Vua Trần Dụ Tông

Ngày 15 tháng 8 năm Kỉ Mão (1339), Trấn Dụ Tông (lúc ấy còn là Thái tử Hạo, mới ba tuổi) đi chơi ở Hồ Tây, chẳng may bị té xuống nước, ngỡ đã bị chết đuối rồi. Bấy giờ, may có bậc danh y là Trâu Canh tận tâm cứu chữa mới thoát được. Trâu Canh có nói trước rằng: dùng kim châm thì sống lại nhưng sẽ bị liệt dương, sau quả y như vậy.

Trong 16 năm đầu đời Trần Dụ Tông, chính sự tạm cho là ổn, nhưng từ năm niên hiệu Đại Trị thứ nhất (1357) trở đi, Dụ Tông chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy đốn rất mau. Năm 1366, vào một đêm cuối mùa hạ, Trần Dụ Tông đi chơi đêm ở xa trở về, bị kẻ cướp chặn đường lấy mất cả gươm báu lẫn ấn báu. Nhà vua cho đó là điềm báo trước sự chẳng lành, khó mà sống lâu hơn nữa nên lại càng thả sức chơi bời. Ba năm sau (1369) Dụ Tông mất, năm ấy, nhà Trần bị Dương Nhật Lễ cướp ngôi, phải mất một năm mới lấy lại được.

Thầy của Trần Dụ Tông là Quốc tử giám Tư nghiệp Chu Văn An từng nhiều lần khuyên can, dâng “thất trảm sớ” vẫn không được Dụ Tông ngó tới, bèn treo mũ áo từ quan mà về.

Ngai vàng của nhà Trần từ ấy càng ngày càng mục ruỗng, không cách gì cứu vãn nổi.

Lời bàn:

Thời mà dân thường bị cướp là thời loạn, còn như thời mà cả đến Hoàng đế cũng bị cướp thì phải gọi là đại đại loạn. Nịnh thần lũng đoạn, Chu Văn An dâng “thất trảm sớ” mà Dụ Tông vàn làm ngơ để Chu Văn An ôm thất vọng ê chề xuống suối vàng. Ôi, triều đình bất ổn, bảo sơn hà yên làm sao được. Dương Nhật Lễ cướp ngôi, ấy là loạn tiếp loạn, có gì lạ đâu!

Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần

 

Rate this post