Ca sĩ Mỹ Huyền: ‘Tôi vẫn truân chuyên, không chồng, không con’
Sau 11 năm xây dựng tên tuổi trong nước, Mỹ Huyền sang Mỹ định cư và phát triển sự nghiệp tại xứ sở cờ hoa. Năm 2018 này, Mỹ Huyền quyết định trở về Việt Nam, nơi chị từng bắt đầu sự nghiệp để chuẩn bị cho một chuyến hành trình mới mà bản thân chị đang chờ mong sự may mắn để có thể trở về với những phút huy hoàng của ngày xưa.
Ca sĩ Mỹ Huyền
Chẳng dám quên những ngày khốn khó
* Là con gái ruột của nhạc sĩ Thu Hồ nhưng không được cha dạy nghề. Đã bao giờ chị được nghe câu trả lời từ ông?
– Đến hiện tại, tôi vẫn cho rằng chữ duyên mang tôi đến với nghiệp cầm ca. Ba tôi có cản trở thì số trời đã định nên tôi phải trả hết nghiệp trong kiếp này. Xướng ca thì vô loài, định kiến xã hội thời bấy giờ vẫn còn nặng nề lắm. Ba tôi đã trải hết những gian truân, nghiệt ngã của nghề này, nhất là ông hiểu người nghệ sĩ nữ nên không muốn con gái theo nghề. Các anh tôi đều được cha dạy dỗ, học nhạc đến nơi đến chốn, riêng 4 con gái không được truyền nghề.
Nhưng đến khi ông thấy được niềm đam mê của tôi quá lớn, không còn cản trở được nữa thì đành buông tay. Tôi có buồn ba nhưng không trách ông vì sự cản trở đó. Nhưng nếu ba tôi cố gắng dạy nhạc, rèn luyện cho tôi sớm hơn thì có lẽ tôi đã có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết hơn bây giờ. Tôi tự học nhạc qua những người bạn của anh mình. Sau đó, một anh trưởng ca đoàn đã dạy cho tôi đánh guitar, hát những bài tân nhạc. Trong những năm đó, sự thôi thúc để trở thành ca sĩ chưa bao giờ dứt trong tôi.
* Chị không tiếc, không trách móc, nhưng nhạc sĩ Thu Hồ thì thế nào?
– Khi tôi đã đi hát thì có lúc ba tôi cũng bày tỏ sự hối tiếc. Ông bảo giá như ngày xưa đừng quá kiên định với suy nghĩ không muốn con gái theo nghề thì có lẽ nhạc lý của tôi đã giỏi hơn rất nhiều. Ông có đưa cho tôi một tập nhạc mà ông dùng để dạy học trò và bảo học thêm. Tôi đành nói cảm ơn ông nhưng khước từ rằng: “Bây giờ, con đi hát cực khổ quá rồi nên con chẳng thể nhét thêm chữ nào vào đầu được nữa”.
Khi tôi tự tìm tòi thì chỉ biết kiến thức căn bản, chứ không sâu như một người nhạc sĩ. Càng học, tôi càng thấy chúng quá đáng sợ. Bây giờ, tôi vẫn biết về âm nhạc ở mức căn bản nhất chứ không thu nạp thêm được chút chuyên sâu nào nữa. Hơn nữa, tôi tự xí xoá cho mình rằng dẫu sao cũng là ca sĩ nên vẫn chú tâm vào giọng hát hơn. Nếu có sáng tác, tôi sẽ cầm đàn lên, bấm vào nốt gì tôi sẽ ghi ngay xuống giấy nên những sự hiểu biết của tôi đều nằm trên đàn.
Chân dung nhạc sĩ Thu Hồ thời trẻ, cha ruột của ca sĩ Mỹ Huyền
* Một người bình thường chỉ cần hát hay là được công nhận, nhưng là con của một nhạc sĩ nổi tiếng lại cần phải cố gắng gấp đôi, gấp ba lần mới được công nhận. Đã bao giờ chị phải chịu những áp lực như thế?
– Ngày đó, cứ nói đây là con gái của nhạc sĩ Thu Hồ, tôi chỉ thấy tự hào thôi chứ không có gánh nặng gì cả. Đi đâu, tôi cũng chủ động giới thiệu mình là con của nhạc sĩ Thu Hồ. Có thể, tôi hơi tự tin về khả năng của mình. Cũng nhờ danh tiếng của ba tôi mà tôi có vẻ được ưu ái hơn. Những người chủ của các trung tâm băng đĩa đều đã lớn tuổi, cùng thế hệ ba tôi nên có thể có suy nghĩ “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Trong mọi sự lựa chọn tôi, đầu tiên đều có thể xuất phát từ danh thế, nhưng cuối cùng cái để trụ lại vẫn là năng lực thật. Nếu không có tài thì chẳng ai giữ chân chúng ta lại.
* Từng một thuở phải đi hát trên chiếc xe đạp cọc cạch. Nghĩ lại những thời điểm đó, có bao giờ chị phải thở dài cho những gian khổ đã đi qua?
– Nặng nề, thở dài có nhưng đó là cả quá trình để mỗi người nghệ sĩ thấy rằng bước chân vào, tồn tại được với nghề này không phải chuyện đùa. Tất cả đều có duyên và do nghiệp mà thành. Tôi đi hát trước cả Ngọc Sơn. Thuở đầu tiên, tôi đạp chiếc xe đi hát ở đoàn Kim Cương, đoàn Bông Sen… Thường một tuần đoàn sẽ diễn ở một nơi, nhà tôi lại ở tận nhà thờ Fatima Bình Triệu, có lần đạp mười mấy, hai mươi cây số nhưng vẫn đạp.
Lúc đó, lương tôi rất ít, dành dụm lắm mới mua được chiếc xe honda. Thời đó có khổ thật, nghĩ lại quá sức tưởng tượng nhưng đó là cả một sự trải nghiệm to lớn. Tôi luôn chờ mong một cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi đã chạm đến ước mơ, tôi cũng chẳng dám quên những ngày khốn khó. Bây giờ, các em nghệ sĩ trẻ sướng hơn thế hệ của tôi rất nhiều.
Cuộc sống nhàn hạ, êm ái khiến tôi lười biếng, chủ quan
* Gần 40 năm theo nghề đã có một khoảng thời gian nào đó chị muốn bỏ cuộc hay dừng lại?
– Điều khó khăn nhất là việc tôi xuất thân là con nhà nghèo nhưng con đường sự nghiệp của tôi khá may mắn, bằng phẳng, suôn sẻ, nhẹ nhàng. Ngoại trừ thời điểm đầu tiên lập nghiệp tôi hầu như không gặp bất kỳ trở ngại nào. Sau 11 năm đi hát ở Việt Nam, chỉ 1 tháng sau khi định cư tại Mỹ tôi đã có show, 1 tháng tiếp sau đó tôi đã chạy show rất đều đặn.
Sau đó, từ trung tâm nhỏ đến trung tâm lớn đều có dấu chân của tôi đặt đến. Nhưng một điều đáng tiếc tôi phải thừa nhận sự nghiệp của mình chưa bao giờ lên đến tột đỉnh như những ngôi sao hạng A khác. Sự an yên đó cũng giúp tôi cảm thấy cuộc sống mình dễ chịu hơn. Sau 38 năm đi hát thì giờ đây mới chính là bước ngoặc bấp bênh thật sự trong sự nghiệp của tôi, khi quyết định trở về Việt Nam để hoạt động lâu dài và tiếp tục cống hiến cho khán giả.
Ca sĩ Mỹ Huyền thời trẻ
* Chị có nghĩ rằng cái giá mình trả chưa đủ đắt để vươn lên trở thành một ngôi sao hàng đầu dù có thực lực?
– Nhiều ca sĩ sẽ có một giai đoạn nào đó thực sự khó khăn trong sự nghiệp, nhưng rồi sau “khoảng đen” đó họ vực dậy và bừng trở thành một ngôi sao sáng, vững vàng, mạnh mẽ. Riêng tôi, chưa hề trải qua thời đoạn đó. Có lẽ đúng khi cái giá tôi trả chưa đủ đắt nên sự nghiệp vẫn chưa đạt được những điều như mong muốn.
Ngày sang Mỹ, hết trung tâm này đến trung tâm kia mời đi hát. Tôi như ngồi không đợi người ta dọn mâm cỗ, đến giờ là lên ăn. Tôi gần như không phải vận động. Cuộc sống êm ái, nhàn hạ đến nỗi gần như khiến tôi lười biếng, chủ quan. Nhưng bây giờ nghĩ lại mới thấy những thuận lợi ngày đó vô tình trở thành rào cản cho hiện tại khi tôi phải bắt đầu lại ở một môi trường hoàn toàn mới mẻ.
Giờ đây, tôi chỉ mong sự trở về này như một thử thách lớn nhất mà mình cần vượt qua để những năm tháng còn lại trong sự nghiệp còn có cơ hội vươn lên mạnh mẽ, vững chắc. Nhưng tôi là người khiêm nhường, luôn hiểu rõ năng lực của mình ở đâu nên chẳng dám nhìn cao, mơ xa. Tôi chỉ mong mình còn được đi hát, còn được khán giả biết đến để trọn vẹn một kiếp tằm nhả tơ.
* Sự nghiệp của chị đã từng có những đỉnh điểm với nhiều ca khúc được yêu thích, số lượng băng đĩa bán ra “khủng”…
– Những ngày tại hải ngoại, tôi có nhiều ca khúc được yêu thích, rất nhiều băng đĩa được bán sạch. Kẻ yêu thầm, Khổ vì yêu… là những CD bán rất chạy. Nhưng đến bây giờ, khán giả vẫn chỉ nhớ về Mỹ Huyền như thế. Tôi vẫn chưa có những cột mốc mới cho mình. Đương nhiên, ai không ao ước thời vàng son được kéo dài nhưng mọi chuyện đã có số phận an bài. Nếu có may mắn được trở về khoảng thời gian tươi đẹp đó, có lẽ là niềm hạnh phúc vô cùng tận đối với tôi ở thời điểm này.
Đôi lúc, tôi cũng ngồi nghĩ và tự vẽ ra cho mình nhiều thứ: nào show đi hát, nào tổ chức một liveshow, nào làm giám khảo các chương trình… Tôi cũng có khả năng đóng kịch, đóng phim và mong chờ một cơ hội nhỏ nào đó đến với mình để được thử sức. Đặc biệt, tôi mong những bài hát còn chưa được công bố của mình sẽ được đến với khán giả trong thời gian tới. Thi thoảng, tôi cũng chạnh lòng khi tâm tình của mình gửi trọn trong các ca khúc mà không được người ta xem trọng.
* Vậy quyết định trở về Việt Nam có một phần nguyên nhân nào xuất phát từ việc chị không còn sống được ở thị trường hải ngoại hay không?
– Đến trước thời điểm quyết định trở về Việt Nam, tôi vẫn còn sống tốt với các show diễn ở hải ngoại. Tôi không bị ảnh hưởng hay hạn chế vấn đề tài chính. Tôi thấy bây giờ mình đã lớn tuổi, show cũng không còn nhiều nên cần một điều gì đó mới mẻ cho quãng đời còn lại. Thời gian đứng trên sân khấu của tôi cũng không còn nhiều nữa, khiêm nhường mà nói thì 5 năm, 7 năm nữa nên cần có những bước đi mới để khi nhìn lại không còn gì để hối tiếc nữa.
Ngay khi suy nghĩ trở về Việt Nam xuất hiện trong đầu, tôi nhận được lời mời làm giám khảo Duyên dáng bolero. Tôi trở về nhưng không nghiên cứu rõ thị trường âm nhạc Việt Nam vận hành như thế nào. Trong khoảng thời gian ghi hình chương trình, tôi mới bắt đầu quan sát để tìm hướng đi hợp lý cho mình, hy vọng sẽ vượt qua được mọi khó khăn, bấp bênh.
Sau nhiều năm hoạt động tại hải ngoại, Mỹ Huyền quyết định trở về Việt Nam để tiếp tục phục vụ khán giả
* Nghĩa rằng, chị hoàn toàn không biết tình hình bolero đang sôi động tại Việt Nam trong những năm qua?
– Tôi biết nhưng không bị thôi thúc, mà nguyên nhân chính là do hiện tại anh, chị, em tôi đã ở Mỹ hoàn toàn. Tôi lại quấn quýt gia đình, công việc ổn định nên không muốn đi đâu nữa. Đến khi tôi quyết định về, tôi biết có thể đã muộn với thời cuộc nhưng nếu con người có sự cầu tiến thì không có gì để gọi là muộn cả. Hơn nữa, dòng nhạc bolero còn vẫn còn được khán giả yêu, vẫn là tiếng lòng của họ thì không có gì để lo sợ.
* Bolero phát triển nhưng cũng gây không ít tranh cãi bởi người ta cho rằng đây là nhạc bình dân, nhạc uỷ mị, nhạc sến…
– Nói nhạc bolero uỷ mị cũng không hề sai. Nếu như nhạc trẻ, bạn dễ dàng tìm được một ca khúc vui thì hầu như bolero đều là những bản nhạc buồn. Nhưng rồi phải thừa nhận một thực tế rằng chính cuộc sống vui ít buồn nhiều, bao nhiêu tâm tư, uất nghẹn được dồn hết vào các ca khúc nên khiến bolero dễ chạm đến tâm hồn người nghe.
Dòng nhạc này nghe còn khiến người ta u buồn, não lòng hơn nhưng họ vẫn nghe, vẫn thích thì ai có nói gì đi chăng nữa bolero vẫn sống được. Nhiều người bảo tôi hát nhạc bolero đã buồn mà mặt còn buồn não nề hơn. Nhưng thực tế gương mặt tôi đã buồn sẵn như vậy. Nhưng có người lại cho rằng gương mặt tôi buồn lại hát nhạc buồn nên thành ra họ ghét luôn.
Video clip Mỹ Huyền hát Cánh thiệp đầu xuân:
Nhiều người không biết tôi đã có một đời chồng
* Nhạc sĩ Thu Hồ nổi tiếng với nhiều mối tình. Chị cũng là người yêu nhiều, như ba…
– Người ta hay bảo với tôi rằng đời cha ăn mặn, đời con khát nước (cười). Dù yêu nhiều, yêu hết lòng nhưng đến giờ này tôi vẫn là người phụ nữ truân chuyên, không chồng, không con. Tôi cũng không nuôi chó, mèo để bầu bạn như những người phụ nữ độc thân khác. Lúc nào tôi cũng có người yêu, rồi chia tay. Cái vòng lẩn quẩn như thế, cứ lặp lại.
Những tâm tình của kiếp yêu đương tôi dành trọn hết vào sáng tác Khổ vì yêu. Bao nhiêu nỗi niềm, tâm tư tôi dồn hết vào những lời ca để mang đến khán giả. Nhưng rồi chính định mệnh buồn đó lại vây ngược lấy cuộc đời tôi, mà không thể nào thoát ra được.
Mỹ Huyền cho biết đến hiện tại chị vẫn cô độc, lẻ loi
* Vậy có bao giờ chị mơ ước được mặc áo cưới hay một mái ấm tròn vẹn hơn chưa?
– Tôi đã được mặc áo cưới một lần, làm đủ các lễ nghi trong nhà thờ. Thời điểm kết hôn tôi không tổ chức đãi tiệc, cũng không công bố rộng rãi nên nhiều người không biết tôi đã có một đời chồng. Nhưng buồn thay cuộc hôn nhân này lại gãy gánh nửa đường. Sau 6 năm, chúng tôi trả nhau về cuộc sống của những người độc thân. Sau đó, tôi có yêu nhiều người nhưng đều dở dang cả.
Tôi buồn nhiều khi hôn nhân không tròn vẹn. Tôi không nghĩ lỗi do mình, cũng chẳng phải do người cũ mà có lẽ số trời đã đày đoạ tôi thế nào để rồi hạnh phúc lúc nào cũng vụn vỡ trong tầm tay dù đã cố níu rất chặt. Nhưng sau những dở dang đó, tôi chưa bao giờ ngừng mơ ước sẽ có một mái ấm gia đình lành lặn. Nhiều đêm tôi vẫn cầu nguyện Chúa và đức mẹ để thoát khỏi cái khổ trong tình yêu.
* Vậy còn hiện tại, chị đang hạnh phúc chứ?
– Khi quyết định về Việt Nam tôi lại dở dang chuyện tình cảm một lần nữa. Tôi sợ xa mặt cách lòng nên chủ động chấm dứt mối quan hệ này. Tôi nghĩ mình sẽ ở lại Việt Nam dài lâu, rồi liệu ở nơi xa xôi đó họ có còn giữ lấy sự chung thuỷ hay không. Quá nhiều câu hỏi như vậy đặt ra, hơn nữa công việc của người đó cũng không thể bỏ hẳn để về Việt Nam xây dựng cuộc sống với tôi thì cách tốt nhất là chia tay.
Hiện tại, tôi cũng chưa sẵn lòng đón nhận thêm bất kỳ tình cảm, mối quan hệ nào. Nhưng tôi luôn mơ ước sẽ có một tình yêu chân thành, giản dị, người đó yêu tôi, chấp nhận việc tôi không thể sinh con được, chấp nhận sự nghiệp và con người tôi dù tôi tự tin mình ít nhất phải là một người phụ nữ được chấm 8 điểm.
Quyết định trở về Việt Nam hoạt động, Mỹ Huyền lại một lần nữa dở dang
Có nhiều người cũng hay than vãn với tôi chuyện không có con, rồi lo sợ về già không ai chăm lo. Tôi hoàn toàn có thể thông cảm với nỗi lo sợ đó nhưng tôi nghĩ rằng không có con cũng có thể là một phần phước đức vì không nợ ai.
Tuy nhiên, nói đi vẫn phải nói lại, với văn hoá người Việt thì việc có con vẫn được xem là phần hơn. Hơn nữa, tại Việt Nam thì con cái có xu hướng sống gần gũi cha mẹ, không giống như ở Mỹ nên về già bậc làm cha làm mẹ cũng được an ủi phần nào. Nhưng vạn sự tuỳ duyên. Nếu số trời đã định mình không con, không chồng thì đành chấp nhận thôi.
* Xin cảm ơn chị!
Thuỵ Khuê