Cuộc tình đầy biến động và đau khổ của kỹ nữ Lý Sư Sư
Lý Sư Sư – kỹ nữ tài sắc
Theo ghi chép của sách thì Lý Sư Sư là con gái của một người thợ nhuộm tên là Vương Dần, là người Biện Kinh, tức Khai Phong, thuộc Hà Nam, Trung Quốc. Mẹ Lý Sư Sư qua đời ngay từ khi mới sinh cô, vì vậy, cha cô chỉ dùng sữa đậu nành để nuôi cô lớn.
Theo phong tục thời bấy giờ, những gia đình quý tộc hoặc giàu có thường cho con cái gửi “thân” lên chùa. Gia đình vô cùng yêu quý cô con gái của mình vì vậy cũng đem cô con gái gửi lên chùa Bảo Quang. Khi mới đến chùa, Lý Sư Sư khóc ầm lên, dỗ dành thế nào cũng không chịu thôi.
Lúc đó một lão hòa thường dùng tay xoa xoa vào đầu Lý Sư Sư, lập tức cô bé nín khóc ngay. Vương Dần thấy vậy mừng lắm, trong lòng nghĩ rằng con gái mình thực sự là một Phật tử chân chính. Thời bấy giờ, các đệ tử nhà Phật đều được gọi là “sư” (thầy) vì vậy, từ đó về sau, Vương Dần mới gọi con gái mình là Sư Sư.
Khi Lý Sư Sư mới 4 tuổi thì tai họa ập đến nhà họ Vương. Vương Dần phạm tội, bị bắt rồi chết trong nhà lao. Lý Sư Sư mới 4 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, trở thành đứa trẻ lang thang. Một bà chủ kỹ viện trong vùng thấy Lý Sư Sư xinh xắn, tương lai có thể trở thành một món hàng béo bở để kinh doanh vì vậy đã nhận Lý Sư Sư về nuôi.
Bà chủ kỹ viện này họ Lý vì vậy, Lý Sư Sư mới mang họ Lý. Để đào tạo Lý Sư Sư trở thành một kỹ nữ theo đúng các chuẩn mực, tú bà họ Lý đã mời thầy dạy Lý Sư Sư từ đàn hát cho tới cầm, kỳ, thi, họa. Vốn là một đứa trẻ thông minh, Lý Sư Sư chỉ cần học một lần là thành thạo ngay.
Lý Sư Sư lớn lên tài sắc vẹn toàn, đứng đầu các kỹ nữ trong kỹ viện
Mặc dù không may rơi vào cảnh phong trần nhưng nàng có tính cách kiêu ngạo và yêu thích cái nền nã, thanh cao, tính tình khảng khái có khí phách của đấng trượng phu. Sự nổi tiếng của nàng không ngờ lại dẫn đến một “giai thoại phong trần”.
Thậm chí nhiều bài hát do Lý Sư Sư tự phổ nhạc còn khiến cho những các nhạc sư cảm thấy xấu hổ vì tài năng thua kém. Đến tuổi trưởng thành, tài sắc đều hơn người, Lý Sư Sư nhanh chóng trở thành một kỹ nữ lừng danh khắp kinh thành. Giọng hát của Lý Sư Sư được rất nhiều người thừa nhận. Nhiều nho sỹ còn làm thơ để ca ngợi giọng hát của Lý Sư Sư.
Trong thời gian này, Lý Sư Sư còn được gọi bằng một “nghệ danh” cực kỳ hoa mỹ là “Bạch Mẫu Đơn” (hoa mẫu đơn trắng). Tuy nhiên, sự nổi tiếng của Lý Sư Sư đã đẩy cô đến với một mối tình lãng mạn và cũng đầy bi kịch với vị Hoàng đế đa tình của triều Tống: Tống Huy Tông Triệu Cát.
Mối tình của kỹ nữ với Hoàng đế đa tình
Tống Huy Tông Triệu Cát, hoàng đế thứ 8 nhà Bắc Tống là một ông vua phóng đãng nổi tiếng. Năm 19 tuổi, ông ta kế vị lên ngôi vua thay người anh, tiếp nhận cơ ngơi triều đình đổ nát. Mới 19 tuổi, Huy Tông không thể nào thống trị đất nước nên đành bỏ qua không quan tâm, giao việc triều chính cho lũ gian thần để ngày đêm đắm chìm vào thơ ca nhạc họa.
Người ta thường nói Tống Huy Tông là một nghệ sỹ bị đặt nhầm vào ngai vàng Hoàng đế. Bởi lẽ, mặc dù hoàn toàn bất tài trong cương vị một Hoàng đế nhưng Triệu Cát lại là một nghệ sỹ trời sinh. Vì vậy, dốt nát và chán ngán với việc triều chính bao nhiêu thì Tống Huy Tông lại dành bấy nhiêu sự hứng thú, nhiệt huyết và trí tuệ cho những thú chơi phong lưu thời bấy giờ. Từ cầm, kỳ, thi, họa, cho tới đá cầu, ca vũ… không có “món” nào Tống Huy Tông không biết và không giỏi.
Ở phía bắc thành Biện Kinh, ông cho xây Ly cung “Cấn nhạc”, bên trong đầy những hoa thơm cỏ lạ, suốt ngày yến tiệc quanh quẩn trong đó.
Đến khi trưởng thành, vị Hoàng đế triều Tống này lại có thêm một đam mê nữa, ấy là phụ nữ. Sử chép, những phi tần trong hậu cung của Triệu Cát nhiều không đếm xuể. Ngoại trừ hoàng hậu, cửu tần, 27 thê phụ, 81 ngự thiếp, còn có hàng ngàn mỹ nhân xinh đẹp được nuôi trong cung cấm chờ hoàng thượng “sủng hạnh”.
Theo danh sách “tình yêu” của Huy Tông có hàng trăm người, thì người cao tuổi nhất là 42, người nhỏ tuổi nhất là 16, còn lại chủ yếu ở độ tuổi từ 17 đến 19 tuổi. Năm đó, Tống Huy Tông 46 tuổi. Đủ thấy, vị Hoàng đế này biết cách thỏa mãn niềm đam mê với phụ nữ của mình tới mức nào.
Mặc dù hậu cung bạt ngàn mỹ nữ nhưng không khiến Tống Huy Tông bỏ được thói quen ăn chơi phóng túng. Khi đã chán ghét những gương mặt quen thuộc trong cung cấm, ông hoàng nghệ sỹ bèn mặc thường phục đến các lầu xanh kỹ viện tìm kiếm mỹ nhân. Và đó là thời điểm Lý Sư Sư lọt vào mắt xanh của Tống Huy Tông.
Từ lâu đã nghe tiếng Lý Sư Sư tài sắc song toàn, các công tử quý tộc trong chốn kinh thành không ai không biết tiếng, Huy Tông trong lòng cũng ngứa ngáy, mong ngày được tận mắt chiêm ngưỡng người đẹp. Nhưng khi đó, Huy Tông vẫn còn ngại ngùng danh phận của một thiên tử Đại Tống nên khi đến tìm Lý Sư Sư, Huy Tông nói dối mình là một thương nhân, tên là Triệu Ất.
Khi đến nhà Lý Sư Sư, Huy Tông được tú bà của kỹ viện mời vào phòng khách ăn hoa quả, chờ Lý Sư Sư ra tiếp. Huy Tông ăn hết hoa quả bày ở bàn mà vẫn chưa thấy Lý Sư Sư ra. Bà chủ kỹ viện lại đon đả ra mời Huy Tông vào phòng trong dùng cơm.
Các công tử quý tộc trong chốn kinh thành không ai không biết tiếng cô kỹ nữ này
Để được gặp người đẹp, Huy Tông miễn cưỡng đi theo, nhưng ăn xong cơm, vẫn chưa thấy người đẹp đâu. Chủ kỹ viện lại xuất hiện, nói rằng Lý Sư Sư thích sự sạch sẽ nên phiền quan khách trước khi gặp mặt phải tắm rửa thật sạch sẽ. Huy Tông lại tặc lưỡi theo mụ chủ vào phòng tắm. Đến lúc ấy, Huy Tông mới được dẫn lên phòng của Lý Sư Sư.
Thế nhưng trải qua bao nhiêu công đoạn, dồn nén bao nhiêu háo hức, chờ đợi, cuối cùng Tống Huy Tông lại chỉ nhận được sự lạnh nhạt và kiêu ngạo của Lý Sư Sư.
Sư Sư trang phục giản dị, không trang điểm cầu kỳ phấn son, mặc bộ đồ lụa, xinh tươi như đóa hoa sen vừa cất mình khỏi mặt nước, thế nhưng thần sắc của cô có vẻ lạnh lùng, kiêu sa, gặp Huy Tông cũng chẳng hành lễ, coi như không nhìn thấy gì. Sau khi bà Lý đi ra, Sư Sư từ từ đứng dậy bỏ áo khoác ngoài lụa đen ra, chỉ mặc một áo bằng lụa trắng mỏng, nhẹ nhàng lướt năm đầu ngón tay dạo khúc “Bình sa lạc nhạn”.
Huy Tông vừa thưởng thức tiếng đàn vừa ngắm Sư Sư dưới ánh nến, chỉ thấy đôi mày của cô tựa dãy núi xa xa, đôi mắt long lanh tựa mặt nước mùa thu, kiêu sa mà quyến rũ, xinh đẹp một cách quý phái, còn tiếng đàn thì thánh thót dịu êm thoáng pha chút buồn man mác.
Nghe một lúc tâm trí Huy Tông như bị cuốn vào khúc nhạc. Khi Huy Tông định thần lại được thì cũng là lúc gà gáy sáng, thành ra vị Hoàng đế đành trở về “tay không”.
Sự kiêu ngạo của Lý Sư Sư không những không làm Huy Tông chán ghét, mà ngược lại, còn khiến ông vua nghệ sỹ rất mực tò mò. Chính vì vậy, Tống Huy Tông sau này càng si mê Lý Sư Sư hơn. Có lần, sau khi ân ái, Tống Huy Tông ôm Lý Sư Sư trong lòng nói: “
Nếu như nàng không phải là kỹ nữ thì tốt biết bao! Trẫm nhất định sẽ đưa nàng vào cung để nàng cả ngày ở bên cạnh trẫm”.
Lý Sư Sư ôm chặt Huy Tông nói: “
Nếu như bệ hạ không phải Hoàng đế thì hay biết bao nhiêu! Như thế, thiếp có thể cùng bệ hạ vĩnh viễn ở bên nhau”.
Sự thông minh, khéo léo của Lý Sư Sư càng khiến Huy Tông chìm đắm trong mối tình vụng trộm với nàng kỹ nữ lừng danh đất kinh thành.
Để biểu thị tình yêu của mình, Tống Huy Tông tặng cho Lý Sư Sư vô số vàng bạc, châu báu. Sau đó, Huy Tông còn âm thầm phong cho Lý Sư Sư làm quý phi nhưng không đưa vào cung mà vẫn để sống ở lầu xanh. Tiếp đó, để thuận cho việc gặp gỡ người đẹp, Huy Tông sai người đào một đường hầm từ nội cung đến lầu xanh của Lý Sư Sư rồi ngụy trang bằng các căn phòng nối tiếp nhau để “tiện đường đi lại”.
Từ đó, Tống Huy Tông không phải cải trang vi hành nữa, mỗi lần nhớ nhung người đẹp, vị Hoàng đế đa tình này lại theo đường hầm tìm đến. Chuyện Hoàng đế triều Tống yêu cô kỹ nữ Lý Sư Sư sớm đã lan khắp kinh thành. Rồi mọi chuyện cũng đến tai Hoàng hậu và các phi tần trong cung.
Một lần, trong bữa tiệc có mặt đầy đủ cả Hoàng hậu và các phi tần, thấy hôm đó Huy Tông tinh thần vui vẻ, một quý phi đánh bạo hỏi Tống Huy Tông:
“Con nhỏ nhà họ Lý có gì hơn người mà khiến bệ hạ phải thích thú nó?”.
Tống Huy Tông cười nói:
“Cũng chẳng có gì khác, chỉ là nếu như hơn một trăm người các ngươi đều bỏ hết quần áo, sau đó đưa con nhỏ nhà họ Lý đặt vào giữa, thì người ngoài chỉ cần nhìn một cái cũng sẽ biết rằng chỉ có cô ta là khác hoàn toàn. Sắc đẹp của cô ta, những dung mạo bình thường không thể nào so sánh được”.
Là người tình của Hoàng đế và rất được vị Hoàng đế yêu chiều, dẫu sao Lý Sư Sư vẫn là một kỹ nữ, kiếm sống bằng nghề đàn hát. Vì vậy, ngay cả khi đã trở thành quý phi ở chốn lầu xanh thì Lý Sư Sư vẫn không chịu thuộc về một mình Tống Huy Tông.
Lý Sư Sư đã khiến
ông vua nghệ sỹ rất mực tò mò
Vì thế, ngoài mối tình với Tống Huy Tông, Lý Sư Sư còn qua lại rất thân mật với một nhà thơ tên là Chu Bang Ngạn. Một lần, Huy Tông đến tìm Lý Sư Sư thì cũng là lúc Chu Bang Ngạn đang ở đó. Huy Tông dẫu sao vẫn là Hoàng đế của Đại Tống, Lý Sư Sư không thể không giúp Huy Tông giữ chút sỹ diện vì vậy bắt Chu Bang Ngạn trốn xuống gầm giường. Buổi tối hôm đó, Tống Huy Tông không hề hay biết có người đang trốn dưới gầm giường, vẫn mặn nồng ân ái với Lý Sư Sư.
Làm kẻ thứ ba lại phải trốn dưới gầm giường, Chu Bang Ngạn ngay ngày hôm sau đã viết hẳn một bài thơ miêu tả lại toàn bộ cuộc trăng gió của Huy Tông rồi đưa cho Lý Sư Sư đọc. Thấy bài thơ hay nên ngay ngày hôm sau, khi gặp lại Huy Tông, Lý Sư Sư đã hát bài hát đó cho Huy Tông nghe. Ông vua nghệ sỹ vốn nhạy cảm với những áng văn thơ, nhận ra ngay có kẻ chứng kiến chuyện trăng hoa của mình.
Truy hỏi mãi, cuối cùng Lý Sư Sư mới cho biết đó là bài thơ của Chu Bang Ngạn. Huy Tông nổi giận đùng đùng, về đế triều đình lập tức ra lệnh đuổi Chu Bang Ngạn ra khỏi kinh thành và cấm không bao giờ được trở lại. Đuổi được tình địch ra khỏi kinh thành, những tưởng Lý Sư Sư sẽ toàn tâm toàn ý với mình, Huy Tông mãn ý lắm. Không ngờ hôm đó, Huy Tông đến tìm Lý Sư Sư lại không thấy đâu.
Đợi một lúc lâu mới thấy Lý Sư Sư nước mắt tràn mi trở về. Huy Tông tức giận hỏi Lý Sư Sư đi đâu về. Lý Sư Sư nói thực rằng đi tiễn Chu Ngạn Bang, còn nói Chu Ngạn Bang còn làm một bài thơ khác đưa cho cô. Máu nghệ sỹ lại nổi dậy, Huy Tông đòi nghe Lý Sư Sư hát thơ của Chu Ngạn Bang. Nghe Lý Sư Sư hát xong, Huy Tông vỗ tay đánh đét, sai người cho gọi Chu Ngạn Bang trở lại, phong cho chức quan chuyên coi việc sáng tác âm nhạc trong cung.
Kết cục bi thảm
Sự phóng túng trăng hoa của Tống Huy Tông đã trở thành điềm báo trước cho sự diệt vong của triều Bắc Tống. Quả nhiên, chỉ vài năm sau đó, nhà Kim đã mang quân tấn công nhà Tống. Khi quân Kim đã tiến sát tới kinh thành, Tống Huy Tông đem ngai vàng truyền lại cho con trai là Tống Khâm Tông, tự mình lên làm Thái thượng hoàng. Ít lâu sau đó, cả hai cha con Tống Huy Tông đều bị quân Kim bắt và đày lên vùng biên ải phía Bắc. Thất thế sa cơ, Tống Huy Tông cũng không còn cách nào để chú ý tới người tình kỹ nữ của mình nữa.
Vì vậy, vận mệnh của cô kỹ nữ họ Lý lừng danh một thời cũng đột ngột thay đổi theo cuộc chiến tranh giữa Tống và Kim. Những ghi chép về số phận của Lý Sư Sư sau khi nhà Tống bị quân Kim tiêu diệt khá bất nhất. Có người nói, khi Tống Huy Tông còn làm Hoàng đế và rất si mê Lý Sư Sư đã phong cho cô làm Doanh quốc phu nhân gọi là Lý Minh Phi dù không hề chính thức đưa Lý Sư Sư nhập cung như một phi tần.
Sau này, khi Tống Huy Tông nhường ngôi lại cho con trai, tự mình làm Thái thượng hoàng thì Lý Sư Sư cũng bị mất chỗ dựa, bị phế làm thứ dân và tịch thu toàn bộ nhà cửa, gia sản. Sau đó thì không rõ tông tích ra sao.
Có người lại nói, khi nghe tin giặc Kim kéo xuống phía Nam và tình hình lương thảo của quân đội phòng thủ ở phía Bắc sông Hoàng Hà rất nguy cấp, Lý Sư Sư đã đem toàn bộ số vàng bạc châu báu mà Tống Huy Tông ban tặng cho mình trước đây gói lại, sau đó viết một danh sách rồi mang tới phủ Khai Phong trình báo. Phủ doãn Khai Phong lúc đó nhìn thấy bọc vàng bạc châu báu vô cùng lớn mà Lý Sư Sư mang tới, trong lòng đầy hoài nghi, nói Lý Sư Sư có thể suy nghĩ lại.
Lý Sư Sư nói:
“Tôi chẳng qua chỉ là một kỹ nữ may mắn được Hoàng đế chiếu cố, dù có làm trâu làm ngựa cũng không thể đền đáp được ơn này. Nay đất nước lâm vào tình cảnh nguy cấp, thân là phụ nữ, chân yếu tay mềm không thể sung quân chống giặc, vì vậy, tôi muốn đem toàn bộ số vàng bạc châu báu mà Hoàng đế đã tặng cho tôi trả lại cho triều đình. Số tài sản này vốn là tài sản của triều đình, trước nay tôi chỉ giữ chứ không dám đụng vào, nay là lúc thích hợp để dùng vào việc chuẩn bị lương thảo cho quân sỹ. Đây là tấm lòng thành của tôi, mong đại nhân có thể chấp nhận”.
Phủ doãn nghe Lý Sư Sư nói vậy, xúc động tới mức không nói thành lời. Sau khi cho đi hết tài sản của mình, Lý Sư Sư đến xin Tống Huy Tông cho mình xuất gia làm ni cô, sống cuộc đời ẩn dật.
Khi quân Kim sắp hạ thành Biện Kinh, thống soái quân Kim là Thát Lại phái người đi khắp mọi nơi tìm Lý Sư Sư. Thát Lại nói:
“Kim Thái Tông đã nghe danh Lý Sư Sư từ lâu, rất muốn sở hữu người đẹp này. Vì vậy, lần này nhất định phải bắt sống bằng được Lý Sư Sư mang về đang cho Hoàng đế”.
Tuy nhiên quân Kim tìm khắp mọi nơi vẫn không thấy tống tích của Lý Sư Sư. Khi đó Trương Bang Xương, một tên Hán gian vì muốn lấy lòng người Kim nên đã phái người đi khắp nơi tìm kiếm Lý Sư Sư. Cuối cùng, Trương cũng tìm thấy Lý Sư Sư đang trong dòng người chạy trốn khỏi kinh đô để tránh sự tàn sát của quân Kim.
Trước mặt Trương Bang Xương, Lý Sư Sư giận dữ mắng rằng:
“Ta là một kỹ nữ hèn kém nhưng đã chịu ơn của Hoàng đế nhất định sẽ dùng cái chết để báo đáp chứ không thay lòng đổi dạ đầu hàng quân giặc. Còn lũ các người, lúc trước còn làm quan cao, hưởng đủ mọi thứ quyền hành bổng lộc, nay đất nước lâm vào cảnh nguy khốn thì quay lưng nhận giặc làm cha, làm toàn chuyện xấu xa, độc ác. Nay các ngươi lại còn muốn dùng ta làm vật hy sinh cho sự tiến thân của các ngươi thì đừng hòng!”.
Vừa nói dứt lời, Lý Sư Sư rút cây trầm cài đầu đâm vào cổ tự vẫn. Bọn Trương Bang Xương thấy Lý Sư Sư tự tử, sợ bị quân Kim trách tội vội xông vào cứu, nhưng Lý Sư Sư đã kiên quyết ấn cây trâm vàng vào cổ rồi nuốt xuống, quyết chết bằng được chứ không để bọn gian thần bán nước được như ý. Hành động quyết liệt của Lý Sư Sư đã khiến bọn Hán gian như Trương Bang Xương “sởn tóc gáy”. Bởi lẽ có nằm mơ chúng cũng không thể tin được rằng, một kỹ nữ lại có thể có khí khái tới mức ấy.
Về cái chết của Lý Sư Sư cũng có một câu chuyện khác, ly kỳ hơn, nói rằng, không phải bọn Trương Bang Xương tìm thấy cô mà là do Lý Sư Sư tự tìm đến doanh trại quân Kim khi nghe tin Tống Huy Tông bị bắt. Lý Sư Sư muốn đến xin quân Kim cho mình gặp lại Tống Huy Tông lần cuối trước khi vị Hoàng đế này bị đày lên phương Bắc.
Quân Kim tìm kiếm Lý Sư Sư nhiều ngày mà không thấy tăm hơi, nay nàng kỹ nữ nổi tiếng của kinh thành nhà Tống lại tự mình tìm tới thì còn gì bằng. Thát Lại nói với Lý Sư Sư rằng sẽ cho cô gặp Tông Huy Tông nếu cô đồng ý theo quân Kim về phương Bắc. Lý Sư Sư gật đầu đồng ý. Gặp được Huy Tông, hai người ôm nhau khóc hồi lâu.
Khi quân Kim kéo Lý Sư Sư rời đi, Lý Sư Sư vẫn cố gắng dặn dò Huy Tông phải bảo trọng. Rồi chỉ một lát sau khi rời khỏi Huy Tông, Lý Sư Sư đột nhiên ngã gục xuống đất. Khi binh lính nhà Kim chạy đến nơi thì Lý Sư Sư đã chết. Thì ra, Lý Sư Sư đã nuốt chiếc trâm vàng để tự vẫn cho trọn tình với Tống Huy Tông.
Nếu như câu chuyện thứ nhất ca ngợi khí tiết của Lý Sư Sư, cho rằng, dù là kỹ nữ nhưng Lý Sư Sư còn yêu nước và trung trinh hơn bọn Trương Bang Xương “gọi giặc làm cha” bán nước hại dân thì câu chuyện thứ hai lại nghiêng về việc ca ngợi tấm chân tình mà Lý Sư Sư dành cho Tống Huy Tông.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, cả hai câu chuyện về cái chết của Lý Sư Sư nói trên thực ra chỉ là sự hư cấu của các nhà Nho nhằm làm gương cho phụ nữ đời sau đồng thời cũng là để đẹp lòng các vị Hoàng đế chứ Lý Sư Sư sau khi Huy Tông bị bắt đã lưu lạc xuống vùng Giang Tô, Chiết Giang tiếp tục sống cuộc đời kỹ nữ của mình.
Giai thoại kể rằng, sau khi giặc Kim kéo vào Biện Kinh, Lý Sư Sư chạy xuống phía Nam. Sau này có người từng gặp cô ở vùng Hô – Tương, thấy đã già nua tiều tụy, không còn phong thái của ngày xưa. Có giai thoại khác lại kể rằng, Lý Sư Sư bị quân Kim bắt làm tù binh đưa về phương Bắc, ép gả cho một tên lính già ốm bệnh, kết thúc cuộc đời một cách nhục nhã.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, kể từ khi nhà Kim đem quân xuống phía Nam, cuộc đời huy hoàng và nhung lụa của danh kỹ Lý Sư Sư đã chấm dứt. Vì vậy, dẫu là số phận của Lý Sư Sư kết thúc theo cách nào thì rốt cuộc cũng không nằm ngoài hai chữ bi kịch. Lý Sư Sư là một nhân vật bi kịch, nàng được trời phú cho tài hoa nghệ thuật, do sự an bài của số mệnh, không may rơi vào cảnh phong trần. Trong hoàn cảnh bị khinh miệt, biến thành trò chơi, nàng vẫn ra sức bảo vệ được chút nhân cách độc lập của mình.