Vũ Duy Khánh: “Bị khán giả ném vỡ đầu, tôi từng định bỏ nghề ca sĩ”
“Hơn 10 năm đi hát, tôi đã trải qua nhiều cay đắng”
Vũ Duy Khánh sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bố Khánh là nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Những đêm theo xem bố diễn ở Rạp Chuông Vàng hay ở sân khấu Nhà hát Lớn (Hà Nội) đã nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật ở Vũ Duy Khánh từ khi anh mới học lớp 3. Tuy nhiên, bố Khánh cương quyết không cho con trai theo cải lương, theo nghệ thuật vì thu nhập ít ỏi mà lại vất vả.
Năm 12 tuổi, biến cố xảy đến với gia đình Khánh khi bố anh bị phát hiện tiểu đường giai đoạn cuối, phải về hưu non, thậm chí là phải cắt bỏ đôi chân. Đó cũng là lúc, Vũ Duy khánh phải tự bươn chải, cáng đáng gia đình. Anh làm đủ mọi việc, từ phụ xe, buôn bán, sửa điện thoại… để duy trì cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Vũ Duy Khánh.
Đến năm học cấp 3, Khánh mới chợt nhớ ra mình có khả năng ca hát. “Lúc đó, tôi đi xin hát ở khắp các quán bar, quán karaoke, quán bia… Người ta bắt tôi trông xe, chỉ cho tôi hát khi quán đã sắp đóng cửa, thậm chí còn đuổi tôi, chê tôi không có tố chất ca sĩ. Tôi có tham gia vài cuộc thi hát nhưng đều bị loại. May mắn tôi gặp được cô Mai Xuân Hương, người từng dạy thanh nhạc cho anh Cao Thái Sơn, chị Phạm Quỳnh Anh… Cô dạy tôi miễn phí, giúp tôi cải thiện giọng hát, nhờ đó thi đỗ vào trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội”.
Thế nhưng, học đến năm thứ 2 thì Vũ Duy Khánh bỏ họcđể… kiếm tiền vì bệnh tình của bố anh trở nặng hơn. Anh bắt đầu đi hát ở các sân khấu nhỏ, các hội chợ, vũ trường. Từ mức lương chỉ 120.000 đồng, 200.000-300.000 đồng rồi đến vài ba triệu, Vũ Duy Khánh trở thành gương mặt “đắt show”. 30 ngày anh diễn đến 50 buổi, thậm chí có những buổi phải chạy 3-4 show. Người trong giới gọi anh là “hoàng tử hội chợ” vì không thiếu mặt trong bất kỳ show diễn nào ở các hội chợ vùng ven hay tỉnh lẻ.
Khánh chia sẻ: “Tôi đắt show không phải vì nổi tiếng mà vì giá cát-xê rất thấp. Không có người nghệ sĩ nào lại muốn là người đi hát lót, hát hội chợ cả nhưng khi không có tiền thì buộc phải xả thân. Nếu không có những ngày tháng ấy thì không thể có Vũ Duy Khánh của ngày hôm nay”.
Hơn 10 năm bươn chải với nghề, Khánh cũng trải qua nhiều kỷ niệm cay đắng. Có lần đi diễn, anh bị khán giả ném đá, phải khâu 7-8 mũi trên đầu, bị đập xe, bị mỉa mai, chửi rủa…Nhưng chưa một lần, Vũ Duy Khánh nghĩ đến chuyện bỏ nghề.
“Đối với tôi, âm nhạc không có sự sang trọng hay nghèo hèn gì cả. Âm nhạc là cảm xúc, là nỗi lòng của người nghệ sĩ mang đến cho người nghe. Thậm chí là ngồi ở quán cóc, mang một chiếc đàn guitar, hát có cảm xúc còn hay hơn là hát ở một nhà hát sang trọng. Có lẽ chính vì cảm xúc đó trong âm nhạc của tôi mà trong hơn 10 năm làm nghề, tôi cũng có được 4-5 ca khúc hit và được khán giả đón nhận nhiệt tình”.
Liveshow của tuổi 30 – trưởng thành và chín chắn hơn
Sắp tới, Vũ Duy Khánh sẽ làm liveshow “Khánh 30” để kỷ niệm 10 năm làm nghề tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) vào tối 1/10 tới. Lý giải về cái tên liveshow, Khánh cho biết: “Tôi nghĩ, 30 là cái mốc quan trọng trong cuộc đời một con người. Đó là lúc mà tôi bảo mình phải sống khác, phải có trách nhiệm và trưởng thành hơn. Tôi giờ đã là bố của một đứa trẻ 3 tuổi, không thể nông nổi được nữa. Tôi cũng muốn mình chững chạc hơn trong âm nhạc. Đây là thời điểm để tôi khẳng định được bản thân”.
Khánh tâm sự, liveshow lần này là để anh tự thỏa mãn đam mê; để chứng minh rằng, anh cũng là ca sĩ được học hành, có chuyên môn tốt chứ không chỉ chuyên đi hát lót, hát nhạc thị trường.
“Trong nhiều năm đi hát, tôi luôn bị đánh giá là một ca sĩ ăn may dù tôi cũng có 4-5 bài hát hit trong sự nghiệp của mình. Tôi muốn khẳng định cho những ai còn nghi ngờ khả năng của tôi, của Vũ Duy Khánh với hơn 10 năm lăn lộn trong nghề rằng: tôi là một ca sĩ biết hát. Sân khấu Nhà hát Lớn sẽ là nơi để tôi bộc lộ hết những gì mình có, từ bolero, nhạc vàng, nhạc trẻ, trữ tình và thậm chí là… cải lương”.
Vũ Duy Khánh và người anh thân thiết – ca sĩ Tuấn Hưng.
Việc được tổ chức liveshow ở Nhà hát Lớn (Hà Nội) cũng khiến Vũ Duy Khánh tự hào. Không có nhiều ca sĩ trẻ theo dòng nhạc thị trường như Khánh có thể làm liveshow ở thánh đường nghệ thuật. Cũng bởi, Nhà hát Lớn là niềm mơ ước, là nơi đã chắp cánh cho ước mơ về âm nhạc trong Khánh được bùng cháy, nên dù biết sẽ lỗ cả tỷ đồng nhưng Khánh vẫn quyết tâm làm.
Năm 2011, Vũ Duy Khánh từng tổ chức liveshow cá nhân ở Trung tâm Triển lãm Giảng Võ nhưng chương trình không thành công. Lần này, “Khánh 30” được anh ấp ủ hơn một năm trời. Tất cả khách mời tham dự chương trình đều giúp đỡ Vũ Duy Khánh trên tinh thần ủng hộ. Đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc của chương trình là ca/nhạc sĩ Tú Dưa.
Liveshow sẽ được xây dựng dưới hình thức… không chiêu trò, không màu mè mà chỉ tập trung vào giọng hát con người của Vũ Duy Khánh. Các khách mời cũng là nhân tố thú vị. Trong đó, Tuấn Hưng là người mà Khánh mang ơn suốt cuộc đời. Dương Hoàng Yến là người em thân thiết hơn 10 năm. Đạt G là một nhân tố bí ẩn. Vũ Duy Khánh tự tin khẳng định, bài hát sẽ được anh và Đạt G trình diễn trong liveshow sẽ trở thành hit.
Lê Trinh.
Lê Trinh là nhân vật mà nhiều người đặt câu hỏi, tại sao cô ấy lại xuất hiện bởi vì Vũ Duy Khánh không có sự liên kết nào với Lê Trinh cả. Thế nhưng đây là người Khánh đánh giá cao về cả giọng hát lẫn ngoại hình: “Hiếm có ca sỹ borelo nào có vẻ đẹp như Trinh, bản thân tôi thấy Lê Trinh là người hát borelo rất tốt. Khi mời Trinh vào show này thì tôi đã phải xem rất nhiều tư liệu về Trinh. Phần diễn với Lê Trinh sẽ gây bất ngờ vì chưa ai thấy Vũ Duy Khánh hát borelo bao giờ”./.