Hà Nội, gia đình có truyền thống làm nghề thêu trang phục cho triều đình lúc bấy giờ. Tuy nhiên gia đình ông cũng không giàu có gì, bao đời chỉ gắn với làng quê nghèo bên sông Hồng.
Ông thi đỗ vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương khóa 5 nhưng học được 2 năm thì bỏ dở để nghiên cứu thêm về nghệ thuật. Cho đến khóa 7 sau khi hiệu trưởng Victor Tardieu khuyên ông đi học lại vì nhận thấy tài năng trong ông, ông lại tiếp tục vào học cùng khóa với Trần Văn Cẩn. Năm 1936 ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương.
Chính nhờ điều này họa sĩ đã có thêm kiến thức vững vàng để phát triển tài năng nghệ thuật của mình. Đây cũng là nền tảng mà ông nổi tiếng và thành công hơn so với những họa sĩ cùng thời.
Nguyễn Gia Trí mất ngày 20 tháng 6 năm 1993 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2012, Nguyễn Gia Trí được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh để vinh danh những đóng góp to lớn của ông cho nền mỹ thuật Việt Nam.
Sự Nghiệp Của Họa Sĩ Nguyễn Gia Trí
Nguyễn Gia Trí được coi là cha đẻ của tranh sơn mài nghệ thuật hiện đại Viêt Nam. Các tác phẩm của ông thường vẽ về phụ nữ, tranh sơn mài phong cảnh, được xem là đỉnh cao của nghệ thuật tranh sơn mài.
Từ những năm đầu của thập niên 30 khi còn là sinh viên ông đã tìm tòi, sáng tạo để đưa sơn mài ra khỏi những công thức cổ truyền. Cùng thời đó các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Vân, Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Tích Trù cũng cho ra đời tranh vỏ trứng trên vóc nền đỏ tuyền. Mỗi tác giả đều tìm tòi 1 kỹ thuật riêng cho mình . Nhưng những tác phẩm sơn mài của Nguyễn Gia Trí trưng bày tại triển lãm Mỹ thuật của Trường Mỹ Thuật Đông Dương năm 1959 đã gây 1 sự bất ngờ lớn trước công chúng.
Được tôn kính là cha đẻ của tranh sơn mài Việt Nam hiện đại, Nguyễn Gia Trí đã dùng chất liệu truyền thống là nhựa cây sơn ta trộn với nhựa thông để tạo ra một chất liệu mới có độ bóng và mờ. Từ đây một chất liệu mới và tạo được hướng đi mới cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam.
Những bức họa nổi tiếng của ông mnag đầy tính dân tộc, được trưng bày tại viện Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam tại Hà Nội và viện Bảo tàng Mỹ thuật tại Sài Gòn.
Cuối thập niên 30 ông cùng Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Văn Luyện, Khái Hưng…thành lập Đại Việt Dân Chính Đảng. Chính bởi những hoạt động chính trị của mình, ông đã bị thực dân Pháp đày lên Sơn La.
Vào những năm 1940 khi hoàn toàn chuyên về chất liệu sơn mài, Nguyễn Gia Trí đã tạo nên được một phong cách riêng cho mình. Chủ đề quen thuộc là thiếu nữ duyên dáng trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, kết hợp các với chất liệu: sơn then, chất son, vàng, bạc, vỏ trứng,…Họa sĩ đã tạo nên bức tranh sơn mài độc đáo với vẻ đẹp lộng lẫy, bức tranh có chiều sâu, đưa kĩ thuật sơn mài lên đỉnh cao mới, khẳng định được vị thế của chất liệu mới hội họa trong nền mỹ thuật Việt Nam.
Nhiều bức tranh thời đó của ông được người Pháp sưu tập kể cả những bức tranh còn dang dở. Từ 1954 – 1975 nhiều bức tranh quý của ông được nhiều người có tiền sưu tập làm tranh treo trong những biệt thự sang trọng.
Từ những năm 1960 – 1970 xu hướng nghệ thuật của ông chuyển sang tranh trừu tượng. Tuy nhiên đến cuối đời ông lại trở về với thế giới lãng mạn đầy thơ mộng như những năm 40.
Các Tác Phẩm Nghệ Thuật Nổi Tiếng Của Họa Sĩ Nguyễn Gia Trí
Những bức tranh đầu tiên mang dấu ấn của chủ nghĩa hiện thực và ấn tượng châu Âu:
– Hoàng hôn trên sông
– Phong cảnh Móng Cái
Một số bức tranh sơn mài nổi bật của họa sĩ Nguyễn Gia Trí từ 1938 – 1945
– Chợ Bờ
– Khỏa Thân
– Đèn Trung Thu
– Dọc Mùng
– Chùa Thầy
– Giáng Sinh
Tác phẩm khổ lớn “Thiếu nữ bên hồ sen” là những tác phẩm tiêu biểu không thể không nhắc đến. Bức tranh khổ lớn với diện tích 12 mét vuông gồm 6 tấm ghép lại tạo nên chuyển động độc đáo cho tác phẩm. Bức tranh mô tả các cô gái đang chơi đùa, nhảy múa trong một khu vườn mộng mơ đầy màu sắc, khung trời và những chiếc váy lộng lẫy làm nổi bật vẻ tươi trẻ, kiêu sa của thiếu nữ.
Một trong những bức tranh sơn mài nổi tiếng phải kể đến như bức tranh sơn mài Thiếu nữ trong vườn với khung cảnh vườn hoa muôn sắc, các thiếu nữ vui đùa, chạy nhảy giá trị của bức tranh được toát lên từ hình khối, động tác. Sắc vàng kim được dát trên nền trời, trên những tấm áo điểm xuyến vỏ trứng, những vệt vàng lộng lẫy trên từng đường lượn như tôn vẻ đẹp thanh tân thiếu nữ.
Bức tranh sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc. Bức tranh thể hiện không khí ngày xuân và hình ảnh các thiếu nữ ba miền Trung, Nam, Bắc trong trang phục truyền thống đi dự hội xuân, chùa chiền, cây cối xung quanh. Năm 1991 tác phẩm được Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mua với giá 100.000USD và trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.
Tác phẩm được sáng tác vào giai đoạn đất nước còn chìm trong khói lửa đạn bom, bức tranh là lời cầu nguyện thống nhất và hạnh phúc cho quê hương. Bức tranh có kích thước 540cm x 200cm được tổng hợp từ thành tựu trong nửa thế kỷ tìm tòi sáng tạo về nghệ thuật sơn mài. Đây là tác phẩm có thời gian làm lâu nhất, tâm huyết nhất được ứng dụng trong nghệ thuật nhiều nhất, tác phẩm cuối cùng của cuộc đời họa sĩ.
Năm 1989 họa sĩ Nguyễn Gia Trí được Bộ Văn hóa và Thông tin chính thức công nhận là một trong những họa sĩ đương đại có công trong việc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại.
Ngoài ra, danh họa Nguyễn Gia Trí còn có một số tác phẩm tiêu biểu sau năm 1954 như Hai Bà Trưng, Trận Bạch Đằng, Địa linh hoán tượng, Ba Vua… Ông còn là nhà biếm họa sắc sảo, nhà đồ họa quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam…
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí hy vọng sẽ lưu giữ được 3 bức tranh sơn mài khổ lớn trong suốt cuộc đời của mình đó là “Hoài niệm xứ Bắc”, “Trừu Tượng” & “Múa dưới trăng”. Ba bức tranh trên đang được lưu giữ trong Thư viện Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.