Chuyện về Lý Thần Tông
BP – Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lý Thần Tông tên thật là Lý Dương Hoán và là vị vua duy nhất của nhà Lý được kế vị ngai vàng không phải do vua cha truyền cho. Ông là con trai của Sùng Hiền hầu và gọi Lý Nhân Tông bằng bác ruột. Do Lý Nhân Tông không có con trai nên mới đón ông vào cung nhận làm con nuôi, lập làm thái tử và sau này truyền ngôi cho. Thân mẫu của Lý Thần Tông họ Đỗ (không rõ tên), bà sinh vua vào tháng 6 năm Bính Thân – 1116, tại hầu phủ ở kinh đô Thăng Long. Dân gian thì truyền tụng về có giai thoại thác sinh kỳ lạ của Lý Thần Tông, tương truyền ông là kiếp sau của nhà sư Từ Đạo Hạnh. Chuyện kể rằng, Từ Đạo Hạnh (tên thật là Từ Lộ) dùng phép để diệt kẻ thù là Đại Điên, lúc đó đã hóa thân thành một đứa trẻ tên hiệu Giác Hoàng. Vua Lý Nhân Tông lại yêu quý Giác Hoàng, vì thế rất tức giận mới bắt giam Từ Lộ, trói ở ngoài cung rồi họp quần thần bàn cách xét xử. Khi ấy Sùng Hiền hầu vào chầu vua, đi ngang qua nghe Từ Lộ nói:
– Nếu cứu được bần tăng khỏi tội thì sau này xin ngụ thai trong cung để báo đền ơn đức. Sùng Hiền hầu bèn cố sức xin, Lý Nhân Tông mới tha cho Từ Lộ. Về sau khi vợ chuẩn bị sinh, theo lời dặn trước đây, Sùng Hiền hầu sai người đến báo cho Từ Lộ biết, ông liền tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo rồi nói với học trò rằng:
– Mối túc nhân của ta chưa hết, phải thác sinh lần nữa, tạm làm đế vương.
Nói xong, ông đọc một bài kệ rồi mất, đồng thời khi ấy vợ của Sùng Hiền hầu sinh hạ một bé trai, đặt tên là Dương Hoán. Sau khi Lý Nhân Tông băng hà, cuối tháng 12 năm Đinh Mùi (1127), thái tử Lý Dương Hoán lên ngôi kế vị, sử gọi là Lý Thần Tông. Ông làm vua đến cuối tháng 9 năm Mậu Ngọ (1138) thì lâm bệnh rồi mất, thọ 22 tuổi, là vị vua nhà Lý mất sớm nhất, có tuổi thọ ngắn nhất và về thời gian trị vì, nếu không kể nữ hoàng Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng) thì Lý Thần Tông là vị vua nhà Lý ở ngôi ngắn nhất.
Nhận xét về Lý Thần Tông, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: Vua năm lên ngôi còn trẻ người non dạ, đến khi lớn lên tư chất thông tuệ, độ lượng rộng rãi, sửa sang chính sự, dùng người hiền tài, thủy chung đều chính, nhiệm nhặt khúc nôi, không gì sai lệch. Tuy nhiên về chuyện hôn nhân của Lý Thần Tông, có một chiếu chỉ về vấn đề này được ban bố vào tháng Giêng năm Canh Tuất – 1130 là bị sử sách chê trách nhiều. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư”; cho biết tóm lược sự kiện này kèm theo lời bình phẩm của sử thần triều Trần là Lê Văn Hưu: Mùa xuân, tháng giêng, xuống chiếu không cho con gái các quan được lấy chồng trước, đợi sau khi chọn sung vào hậu cung, người nào không trúng tuyển mới được lấy chồng.
Sử thần Lê Văn Hưu bàn: Trời sinh ra dân mà đặt vua để chăn dắt, không phải để cung phụng riêng cho vua. Lòng cha mẹ ai chẳng muốn con cái có gia thất, thánh nhân thể lòng ấy còn sợ kẻ sất phu sất phụ không được có nơi có chốn. Cho nên Kinh Thi tả sự ấy trong thơ “Đào yêu” và thơ “Siếu hữu mai” để khen việc lấy chồng kịp thì và chê việc để lỡ thì vậy. Thần Tông xuống chiếu cho con gái các quan phải đợi xong việc tuyển người vào cung rồi mới được lấy chồng, thế là để cung phụng cho riêng mình, đâu phải là cha mẹ của dân?
Sử thần Ngô Thì Sĩ trong sách “Đại Việt sử ký tiền biên” viết: Sáu cung của vua Thiên tử thiếu gì cung tần, nếu có kén chọn thì cũng chỉ cần người hiền lành, đức hạnh. Là người ở trên dân, há lại tham sắc đẹp mà cứ muốn chọn khắp con gái của bách quan! Xưa kia Ngô Tôn Hạo hạ lệnh cho con gái các đại thần ăn lương 2000 thạch, hằng năm đều phải báo tên, vua lựa chọn không trúng mới được lấy chồng. Vũ Đế nhà Tần ban chiếu chọn con gái công khanh trở xuống, khi kén chọn chưa xong thì tạm cấm việc gả chồng lấy vợ. Còn trong sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cũng viết về chuyện này kèm theo một lời phê rất ngắn gọn: Trái lẽ!
Lời bàn:
Từ những tư liệu lịch sử để lại và các giai thoại còn lưu truyền đến ngày nay thì vua Lý Thần Tông quả là nổi tiếng hơn người ở bốn điểm: Thứ nhất là có nguồn gốc xuất thân không những vừa ly kỳ mà còn rất mơ hồ. Thứ hai, đây là một ông vua rất ưa tin dị đoan. Và thứ ba, Lý Thần Tông là một ông vua đam mê sắc dục. Và tờ chiếu không cho con gái các quan được lấy chồng trước, đợi sau khi chọn sung vào hậu cung, người nào không trúng tuyển mới được lấy chồng là một bằng chứng Lý Thần Tông ham mê sắc đẹp. Điểm khác thứ tư của vua Lý Thần Tông là các vị vua triều trước lo điều hành đất nước, còn Lý Thần Tông rất biết vui chơi. Ông thường tìm kiếm những con vật lạ trong thiên hạ làm sở thích. Phàm ai có hươu trắng, hươu đen hay chim sẻ trắng, rùa trắng… đều đem dâng vua cả.
Về việc này, sử thần Ngô Sĩ Liên đã viết: Rùa là vật linh thiêng vì có thể báo điềm trước nhưng đời nào cũng thường có, không như rồng phượng và kỳ lân ít thấy. Thế mà đương thời cho rùa là điềm lành mà đem dâng cho nhiều thế là làm sao? Còn như trên ức có nét chữ chỉ là những vết trắng, nét đen xen nhau mà thôi, bầy tôi nhận là văn tự, đó là chiều ý vua mà nói nịnh thôi, có phải thực có chữ đâu. Cho nên người làm vua phải cẩn thận sự ưa chuộng. Chính vì thế mà Lý Thần Tông đã hao tâm tổn sức vào những việc vô bổ nên chỉ trị vì được 10 năm, rồi chết khi mới 22 tuổi. Đó là cái giá mà vua Lý Thần Tông phải trả, cũng là bài học hữu ích cho hậu thế hôm nay.
ND