Tranh cãi về ‘Kiến quốc đại nghiệp’ – BBC News Tiếng Việt
Tranh cãi về ‘Kiến quốc đại nghiệp’
16 tháng 9 2009
Chụp lại hình ảnh,
Ổ Quân Mai trong vai Tống Mỹ Linh vợ Tưởng Giới Thạch (Trương Quốc Lập)
Để kỷ niệm 60 năm quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân Dân Trung Hoa (01/10/1949 – 01/10/2009), Tập đoàn Trung Ảnh tung ra bộ phim “Kiến quốc đại nghiệp” dự kiến sẽ được trình chiếu đầu tiên vào ngày 17/9/2009.
Bộ phim do Hoàng Kiến Tâm đạo diễn nói về thời điểm lịch sử ba năm đấu tranh của lực lượng Đảng Cộng sản Trung Quốc giành chính quyền và thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa.
Theo thông tin trên website chính thức của tác phẩm điện ảnh này, đây là bộ phim hoành tráng dài 2 tiếng 15 phút, quy tụ hơn 172 nam nữ diễn viên gạo cội, trong đó có 21 diễn viên có quốc tịch nước ngoài.
Nhưng đã có nhiều ý kiến bàn luận xôn xao trên mạng – không phải về nội dung bộ phim mà chủ yếu về quốc tịch của các ‘sao’ xuất hiện trong bộ phim này từ khi bản phân vai được chính thức công bố.
Các siêu sao chen chân nhau để giành được một vai diễn trong bộ phim này, nhất là những vai chính liên quan đến các nhân vật lịch sử như Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai.
Ngoài ra còn có các vai chính khác do Thành Long, Lý Liên Kiệt, Chương Tử Di, Stephen Chow, Lưu Đức Hòa đảm nhiệm. Đạo diễn John Woo, Phùng Tiểu Cương và Trần Khải Ca cũng sẵn sàng xuất hiện dù chỉ vài giây.
‘Yếu tố nước ngoài’
Diễn viên Lý Liên Kiệt vừa mới mua một căn nhà xa xỉ ở Singapore và đã nhập quốc tịch nước này. Nữ diễn viên gốc Thượng Hải, Ổ Quân Mai, đóng vai Tống Mỹ Linh (vợ Tưởng Giới Thạch), đạo diễn Trần Khải Ca, và nữ diễn viên Ninh Tịnh đều mang quốc tịch Mỹ.
“Đây là cuộc hành quân mới của liên minh các thế lực nước ngoài nhân dịp chào mừng quốc khánh của nước ta”, một thành viên của Mop.com – một trang web giải trí – bày tỏ ý kiến của mình, ám chỉ đến cuộc xâm chiếm Trung Hoa vào năm 1900 bởi lực lượng đồng minh gồm tám cường quốc.
Chụp lại hình ảnh,
Đường Quốc Cường thủ vai Mao Trạch Đông
Diễn viên Ổ Quân Mai công nhận rằng mặc dù mang quốc tịch Mỹ nhưng, “quốc tịch chỉ mang tính hình thức và không thể thay đổi bản tính Trung Quốc trong con người ta.”
Nhiều ý kiến của các Hoa kiều trên mạng tán thành: “Không phải chúng tôi không yêu nước, chúng tôi chỉ không ưa cái cơ chế ở đấy”.
Tuy nhiên, một số vẫn hoài nghi lòng yêu nước của các diễn viên này. Họ lập luận rằng các diễn viên này không thể tiếp tục trung thành với Trung Hoa vì phải tuyên thệ trung thành với nước Mỹ để trở thành công dân ở nước này.
Ngược lại, cũng có người tỏ ra bình thản hơn. ”Đâu cần biết ai đóng trong phim, miễn phim hay là tôi sẽ đi coi,” một blogger khác viết.
Người phát ngôn của Tập đoàn phim Trung Ảnh, Vương Lệ nói: ”Lý do chính để chọn một diễn viên không phụ thuộc vào quốc tịch, mà là người đó có thích hợp cho một vai và có khả năng thủ vai đó hay không.”
Một bài xã luận trên Asia Times online kết luận, việc phân biệt đối xử với các nghệ sĩ gốc Trung Quốc có quốc tịch nước ngoài là hoàn toàn không phù hợp với chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài của Trung Quốc hiện nay. ”Cứ làm như diễn xuất của các diễn viên này có thể thay đổi được một chương trong lịch sử Trung Quốc,” bài báo viết.