Vua Hàm Nghi và Tết đầu tiên ở Algérie

Vua Hàm Nghi và Tết đầu tiên ở Algérie

Hàm Nghi (1871 – 1944), là vị hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài và phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp. Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt. Sau đó, ông bị đem an trí ở Alger (thủ đô xứ Algérie) và qua đời tại đây năm 1944. Lịch sử Việt Nam ghi nhận ông cùng với các vua chống Pháp gồm Thành Thái, Duy Tân là ba vị vua yêu nước trong thời kỳ Pháp thuộc.

Villa des pins những ngày đầu tháng
1-1889 ở El Biar, nơi Hàm Nghi đón cái Tết Nguyên đán đầu tiên tha hương.

Thượng tuần tháng Giêng năm 1889, Vua Hàm Nghi bị Pháp đưa sang Algerie trên một chiếc tàu Pháp mang tên Biên Hòa. Đúng vào chiều chủ nhật, 13 tháng 1 năm 1889, ông đặt chân đến Alger, thủ đô của Algerie. Tại đây, mười ngày đầu, Hàm Nghi được tạm trú tại L’hôtel de la Régence. Sau đó, ông được đưa về một vùng hoang dã trên dãy đồi Mustapha Supereur cách Alger chừng vài cây số.

Hàm Nghi bị giam lỏng cùng với một phiên dịch và một đầu bếp, ở trong một biệt thự nhỏ có tên gọi là Villa des pins hay còn gọi là biệt thự Tùng Hiên. 19 ngày sau, nơi này, nhà vua đón cái Tết đầu tiên trên đất khách quê người. Đó là ngày thứ sáu 1-2-1889 (mồng 1 âm lịch), khi mà ở quê nhà Đại Việt diễn ra sự kiện trọng đại tại Kinh thành Huế: Thành Thái, vua triều Nguyễn thứ 10, lên ngôi ngày mồng hai, ngày 2-2-1889 (mồng 2 âm lịch), sau khi vua Đồng Khánh (người anh khác mẹ của vua Hàm Nghi) băng hà (28-1-1889). Nhà báo Jean Locquard cho biết: “Dây thép đến báo vua Đồng Khánh băng hà và mẹ Hàm Nghi là bà Phan Thị Nhàn (vợ thứ của Kiên Thái vương) cũng thất lộc… Suốt thời gian đó, Hàm Nghi tuyệt vọng, khóc rất nhiều; ông sợ bị đầu độc, chỉ tin vào đầu bếp của ông: ông ăn cơm chiên trứng, thịt heo, hút thuốc phiện và thuốc lá sau khi ăn…” .

Trước tình cảnh bi quan vì lạ cảnh, lạ người, đặc biệt là việc khó khăn giao tiếp ngôn ngữ, Henri de Vialar, một sĩ quan tùy tùng của Thống đốc Louis Tirman, đã hiểu thấu và cảm thông nỗi niềm của nhà vua trẻ tuổi tha hương mà ông ta có phận sự canh giữ, đã dẫn đến người học sinh Việt Nam đầu tiên là Trần Tống Hoành. Sau khi cùng Hoành được Henri de Vialar đưa đi dạo chơi ở “Vườn Thử Nghiệm/Jardin d’essai”, về nhà, Hàm Nghi lại gặp Nguyễn Khắc Cần, sinh viên Y khoa, sống tại Alger đã gần mười năm. Anh này cho hay: có rất nhiều học sinh khác ở trường trung học Alger cũng muốn xin được yết kiến nhà vua. Thế là hệ thống
bạn bè và sinh viên, học sinh người Việt của Hàm Nghi sớm được hình thành từ đó, nhờ tấm lòng rộng lượng của Henri de Vialar, cùng những ân nhân yêu quý, luôn bảo vệ Hàm Nghi sau này.

Chân dung Hàm Nghi những ngày đầu tháng 1-1889 ở Alger (hình minh họa của nhà báo Jean Locquart trên tuần báo “Le monde illustré tháng 2-1889).

Cái Tết Nguyên đán đầu tiên của vua Hàm Nghi trên đất Alger diễn ra tuy có phần đạm bạc hơn xưa, nhưng người đầu bếp chấp nhận theo chân ông lưu vong đã cố gắng nấu những món ăn dân dã, giản dị, gần gũi hương vị quê nhà… Đồng thời, Hàm Nghi đã chơi đánh bài, làm quen với môn chơi bi-a, và không quên “ban yến” sau buổi cơm cho các du học sinh Việt ở Alger cùng người đầu bếp, người thông ngôn với tư thế của một vị vua ban bổng lộc cho triều thần hoàng cung như cách thức mà ông đã từng làm trong cái Tết cung đình duy nhất năm 1885, dù giờ đây chỉ là cuộc sống lưu vong, tạm bợ…! Đây là thời điểm để nối kết sợi dây tình cảm thân ái với gia đình, gia tộc, bạn bè, thân hữu, láng giềng và cộng đồng… Ông hiểu rằng có một thế giới của quốc ngữ, chiếc cầu vượt bắt ngang giữa phương Đông và phương Tây mà ông không được tiếp thu khi mà thần dân kề bên ông trong thế giới hiện hữu nắm đã lâu chiếc chìa khóa nầy để thâm nhập vào môi trường quốc tế.

Từ đó, ông ít nhiều nguôi ngoai nỗi buồn nhớ quê hương, để tập làm quen, hòa nhập cùng cuộc sống mới. Cần lưu ý, trên hành trình lưu lạc đến miền đất Alger xa lạ, vốn liếng kiến thức Hàm Nghi chỉ mới được trang bị trong khoảng thời gian ngắn ngủi thời niên thiếu từ các sách Tứ thư Ngũ kinh qua chữ Hán – Nôm… là chữ tượng hình, nên giờ đây việc tiếp cận ngôn ngữ mới bằng chữ viết La-tinh khiến ông lúng túng, như thiếu “chiếc cầu vượt bắt ngang giữa phương Đông và phương Tây”.

Phong cảnh Alger, nơi Hàm Nghiđón cái Tết tha hương đầu tiên.

Một số tài liệu cho rằng: “Khi đến Phi châu, Hàm Nghi không chịu học tiếng Pháp, cho rằng học thứ tiếng ấy tức là thừa nhận kẻ đi chinh phục mình cả về vật chất lẫn tinh thần”. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7-1889, có nghĩa là chừng hơn 5 tháng sau Tết Kỷ Sửu, Hàm Nghi đã chấp nhận học tiếng Pháp và yêu cầu chính phủ Pháp cho mình một gia sư tiếng Pháp (chính quyền Pháp còn cử cả Marius Reynaud – họa sĩ Pháp sống ở Algeria – dạy vẽ cho ông). Có lẽ đã đến lúc nhà vua hiểu ra rằng, phiên dịch của ngài sẽ không vĩnh viễn ở lại Alger. Nếu muốn giao tiếp, không chỉ giao tiếp với chính phủ Pháp, mà còn diễn giải cho chính phủ Pháp những nhu cầu của mình, hay những điều mà ngài không đồng tình, thì Hàm Nghi cần phải tự lập về ngôn ngữ. Vì thế, trên thực tế, Hàm Nghi nhanh chóng chấp nhận học tiếng Pháp. Ông cũng giao du cùng những trí thức Pháp nổi tiếng. Năm 1899, ông có sang thăm Paris và đến xem một triển lãm của danh họa Paul Gauguin, về sau khi vẽ tranh Hàm Nghi cũng chịu ảnh hưởng bởi phong cách của Gauguin. Đối với người Việt thì Kỳ Đồng, tức Nguyễn Văn Cẩm từng lui tới thăm cựu hoàng. Có thể vì cớ đó mà người Pháp sinh nghi rồi ra lệnh trục xuất Kỳ Đồng về Việt Nam.

Tháng 11-1904, Hàm Nghi cưới cô Laloe, 19 tuổi, con gái viên Chủ tịch tòa án Alger. Cuộc hôn nhân này cho ra đời 3 người con: công chúa Như Mai, công chúa Như Lý và hoàng tử Minh Đức. Vua Hàm Nghi tạ thế vào ngày 14 tháng 1 năm 1944 và được an táng ngay trong khuôn viên biệt thự Gia Long trên đồi làng El Biar nhìn ra vịnh Alger. Năm 1962, nước Algérie giành được độc lập, Chính phủ Pháp buộc lòng phải di chuyển kiều dân Pháp cùng toàn bộ tài sản, mồ mả của người Pháp về Pháp. Gia đình vua Hàm Nghi cũng thuộc diện kiều dân Pháp nên vào năm 1965, chuyển qua sinh sống tại lâu đài De Losse bên bờ sông Vézère thuộc làng Thonac tỉnh Dordogne (phía tây miền Trung nước Pháp, sát với biên giới phía tây nam tỉnh Corrèze), do công chúa Như Mai tạo lập từ nhiều thập niên trước đó. Lăng mộ vua Hàm Nghi và bà quản gia Delorme cũng được cải táng qua nghĩa trang do công chúa Như Mai tạo lập riêng cho gia đình bà tại Thonac.

TRẦN TRUNG SÁNG

Rate this post