Thiếu tướng tình báo Ba Quốc: Đơn tuyến trong Phủ đặc ủy trung ương tình báo ngụy – ASEAN News – Tạp Chí Đông Nam Á

Thiếu tướng tình báo Ba Quốc: Đơn tuyến trong Phủ đặc ủy trung ương tình báo ngụy – ASEAN News – Tạp Chí Đông Nam Á

ASEAN News – Ông Đặng Trần Đức (1922-2004), sinh tại Thanh Trì, Hà Nội; bí danh Ba Quốc, Nguyễn Văn Tá; là Thiếu tướng tình báo Quốc phòng nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Cục trưởng Cục 12, Tổng Cục II, Bộ Quốc phòng, phụ trách lực lượng tình báo phía Nam và Campuchia.

Tháng 3 năm 1945, Ông tham gia Việt Minh tại khu Hàng Trống, Hà Nội; được tuyển vào Công an xung phong, từng giữ chức Trung đội trưởng Công an thanh niên xung phong Mặt trận Việt Minh khu Khâm Thiên, Hà Nội.

Năm 1954, sau khi được Nha Liên lạc của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa điều vào miền Nam Việt Nam, ông được bố trí làm kế toán viên tại Nha Công an Nam phần. Sau đó năm 1957 chuyển về ban công tác đặc biệt Phủ Tổng thống của Việt Nam Cộng hòa, đặc trách tổ chức việc thu thập thông tin buôn lậu vàng.

Trong chiến tranh, vào những năm 60 đến khoảng đầu những năm 70 của thế kỷ 20, Ba Quốc hoạt động trong cơ sở tình báo số H.67. Từ năm 1963, Ba Quốc được cài vào làm một trong những trợ lý “trung thành” của Bác sĩ Trần Kim Tuyến tại bộ phận tình báo trong nước thuộc Phủ đặc ủy trung ương tình báo Việt Nam Cộng hòa (CIO) do Trần Kim Tuyến đứng đầu. Ở vị trí này, ông Ba Quốc được tiếp cận với hầu hết các tài liệu quan trọng trong mạng lưới tình báo của Việt Nam Cộng hòa.

Trở thành người của Phủ Đặc ủy tình báo trung ương Sài Gòn

Ông Ba Quốc nắm giữ nhiều chức vụ. Có lúc ông là trợ lý cho Cục trưởng Cục Tình báo quốc nội, có lúc làm Trưởng ban Đoàn thể phụ trách các đảng phái chính trị. Lợi dụng những vị trí này, ông bí mật, cần mẫn tìm hiểu về bộ máy tổ chức, nhân sự, các kế hoạch cũng như sự chi phối của CIA với các kế hoạch của Phủ Đặc ủy tình báo trung ương Sài Gòn.

Thông qua một sĩ quan phụ trách bộ phận sản xuất tin của Ban R – Cục Tình báo quốc nội, ông biết 2/3 tin tức do Ban R trình lên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Hội đồng An ninh quốc gia là tin công khai lấy từ báo chí, đài phát thanh, 1/3 là hỏi cung tù binh. Những tin tức của Cục Tình báo quốc ngoại cũng y như vậy nhưng chủ yếu là tin của “cảm tình viên” chứ không phải là “nội tuyến” cài cắm trong các cơ sở cách mạng. Ông viết trong ghi chép tổng kết: “Lúc đó, cấp trên yêu cầu tôi phải lấy cho được toàn bộ hồ sơ về mạng lưới gián điệp của chính quyền Sài Gòn, kể cả ở Lào và Thái Lan”. Mà muốn lấy được tài liệu này, ông phải lấy được lòng tin của thiếu tá Nguyễn Văn Giàu, Trưởng ban 7 Cục Tình báo quốc nội, kiêm Giám đốc Sở Giao tế dân sự.

Thời cơ một lần nữa lại đến với ông. Sau cuộc Tổng tiến công, nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, ông nắm được thông tin về mặt trận Khe Sanh lúc đó có thể sẽ biến thành một Điện Biên Phủ thứ 2, và người Mỹ đang có nhiều tính toán để gỡ bí. Một trong những cách gỡ bí là nếu không có lối thoát về quân sự, Mỹ sẽ thực hiện một cuộc đảo chính, thay chính quyền quân sự bằng một chính quyền dân sự để thương thuyết với Cộng sản”.

Thông tin này đến tai trung tướng Linh Quang Viên, Tổng trưởng Quốc phòng kiêm Đặc ủy trưởng Phủ Đặc ủy tình báo trung ương. Theo “hiến kế” của ông Ba Quốc, Viên cho lập một phòng – gọi là Phòng Tình hình – nơi tập trung tất cả mọi tin tức về lĩnh vực an ninh tình báo. Ông viết: “Hằng ngày, cứ 9 giờ sáng tôi đến Phòng Tình hình để làm báo cáo. Tin tức tôi lấy từ các dân biểu Hồ Hữu Tường,  Trần Văn Tuyên, Lê Trọng Quát…” – là những dân biểu đối lập với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Thực tế thì Phòng Tình hình chỉ là viên gạch lót đường dẫn ông Ba Quốc đến các tủ chứa tài liệu tuyệt mật của thiếu tá Nguyễn Văn Giàu. Ông viết tiếp trong bản ghi chép tổng kết: “Hàng ngày, cứ 7 giờ 30 sáng Giàu đến phòng làm việc, 9 giờ 30 đi uống cà phê, 10 giờ 30 trở về nhận tin hay tiếp xúc với các trưởng ban thuộc Sở Giao dịch dân sự, ký các giấy tờ công văn… cho đến hết ngày. Sáng thứ Bảy ông ta tiếp cố vấn Mỹ Tom Barret, chiều thứ Bảy nghỉ cho đến sáng thứ Hai tuần sau…”.

Một buổi sáng, lúc gần đến 9 giờ 30 phút, ông Ba Quốc cầm một tập hồ sơ lên phòng Nguyễn Văn Giàu. Đến trước cửa ông dừng lại. Biết ý, Giàu hỏi: “Chắc anh cần làm việc riêng với ông Lê Liêm, anh cứ vào bàn giấy của tôi ngồi, tôi đi uống cà phê một lát”.

Ông Ba Quốc cảm ơn rồi bước vào, ngồi xuống chiếc ghế của Nguyễn Văn Giàu. Đợi Giàu bước ra một hồi lâu, ông mới mở tủ và phát hiện trong đó có một tập hồ sơ với tên “Stay behind in North Vietnam – tạm dịch là: Các mạng lưới gián điệp được cài cắm lại ở miền Bắc Việt Nam”. Đây chính là tập hồ sơ mà cấp trên yêu cầu ông Ba Quốc lấy cho bằng được”.

Biết Nguyễn Văn Giàu chỉ đi uống cà phê trong 1 tiếng, máy chụp hình không có nên ông Ba Quốc chỉ còn cách là… chép tay lại, mỗi lần chép một ít, vừa chép vừa nhìn đồng hồ để tính toán giờ giấc cất hồ sơ vào tủ cho sít sao.  Ông viết: “Từ hôm  đó trở đi, cứ mỗi lần nhìn thấy tủ hồ sơ của Nguyễn Văn Giàu hé mở là tôi lại canh đến giờ cà phê của Giàu để mang hồ sơ lên. Lần nào cũng vậy, Giàu lại nhường chỗ cho tôi. Khoảng nửa tháng, tôi chép hết 35 bộ hồ sơ của 35 ổ gián điệp cài ở miền Bắc”.

Trong thời gian chép lại hồ sơ gián điệp, chỉ duy nhất một lần ông Ba Quốc bị một nữ thư ký đánh máy tài liệu mật tên là Nguyễn Thị Lệ bất ngờ bước vào và nhìn thấy ông đứng cạnh tủ tài liệu mật của Nguyễn Văn Giàu nhưng cô ta không hề tỏ vẻ ngạc nhiên hay có phản ứng. Theo ông Ba Quốc, có lẽ cô nhân viên này đã từng nhìn thấy ông ngồi làm việc tại bàn giấy của Nguyễn Văn Giàu nên cô ta coi việc ông đứng trước tủ hay ngồi ở bàn là chuyện tất nhiên.

Với Nguyễn Văn Giàu, tay thiếu tá Trưởng ban 7 Cục Tình báo quốc nội, kiêm Giám đốc Sở Giao tế dân sự chẳng chút mảy may nghi ngờ vì tập tài liệu tuyệt mật luôn được ông Ba Quốc đặt trả lại đúng chỗ. Bên cạnh đó, Giàu biết ông Ba Quốc đang làm những việc tối quan trọng cho Lê Liêm – là cấp trên của Giàu nên ông ta phải giữ ý tứ: “Toàn bộ 35 bộ hồ sơ gián điệp ở miền Bắc, tôi chuyển cho cơ sở gửi về cấp trên. Cả 35 nhóm gián điệp này sau đó đã bị ta bắt gọn”.

Sau cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, người Mỹ ở trong cái thế bị buộc phải ngồi vào bàn Hội nghị Paris. Lúc này, phái hiếu chiến trong giới cầm quyền Mỹ đã liên lạc với giới chính trị chống Cộng cực đoan ở Sài Gòn, tìm cách tác động Nguyễn Văn Thiệu phá hoại thương thuyết để tạo cơ hội cho đảng Cộng hòa hạ bệ Tổng thống Johnson – là người của đảng Dân chủ. Kết quả là Nguyễn Văn Thiệu viện nhiều lý do để trì hoãn, không chịu ngồi vào bàn đàm phán cho đến khi Johnson quyết định rút lui, không tái ứng cử.

Bên cạnh việc phá hoại đàm phán, Nguyễn Văn Thiệu tiến hành cải tổ Phủ Đặc ủy tình báo trung ương bằng cách đưa viên bí thư thân tín của mình là tướng Nguyễn Khắc Bình về làm Đặc ủy trưởng. Theo lệnh Thiệu, về mặt tổ chức, ngoài Văn phòng Đặc ủy trưởng, còn có 3 văn phòng phụ tá là Phòng An ninh, Phòng Điều hành và Phòng Kế hoạch. Riêng Cục Tình báo quốc nội có 3 nha, gồm: Nha Điệp báo (ban K), Nha Phản gián (ban U) và Nha Chính trị (Ban Z).

Về nhân sự, Nguyễn Khắc Bình loại hết những người của Mỹ và của Ngô Đình Diệm, Nguyễn Khánh ra khỏi các chức vụ chỉ huy từ cấp phòng trở lên. Người Mỹ chỉ quản lý được Ban Q (Trung tâm Thẩm vấn quốc gia), làm nhiệm vụ tiếp nhận tù binh từ các quân khu đưa về để thẩm tra. Các biện pháp an ninh trong Phủ Đặc ủy được bảo đảm hết sức chặt chẽ. Từ nhân viên cho đến  chỉ huy  ra vào cơ quan đều phải qua kiểm tra. Ngay cả các cố vấn Mỹ cũng không được tùy tiện ra vào Phủ Đặc ủy, họ chỉ được tiếp xúc với trưởng ban E, Ban K, Ban U…

Theo ông Ba Quốc, một tuần trước khi Nguyễn Khắc Bình về nắm Phủ Đặc ủy, Nguyễn Văn Giàu cho ông biết là Giàu sẽ nằm trong Bộ Tham mưu của Bình để tiến hành kế hoạch cải tổ Phủ Đặc ủy. Cải tổ xong, Giàu trở thành Giám đốc Cục Tình báo quốc nội nhưng khi trò chuyện với ông Ba Quốc, Giàu cho biết mình không muốn nhận nhiệm vụ cục trưởng vì: “Nguyễn Khắc Bình đã không thực hiện đúng chức năng của một cơ quan tình báo chiến lược. Sau khi đưa đề án cho Tổng thống Thiệu phê duyệt, Bình đã biến Phủ Đặc ủy thành một cơ quan chỉ để bảo vệ Tổng thống Thiệu. Tôi không chống lại việc bảo vệ chế độ Thiệu nhưng chỉ nên dành 30% hay nhiều nhất là 50% cho công việc này. Bình không những không nghe mà còn coi tôi là phần tử chống Thiệu”.

Trước tình hình ấy, ông Ba Quốc nhận ra rằng ngoại trừ các văn phòng của Đặc ủy trưởng, còn bám vào các bộ phận khác của Phủ Đặc ủy, kể cả Cục Tình báo quốc nội lẫn quốc ngoại đều không đáp ứng được yêu cầu mà cấp trên giao cho ông, là phải tiếp tục phát hiện và lấy cho được các tài liệu về mạng lưới gián điệp của địch.

Người mà ông nhắm vào là Nguyễn Đăng Khiêm, chủ sự kế hoạch của Nha Điệp báo (ban K). Khiêm là một thầy tu nhưng nửa chừng bỏ tu ra đời, không chơi bời cờ bạc hút xách và rất kín miệng. Biết Khiêm mê trồng trọt, ông Ba Quốc tiếp cận Khiêm bằng cách mỗi lần gặp nhau, ông lại nói về những vùng đất phì nhiêu, màu mỡ ở Long Khánh, thích hợp với nhiều loại cây trồng. Dần dà, ông và Khiêm trở nên thân thiết. Từ chuyện trồng trọt, ông Ba Quốc khéo léo lái sang chuyện công việc của Nha Điệp báo. Nhờ vậy, qua Nguyễn Đăng Khiêm, ông đã phát hiện 4 cán bộ của ta làm việc cho địch.

Tháng 5/1972, cấp trên chỉ thị cho ông Ba Quốc phải lấy bằng được hồ sơ của 2 cán bộ ta làm gián điệp cho địch ở hai tỉnh. Mặc dù đã biết là có nội gián, nhưng ta không biết cụ thể tên tuổi, chức vụ.

Với ông Ba Quốc, đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn chứ không đơn giản như việc đánh lừa Nguyễn Văn Giàu rồi lợi dụng lúc y đi uống cà phê để chép lại hồ sơ tài liệu: “Phủ Đặc ủy tình báo trung ương áp dụng chế độ ai làm nấy biết trong nguyên tắc bảo mật. Người của nha này, ngoài việc kình chống nhau thì họ còn giữ bí mật công việc của nha họ để lập công nên việc tìm hiểu thông tin rất khó. Tuy nhiên, chấp hành chỉ thị của cấp trên, tôi quyết định mạo hiểm vì nội gián còn nằm trong hàng ngũ ta ngày nào, ta còn phải chịu thiệt hại ngày ấy”…

Tạo được mối quan hệ thâm tình với Nguyễn Đăng Khiêm, ông Ba Quốc thường xuyên đến nhà Khiêm và vài ngày một lần, ông ghé vào phòng làm việc của Khiêm như thể tiện đường đi qua thăm hỏi. Mục đích của ông là nghiên cứu địa hình địa vật để lập kế hoạch đánh cắp tài liệu. Mỗi lần đến, ông quan sát để xác định tài liệu nằm ở tủ nào, ngăn nào, khóa gì, chìa ra sao, đồng thời theo dõi quy luật đi lại, giờ giấc của Nguyễn Đăng Khiêm.

Trong ghi chép tổng kết của mình, ông viết: “Sau khi nắm được quy luật và lấy được mẫu chìa khóa, một buổi sáng tôi vào Ban K, lúc lính gác đi uống cà phê chưa về và người tùy phái cũng vừa làm xong công việc mở cửa, lau bàn ghế cho phòng của Nguyễn Đăng Khiêm. Tôi bước nhanh tới tủ, mở khóa. Trước đó, tôi đã thử mở các tủ trong ban của tôi và mở rất tốt nhưng ác thay, nó lại không mở được tủ ông Khiêm mặc dù chìa khóa tôi làm rất đúng cỡ”.

Đã không mở được mà chìa khóa lại bị kẹt trong ổ khóa, ông Ba Quốc hơi lúng túng nhưng một lát, ông cũng rút được chìa khóa ra rồi nhanh chóng ngồi xuống chiếc ghế dành cho khách. Ngay lúc đó, trung tá Tiên, Giám đốc Nha Điệp báo từ cầu thang đi lên. Thấy ông Ba Quốc, trung tá Tiên nhìn ông trừng trừng rồi hỏi ông đến đây có việc gì: “Tôi trả lời rằng tôi đến gặp ông Khiêm, hẹn ông ta Chủ Nhật đi Long Khánh. Nghe xong, trung tá Tiên lẳng lặng vào phòng làm việc của mình. Còn tôi, tôi vẫn ngồi đó, chờ cho Nguyễn Đăng Khiêm đến và rủ ông ta đi Long Khánh để chứng minh việc này có thật”.

Không lấy được tài liệu, nhưng ông Ba Quốc vẫn bảo vệ được vỏ bọc của mình. Trong lúc đang tính toán kế hoạch khác thì một buổi chiều, đại úy Tâm, Trưởng ban An ninh của Nha Điệp báo đến gặp ông Ba Quốc. Trước đó, Tâm là nhân viên dưới quyền ông hồi còn ở Sở Nghiên cứu chính trị. Tâm báo cho ông biết là trung tá Tiên ra lệnh cho anh ta theo dõi ông: “Tôi báo cáo khẩn cho cấp trên và được cấp trên chỉ thị ngưng không thực hiện kế hoạch đó nữa. 10 ngày sau, đại úy Tâm lại báo cho tôi biết anh ta được lệnh ngừng theo dõi tôi. Tôi báo về trên rằng tình hình đã yên nhưng cấp trên vẫn chỉ thị không thực hiện. Mãi đến sau ngày giải phóng, khi khai thác những người chỉ huy và nhân viên Phủ Đặc ủy tình báo trung ương, ta mới nắm được danh sách 2 cán bộ nội gián”.

Năm 1974, ông Ba Quốc bị lộ trong một trường hợp hoàn toàn bất ngờ. Hôm đó, ông gặp người liên lạc của mình là cô Bảy Anh tại một khu chợ đông người rồi đưa cho Bảy Anh tài liệu tình báo. Nhiệm vụ của Bảy Anh phải chuyển tài liệu này cho một nữ liên lạc để mang về căn cứ.

Không may cho cô liên lạc, cảnh sát bất ngờ chặn và khám xét tất cả những hành khách trên chiếc xe buýt đi Củ Chi để tìm kiếm một nghi phạm hình sự. Trong khi khám xét, tình cờ cảnh sát phát hiện những tài liệu tình báo trong túi xách của cô liên lạc. Vài ngày sau, Phủ Đặc ủy tình báo trung ương biết ông Ba Quốc là điệp viên do Hà Nội cài vào nhưng ông đã thoát ra căn cứ trước khi cảnh sát đến nhà để bắt ông…

Khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, ông tiếp tục công tác trong ngành Tình báo quốc phòng và trở thành cán bộ Tình báo. Ông đóng góp rất to lớn vào thành công của lực lượng tình báo trong giai đoạn chiến tranh tây nam. Năm 1977, cụm điệp báo Hà Tiên/Kiên Giang mà ông là cụm trưởng, đã móc nối thành công với Hengsamrin – tư lệnh sư đoàn 4 của Khmer Đỏ, nắm được ý đồ của Kmer đỏ coi “Việt Nam là kẻ thù truyền kiếp”]. Từ đó Trung ương Đảng xác định, đây không chỉ là “xung đột biên giới” đơn thuần mà là cuộc chiến tranh Bảo vệ Tổ Quốc. Năm 1978, ông Heng Sarin tiến hành đảo chính không thành công, Việt Nam buộc phải tiến hành biện pháp cứng, phản công trên toàn biên giới tây nam với hơn 25 vạn quân và tiến vào Phenompenh lật đổ chế độ Kmer đỏ.

Trong thời gian công tác tại Campuchia và là cục trưởng phụ trách lực lượng tình báo phía Nam của tổng cục. Ông là người duy nhất đi từ tình báo viên trong chiến tranh Việt Nam, trở thành cán bộ tình báo rồi lãnh đạo tình báo quốc phòng sau chiến tranh.

Ông mất hồi 5h30 phút, ngày 26 tháng 3 năm 2004 tại Quân y viện 175, thành phố Hồ Chí Minh.

Ông đã được Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam tặng thưởng nhiều huân huy chương:

The Cuong (Nguốn Vũ Cao)

Rate this post