Nhạc sĩ Minh Khang: Từng đánh đàn tiệc cưới để mưu sinh
“Ngày xưa, để đạt được điều gì đó người nghệ sĩ phải đánh đổi cả mồ hôi nước mắt và máu. Còn bây giờ, thành công đến quá dễ. Chỉ trong vòng một đêm, có bạn cũng trở thành ngôi sao”, Minh Kháng nói.
Cũng giống như người bạn thân thiết Lý Hải, nhạc sĩ Minh Khang rất lành tính và giản dị. Trong mắt nhiều đồng nghiệp, Minh Khang là người dễ thương, không gây gổ, xích mích với ai bao giờ.
Đặc biệt, anh được mọi người nể trọng vì tài năng và đạo đức nghề nghiệp.
Trong talkshow Nghệ sĩ đối thoại mới đây, nhạc sĩ “Đứa bé” đã có nhiều chia sẻ gan ruột về tuổi thơ bất hạnh và con đường đến với nghệ thuật cho tới ngày hôm nay.
14 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ, lăn lộn vào đời mưu sinh
“Minh Khang cha truyền con nối là nghề họa sĩ. Năm tôi 10 tuổi thì ba đi xa, mẹ cho đi học đàn ở nhà thờ. Nhà khi đó chỉ còn ba mẹ con. Mẹ, Khang và anh Hai. Ba đi một thời gian thì anh Hai cũng vô quân đội, ở nhà chỉ còn thằng bé 10 tuổi nên khi có người tới thuê vẽ, tôi được “huy động” đi làm.
Đồng tiền đầu tiên Khang kiếm được là vẽ biển hiệu “Cháo vịt” cho một quán ăn ở phường 5, quận 3 lúc 10 tuổi. Chính Khang xách cọ leo lên thang vẽ. Chữ đó đến bây giờ vẫn còn. Tôi nhớ là khi vẽ xong biển hiệu cháo vịt đó, chủ quán cho tôi rất nhiều tiền.
Bốn năm sau thì mẹ cũng mất. 14 tuổi, Khang bơ vơ. Nhưng suốt 4 năm vắng cha, được học đàn và biểu diễn trong nhà thờ đã cho Khang vốn sống để mưu sinh.
Bởi vì nghề vẽ không làm ra nhiều tiền, nó chỉ giúp mình những đồng tiền lẻ cơm cháo qua ngày. Sáng đi học, chiều tôi đi đánh đàn cho các đám tiệc, đám giỗ, đám ma, đám cưới.
Tôi còn nhớ như in một buổi chiều, lúc đó tầm 3 giờ rưỡi có một anh tóc dài, râu quai nón xồm xoàm chạy vô trường Khang học. Năm đó tôi đang học lớp 6.
Anh đó vô nói với cô hiệu trưởng “cô cho nó về đi đờn kiếm tiền cô”. Các cô nhìn thấy anh đó râu tóc như thế thì sợ và có ác cảm. Sau đó, mọi người trong trong trường đồn tôi chơi với giang hồ. Thời đó, mọi người không hiểu là nghề nhạc công là style phải như vậy.
Tuy biết các cô và bạn bè nhìn mình với ánh mắt khác nhưng tôi phải đi làm kiếm tiền. Nếu không làm thì lấy gì để ăn, lấy gì để sống?
Khang còn nhớ là mỗi lần đánh đàn cho tiệc cưới ở Chợ Lớn, khu Soái Kình Lâm quận 5, một đêm tiền bo xếp thành chồng cao nửa mét. Đó là quãng năm 1991.
Tuy nhiều như thế nhưng đến cuối tiệc số tiền được chia ra cho cả trăm người làm hơn chục tiệc cưới nên tới mình thì chỉ còn hai tờ. Lúc đó, tiền đánh đàn một đêm là 5.000 đồng, cả tiền bo là khoảng 15.000 đồng, hôm nào nhiều được cho bốn tờ 5.000 là hai chục ngàn.
Tôi cứ chạy show miết như thế, đám ma đám cưới có cả. Show lớn đầu tiên tôi làm là sau khi mẹ mất khoảng 8 đến 10 năm. Đó là show “Tuổi thần tiên” của đạo diễn Tất My Loan, lúc đó chương trình kẹt người đánh organ nên tôi được mời vào.
Kết thúc show, tôi nhận được mười triệu tiền cát xê. Đó là năm 2000, lúc đó mười triệu là lớn lắm, cỡ khoảng hai cây rưỡi vàng. Nếu tính bây giờ thì tương đương 100 triệu đồng.
Với mười triệu đó, tôi đi đặt một tấm bia mộ cho mẹ. Mộ mẹ tôi trước đó bao nhiêu năm chỉ là nấm đất. Khi có tiền, tôi xây mộ mẹ lên thật đẹp và chỉnh chu.
Kể từ đó, tôi làm gì cũng thuận lợi. Tôi tin một điều rằng ai cũng vậy, sống phải có tâm, hiếu đạo với cha mẹ thì cha mẹ sẽ phù hộ cho mình. Và đúng là sau đó, mẹ soi sáng cho tôi, làm cái gì cũng thành công.
Không buông xuôi, quyết tâm thoát nghèo
Hơn nữa lúc đó tôi còn trẻ nên nghĩ ra những cách làm, những con đường để tồn tại. Nếu vì buồn hoàn cảnh mà buông xuôi thì ba mẹ có vui không? Tôi nghĩ là không.
Tôi sẽ phụ công ba mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ mình lúc còn sống. Chính vì thế, tôi quyết tâm mình phải tìm đường thoát khỏi cái nghèo.
Tôi từng bước đi lên, từ đánh đàn đám ma, đám cưới, đám tiệc đến sân khấu như Nhà hát Hòa Bình, khách sạn Rex… Bước vào sân khấu lớn, tôi không đánh đàn cho nhà hàng tiệc cưới nữa. Cũng từ đó mà có cơ hội gặp các anh lớn. Vì đánh tốt nên được đưa vào phòng thu.
Mới đầu làm lính mà khoái lắm. Thời đó Bảo Tuấn, Bảo Phúc là những cái tên đang rất hot. Sau đó tôi nghĩ mình phải sáng tạo hơn nữa, tập luyện, trau dồi.
Từ nhạc công, tôi muốn tiến thân lên làm hòa âm phối khí. Tôi rà lại hết, những người làm hòa âm phối khí lúc bấy giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tôi rà lại để mình không trùng màu với người nào và để đi theo con đường riêng biệt của mình. Và để làm được điều đó, tôi duy tâm là có cha mẹ soi sáng cho mình.
Nhưng nghề nào cũng vậy phải chịu thương chịu khó mới thành công. Tôi tâm niệm rằng, trước khi học nghề nên học đạo đức nghề nghiệp. Tôi thấy vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhiều ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ trẻ bây giờ đi xuống.
Ngày xưa, để đạt được điều gì đó người nghệ sĩ phải đánh đổi cả mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu. Còn bây giờ, thành công đến quá dễ. Thậm chí chỉ trong vòng một đêm, có bạn cũng trở thành ngôi sao.
Ngày xưa có thành công đã khó, giữ thành công còn khó hơn. Nhưng chính nhờ thế mà những nghệ sĩ từng vang dội ngày xưa, bây giờ vẫn được khán giả yêu. Khi các nghệ sĩ trẻ nổi tiếng quá nhanh, họ sẽ không thể kiểm soát được bản thân.
Mọi người nói tôi lành tính không gây gổ xích mích với ai nhưng trong công việc thì khó vô cùng. Tôi quan niệm rằng, Minh Khang bỏ ra một phần thì sẽ đòi hỏi người khác bỏ gấp đôi.
Một phần cho họ và một phần cho tôi. Bởi vì khán giả dòm vào người đó cũng sẽ dòm tôi… nên uy tín, chất lượng phải là thứ được gìn giữ số 1″.
Theo Theo Trí Thức Trẻ