Adebayor và sự lố bịch trong ngày gặp lại Arsenal
Ăn mừng phản cảm, đạp vào mặt Van Persie và giẫm lên chân Fabregas, Emmanuel Adebayor xứng đáng bị chì chiết với những hành vi đầy tư tưởng thù hằn và phi thể thao.
Phút 80, từ quả tạt bên cánh phải của Shaun Wright-Phillips, Emmanuel Adebayor bật cao đánh đầu dũng mãnh, đưa bóng về góc xa khung thành Arsenal. Cầu trường sân Etihad bùng nổ, còn Adebayor cũng vỡ òa trong men say chiến thắng.
Tiền đạo người Togo bật phắt dậy sau pha đánh đầu, mở hết tốc lực, lao về phía đầu kia sân, nơi cơn lôi đình của các CĐV Arsenal sắp lên tới đỉnh điểm. Anh trượt dài trên thảm cỏ sân Etihad, dang rộng cánh tay đầy hiên ngang và hướng ánh mắt ngạo nghễ, đầy thách thức tới các CĐV “Pháo thủ”.
Adebayor ăn mừng đầy ngạo nghễ và khiêu khích trong cơn mưa vật thể lạ cùng những tiếng thóa mạ không ngớt của CĐV Arsenal. Ảnh: Getty Images.
Hơn một thập niên trôi qua, chẳng ai còn nhớ Adebayor hôm đấy thi đấu hay như nào. Anh có thể là ngôi sao của trận đấu, nhưng những gì đọng lại sau cùng trong lòng người hâm mộ chỉ là chuỗi những hành động lố bịch, phản cảm, với điểm chốt là màn ăn mừng đầy hiềm khích của tiền đạo người Togo.
Từ anh chàng “chân gỗ” tới họng pháo thượng hạng
Ngày 4/2/2006, có chàng trai lạ hoắc với dáng vẻ cao lớn, vụng về cùng đôi chân dài lều khều sải những bước chạy đầu tiên trong màu áo Arsenal. Các CĐV không biết cầu thủ này là ai, cũng chẳng biết trình độ anh chàng này như nào. Thậm chí, họ còn chẳng biết cách đọc sao cho đúng với cái tên dài ngoằng và khó nhớ của cầu thủ này.
Tuy nhiên, anh chàng mất đúng 21 phút từ khi vào sân để thay đổi tất cả. Hôm đó, Arsenal thắng Birmingham City 2-0, trong đó có một bàn của chàng tân binh vô danh này.
Không đơn thuần là một bàn thắng, đó còn là pha lập công đưa chàng cầu thủ này tiến ra ánh sáng của bóng đá thế giới. Các CĐV cũng không còn gọi anh bằng cách sử dụng số áo hay ngoại hình mà bắt đầu học cách đánh vần chính xác tên của cầu thủ này. Anh là Emmanuel Adebayor.
Adebayor không sở hữu kỹ thuật tốt, cộng với việc phải thi đấu cạnh huyền thoại Thierry Henry trong những năm đầu sự nghiệp khiến cầu thủ người Togo bị CĐV Arsenal gọi với biệt danh “chân gỗ”. Ảnh: Getty Images.
Sau màn ra mắt mỹ mãn, Adebayor tiếp tục được HLV Arsene Wenger tạo điều kiện ra sân. Nửa mùa giải đầu tiên tại sân Emirates, chân sút này ra sân 13 trận và có 4 bàn thắng, con số không tồi với cầu thủ mới “chân rướt, chân ráo” cập bến đội bóng từ Monaco.
Tới mùa giải 2006/07, chàng tiền đạo vô danh ngày nào thậm chí đánh bật cả Robin van Persie để cùng huyền thoại Thierry Henry kết hợp thành cặp “pháo 2 nòng” của Arsenal. Mùa giải đó, Adebayor chơi 44 trận và ghi 12 bàn, đạt hiệu suất 0,27 bàn/trận.
Ngày đó, Arsenal nổi tiếng với lối đá hào hoa, phóng khoáng cùng chất nghệ sĩ tuôn chảy trong máu cầu thủ, đặc biệt với những chân sút trên hàng công. Từ Dennis Bergkamp, Robin van Persie tới Thierry Henry, tất cả đều khiến người hâm mộ mãn nhãn với bộ kỹ năng xử lý thượng hạng và không kém phần hiệu quả của mình.
Nếu lấy các tiền đạo Arsenal thời đó làm hệ quy chiếu đánh giá, việc Adebayor được HLV Wenger ưu ái cho đá chính rõ ràng là dấu hỏi lớn với người hâm mộ.
Anh không ghi nhiều bàn thắng như Henry, không nhẹ nhàng, lả lướt như Van Persie và cũng chẳng đủ tinh quái như Bergkamp. Ngày mới về Arsenal, Adebayor là chàng trai cao lớn, chậm chạp và vụng về. Anh thường xuyên mất bóng, không thể xoay xở trong những khu vực cấm địa vốn nổi tiếng chật chội của bóng đá Anh và cũng sẵn sàng bỏ lỡ những cơ hội ngon ăn được tạo ra từ đôi chân tài hoa của đồng đội.
Adebayor từng khiến tất cả phải nhớ và gọi đúng tên mình sau khởi đầu ấn tượng tại Arsenal. Cũng chính tiền đạo này, với màn trình diễn nghèo nàn trên sân, lại khiến CĐV không còn hứng thú với việc gọi đúng tên anh. Thay vào đó, họ ngán ngẩm gọi anh bằng 2 chữ “chân gỗ”.
Adebayor xóa bỏ biệt danh “chân gỗ” bằng màn trình diễn chói sáng ở mùa giải 2007/08. Ảnh: Getty Images.
Trong bối cảnh mọi người đều quay lưng, còn sự kiên nhẫn của người hâm mộ sắp đạt tới giới hạn, có một người vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào Adebayor. Đó là “giáo sư” Wenger.
Mùa giải 2007/08, vị chiến lược gia người Pháp thậm chí xoay chuyển hệ thống chiến thuật từ 4-4-2, sơ đồ gắn liền với thời hoàng kim của Arsenal, về 4-5-1 với Adebayor được giao trọng trách lĩnh xướng hàng công “Pháo thủ”. Với công thức này, tiền đạo người Togo được phép “mắc võng” nhiều hơn trong vòng cấm, và đây chính là chất xúc tác hoàn hảo để phát tác tối đa tiềm năng cầu thủ này.
Từ tiền đạo vụng về cùng đôi chân lóng ngóng, trĩu nặng những áp lực, Adebayor tiến tới phiên bản hoàn thiện nhất của bản thân trong mùa giải 2007//08. Anh ghi 30 bàn thắng sau 48 lần ra sân, bỏ xa người xếp thứ hai tại đội bóng là Cesc Fabregas tới 17 bàn.
Màn đáp trả lố bịch
Adebayor sau đó gắn bó với Arsenal thêm một mùa giải trước khi chuyển tới “thiếu gia” Man City mùa hè 2009 với giá 25 triệu bảng.
Ngày Adebayor rũ bỏ chiếc áo “Pháo thủ”, sau lưng anh là muôn vàn gièm pha, chì chiết. Các CĐV Arsenal gọi anh là “kẻ hám tiền”, phân biệt chủng tộc, đốt áo và liên tục thóa mạ cầu thủ này.
Đặt dưới góc độ tâm lý học, không riêng Adebayor mà bất cứ cầu thủ nào cũng sẽ muốn đáp trả CĐV “Pháo thủ”. Đây là điều bình thường. Tuy nhiên, không ai có thể thông cảm với cách đáp trả bất thường, quá khích và đầy bản năng của cầu thủ này khi gặp lại Arsenal.
Không CĐV nào có thể ủng hộ màn đáp trả đầy bạo lực và hiềm khích của Adebayor trước Arsenal. Ảnh: Getty Images.
Sân Etihad ngày 12/9/2009 chứng kiến một trong những trận đấu đáng nhớ, và cũng đáng quên nhất lịch sử Ngoại hạng Anh.
Trên khán đài, những tiếng lăng mạ, chửi bới, phân biệt chủng tộc cứ thế rền vang cả một góc sân ở khu vực các CĐV Arsenal. Dưới sân, Adebayor, một người cũ của họ, xử sự theo cách đầy bản năng và bạo lực.
Người ta chưa thể quên cái giẫm chân đầy ác ý của Adebayor cho Cesc Fabregas, pha bóng mà nếu lực tác động hoặc điểm tiếp xúc khác đi, tiền vệ người Tây Ban Nha hoàn toàn có thể mất cả sự nghiệp.
Người ta cũng chưa thể quên khuôn mặt đẫm máu của Robin van Persie sau khi lãnh trọn cái gầm giày của người mà 6 tháng trước còn là “chiến hữu”, kề vai sát cánh trên hàng công “Pháo thủ”. Nhớ lại tình huống này, Van Persie không ngần ngại tố cáo đồng đội cũ đã “cố tình giẫm vào mặt mình”
Và kết thúc cho ngày đầy bạo lực và hận thù chính là màn ăn mừng thái quá sau bàn thắng vào lưới Arsenal. Chỉ là tình huống kéo dài trong khoảng 30 giây ngắn ngủi, song màn ăn mừng này lại chính là tấm gương phản chiếu rõ ràng nhất con người và sự nghiệp của Adebayor: Mạnh mẽ, tài năng nhưng đầy bản năng và bột phát.
Adebayor không thành công ở Man City và cũng chẳng thể vươn mình được ở Tottenham Hotspur hay Real Madrid. Quãng thời gian được chơi cạnh Henry giúp tiền đạo người Togo học được nhiều điều. Song anh lại quên mất tiếp nhận điều tối quan trọng. Đó là sự chuyên nghiệp, yếu tố then chốt dẫn tới thành công trong sự nghiệp bất kỳ cầu thủ nào.