Nhạc sĩ Quốc Dũng: Bỏ lại những chuyến tàu
Ông đã chọn cuộc sống khác, lùi xa sân khấu và những ánh đèn. Ông coi mình đã thuộc về ngày xưa, thuộc về ký ức. Con tàu đã rời ga và ông đã dừng lại, chầm chậm ở một sân ga nào đó. Vinh quang, hạnh phúc hay cay đắng, đã đủ cho một cuộc đời.
1. Nhạc sĩ Quốc Dũng lặng lẽ xuất hiện trong đêm nhạc “Đường xưa” của vợ – danh ca Bảo Yến ở Hà Nội. Ông vẫn thế, trầm lặng, ít nói. Ngay cả khi đứng trên sân khấu Nhà hát Lớn, cạnh vợ và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vừa bay từ Sài Gòn ra để ngồi dưới hàng ghế khán giả, nghe trọn đêm nhạc của ông, nhạc sĩ Quốc Dũng cũng rất kiệm lời. Một đêm nhạc tôn vinh nhạc sĩ Quốc Dũng và nhạc sĩ Kim Tuấn ở Hà Nội, đó là tâm huyết của ca sĩ Ngọc Châm trong chuỗi chương trình Vàng son một thuở của chị. Những bài hát của kỷ niệm, buồn vui.
Khán phòng Nhà hát Lớn hôm đó, rất nhiều mái đầu bạc. Họ đến để nghe Bảo Yến. Họ đến để nghe những bản tình ca của ký ức: Đường xưa, Em đã thấy mùa xuân chưa, Mai… Còn Quốc Dũng, ông bất ngờ vì khán giả nhớ và thuộc nhiều bài hát của ông đến vậy. Ông đứng lặng lẽ, cầm chặt tay người bạn của mình.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chia sẻ: “Tôi rất trân trọng nhạc sĩ Quốc Dũng. Tôi và Quốc Dũng có nhiều điểm giống nhau, đều có 2 con trai, các con đều học đàn. Tôi hơn Quốc Dũng một giáp, vợ tôi cũng hơn Bảo Yến một giáp. Tôi gặp Quốc Dũng năm Dũng 18 tuổi, khi đó tôi rất thích bài Mai và đi tìm người sáng tác, không ngờ mình gặp một cậu bé. Quốc Dũng là nhạc công đầu tiên của Việt Nam làm được điều mà không ai làm được, mày mò đàn hát, vừa hòa âm để làm thành một cuốn băng. Với tôi Quốc Dũng là người em, đồng thời cũng là một người bạn”.
Còn nhạc sĩ Quốc Dũng, ông nhớ gì những ngày xưa. Ông nói, ông đã thuộc về ký ức. Lâu rồi ông không sáng tác. Sức khỏe ông tệ dần sau những tai họa liên tục, tai nạn giao thông, rồi tai biến. Ký ức cũng nhớ – quên. Nhưng ông luôn coi mình là người may mắn, đã được sống và dấn thân trọn vẹn cho âm nhạc. Và may mắn, ông được công chúng đón nhận.
Quốc Dũng nói, có nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ tài hoa hơn ông, nhưng họ không nổi tiếng. Âu cũng là số mệnh đã ban cho ông một ngôi sao nổi tiếng. 11 tuổi bắt đầu viết những bản nhạc không lời đầu tiên ở trường nhạc Quốc gia Sài Gòn. Và 17 tuổi, nổi tiếng bắt đầu từ sáng tác đầu tay Em đã thấy mùa xuân chưa.
Cuộc đời ông, dành trọn vẹn cho âm nhạc, những bản tình cả buồn vui theo biến động của đời sống. Ông không quá bận tâm đến bài nào nổi tiếng. Ông viết từ nhu cầu nội tâm của chính mình. Tôi hỏi ông rằng, ông có biết những bài hát nào của mình nổi tiếng hay không. Ông cười hiền, lắc đầu. Nhưng những bài hát của ông đều được đón nhận và tìm được sự đồng cảm của nhiều người. 40 năm rồi, những câu hát cũ khi cất lên vẫn khiến ai đó rưng rưng xúc động. Những câu hát không chỉ thuộc về một thời.
“Một vùng mây trắng, bay đi tìm nhau. Chẳng còn thấy đâu, mắt em hoen sầu. Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi. Giọt sương vẫn rơi, rừng còn ngây dại mơ bóng hình ai. Trời mưa giăng lối, áo em lệ rơi. Nhạt nhòa nét môi đã say quên lời. Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi. Ngày xuân vẫn trôi, tình mình vẫn hoài thương nhớ đầy vơi”. (Em đã thấy mùa xuân chưa). Có lẽ không ai nghĩ rằng, những câu hát day dứt đó được viết khi Quốc Dũng mới chỉ 17 tuổi.
Vào những năm đầu thập niên 1970, khi phong trào nhạc trẻ phổ biến ở miền Nam Việt Nam, Quốc Dũng cùng Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà là những nhạc sĩ đầu tiên Việt hóa nhạc trẻ, bắt đầu soạn các ca khúc nhạc trẻ bằng tiếng Việt. Một thời, cặp song ca Quốc Dũng – Thanh Mai đã làm mưa làm gió ở các phòng trà Sài Gòn. Quốc Dũng sáng tác, chơi đàn, Thanh Mai hát. Một thời đam mê của tuổi trẻ, ưa xê dịch. Ông trở thành một biểu tượng của nhạc trẻ thời đó với sự biến tấu đa dạng, sáng tác, biểu diễn, sử dụng nhiều nhạc cụ như mandolin, guitar, piano, trống, bass, keyboard, organ…
Nhưng lúc đó Quốc Dũng luôn nghĩ mình sẽ làm nhạc để chơi. Như một cuộc chơi mà thôi. Thế rồi âm nhạc cuốn ông đi. Khi thị hiếu của giới trẻ hướng vào nhạc phương Tây, thì Quốc Dũng chọn một khuynh hướng sáng tác khác, ông viết những bản nhạc trẻ, những tình ca buồn bằng tiếng Việt. Ông luôn tìm cho mình một lối đi riêng, không ồn ào theo đám đông, theo xu hướng. Vì thế, âm nhạc của Quốc Dũng còn lại mãi trong trái tim người nghe, bởi ông chạm đến nỗi buồn, niềm vui của con người.
2. Có một khoảng lặng trong sáng tác của ông, đó là khoảng thời gian từ năm 1975 đến 1985, sau giải phóng, đất nước, thời cuộc có nhiều thay đổi. Ông cũng không hòa âm cho bất cứ bài hát nào của mình, dù lúc đó ông là nhạc trưởng Nhà hát Hòa Bình- sân khấu lớn nhất Sài Gòn lúc đó. Và cũng 10 năm ấy, Quốc Dũng ngừng viết.
Ông chỉ viết cho riêng mình, viết và cất vào tủ. Đó là khoảng thời gian buồn. Bạn bè, người ở lại, người ra đi. Người anh trai thân thiết của ông mất trong cuộc ra đi tìm một chân trời mới. Trước những biến động của thời cuộc, các sáng tác của Quốc Dũng không được chính thức đón nhận. 10 năm, ông chỉ viết mấy bài, những bài hát buồn, cho riêng mình. Đó là những ngày dài của nỗi khắc khoải, của bất an, của thất vọng….
Có lẽ Quốc Dũng viết nhiều nhất là khoảng thời gian từ sau những năm 1986. Ông nói, dù ông không làm chính trị, không can dự vào thời cuộc, nhưng những sáng tác của ông đều bị ảnh hưởng bởi không khí lịch sử của thời cuộc. Những bài hát ông viết trong thời gian đó đều được một ban nhạc nổi tiếng ở Sài Gòn lúc đó là Short Gun thu và hát. Ông cũng bất ngờ khi âm nhạc của ông được đón nhận một cách nồng nhiệt như vậy. Hàng trăm bài hát ra đời trong quãng thời gian đó và đến bây giờ, sau những ồn ào, náo nhiệt của đời sống, vẫn có những khoảng lặng dành cho âm nhạc Quốc Dũng. Với ông, đó là hạnh phúc.
Gia đình nhạc sĩ Quốc Dũng – Bảo Yến.
Năm 2014, Quốc Dũng đã in một cuốn sách kỷ niệm, gói ghém lại cuộc đời sáng tác 40 năm của mình. Ở đó, ông chọn 100 ca khúc trong số gần 200 ca khúc ông viết đưa vào tuyển tập, như một lời cảm ơn cuộc đời. Đó là một cuốn nhật ký bằng âm nhạc, được viết lên bằng nỗi buồn vui nhân thế.
3. Cuộc đời người đàn ông tài hoa Quốc Dũng gắn liền với danh ca Bảo Yến. Họ đã đi qua tình yêu, qua những ngày bão tố, những đổ vỡ, mất mát, để về bên nhau, trọn vẹn tình yêu thương và trân trọng. Người đàn bà đã mang nhạc Quốc Dũng gõ cửa từng trái tim. Âm nhạc của Quốc Dũng sẽ thế nào nếu không có Bảo Yến. Nhưng cuộc sống là những vết xước.
Trái tim người nghệ sĩ đa tình Quốc Dũng không thể trú ngụ và bao bọc mãi trong chiếc lồng tình yêu. Ông tôn trọng tối đa tự do cá nhân. Với ông, sự tự do đó là tận cùng của mọi sáng tạo. Nhưng sự tự do đó đã làm tổn thương người vợ của ông. Trong cuộc trò chuyện với tôi, Quốc Dũng luôn dành cho Bảo Yến một tình yêu lớn, sự bao dung và che chở, dù họ đã trải qua không ít những tháng ngày buồn.
Cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ, Quốc Dũng gặp Bảo Yến trong những ngày lang thang cô độc. Ngày đó Bảo Yến 24 tuổi, người con gái Huế mộng mơ, xinh đẹp. Cuộc tình sét đánh bắt đầu cho một mối tình tri kỷ trong âm nhạc của đời ông. Họ cưới nhau chỉ sau một thời gian ngắn. Ngày đó nghèo lắm, đám cưới chỉ dám mời 20 người bạn thân, làm mâm cỗ tại nhà vì không có tiền thuê nhà hàng. Rồi những đồ đạc trong nhà, kể cả những tấm kính cửa sổ khi cần cũng phải tháo ra bán để sống. Gia tài chỉ có một chiếc xe đạp. Ngày đó, Dũng từng viết cho Bảo Yến rằng: Tết nay anh không thèm đốt pháo, vì tiếng cười em rộn rã lòng anh rồi. Bảo Yến hát còn Quốc Dũng viết. Đó là những ngày hạnh phúc, bình yên.
Còn nhớ, đó là những năm 1986, Bảo Yến bắt đầu được chú ý khi chị hát Hương thầm. Quốc Dũng làm tặng chị một đĩa nhạc Bolero gồm 10 bài hát, nghĩ là làm chơi, không ngờ lại nổi tiếng. Những quán cà phê, phòng trà Sài Gòn lúc đó, đi đâu cũng nghe giọng Bảo Yến. Đó là những năm 1987-1988. Bảo Yến cũng là người hát dòng nhạc Bolero đầu tiên ở Việt Nam. Những thành công rực rỡ của chị luôn có một người đàn ông thầm lặng đứng phía sau, viết, hòa âm, phối khí.
Nhưng tâm hồn người nghệ sĩ vốn đa cảm và mong manh. Trái tim luôn tôn thờ cái đẹp của Quốc Dũng dễ rung cảm trước sự tinh khôi, nguyên khiết của tuổi trẻ. Những người phụ nữ đến và ở đâu đó, hình bóng họ còn lại trong những bản nhạc của ông. “Tôi không muốn làm tổn thương bất cứ ai, vì thế, thật khó khăn khi nói lời từ chối với các người đẹp”. Nhưng ông đã làm tổn thương người phụ nữ của đời mình. Bảo Yến từng đau đớn nói về những ngày tháng đó, về sự đa tình của Quốc Dũng. Với một người phụ nữ cam chịu, họ có thể chấp nhận.
Còn Bảo Yến thì không. Chị luôn muốn nắm giữ và sở hữu trái tim Quốc Dũng. Điều đó khiến chị đau khổ, bởi làm sao có thể níu giữ tâm hồn một kẻ phong tình như Quốc Dũng. Những sóng gió, thị phi, những đổ vỡ trong tình yêu đã đưa Bảo Yến đến với cõi Phật. Còn Quốc Dũng, sau những năm tháng lang bạt của tuổi trẻ, ông lại trở về bên gia đình. Ông luôn nhận về mình mọi lỗi lầm và không bao giờ so đếm thiệt hơn. Ngay cả những khi giàu có, thì phương tiện dịch chuyển của ông vẫn chỉ là chiếc xe máy cũ. Giản dị và trầm lặng.
Giờ thì họ đã về bên nhau trong một không gian của âm nhạc, của tình yêu. Quốc Dũng nói, cuộc đời còn là những ân tình, đời ông may mắn vì có Bảo Yến. Trong tình yêu đó còn có cả sự mang ơn. Còn âm nhạc ư, đời ông đã khép lại rồi, đam mê đã khép lại rồi. Chỉ có những bản tình ca của ông vẫn vang lên trong đời sống náo động ngoài kia.