Nhạc sỹ Thanh Sơn qua đời vì bạo bệnh – BBC News Tiếng Việt
Nhạc sỹ Thanh Sơn qua đời vì bạo bệnh
5 tháng 4 2012
Nguồn hình ảnh, internet
Chụp lại hình ảnh,
Nhiều nghệ sỹ nhận xét Thanh Sơn là người hiền lành, mộc mạc, chân thành
Thanh Sơn, một nhạc sỹ nổi tiếng của dòng nhạc boléro trước năm 1975 đã qua đời vào hôm thứ Tư ngày 4/4 tại thành phố Hồ Chí Minh do bạo bệnh ở tuổi 74.
Ông là tác giả của nhiều ca khúc bất hủ được nhiều thế hệ khán thính giả Việt Nam yêu thích và thuộc nằm lòng, trong đó nổi tiếng nhất là tác phẩm ‘Nỗi buồn hoa phượng’.
Ông bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người nằm một chỗ hơn một năm qua.
Đam mê văn nghệ
Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện. Ông sinh năm 1938 tại tỉnh Sóc Trăng trong một gia đình có đến 12 anh chị em.
Theo lời tâm sự của ông với báo chí trong nước thì từ nhỏ ông đã đam mê văn học nghệ thuật.
Ông có thời gian lên Sài Gòn học nhạc với nhạc sỹ Lê Thương năm ông 17 tuổi. Sau đó ông tham gia cuộc tuyển lựa ca sỹ của Đài phát thanh Sài Gòn và đạt giải nhất.
Khi đó ca sỹ Thanh Sơn đã tham gia vào nhóm hát Tiếng tơ đồng của nhạc sỹ Hoàng Trọng. Khoảng thời gian này, ông đã tiếp xúc với nhiều nhạc sỹ nổi tiếng đương thời và học hỏi các kinh nghiệm sáng tác.
Tác phẩm đầu tiên của ông là ‘Tình học sinh’ được viết vào năm 1962 nhưng không tạo được tiếng vang. Đến năm 1963, ông cho ra đời ‘Nỗi buồn hoa phượng’. Nhạc phẩm này với tiếng hát của ca sỹ Thanh Tuyền đã ngay lập tức thành công vang dội và được khán giả hết sức đón nhận.
Cũng trong năm này, ông chuyển hẳn hoàn toàn sang viết nhạc và bỏ hẳn nghề ca sỹ.
Ông đặc biệt yêu thích chủ đề mùa hè – mùa chia tay của học sinh. Các nhạc phẩm về chủ đề này chiếm một phần quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Có thể nói Thanh Sơn là nhạc sỹ Việt Nam viết về mùa hè thành công nhất từ trước đến nay.
Ngoài Nỗi buồn hoa phượng, ông còn viết Lưu bút ngày xanh, Ba tháng tạ từ, Hạ buồn, Phượng buồn, Màu áo hoa phượng, Ve sầu mùa phượng…
Bên cạnh đó, ông còn có những nhạc phẩm trữ tình rất nổi tiếng như Trả lại thời gian, Nhật ký đời tôi, Đoản xuân ca, Mùa hoa anh đào…
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, những nhạc phẩm của Thanh Sơn bắt đầu thấm đẫm những tình cảm đối với quê hương, nhất là với miệt miền Tây sông nước vốn là nguyên quán của ông.
Các tác phẩm Hình bóng quê nhà, Hương tóc mạ non, Hành trình trên đất phù sa, Bạc Liêu hoài cổ, Yêu dấu Hà Tiên, Áo mới Cà Mau có những hình ảnh dòng sông, bến nước, con đò, cầu tre, đồng lúa và mang âm hưởng nhạc ngũ cung của sân khấu cải lương mà Thanh Sơn thừa nhận là ông bị ảnh hưởng.
Cuộc đời sáng tác liên tục của ông đã để lại cho đời hơn 500 bài hát. Các ca khúc của ông không chỉ được các ca sỹ hàng đầu của miền Nam trước đây thể hiện mà còn được các ca sỹ trong nước hiện nay chọn để trình diễn.
Giai điệu trong các ca khúc của ông đều rất trữ tình và mang một nỗi buồn man mác trong khi ca từ đẹp, mượt mà, dịu dàng, thấm đẫm tình cảm và đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng.
Nghệ sỹ đau buồn
Nguồn hình ảnh, internet
Chụp lại hình ảnh,
Thanh Sơn đã để lại cho đời hơn 500 ca khúc
Từ thành phố Hồ Chí Minh, con trai thứ bảy của nhạc sỹ Thanh Sơn là ông Lê Duy Long cho BBC biết trong ngày tang lễ đầu tiên đã có rất nhiều khán giả hâm mộ đến chia buồn mà gia đình cũng không biết họ là ai.
Ông Long cho biết do nhạc sỹ Thanh Sơn đã bị liệt một chỗ nên thần kinh cũng hao tổn hơn một năm qua do đó ông cũng không có dự án hoặc nhạc phẩm nào đang còn dang dở.
Ông cho biết là cha ông tâm đắc nhất bài hát Nỗi buồn hoa phượng vì ông đã từng trả lời phỏng vấn báo chí là ông có yêu một nữ sinh tên Phượng thời ông còn là học sinh.
Thanh Sơn cũng không muốn các con theo nghiệp của ông, ông Long cho biết.
Từ Hoa Kỳ, ca sỹ Chế Linh, một người bạn thân của nhạc sỹ Thanh Sơn, cho biết ông ‘hết sức đau lòng’ khi nghe tin Thanh Sơn ‘bỏ cuộc’.
“Trong làng nghệ sỹ không chỉ riêng tôi mà tất cả anh chị em đều đau buồn trước sự mất mát này,” ông nói và cho biết ông đang viết bài chia buồn gửi đến kênh truyền hình SBTN của người Việt ở Mỹ.
Chế Linh cho biết 4 năm trước khi hãng đĩa Thúy Nga Paris làm chương trình vinh danh Thanh Sơn tại Mỹ thì lúc ấy mặc dù ông ‘đã yếu rồi’ nhưng vẫn cố gắng ra hải ngoại để tham dự chương trình.
“Thanh Sơn viết theo dạng dễ hiểu, gần gũi với bối cảnh cuộc sống của con người, không bóng bẩy, không trừu tượng,” ông giải thích lý do các ca khúc của Thanh Sơn dễ đi vào lòng người.