Bác sĩ Lương Lễ Hoàng qua đời
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng trong một chương trình giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Tuổi Trẻ vào năm 2013 – Ảnh: THANH ĐẠM
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện gia đình bác sĩ Lương Lễ Hoàng xác nhận ông đã qua đời vào tối 14-11 tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức, sau một thời gian chống chọi với COVID-19.
Thông tin này đồng thời được Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức xác nhận. Được biết ngoài mắc COVID-19, bác sĩ Lương Lễ Hoàng còn mang một số bệnh nền khác, cũng là nguyên nhân khiến bệnh tình của ông trở nặng.
“Bác sĩ Hoàng nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bị suy đa cơ quan, tổn thương gan, thận, đường huyết tăng rất cao và suy hô hấp, phải đặt nội khí quản. Bệnh viện dù nỗ lực hồi sức nhưng chỉ sau một ngày nhập viện, ông đã không qua khỏi”, bác sĩ Trần Thanh Linh – phó giám đốc Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức – nói.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng được biết đến là một chuyên gia tư vấn sức khỏe nổi tiếng, được nhiều độc giả, khán thính giả yêu mến suốt nhiều năm qua trên các tờ báo, đài phát thanh – truyền hình.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (phải) cùng nhà báo Kim Ánh – Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM – trong một cuộc giao lưu cùng khán thính giả – Ảnh: Nhà báo Kim Ánh cung cấp
Với báo Tuổi Trẻ, ông từng có thời gian dài gắn bó với trang Sống khỏe với phong thái viết có phần hài hước, nhưng “nói trúng, nói sắc” những vấn đề không chỉ là thông tin y khoa mà còn là thái độ, ứng xử của người đọc trước bệnh tật.
Với thông điệp xuyên suốt “phòng bệnh bao giờ cũng an toàn, hiệu quả và ít tốn kém hơn chữa bệnh; phòng bệnh mà không cần dùng thuốc thì tốt hơn phải trông cậy vào thuốc”, bác sĩ Lương Lễ Hoàng đã gửi đến trang báo nhiều bài viết nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hiểu chính mình, hiểu về những “bài thuốc tự nhiên” (như sinh tố, khoáng tố) để từ đó có cuộc sống khỏe mạnh hơn.
Theo ông, người thầy thuốc tốt nhất của mỗi người luôn là chính mình. Và đôi khi không ngại những lúc “lời thật mất lòng”, bác sĩ Lương Lễ Hoàng cũng thẳng thắn góp ý “đừng bắt bệnh nhân, nhất là bệnh nhi, uống thuốc kháng sinh như ăn kẹo, dùng thuốc giảm đau như món ăn vặt, hay nhấm nháp thuốc an thần mỗi đêm mà không cần toa…”.
Bác sĩ Nguyễn Minh Phong – giám đốc Trung tâm điều trị oxy cao áp TP.HCM – cho biết bác sĩ Hoàng từng có thời gian dài cộng tác tại trung tâm với vai trò điều hành Phòng tư vấn sức khỏe – nghiên cứu y dược và điều trị nội khoa.
“Anh ấy có khả năng làm việc với cường độ cao, là người tâm huyết với ngành, nghề, đặc biệt người nông dân. Ngoài chuyên môn chữa bệnh, với kỹ năng ngôn ngữ đa dạng, tài viết lách, phong cách gần gũi, dí dỏm… anh ấy đóng góp nhiều kiến thức bổ ích cho người dân thông qua các báo, đài, truyền thanh”, bác sĩ Phong chia sẻ.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng sinh năm 1952, tốt nghiệp y khoa ở Sài Gòn và chuyển định cư ở CHLB Đức từ năm 1981. Từ khoảng năm 2011, sau 30 năm ở CHLB Đức, ông về Việt Nam công tác.
Không chỉ gắn bó với báo Tuổi Trẻ nói riêng và nhiều tờ báo in khác, vị bác sĩ này còn quen thuộc với nhiều khán, thính giả khi thường xuyên xuất hiện giao lưu, trò chuyện trên radio, truyền hình với những đúc rút y khoa được trình bày một cách dễ hiểu.
Ông đã ra đi, nhưng những bài viết của ông vẫn còn in trong nhiều tập sách, mong sẽ gửi gắm thêm đến người đọc thông tin hữu ích về sức khỏe để “làm sao ít gặp thầy thuốc nhất”…
Bác sĩ đa khoa – ngành học vì sức khỏe người dân