Cha của Tập Cận Bình: Tương lai nếu có “Mao Trạch Đông”, vận mệnh Trung Quốc sẽ về đâu?
Cha của Tập Cận Bình: Tương lai nếu có “Mao Trạch Đông”, vận mệnh Trung Quốc sẽ về đâu?
Tập Trọng Huân đáp lại: “Vấn đề là: nếu như sau này lại xuất hiện một cường nhân giống như Mao chủ tịch thì phải làm sao? Ông ta cứ kiên quyết muốn làm, thì phải làm sao? Chúng ta thấy khó, thật là khó!”.
Sự thực cuộc Vạn lý Trường chinh: Vạn dặm trốn chạy
Cáp Đạt Phố là một thị trấn nhỏ tọa lạc ở phía nam tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Tháng 9 năm 1935, mảnh đất xa xôi hẻo lánh này bỗng trở nên náo nhiệt vì sự xuất hiện của một đội quân rệu rã. Sau khi vượt qua núi Mân Sơn, những người lính khoác trên mình bộ quân phục tả tơi đang thẳng tiến về Cáp Đạt Phố.
Người chỉ huy đội quân nói trên không ai khác chính là Mao Trạch Đông. Chỉ mới một tháng trước đó, trong Hội nghị Nga giới, Mao cùng với các chiến hữu trong Khu Trung ương Xô Viết ở Giang Tây vẫn lớn tiếng lên án chủ nghĩa phân ly của Trương Quốc Đào – người đang lãnh đạo 8 vạn Hồng tứ Phương diện quân. Vậy lý do gì khiến Mao dẫn 7000 quân tàn dư thuộc Phương diện quân số 1 gấp rút di chuyển về phương Bắc? Có phải để thoát khỏi vòng vây của Quốc Dân đảng như ĐCSTQ sau này vẫn tuyên truyền? Thực tế, đó là đang trốn chạy khỏi cuộc tranh giành nội bộ trong đảng do Trương Quốc Đào thiết lập bằng nòng súng.
Cuộc đào thoát vội vàng ấy khiến ai nấy đều ngỡ ngàng không hiểu: Chạy đi đâu bây giờ? Sau khi Khu Trung ương Xô Viết bị Chính phủ Quốc Dân năm lần vây quét và đánh cho đại bại, Mao Trạch Đông dẫn theo tàn quân một mạch hướng về phía Tây, bỏ chạy về hướng Tây Bắc, chạy bạt mạng không biết điểm dừng, càng ngày càng cách xa vùng Đông Bắc nơi quân Nhật đang chiến đóng quân. Mao Trạch Đông chủ trương: Một đường hướng Bắc, tiếp cận Nga Xô, nếu như Liên Xô không tiếp nhận thì chúng ta sẽ ở địa khu sát biên giới với Liên Xô mà kiến lập Hồng khu Xô Viết mới.
Lúc ấy, vì thông tin vẫn còn hạn chế nên cả đoàn quân đều mờ mịt không biết: Cuộc trường chinh gần 1 năm qua khi nào mới kết thúc, đến đâu mới có thể dừng chân? Còn với những thủ lĩnh bụng đang đói cồn cào, thì mong muốn lớn nhất lúc bấy giờ là có được một bát mỳ nghi ngút khói, và đừng quên rắc thêm chút hành và thịt băm… Nhưng làm cách nào đây? Trước tiên, hãy cử lính trinh sát vào thị trấn xem xét động tĩnh.
Buổi chiều hôm ấy, khi đoàn quân vừa đến gần Cáp Đạt Phố, Tư lệnh sư đoàn Tăng Tư Ngọc – chủ nhiệm Bộ Thông tín của Quân đoàn số 2 thuộc Hồng nhất Phương diện quân – đã nhận nhiệm vụ đến Cáp Đạt Phố để tiến hành tình báo. Mang theo bộ quân phục Quốc Dân đảng mà ông có trong tay, Tăng Tư Ngọc cùng với đại đội trưởng đội trinh sát Lương Hưng Sơ (sau này làm quân trưởng đội 318 trên chiến trường Triều Tiên) vào thị trấn thăm dò. Nhóm đặc nhiệm phát hiện trong vùng không có lực lượng vũ trang chủ chốt nào của địa phương, quân Trung ương cũng không có động tĩnh gì. Ngoài việc mang về vài tô mỳ mà lãnh đạo yêu cầu, họ cũng phát hiện một điều mấu chốt: Trong tòa bưu chính nhỏ của Cáp Đạt Phố có báo giấy! Đáng chú ý là, trên báo đăng tin quân Quốc Dân Đảng đã vây quét Hồng quân ở Thiểm Bắc.
Bản tin ngày 23/7 của Đại Công Báo viết: Quân phiệt kiểm soát Sơn Tây là Diêm Tích Sơn cho biết, lũ phỉ Cộng ở Thiểm Bắc vô cùng hung hăng ngang ngược, gần như toàn bộ 23 huyện ở Thiểm Bắc đã bị đỏ hóa, quân Xích vệ trên toàn Thiểm Bắc là hơn 20 vạn, Xích quân là 2 vạn. Xích quân nhắc đến ở đây chính là Hồng quân.
Bản tin ngày 1/8 của Đại Công Báo viết: Quân trưởng của phỉ quân là Lưu Chí Đan đang cai quản ba sư đoàn, hiện tại phỉ quân đã hoàn toàn chiếm lĩnh 5 huyện thành, Thiểm Nam cũng có Từ Hải Đông phỉ bộ.
Chỉ 23 huyện đã có 20 vạn quân Xích vệ! Đến lúc này Mao Trạch Đông mới biết rằng ở Thiểm Bắc vẫn còn một khu đại căn cứ nữa, diện tích tương đương với Khu Trung ương Xô Viết ở Giang Tây. Mao Trạch Đông mắt sáng bừng, tự nhủ: Chúng ta không cần phải kháng Nhật, không cần phải xem ý Liên Xô, mục đích cuộc trường chinh của chúng ta chính là khu Xô Viết ở Thiểm Bắc!
Mao Trạch Đông liền sai người gấp rút liên hệ với Hồng quân ở Thiểm Bắc, sau đó nhận được thư trả lời với chữ ký của Lưu Chí Đan. Đến ngày 20/9, trên thao trường phía trước miếu Quan Đế ở Cáp Đạt Phố, Mao Trạch Đông đã nói với các tướng sĩ ‘đói ăn thiếu mặc’ của mình rằng: “Chỉ còn bảy, tám trăm dặm nữa là tới Thiểm Bắc, đây chính là điểm đến của cách mạng chúng ta. Hãy đến Thiểm Bắc!”.
Trong thứ gọi là ‘lịch sử cách mạng’ của ĐCSTQ, thị trấn Cáp Đạt Phố này luôn không được coi trọng, nhưng kỳ thực, đây lại là một vị trí then chốt dẫn đến những diễn biến sau này. Suốt một năm trường bỏ chạy tán loạn, mãi cho đến thời khắc này Hồng quân mới xác định được mục đích của cuộc trường chinh, đó chính là khu căn cứ ở ranh giới giữa Thiểm Tây – Cam Túc. Vậy vì sao trong các sử liệu do ĐCSTQ biên soạn lại không nhắc đến địa phương này? Nếu nói đến lúc này mới xác định phương hướng cách mạng, vậy thì những gì là “Bắc thượng kháng Nhật” (lên phía Bắc kháng Nhật), những gì là “tứ độ xích thủy” (bốn lần vượt qua sông Xích Thủy)… vẫn được ĐCSTQ ca ngợi bằng những từ hoa mỹ, lại là lời bịa đặt trắng trợn nhằm che đậy lý do thực sự của cuộc tháo chạy kể trên.
Thị trấn Ngô Khởi nằm ở vị trí giao giới giữa hai tỉnh Thiểm Tây và Cam Túc. Ngày 19/10/1935, trong gió lạnh se sắt của mùa đông, cậu bé 12 tuổi Lý Chương lúc ấy là tiểu Hồng binh trong đội quân của Lưu Chí Đan cuối cùng cũng gặp được Hồng quân Trung ương trong truyền thuyết. Lý Chương nhớ lại: “Khi Hồng quân Trung ương đến, chúng tôi vốn đã bần cùng khốn khó lắm rồi, nhưng chỉ cần nhìn thấy đội quân tả tơi ấy thì ai nấy đều bất giác rơi lệ”. Hồng nhất Phương diện quân ở trong cảnh ngộ vô cùng thê lương: đói ăn, thiếu mặc, thân thể kiệt quệ. Mao Trạch Đông cho gọi Từ Hải Đông đến và nói: “Đồng chí Hải Đông, Hồng quân gặp khó khăn để duy trì qua mùa đông này, vậy tôi đặc biệt xin vay đồng chí món tiền 2500 tệ”. Từ Hải Đông lập tức lấy 5000 tệ từ toàn bộ số tiền 7000 tệ trong quân và đưa cho Mao Trạch Đông.
Tập Trọng Huân sa cơ, trước nguy cơ bị chôn sống
Trước lời thỉnh cầu của Mao Trạch Đông, những lãnh tụ nông dân ‘bụng đói, áo rách’ trong khu căn cứ Thiểm Bắc của Hồng quân Trung ương đã tỏ ra vô cùng hào phóng. Nhưng thật không ngờ, chờ đợi họ không phải là báo ân, cũng không phải là tình chiến hữu, mà là vận hạn không thể thê thảm hơn! Vì để đoạt lấy quyền lãnh đạo Thiểm Bắc, Mao Trạch Đông đã kết tội Lưu Chí Đan cùng một số lãnh đạo khác là ‘kẻ đầu sỏ phản cách mạng’. Các cán bộ thời đầu của Doanh trại 26 và Cơ quan Quân ủy Tây Bắc, Bí thư Huyện ủy ở biên giới Thiểm-Cam và các cán bộ chủ tịch Xô Viết huyện… gần như toàn bộ đều bị truy nã, hơn 230 người đã bị sát hại! Vào năm thứ hai sau khi Lưu Chí Đan được thả tự do, trong lúc đang chỉ huy tác chiến ở tiền tuyến, Lưu Chí Đan bất ngờ bị bắn lén từ sau lưng, viên đạn xuyên qua tim mà chết.
Nguyên nhân đáng ngờ về cái chết của Lưu đã trở thành lý do cho một cuộc thanh trừ quy mô lớn sau khi ĐCSTQ kiến lập chính quyền. Cuộc đại thanh trừng liên lụy tới 6 vạn người cùng các cán bộ lão thành chủ chốt ở Tây Bắc. Nhân vật chủ yếu bị bức hại trong bản án oan này chính là cha của Tập Cận Bình – ông Tập Trọng Huân.
Đó là khi Mao Trạch Đông đến vùng nông thôn Thiểm Bắc, nhìn thấy trên các bức tường đất đều dán cáo thị của Hồng quân với chữ ký “Chủ tịch Chính phủ Xô Viết – Tập Trọng Huân”, Mao đã ra lệnh bắt người mà ông ta lo sợ sẽ trở thành kẻ thù chính trị tiềm tàng này.
Tập Trọng Huân bị bắt với tội danh ‘thành phần phản cách mạng’. Lúc ấy ngay ở bên ngoài ngục tối, người ta đã đào sẵn hố chuẩn bị chôn sống ông. Mao Trạch Đông, người đã hạ lệnh bắt rồi lại thả, khi nhìn thấy Tập Trọng Huân đã vô cùng kinh ngạc: Ồ, vốn dĩ chỉ là một vị chủ tịch trẻ măng!
Tập Trọng Huân sinh ngày 15/10/1913 ở huyện Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây. Năm 17 tuổi, Tập gia nhập quân ngũ của Dương Hổ Thành ở Tây Bắc, năm 19 tuổi phát động binh biến và theo Lưu Chí Đan sáng lập căn cứ Thiểm Bắc. Khi làm Chủ tịch khu Xô Viết ở biên giới Thiểm-Cam ông mới 21 tuổi. Từ sau biến cố “thập tử nhất sinh” của cuộc chỉnh đốn Diên An, Tập Trọng Huân luôn chủ trì công tác quân đội, đảng, và chính phủ ở Tây Bắc. Nhưng vận hạn đến đây vẫn chưa phải là hết.
Sau khi ĐCSTQ lập chính quyền, đại họa lại bất ngờ giáng xuống
Em dâu Lưu Chí Đan là Lý Kiến Đồng từng viết cuốn tiểu sử “Lưu Chí Đan”, kể lại những chuyện lúc sinh thời của Lưu. Lý Kiến Đồng vốn là một nhà văn nổi tiếng, và giống như rất nhiều văn nhân trẻ theo cánh tả thời ấy, Lý Kiến Đồng cũng đến Diên An và kết hôn với một cán bộ của ĐCSTQ. Sau này khi làm Phó bí thư Đảng ủy Viện Khoa học Địa chất, Lý Kiến Đồng vì muốn viết cuốn sách này nên đã xin ý kiến của Tập Trọng Huân.
Sau khi Mao Trạch Đông lập chính quyền, Mao đã chấn chỉnh một trong những thành viên sáng lập căn cứ địa Tây Bắc, đó là Cao Cương. Do đó, cuốn tiểu sử “Lưu Chí Đan” cũng rơi vào tầm ngắm của Mao Trạch Đông và bất đắc dĩ trở thành công cụ cho Mao thực hiện ý đồ của mình.
Cùng lúc ấy, Khang Sinh cũng phát động cuộc công kích chỉnh đốn, vừa vặn giúp Mao Trạch Đông triệt để tiêu trừ thế lực Tây Bắc. Khang Sinh vốn là kẻ gió chiều nào theo chiều ấy, từng được mệnh danh là “Beria Trung Quốc” do đã hãm hại nhiều cán bộ trong ĐCSTQ trước và sau Cách mạng Văn hóa. Vì là người đứng đầu cơ quan an ninh và gián điệp nên Khang Sinh hiểu rất rõ Lưu Chí Đan đã chết như thế nào, nhưng y vẫn lợi dụng cuốn tiểu sử để thanh trừ đối thủ.
Năm 1962, Khang Sinh gửi một mẩu giấy cho Mao Trạch Đông, trên đó viết: “Việc lợi dụng cuốn tiểu thuyết Lưu Chí Đan để loại trừ các hoạt động chống đảng là một phát minh lớn”. Mao Trạch Đông lập tức đọc tờ giấy ấy ngay tại hội nghị, sau đó Tập Trọng Huân bị buộc tội là kẻ bày mưu tính kế đằng sau cuốn tiểu thuyết. Tập Trọng Huân từng vì ĐCSTQ mà 34 năm vào sinh ra tử, nay lại bị buộc tội là kẻ đứng đầu “tập đoàn phản đảng Tập Trọng Huân”!
Biến cố trên đã liên lụy tới rất nhiều người, tổng cộng có 6 vạn người bị bức hại. Lúc ấy Tập Trọng Huân đang đảm nhiệm chức vụ Phó thủ tướng Quốc vụ viện, ông bị điều xuống xưởng cơ khí Khoáng Sơn tỉnh Hà Nam làm phó giám đốc. Từ một đại quan viên thuộc hàng chính nhất phẩm, ông lại bị giáng xuống làm phó giám đốc xưởng, vậy còn gì là phẩm cấp, còn gì là tôn nghiêm?
Tháng 1/1967, một tốp Hồng vệ binh Tây An thông qua Khang Sinh mà biết rằng Tập Trọng Huân đã bị giáng chức, họ liền ép Tập Trọng Huân đến Thiểm Tây để đấu tố, diễu quanh đường phố để bêu riếu trước công chúng. Tập Trọng Huân phải đeo trên cổ tấm biển “phần tử phản đảng Tập Trọng Huân”, đồng thời bị giật tóc, vặn tay, bị người ta chân đá tay đấm. Trong cuộc đấu tố kéo dài 1 năm ấy, ông may mắn không rơi vào chỗ chết, cũng không tự sát, mà vẫn ngoan cường sống tiếp những ngày còn lại. Cuối cùng khi bị áp giải trở về Bắc Kinh, ông lại bị giam giữ trong một căn phòng chỉ vẻn vẹn bảy, tám mét vuông ở khu cảnh vệ, một lần giam giữ là 8 năm ròng!
Năm 1972, bà Tề Tâm cầu xin Chu Ân Lai cho phép vợ được gặp lại chồng, con được gặp lại cha, để cả nhà được trùng phùng sau bao ngày xa cách. Con trai nhỏ của Tập Trọng Huân là Tập Viễn Bình nhớ lại: “Cha và mọi người trong nhà nhìn nhau, khi thấy tôi, ông lại hỏi: Con là Cận Bình hay là Viễn Bình? Nghe cha hỏi như vậy, cả nhà đều khóc, cha tôi cũng giọt lệ rưng rưng”.
Khi Tập Trọng Huân bị đả đảo, Tập Cận Bình chỉ vừa 9 tuổi. Từng là con em của cán bộ cao cấp, nay bỗng chốc bị người ta sỉ vả, coi khinh, gọi là “cẩu tể tử” (đồ chó má), “hắc ngũ loại” (loại 5 đen). Vào thời Cách mạng Văn hóa, Tập Cận Bình cũng giống như các bạn bè cùng trang lứa, phải hô lớn huyết thống luận, hô lớn khủng bố đỏ. Nhưng điều khác biệt duy nhất là, “dòng máu đỏ” của ông bị bạn bè hoài nghi. Năm 15 tuổi, Tập Cận Bình bị giam giữ để thẩm tra.
Tháng 1/1969, Tập Cận Bình dù chưa đủ 16 tuổi nhưng đã phải tham gia đội sản xuất ở Lương Gia Hà, một lần đi là biền biệt 7 năm trời. Tập Cận Bình viết: “Hồi tưởng lại lúc tôi vừa mới về nông thôn, xung quanh tôi đều là con em cán bộ quân đội, chỉ sau nửa năm hầu hết đều bỏ đi làm lính. Trong gần 1 năm ấy, chỉ riêng tôi là vẫn kiên trì ở đó, cảm thấy 10 phần cô độc”. “Tôi trước sau đã viết 10 đơn xin gia nhập đảng, nhưng vì nguyên nhân gia đình nên không được phê chuẩn”.
Em trai Tập Viễn Bình đến thăm ông, mới chỉ ở một ngày mà toàn thân đã mọc đầy mụn nước. Thì ra Tập Cận Bình vì để tránh bọ chét và chấy rận nên đã rải một lớp bột 666 (là nguyên liệu để làm thuốc trừ sâu) rất dày dưới chiếu, quanh năm suốt tháng ông đều nằm ngủ trên lớp bột 666 này. Tập Cận Bình xin lỗi em trai và dặn đi dặn lại là khi về nhà không được nói cho mẹ biết. Tập Viễn Bình khi về nhà toàn thân lở loét, máu hòa với da thịt nên không thể che giấu được, buộc phải nói thật với mẹ. Mẹ ông vừa nhìn đã thấy, hai mẹ con chỉ có thể ôm nhau mà khóc…
Nỗi lo cuối đời của Tập Trọng Huân
Tháng 4/1978, Tập Trọng Huân được khôi phục công tác, đảm nhận chức vụ bí thư thứ hai của tỉnh ủy tỉnh Quảng Đông. Khi bị đả đảo, Tập Trọng Huân chỉ mới 49 tuổi, đang ở cái tuổi tráng niên mạnh khỏe. Nhưng đến 4/1978 khi được ra công tác, ông đã 65 tuổi rồi.
Tập Trọng Huân và Bành Chân đều là những nạn nhân bị bức hại thảm khốc trong thời Cách mạng Văn hóa. Khi cùng chủ trì soạn thảo bản Hiến Pháp năm 1982, cả hai đã kiên quyết xóa bỏ tất cả những câu “Trung Quốc Cộng sản đảng lãnh đạo” và xóa bỏ quy định “công dân phải ủng hộ ĐCSTQ” trong chính văn của bản Hiến Pháp năm 1978, đồng thời cũng xóa bỏ tên gọi của các lãnh tụ Marx, Lenin, và Mao Trạch Đông. Bản Hiến Pháp mới tuân theo nguyên tắc “nhân dân trên hết”, không cho phép đặt chính đảng và lãnh tụ lên trên quốc gia và nhân dân.
Một cuốn sách, 16 năm oan ngục. Một cuộc đời chưa từng chấn chỉnh ai, ở tuổi xế chiều lại tiếp tục tìm tòi con đường pháp trị. Tập Trọng Huân từng nói với các Hoa kiều ở hải ngoại: “Các bạn không làm giàu thì yêu nước thế nào đây?”. Ông cũng là người đứng ra chủ trì và khởi xướng việc cải cách đặc khu kinh tế Thâm Quyến.
Điều khiến Tập Trọng Huân lo lắng nhất lúc sinh thời chính là: Trong tương lai, liệu Trung Quốc có trở lại thời Mao Trạch Đông, thậm chí khôi phục Cách mạng Văn hóa hay không? Trong giờ nghỉ tại Đại hội Nhân dân Toàn quốc, Tập Trọng Huân và Bành Chân cùng chuyện trò với nhau. Bành Chân nói: “Chúng ta kiến lập pháp chế chính là muốn có thể ngăn chặn các loại hành vi vi phạm pháp luật. Cách mạng Văn hóa là sai lầm cực kỳ nghiêm trọng, sau này quyết không để tái diễn lại nữa”.
Tập Trọng Huân đáp lại: “Vấn đề là: nếu như sau này lại xuất hiện một cường nhân giống như Mao chủ tịch thì phải làm sao? Ông ta cứ kiên quyết muốn làm, thì phải làm sao? Chúng ta thấy khó, thật là khó!”.
Có người nói: Những đứa trẻ lớn lên từ sữa sói, sao có thể trông chờ trở thành bậc ôn nhu? Dưới sự thống trị của ĐCSTQ, lớp lớp thế hệ người Trung Quốc sau này liệu có thêm một “Mao Trạch Đông” nữa hay không? Câu hỏi ấy xin nhường lại thời gian…
Và như lời thơ đầy chua chát của tác giả Thịnh Tuyết, có lẽ mỗi chúng ta đều tìm được câu trả lời cho riêng mình.
“Ai bảo bạn sinh ra tại Trung Quốc?
Trong thế giới ấy chỉ có sài lang và cừu non
Vứt bỏ tất cả tôn nghiêm của tự do luân lý
Không làm sài lang thì chỉ có thể làm cừu…”
Minh Hạnh
Theo Giang Phong – Sound of Hope