PHỐ TRẦN KHÁT CHÂN – Giới thiệu chung – Phường Thanh Nhàn – Quận Hai Bà Trưng
Trần Khát Chân (1370-1399) là một danh tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông thuộc dòng dõi Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, quê làng Hà Lăng, huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Ông sinh ngày Tân Sửu, tháng Chạp, năm Thiệu Khánh thứ nhất (1370).
Tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1389), quân Chiêm Thành theo đường sông Hồng tiến đánh Thăng Long, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông sai Trần Khát Chân đem quân Long Tiệp đi chặn giặc.
Ngày 23 tháng Giêng năm Canh Ngọ (1390), ông cho phục binh ở ngã ba sông Hải Triều và sông Nhị Hà. Khi Chế Bồng Nga đem một trăm thuyền chiến đi ngang qua, ông tập trung hỏa pháo bắn vào thuyền Chế Bồng Nga. Vua Chiêm Thành chết tại trận, quân Chiêm tan vỡ. Ông cho cắt đầu Chế Bồng Nga đem về Bình Than báo tin thắng trận. Sau chiến công này, ông được phong làm Long Tiệp Bổng thần Nội vệ Thượng tướng, tước Vũ tiết quan Nội hầu.
Năm 1399, Hồ Quý Ly càng ngày càng lộng quyền, giết Trần Thuận Tông và có ý chiếm đoạt nhà Trần. Ông cùng Thái bảo Trần Hãng và một số vương hầu nhà Trần mưu sát Hồ Quý Ly trong hội thề ở núi Đốn Sơn (nay thuộc xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh hoá). Sự việc bị phát giác, ông và hơn 370 người liên quan bị giết và tịch thu gia sản. Tương truyền rằng khi sắp bị hành hình ông phẫn uất gào to ba tiếng vang dội Đốn Sơn và sau khi chết ba ngày sắc mặt vẫn như khi sống. Hiện nay còn đền thờ ông ở làng Phương Nhai và vùng Kẻ Mơ Hà Nội.
Đường Trần Khát Chân có chiều dài khoảng 2,3 km từ cuối đường Nguyễn Khoái, cạnh đê sông Hồng, qua Ô Đống Mác đến Ô Cầu Dền, đầu phố Bạch Mai. Vốn là đoạn thành đất vòng giữa, bao quanh Thăng Long xưa.
Các tuyến phố cắt ngang:
Lò Đúc, Kim Ngưu, Võ Thị Sáu, Chùa Vua, Bạch Mai nay thuộc các phường Bạch Đằng, Thanh Lương, Đống Mác, Thanh Nhàn, Thanh Lương, phố Huế, quận Hai Bà Trưng. Tuyến phố Trần Khát Chân thuộc phường Thanh Nhàn bên số lẻ từ số 257 đến số 505; Bên số chẵn từ số 270 đến số 420.
Đường Trần Khát Chân, tức là đoạn đê Bình Lao, trên đất Lãng Yên – Lạc Trung. Thời Pháp là con đường đánh số Voie 222. Sau thành đê bao, uốn lượn nhiều đoạn, nhỏ hẹp.
Năm 1999, đường được mở rộng và nắn thẳng nối với đường Đại Cồ Việt, để thành đường vành đai phía trong của Hà Nội. Đường mở đến đâu, công trình đô thị mọc lên đến đó: Ngân hàng Công thương, kho bạc Hai Bà Trưng, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, trường mẫu giáo mầm non Thanh Nhàn cho đến các cửa hiệu, nhà hàng, khách sạn cùng với các cơ sở kinh doanh dịch vụ buôn bán phụ tùng ô tô, dịch vụ sửa chữa ô tô, máy lạnh, ti vi điện tử… biểu hiện tính đa dạng kinh tế nhiều thành phần được phát triển.
Đường Trần Khát Chân chạy qua làng Thanh Nhàn thuộc địa bàn dân cư số 1, 2 và 3. Đây cũng là những địa bàn tập trung các công trình văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trên địa bàn cũng như của Phường.