Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Thanh Sơn – Người viết nhạc cho tuổi học trò và vùng quê Nam Bộ

Nhạc sĩ Thanh Sơn là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng và nhạc quê hương miền Nam.

Chủ đề chính trong tác phẩm của Thanh Sơn có thể chia thành 2 mảng lớn, đó là nhạc về tình yêu, về tuổi học trò, với những ca khúc nổi tiếng: Nỗi Buồn Hoa Phượng, Lưu Bút Ngày Xanh, Hạ Buồn, Ba Tháng Tạ Từ… nhạc về quê hương Nam Bộ: Hành Trình Trên Đất Phù Sa, Hình Bóng Quê Nhà, Hương Tóc Mạ Non, Gợi Nhớ Quê Hương…

Ngoài ra Thanh Sơn cũng sáng tác nhiều bài nhạc lính nổi tiếng: Đọc Tin Trên Báo, Mười Năm Tái Ngộ, Hai Người Lính Tâm Sự, Những Vùng Đất Mang Tên Anh (Thăm Những Vùng Địa Sử)…

Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, sinh năm 1938 tại tỉnh Sóc Trăng, ông là người con thứ 10 trong gia đình có 12 anh chị em. Trước năm 1954, vì cha của Thanh Sơn tham gia chống Pháp nên bị chính quyền Pháp theo dõi, dẫn đến gia đình bị ly tán. Cha phải xuống tận Cà Mau để trốn tránh, còn mẹ ông thì bươn chải ở Sài Gòn để đi làm thuê.

Thanh Sơn mê nhạc từ nhỏ, cộng với hoàn cảnh gia đình nên ông bỏ bê việc học hành, chỉ theo học được đến lớp Đệ Tứ. Năm 19 tuổi, ông bỏ nhà lên Sài Gòn để tìm theo con đường ca hát, nuôi dưỡng niềm đam mê. Tại đây ông sống cùng mẹ và đi làm công rất vất vả để mưu sinh.

Sau khi lên Sài Gòn được 2 năm, cậu thanh niên tên Lê Văn Thiện ghi danh tham gia chương trình tuyển lựa ca sĩ do đài phát thanh Sài Gòn tổ chức năm 1959. Với nghệ danh là Thanh Sơn, ông đạt giải nhất với ca khúc Chiều Tàn của nhạc sĩ Lam Phương, xếp trên những thí sinh cùng tham gia năm đó là ca sĩ Phương Dung, Chế Linh, Nhật Thiên Lan. Sau này cả 3 ca sĩ kia đều nổi danh, trở thành những huyền thoại của dòng nhạc vàng, còn Thanh Sơn lại chuyển hướng sang lĩnh vực sáng tác.

Nhờ được giải cao năm đó nên tên tuổi của Thanh Sơn dần được biết đến qua những chương trình phát thanh đài Sài Gòn, ông cũng được nhận vào đoàn Văn Nghệ Việt Nam của nhạc sĩ Hoàng Thị Thơ hát tại vũ trường Maxim’s và lưu diễn tại nhiều nước Châu Á.

Nhạc sĩ Thanh Sơn ngồi ở thứ 3 từ trái sang, trong đoàn văn nghệ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Thời gian này, Thanh Sơn được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chỉ dẫn để bắt sáng tác ca khúc, đặc biệt là Thanh Sơn lĩnh ngộ được nhiều kiến thức mà Hoàng Thi Thơ đã viết trong cuốn sách Để Sáng Tác Một Ca Khúc Phổ Thông. Có thể nói Hoàng Thi Thơ chính là người thầy đầu tiên của Thanh Sơn trong những năm đầu bước vào lĩnh vực sáng tác.

Click để nghe Trúc Mai hát Lưu Bút Ngày Xanh (Thanh Sơn)

Ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Thanh Sơn là Tình Học Sinh vào năm 1960, tiếp theo đó là ca khúc Lưu Bút Ngày Xanh rất thành công và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng qua tiếng hát Trúc Mai. Từ sự thành công đó, ông cho ra đời thêm hàng loạt nhạc phẩm khác, đáng chú ý là bài Mùa Hoa Anh Đào, sáng tác năm 1962. Bài hát này được ông viết tặng người vợ của ông, là người có khuôn mặt hao hao một thiếu nữ Nhật Bản. Bên dưới đây là hình ảnh vợ chồng nhạc sĩ Thanh Sơn lúc trẻ và lúc tuổi đã xế chiều.

Đến năm 1963, nhạc sĩ Thanh Sơn bỏ hẳn ca hát để chuyên tâm sáng tác. Cùng trong năm này, ông cho ra mắt ca khúc nổi tiếng và ăn khách nhất trong sự nghiệp của mình là Nỗi Buồn Hoa Phượng, khi nhớ lại mối tình đầu thuở còn cắp sách đến trường ở quê nhà Sóc Trăng. Lúc đó ông có quen một nữ sinh cùng lớp tên là Nguyễn Thị Hoa Phượng, nhưng sau đó 2 người phải xa nhau vì gia đình cô chuyển lên Sài Gòn. Trong buổi từ biệt, chàng thư sinh 15 tuổi bâng khuâng nói rằng chia tay rồi không biết làm sao có thể được gặp lại. Cô gái tên là Hoa Phượng đáp lại: Cứ mỗi năm hè đến, nhìn hoa phượng thắm sẽ giống như là được gặp lại nhau. Đó vào năm 1953, tròn 10 năm sau, nhạc sĩ Thanh Sơn nhớ lại lời nói năm xưa và sáng tác thành ca khúc Nỗi Buồn Hoa Phượng:

Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn,
Cảm thông được nỗi vắng xa người thương.
Màu hoa phượng thắm như máu con tim,
Mỗi lần hè thêm kỷ niệm,
Người xưa biết đâu mà tìm…

Click để nghe Thanh Tuyền hát Nỗi Buồn Hoa Phượng

Những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp của nhạc sĩ Thanh Sơn đều viết về mối tình khắc khoải thời học sinh đó: Tình Học Sinh, Lưu Bút Ngày Xanh, Nhật Ký Đời Tôi, Nỗi Buồn Hoa Phượng, Hạ Buồn… Ấn tượng đầu tiên mà nhạc của Thanh Sơn để lại trong lòng công chúng yêu nhạc vàng có lẽ là các ca khúc viết học trò và hoa phượng. Đó là những hình ảnh tà áo nữ sinh, những chia tay buổi tan trường, những dòng lưu bút đậm màu mực tím…

Tiếp sau đó, từ năm 1973, ông tiến xa hơn với một chủ đề âm nhạc rộng lớn hơn, đó là những ca khúc viết về quê hương, là những hình ảnh đồng ruộng, xóm làng Miền Nam trù phú. Tiêu biểu nhất là 2 ca khúc Ngợi Ca Quê Hương Em và Hành Trình Trên Quê Hương được sáng tác từ trước năm 1975. Ít người biết rằng sau năm 1975, 2 ca khúc này được ông sửa lại một số câu, đổi tên khác, Bài Ngợi Ca Quê Hương đổi tên thành Hồn Quê, còn Hành Trình Trên Quê Hương đổi tên thành Hành Trình Trên Đất Phù Sa. Mời các bạn nghe 2 phiên bản trước 75 của 2 ca khúc này ở bên dưới.

Click để nghe Thanh Tuyền và Bùi Thiện hát Bài Ngợi Ca Quê Hương

Click để nghe Sơn Ca hát Hành Trình Trên Quê Hương

Mảng nhạc quê hương được nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác rất mạnh mẽ, đặc biệt từ sau năm 1975 với hàng loạt ca khúc được công chúng yêu thích: Hoài Cổ, Áo Mới Cà Mau, Áo Trắng Gò Công, Hương Tóc Mạ Non, Hình Bóng Quê Nhà, Gợi Nhớ Quê Hương…

Những ca khúc quê hương của nhạc sĩ Thanh Sơn hiện lên hình ảnh lối đi dưới hàng dừa trên bờ kênh, cây cầu khỉ bắc ngang kênh rạch, hoặc bến phà đưa dân lành qua sông lớn, gợi lại nét yêu kiều đằm thắm của câu vọng cổ mênh mang trên sông nước.

Với 2 đề tài chính trong sáng tác là tuổi học trò và nhạc quê hương, có thể nói những ca khúc của Thanh Sơn như là những chuyến xe đưa chúng ta về thăm lại quê hương trong trí nhớ, từ ngôi trường thời ấu thơ, mở rộng ra chân trời bát ngát những ruộng lúa của Miền Nam.

Năm 1965, khi đã 27 tuổi, Thanh Sơn vào quân ngũ và phục vụ trong binh chủng Quân Vận thuộc Tổng Cục Tiếp Vận, rồi được biệt phái về Tổng Tham Mưu và vẫn tiếp tục sáng tác. Trong thời gian trong quân ngũ, ông đã viết được một số ca khúc nhạc lính nổi tiếng: Mười Năm Tái Ngộ, Thăm Những Vùng Địa Sử…

Nhạc sĩ Thanh Sơn, từ một thanh niên ở vùng quê nghèo Sóc Trăng lên Sài Gòn làm thuê, rồi ghi danh thi hát, đạt giải quán quân và trở thành 1 ca sĩ, sau cùng lại trở thành nhạc sĩ nổi tiếng. Đó là một hành trình trải qua nhiều biến cố nhưng chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn.

Thanh Sơn cho biết thật sự việc chuyển hướng sang lĩnh vực sáng tác là một sự bất ngờ, vì khi đặt chân lên đất Sài Gòn, ông chỉ muốn theo nghiệp ca hát. Nhưng sau đó ông thổ lộ: “Tui khoái làm nhạc sĩ hơn. Bởi vì mình là nhạc sĩ mình có tâm sự gì thì viết ra thành lời được. Ca sĩ thì chỉ diễn đạt bài của người ta làm sẵn thôi“.

Ngoài những ca khúc viết về quê hương vùng Tây Nam Bộ, nhạc sĩ Thanh Sơn còn viết về miền Trung với ca khúc Thương Về Cố Đô, viết về Đà Lạt với ca khúc Những Ngày Trên Đà Lạt, đặc biệt ông còn là tác giả của nhiều ca khúc nhạc xuân nổi tiếng cho đến ngày nay: Đoản Xuân Ca, Ngày Xuân Tái Ngộ, Chúc Xuân…

Sau năm 1975, Thanh Sơn chọn ở lại trong nước, trải qua những ngày đầu tiên gian khổ khi thời cuộc thay đổi. Để mưu sinh, ông đã phải lặn lội đi bán chợ trời và đi bán dầu khuynh diệp cùng với nghệ sĩ Hồng Vân. Trải qua 15 năm sau đó, vào đầu thập niên 1990, khi thị trường âm nhạc trong nước trở nên tương đối cởi mở, nhạc sĩ Thanh Sơn mới bắt đầu viết nhạc trở lại với một sức sáng tác mạnh mẽ hiếm thấy, với hầu hết là các ca khúc viết về quê hương trong thời gian này, tiêu biểu là Bạc Liệu Hoài Cổ, Hình Bóng Quê Nhà, Hương Tóc Mạ Non, Gợi Nhớ Quê Hương, Áo Mới Cà Mau…

Tuy là một nhạc sĩ danh tiếng với nhiều nhạc phẩm nổi tiếng cả trước và sau năm 1975, nhưng cuộc sống của ông ít khi nào được khá giả, gần như cả đời ông sống với sự giản dị. Trước khi qua đời vào năm 2012, ông sống cùng người vợ đã găn bó từ thuở hàn vi trong căn nhà nhỏ ở con hẻm đường Đinh Tiên Hoàng từ năm 1960.

Năm 2011, khi đang cùng trung tâm Thúy Nga thực hiện cuộc Paris By Night số 103, ông bị tai biến, rồi qua đời vào ngày 4 tháng 4 năm 2012.

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

Rate this post