Cải Lương Việt Nam – Bản Sắc Dân Tộc – cailuongvietnam.com
Trưa ngày 03 tháng 06 năm 2009, nghệ sĩ Minh Cảnh đã đến thăm báo Trẻ tại Dallas. Buổi gặp gỡ thân mật giữa người nghệ sĩ nổi danh, đã có nửa thế kỷ đứng trên sân khấu cải lương và những anh chị em trong tòa báo Trẻ thật mau chóng bật lên tiếng cười văn nghệ của những anh em trẻ trong toà báo dành cho anh. Ngay phòng kỹ thuật của toà báo, anh Minh Cảnh được yêu cầu hát tặng anh em bài “Tình anh bán chiếu”. Anh vui vẻ nhận lời như chưa từ chối người mộ điệu cổ nhạc và giọng ca Minh Cảnh bao giờ. Có điều đặc biệt mà nghệ sĩ Minh Cảnh dành riêng cho anh chị em báo Trẻ là “Tình anh bán chiếu” xưa rồi! “Ghe chiếu Cà Mau cặm sào ngã Bảy mà cô gái năm xưa sao chẳng thấy ra chào. Chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm…” Có lẽ anh bán chiếu lãng mạn, chung tình như người nghệ sĩ cổ nhạc với khán giả ái mộ âm nhạc dân tộc chỉ còn trong kỷ niệm. Có tiếng anh em đùa, yêu cầu anh hát tặng anh chị em báo Trẻ bài… “Tình anh bán gối”!
Không ngờ giọng ca quen thuộc của anh lại có ngày bật lên trong không gian báo Trẻ, giữa phòng làm việc đầy máy móc, computer… chứ không phải một sân khấu cải lương chốn quê nhà, trong ký ức mọi người-sống đời hiện đại, khoa học kỹ thuật nhưng trong tâm tư vẫn thỉnh thoảng vang lên một làn dân ca, điệu hát câu hò… Từ giọng ca Minh Cảnh, đưa Phóng viên Trẻ về lại những bến bờ xưa cũ, những trưa nắng vàng giàn mướp ngồi nghe văng vẳng từ bên nhà hàng xóm vọng sang những tuồng cải lương đã đi vào ký ức đời người. Lại một tràng cười lớn vang giòn khi có anh em lại đùa vui, yêu cầu tiếp bài … “Tình anh bán… muối” .
Trong tiếng cười sơ giao đã có sẵn những thân tình như gặp lại ngày tháng và chính mình xưa cũ, buổi gặp gỡ văn nghệ sớm đượm tình thân. Xin mời độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn nghệ sĩ Minh Cảnh do Phóng viên Trẻ thực hiện sau đây.
PV Trẻ: – Đầu tiên là xin chúc mừng anh đã chính thức định cư tại Dallas. Cơ duyên nào đã đưa anh đến Mỹ và về Dallas này?
Nghệ sĩ Minh Cảnh: – Thật ra kể ra đây thì nó huyền hoặc như chuyện “Ngàn lẻ một đêm” của Ba Tư vậy. Toàn là vào phút chót không, cứ như có sự sắp đặt của bề trên vậy. Anh đến Mỹ và khi gần đến ngày về thì có một sô diễn của một em “đệ tử” tổ chức và mời Anh ở lại tham gia. Nhờ sự giúp đỡ và thương yêu của bạn hữu mà Anh được ở lại vào phút chót. Sau đó Anh đi lưu diễn tại Cali và vài nơi khác. Đến diễn ở Houston 10 lần và đến lần thứ 10 sát mí thì Anh mới gặp và lập gia đình với người phụ nữ, đã giúp đỡ và bảo trợ. Anh ở lại luôn. Đó các em thấy cứ như chuyện “Ngàn lẻ một đêm” là vậy. Anh đã về Dallas hơn một năm nay, nhưng thỉnh thoảng cũng đi hát sô ở các tiểu bang khác. Bây giờ anh đã có thẻ xanh vài tháng nay.
PV Trẻ: – Để độc giả biết thêm về sự khởi đầu, anh có thể cho biết anh sinh trưởng ở đâu và vào nghề cải lương bao giờ?
NS Minh Cảnh: – Anh sinh ở quận 5, Sài Gòn. Mẹ anh là người Hoa lai, gốc Quảng Đông, còn cha anh là người Việt, gốc ở Quảng Bình. Anh yêu thích cải lương vào khoảng năm 15 hay 17 tuổi gì đó. Anh mê đến nổi thuộc nguyên tuồng “Huyết Lệ Trùng Dương” do Đệ Nhất danh ca Út Trà Ôn diễn. Nhưng đến năm 24 tuổi mới xuất hiện trên sân khấu, vào khoảng đầu thập niên 60.
PV Trẻ: – Tức bây giờ anh khoảng chừng 70 tuổi?
NS Minh Cảnh: – 72 tuổi. “Thất thập nhị thần công”, bây giờ anh đã học được 72 phép rồi (cười lớn).
PV: – Vậy là anh còn cao tuổi hơn cả Hồng Thất Công rồi. Tính ra anh ca cải lương đã gần nửa thế kỷ? Trước anh cũng đã có nhiều người rồi phải không?
NS Minh Cảnh: – Có chớ, có nhiều. Bậc tiền bối thì có “Cậu Mười” Út Trà Ôn. Bậc đàn anh đàn chị thì có Thành Được, Út Bạch Lan, Hữu Phước… Sau Anh thì đến Minh Phụng, Minh Vương …
PV Trẻ: – Có sự ảnh hưởng hay trùng hợp nào khi cả ba nghệ sĩ cải lương nổi tiếng đều bắt đầu tên “Minh” thưa anh?
NS Minh Cảnh: -Điều này cũng dễ hiểu. Nghệ danh “Minh Cảnh” là do một bà chị nuôi của anh đặt. Anh nổi danh trên sân khấu trước nên khi hai em Phụng và Vương theo sau, cũng mượn chữ “Minh” cho được để ý hơn. Minh Phụng nổi danh trước, sau đó là Minh Vương. Hồi đó, người ta gọi chung tụi anh là “Tam Minh”. Thật ra những người nổi danh cũng coi như được ân thưởng của bề trên, cơ duyên mỗi cá nhân, chớ bên ngoài cũng có những người ca hay lắm nhưng không được nổi danh.
PV Trẻ: – Lúc đó anh hay đóng cặp với nữ nghệ sĩ cải lương nào?
NS Minh Cảnh: – Đóng thường nhất là đóng chung với Mỹ Châu. Đoàn Kim Chung 2 thì anh và Mỹ Châu là cặp đào kép chính mà. Lúc đó cũng là lúc đang lăng-xê tên tuổi của Mỹ Châu luôn.
PV Trẻ: -Anh có đóng chung với Thanh Nga không?
NS Minh Cảnh: -Không đóng trên sân khấu, nhưng Anh có thu chung dĩa với cô ấy một tuồng, hình như tuồng xã hội của Hà Triều-Hoa Phượng mà anh quên tên rồi. Anh đóng vai bác sĩ, Thanh Nga đóng vai vợ.
PV Trẻ: – Anh có nhớ đã đóng khoảng bao nhiêu tuồng cải lương không? Ước lượng thôi. Những tuồng nào anh yêu thích nhất?
NS Minh Cảnh: -Nhiều quá, không nhớ nổi. Anh có thể kể vài tuồng như Máu Nhuộm Sân Chùa, Dốc Sương Mù, Bão Cát… Trong đó những tuồng anh thích nhất như là Mùa thu trên Bạch Mã Sơn đóng chung với Mỹ Châu, tuồng Giữa Chốn Bụi Hồng của soạn giả Hoa Phượng, người mà anh yêu mến nhất. Thêm một tuồng nữa là Lời thơ trên tuyết, có anh Hùng Cường diễn chung. Sau này anh sửa tựa lại thành tuồng Kiếm Sĩ Người Dơi mà khán giả rất thích. Anh diễn cả 10 năm tuồng này đó các em, có tuồng nào mà diễn cả 10 năm đâu.
PV Trẻ: – Anh là người đầu tiên đưa ra cách ca dài hơi. Đó là một cách anh cách tân, làm mới, biễu diễn khác lạ trong cải lương?
NS Minh Cảnh: – Câu hỏi của em rất đúng. Câu vọng cổ anh ca dài hơi nhất là 57 chữ, trong tuồng Lưu Bình Dương Lễ. Thời gian không ngừng trôi chảy, theo nhịp thời gian mọi việc cũng đổi thay. Vọng cổ từ nhịp hai, nhịp tư, đến nhịp 8, 16 hay thời hưng thịnh là nhịp 32, 64 cho đến 128 sau này, cải lương luôn thay đổi. Mỗi năm mình mang áo mới thì tại sao ta không cho nghệ thuật mặc áo mới.
PV Trẻ: – A! Đó là một nhận xét thú vị. Giờ thêm vài chục năm kinh nghiệm, anh ca được một hơi …75 chữ không? Có gì để tụi em kêu xe cứu thương sẵn.
NS Minh Cảnh (cười lớn): – 72 tuổi rồi.
PV Trẻ : – So với những năm thập niên 50, 60, anh thấy có sự khác biệt nào trong cải lương so với hiện nay?
NS Minh Cảnh: – Nói về nhận định thì mỗi người có nhận định riêng, nhưng nói về nghiệp nghệ thì anh có khác hơn một chút, vì anh là người trong nghề. Nhưng nói ra chỉ để hiểu với nhau, chứ nói ra cũng đau lòng. Nó đã thay đổi và khác xưa quá nhiều. Sự thay đổi có tốt-xấu-nên-hư, nên chỉ mong sao có lúc nào đó cải lương hay cổ nhạc được phục hồi trở lại.
PV Trẻ: – Anh không trả lời trực tiếp, nhưng như vậy cũng đủ ý rồi. Nếu vậy thì anh nghĩ sao tương lai của nền cải lương? Mình cần lưu tâm, hay làm gì để giúp đỡ, khôi phục nền cổ nhạc hay cải lương nói riêng?
NS Minh Cảnh: – Câu em hỏi làm anh rất cảm ơn, vì câu em hỏi cũng là nỗi băn khoăn của đa số khán giả yêu thích môn cải lương này. Họ cũng cứ hỏi, rồi sẽ ra sao và sân khấu cải lương liệu có còn không. Cũng cần nhiều người dưỡng nuôi, vun tưới cho nó, cần nhiều bàn tay đóng góp. Anh gặp gỡ đây và nghe các anh em tòa báo có xu hướng giữ gìn những giá trị nghệ thuật, văn hoá anh rất mừng vì anh cũng chung ý hướng đó. Hiện tại anh cũng có dạy 7,8 học trò, đa số là những người đang ở buổi sơ học, chưa biết về cải lương nhưng yêu thích và mến mộ giọng ca của anh và cải lương nên theo học. Nhưng anh cũng mượn con đường nghệ thuật này để thực hiện thêm hai điều, thứ nhất là đức tin vào đấng thiêng liêng và thứ nhì là để bảo tồn nền cổ nhạc của mình.
PV Trẻ: – Thật ra cải lương liên quan đến văn hoá, lịch sử, mang tư tưởng và có tính giáo dục. Có ý kiến cho rằng thật ra cải lương và cổ nhạc mới thật sự mang giá trị âm nhạc dân tộc của mình. Anh nghĩ sao về nhận định này?
NS Minh Cảnh: – Đúng vậy. Tuy nhiên anh cũng có nhận xét khác hơn một tí. Anh quan niệm rằng ta nghe một tiếng gió thổi, một tiếng lá rơi cũng là nghệ thuật, nên anh trân quý hết các môn nghệ thuật. Người Bắc có ca trù, ngâm tao đàn, cô đầu, miền Trung có lối hò mái đẩy hay người Quảng có ca bài Chòi cũng hay lắm.
PV Trẻ: – Cảm ơn anh đã cùng phóng viên Trẻ ôn lại một chặng đường dài gần nửa thế kỷ của sân khấu cải lương lồng trong sự nghiệp ca hát của mình. Theo anh, những tài năng trẻ nào của sân khấu cải lương hiện nay, được coi là có triển vọng nhất?
NS Minh Cảnh: – Cũng có nhiều em ca diễn tốt. Một số em có tài nhưng thiếu tập luyện, trau giồi đức nghiệp. “Có tài mà cậy chi tài” là vậy đó các em. Còn có thêm chuyện chuối non giú ép, người làm sô bỏ tiền nên đưa em gái, người thân vào đóng thay vì chọn người thích hợp với vai diễn.
PV Trẻ: – Tức là nổi tiếng nhờ kỹ nghệ “lăng-xê” thay vì tài năng phải không anh? Điều này cũng phổ biến với nhiều môn nghệ thuật tại VN hiện nay. Tại địa phương này hay vài nơi khác cũng có vài đoàn cổ nhạc. Có ai liên lạc hay mời anh cộng tác chưa?
NS Minh Cảnh: -Về đây thì anh biết thêm có cô Ngọc Huyền cũng đang sinh sống tại đây, cũng như biết có cô Kiều Sương của ban Hương Ca cổ nhạc Dallas cũng hay tổ chức các chương trình cải lương mỗi năm. Nếu có tổ chức, chùa chiền, nhà thờ nào mời anh thì anh rất sẵn lòng. Anh cũng có thể đến các tư gia, tiệc tùng thân hữu theo lời mời để trò chuyện và trình diễn. Chuyện đến tư gia đôi ba tiếng của những đồng hương với mình, anh trân trọng tình thương mến thương của bà con là chính, không chỉ ca cải lương mà còn trò chuyện, nhắc nhớ, ôn lại kỷ niệm ở quê nhà thường làm bà con đồng hương và cả anh nói hoài không hết. Việc này bà con cũng trả thù lao cho anh để sinh sống và tiếp tục phục vụ.
PV Trẻ: – Được biết một số thân hữu đang chuẩn bị buổi diễn ra mắt đầu tiên của anh tại Dallas này, anh có thể giới thiệu sơ về điều này không?
NS Minh Cảnh: -Buổi ca diễn tổ chức tại nhà hàng Tasty China tại thành phố Garland vào cuối tuần dịp Lễ Độc Lập . Sẽ có độc diễn, trích đoạn và đóng chung với cô Tuyết Minh vở tuồng “Cô gái bán sầu riêng”. Cô này cũng “đệ tử” của anh, nhưng xin giữ bí mật đến buổi diễn nghe. Anh cũng muốn xem thử sự ủng hộ của khán giả với mình như thế nào mà sau đó mới tính tiếp. Bà con tham dự, ủng hộ một hai vé cũng là cách dưỡng nuôi nghệ thuât.
PV Trẻ: – Đệ tử nhiều quá vậy. Có “đệ tử” nào của anh trở thành “sư mẫu” không?
NS Minh Cảnh: – Cũng có nhưng không nhiều (cười). Nói thiệt là anh không bị dính vào mấy chuyện này nhiều.
PV Trẻ: – Mến chúc buổi diễn của anh được thành công. Anh có muốn nói đôi lời cùng độc giả trước khi cuộc trò chuyện này kết thúc?
NS Minh Cảnh: – Cảm ơn các em. Anh chỉ muốn nói rằng sự quý mến của khán giả đã nuôi sống anh và gia đình anh trong nửa thế kỷ qua, nên chỉ mong đem lời ca tiếng hát để đáp trả tấm thạnh tình đó. Là nghệ sĩ, mình cũng chỉ mong làm được chuyện đó. Và thiệt lòng, anh rất vui và cảm động khi được gặp gỡ, trò chuyện với anh em báo Trẻ hôm nay. PV Trẻ : – Cảm ơn anh. PV Trẻ thực hiện