Nhà báo Anh Tuấn: Vượt lên cám dỗ để làm nghề

Moitruong.net.vn
– Mọi câu hỏi đều có câu trả lời, thắc mắc nào cũng có lời giải đáp, câu chuyện nào cũng có hồi kết và sự thật nào rồi cũng được đưa ra ánh sáng dù sớm hay muộn. Sự minh bạch, lẽ phải chính là động lực để người làm báo điều tra muốn khám phá đến cùng mọi sự vật, hiện tượng. Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Anh Tuấn của Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài THVN – VTV Digital để nghe anh chia sẻ nhiều hơn về công việc của những nhà báo tâm huyết trên hành trình đi tìm công lý cho xã hội.

Phóng sự điều tra không hề khô khan, khó đọc. Trái lại, đó là những tác phẩm báo chí mang giá trị nhân văn sâu sắc, lay động hàng triệu trái tim. Bởi phía sau mỗi câu chuyện, mỗi sự việc, từng đề tài, những hình ảnh chân thực, lớp thông tin quý giá là công sức, tâm tư mà phóng viên, nhà báo gửi vào trong đó.

Sự thật là động lực đi đến tận cùng vụ việc

6 năm gắn bó với công việc truyền hình là khoảng thời gian không quá dài nhưng bằng ấy thời gian, khán giả xem truyền hình và đồng nghiệp biết đến Nguyễn Anh Tuấn, một phóng viên trẻ chuyên mảng phóng sự điều tra của Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số VTV Digital đã ghi tên mình qua nhiều vệt phóng sự gây tiếng vang lớn như: Thuốc ung thư giả bằng than tre, Cận cảnh mua bán nhộn nhịp tại chợ “ma túy” giữa thủ đô, Hiệu trưởng Đinh Bằng My lạm dụng tình dục nam sinh, Buôn lậu rác thuốc vào Việt Nam: Đông dược hay độc dược?, Góc khuất đằng sau những tai nạn chết người ở các mỏ đá ở Hòa Bình, loạt phóng sự khai thác khoáng sản tại Hà Nam…

Rất nhiều phóng sự điều tra trong lĩnh vực môi trường, xã hội của nhà báo Anh Tuấn đã gây tiếng vang lớn trong công chúng và đồng nghiệp.

Nhà báo Anh Tuấn chia sẻ, Phóng sự điều tra là những tác phẩm báo chí đi sâu vào bản chất của sự việc, mang đến cho công chúng cái nhìn chân thực nhất về cuộc sống, đồng thời phơi bày được những sự thật trần trụi nhất mà tin tức thời sự không có được.

Nhà báo Anh tuấn tâm sự: “Phóng sự Bảo kê xe cứu thương ở viện 103 là đề tài mà tôi dành nhiều tâm huyết nhất, hài lòng nhất và cũng ám ảnh nhất tới thời điểm hiện tại: Với những người bệnh cần đến xe cứu thương nghĩa là ranh giới của sự sống và cái chết mong manh như ngọn đèn trước gió. Vậy mà một băng nhóm đối tượng vẫn tiếp cận, bằng thủ đoạn đe dọa, ép người nhà bệnh nhân phải sử dụng dịch vụ xe cứu thương của chúng gọi đến với giá cao hơn nhiều lần so với mức giá bệnh viện quy định”.

Chứng kiến một bệnh nhân quê ở Nghệ An mắc ung thư giai đoạn cuối đang hấp hối, được bệnh viện trả về, nhóm đối tượng đã tiếp cận người nhà bệnh nhân ngay tại khuôn viên của viện mà tôi cảm thấy vô cùng bức xúc. Đây thực sự là việc làm thất đức, vấn nạn vô cùng nhức nhối cần lên án. Vì vậy mà tôi rất nung nấu muốn đưa sự việc ra ánh sáng. Đến giờ, điều mà tôi và ê-kíp hài lòng chính là cơ quan chức năng đã bắt giữ, xử lý băng nhóm đối tượng này. Đồng thời, đến nay hiện tượng này không còn diễn ra nữa, nhà báo Anh Tuấn kể lại.

Để có được những phóng sự điều tra chất lượng, hình ảnh sắc nét, chân thực nhất xuất hiện trên sóng truyền hình mà khán giả thấy chỉ tính bằng giây hay một vài phút là cả một kế hoạch kỹ lưỡng mà anh cùng ê–kíp phải dày công chuẩn bị. Nhà báo Anh Tuấn chia sẻ: Trước khi thực hiện một đề tài nào đó, mình phải tìm hiểu, cân nhắc thật kỹ xem, nếu phóng sự đó phát trên truyền hình, thông tin được công bố ảnh hưởng hay tác động như thế nào đến xã hội. Đôi khi một vài cá nhân làm ảnh hưởng đến cả cộng đồng thì hành vi đó đáng lên án.

Nhà báo Anh Tuấn cũng chia sẻ thêm rằng, công việc nào cũng vậy, bạn càng làm, càng đam mê và hứng thú, kinh nghiệm cũng lớn dần theo thời gian. Thời điểm mới bước chân vào nghề tôi cũng tràn nhiệt huyết, có thể vụng về khi thu thập thông tin, đưa ra những quyết định vội vàng khi thực hiện một phóng sự nào đó. Nhưng đã có độ từng trải nhất định, việc tác nghiệp cũng bài bản, khoa học và chuyên nghiệp hơn. Cách tiếp cận đề tài chậm dãi hơn, chứng cứ được chuẩn bị chặt chẽ và đầy đủ hơn. Công việc của người làm báo điều tra luôn phải đặt tính pháp lý lên hàng đầu, thông tin phải khách quan, đa chiều. Đam mê là một lợi thế để bạn gắn bó với công việc mình đang làm, nhưng làm phóng sự điều tra, bạn quá đam mê mà thiếu sự tỉnh táo khi xử lý tình huống lúc tác nghiệp là điều không nên.

Nhà báo Anh Tuấn luôn tâm huyết với những đề tài anh theo đuổi và tâm niệm: “Phải vượt lên mọi cám dỗ để làm nghề, không bao giờ được thỏa hiệp với cái xấu mà mình đang đấu tranh. Có như vậy, mình mới phơi bày được bản chất của sự việc. Đó là đạo đức của người làm báo, là ý nghĩa nhân văn mà mình hướng đến”.

Ngoài công việc điều tra thực tế, nhà báo Anh Tuấn còn rất hứng thú với công việc điều tra hồ sơ: “Dạng điều tra đòi hỏi mình phải có nhiều kỹ năng khai thác thông tin, tài liệu, có nguồn tin mật cá nhân, thông tin phải thật rõ ràng. Dạng điều tra này khó hơn vì không phải lúc nào mình cũng có thể tiếp cận nguồn thông tin, vì các dữ liệu này ít được công bố đồng thời chứa đựng thông tin gây sốc. Nó là sự thật không phải ai cũng biết và không phải ai cũng thấy”. Nhà báo Anh Tuấn cho biết.

Dẫn chứng về dạng điều tra hồ sơ, anh không ngần ngại chia sẻ về vụ việc nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 tại CDC Hà Nội năm 2020. Sau sự việc này, nhóm phóng viên của VTV24 đã có loạt bài điều tra độc quyền về việc khai khống giá thiết bị xét nghiệm tại nhiều bệnh viện ở một số địa phương trong cả nước. Nhà báo Anh Tuấn dẫn chứng: “Theo thông tin mà chúng tôi có được, giá thiết bị xét nghiệm trên hồ sơ hải quan chỉ có 2,3 tỷ, nhưng đơn vị trúng thầu đã khai lên thành 6-7 tỷ, nghĩa là gấp 3 lần so với giá nhập. Điều này thực sự bức xúc và cần lên án”.

Phóng viên Anh Tuấn: không ngại đối mặt với nguy hiểm để mang đến người xem truyền hình những phóng sự điều tra chân thực và nhân văn

Cuộc sống của người dân bình yên, xã hội tốt đẹp hơn đó là phần thưởng

Phải đối mặt với nguy hiểm nhưng anh và ê-kíp không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng lăn lộn từng ngóc ngách để vạch trần những điều xấu xa, chống lại cái ác, đem lại bình yên cho xã hội, với anh đó là phần thưởng mà không giấy khen nào bằng.

Nhà báo Anh Tuấn nói, Với phóng sự Chia sẻ lợi ích của người dân nơi khai thác khoáng sản ở huyện Kim Bảng và Thanh Liêm (Hà Nam): Bà con chịu nhiều thiệt thòi, những gì họ nhận được chưa tương xứng với lợi ích mà doanh nghiệp khai thác khoáng sản cũng như chính quyền địa phương thu lại. Không chỉ dừng lại ở đó, bà con phải sống trong môi trường ô nhiễm. Vị trí các hộ dân ở vùng khai thác đá tới các mỏ khai thác cũng không an toàn…

Sau khi phóng sự phát sóng trong chương trình Chuyển động 24h đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ người xem cũng như các đồng nghiệp. Cùng với đó, người dân địa phương gọi điện, chia sẻ khó khăn mà ê-kíp gặp phải. Đặc biệt, vệt phóng sự đã nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Điều này là niềm vui nho nhỏ, là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện công việc của mình.

Phóng sự Cận cảnh mua bán nhộn nhịp tại “chợ” ma túy giữa lòng Thủ đôkhiến dư luận phải bàng hoàng về thực trạng nơi cai nghiện lại chính là tụ điểm buôn bán ma túy, Anh đã có khoảng hơn 3 tháng thường xuyên bám sát địa bàn để theo dõi toàn bộ diễn biến nhộn nhịp của một chợ ma túy nằm trong một ngách nhỏ, cạnh Bệnh viện 09 (Thanh Trì, Hà Nội).

Anh chia sẻ: “Ở một nơi tụ tập hàng trăm con nghiện, rất nhiều trong số đó đang mang trong mình bệnh tật hiểm nghèo, lâm đến đường cùng… có thể gây nguy hiểm cho ê-kíp tác nghiệp bất cứ khi nào họ phát hiện ra chúng tôi. Giữa một đường dây bảo kê từ ngoài cổng bệnh viện được bố trí dày đặc các đối tượng cộm cán mang đầy tiền án, tiền sự, chúng tôi phải hóa thân thành nhiều nhân vật như: Bán hàng rong, lái xe ôm, lao công dọn rác… tại nhiều địa điểm khác nhau. Có lúc tôi ở đó cả ngày, thậm chí phải túc trực cả đêm, thay đổi nhiều vị trí ẩn nấp để có thể ghi hình cận cảnh vào mọi thời điểm. Nguy hiểm là những chiếc bơm kim tiêm còn dính máu vứt la liệt ở đường đi lối lại, trên nền nhà và cắm trên tường… Chỉ cần vô tình giẫm phải có thể trở thành mối hiểm họa cho bản thân chúng tôi”.

Nhà báo Anh Tuấn trải lòng: “Niềm vui lớn nhất sau khi phóng sự lên sóng, người cung cấp thông tin cho tôi đã nhắn rằng: Cảm ơn anh, nhờ anh mà cuộc sống của người dân nơi đây mới được bình yên trở lại, không còn cảnh sáng ngủ dậy là thấy người nghiện sốc thuốc tử vong trước cửa nhà; Xi lanh, bơm tiêm vứt la liệt ra đường; Người dân không phải thấy hình ảnh con nghiện đánh nhau, tranh giành thuốc; Các cư dân cũng không phải bán nhà đi nơi khác, họ đã tìm lại được cuộc sống bình yên ngay trên mảnh đất, ngôi nhà của mình”.

Nói về tính nhân văn trong vệt phóng sự Góc khuất đằng sau những tai nạn chết người ở các mỏ đá tại Hòa Bình, nhà báo Anh Tuấn chia sẻ: Hằng năm có nhiều vụ tai nạn chết người tại những nơi khai thác đá mà các chủ doanh nghiệp đã giấu đi. Đây là tội ác mà chúng tôi vô cùng bức xúc. Chừng nào còn tội ác thì hiểm họa còn đến với người lao động.

Khi phóng sự lên sóng, điều khiến ê-kíp bằng lòng nhất là đã cứu biết bao lao động thoát khỏi lưỡi hái tử thần sau này, để họ có môi trường làm việc an toàn hơn; Các chủ mỏ đá thay đổi nhận thức, họ quan tâm đến sự an toàn của người lao động, chứ không thể phó mặc tính mạng người lao động cho tử thần trong điều kiện làm việc thiếu an toàn.

Có được thành công như vậy, ê-kíp chúng tôi đã lên kế hoạch, bắt tay vào điều tra, tìm kiếm, tiếp cận thông tin các gia đình nạn nhân. Công việc này gặp nhiều khó khăn vì chủ mỏ đá trốn tránh trách nhiệm nên đã giấu thông tin, gia đình các nạn nhân sau khi đã nhận một khoản bồi thường từ các chủ mỏ đá nên họ cũng không lên tiếng hay tiết lộ bất kỳ thông tin gì.

Tuy nhiên, bằng những biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi cũng có được thông tin, bằng chứng, những chia sẻ từ người trong cuộc, các bên liên quan được đưa vào các phóng sự đã phát trên truyền hình để dư luận được biết, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết.

Để có những hình ảnh chân thực nhất về sự vất vả và mối nguy hiểm mà người lao động tại các mỏ đá phải đối mặt thì chúng tôi đã đóng vai thành người lao động làm việc tại hiện trường. Nhà báo Anh Tuấn cho biết, có lần chứng kiến cảnh người lao động bẩy đá sau vụ nổ mìn mà tôi đến rùng mình. Bởi, tảng đá lớn rơi ngay sát chân người lao động. Chỉ gần chút nữa thôi thì mọi chuyện tồi tệ có thể đến với họ. Và chúng tôi cũng phải theo sát diễn biến của vụ việc suốt ngày dài, tập trung cao độ không thể lơ là, rời mắt phút nào.

Có thể nói, giá trị nhân văn trong mỗi phóng sự mà nhà báo Anh Tuấn cùng ê-kíp thực hiện thật đáng trân trọng. Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến nhà báo Anh Tuấn. Chúc anh luôn chân cứng đá mềm, sắc ngòi bút để có thêm nhiều phóng sự điều tra chạm đến trái tim của khán giả truyền hình cả nước!

Lương Nguyễn

Rate this post