Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ với “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Phần 1)

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ với “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Phần 1)

Đã có biết bao thi sĩ viết nên những bài thơ thấm đẫm tình yêu với Thăng Long – Hà Nội, nhưng có lẽ “Nhớ Bắc” của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ là một trong những tác phẩm đỉnh cao.

“Từ độ mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” chính là cái hồn của đỉnh cao đó.

“Điều thú vị ít người biết là khi viết nên những câu thơ gan ruột ấy, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ chưa một lần đặt chân đến đất Thăng Long” – ông Huỳnh Văn Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh, con trai cố thi tướng – Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Huỳnh Văn Nghệ – mở đầu câu chuyện như vậy.

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (ảnh chụp lại)

Ga Sài Gòn – Nơi ra đời “thần thi”

Ông Huỳnh Văn Nam kể: Ba tôi sinh năm 1914 trong một gia đình công chức nghèo tại vùng đất Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, nay là tỉnh Bình Dương. Hơn 20 tuổi, ông đậu tú tài loại ưu ở Trường Petrus Ký và được nhận vào làm việc ở văn phòng Sở Hỏa xa Sài Gòn. 

Năm 1940, thực dân Pháp khánh thành tuyến xe lửa xuyên Việt đầu tiên. Từ đó, người ta có thể đi từ Hà Nội đến Sài Gòn với chiều dài hơn 1.700 km bởi tuyến đường duy nhất chỉ mất chưa đến 39 giờ trên những chuyến tàu tối tân với những toa tàu được thiết kế nửa gỗ, nửa kim loại và được kéo bằng những đầu tàu hơi nước. 

Tuyến xe đưa vào sử dụng chủ yếu để vận chuyển lực lượng và hàng hóa phục vụ cho công cuộc khai phá xứ An Nam của người Pháp nên với mỗi người dân nô lệ, việc được đặt chân lên các toa tàu để vào Nam hay ra Bắc chỉ là niềm mơ ước.

Nhân sự kiện quan trọng thông tuyến đường sắt Bắc – Nam, Sở Hỏa xa Sài Gòn được nhà nước bảo hộ ưu tiên một số vé cho nhân viên đi tham quan Hà Nội bằng xe lửa. Do số lượng ghế ngồi hạn chế nên sở phải tổ chức bốc thăm, người nào bốc trúng vé mới được đi. 

Ông Huỳnh Văn Nam – con trai cố Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ

Huỳnh Văn Nghệ may mắn là người duy nhất của Văn phòng Sở Hỏa xa bốc trúng vé đi tham quan. Vậy là niềm háo hức bấy lâu của một người con phương Nam luôn đau đáu muốn được về thăm đất Bắc sắp thành hiện thực. 

Nhưng khi Huỳnh Văn Nghệ hăm hở chuẩn bị cho chuyến đi bao nhiêu thì người bạn cùng phòng là người miền Bắc càng buồn nhớ quê hương bấy nhiêu. Hiểu được tâm trạng và nỗi lòng mong mỏi muốn trở lại cố hương của bạn, hai ngày trước khi lên đường, ông Nghệ quyết định nhường lại suất vé về Bắc cho người bạn tâm giao. 

Buổi chiều tà luyến lưu tiễn bạn, khi đoàn tàu dần khuất bóng cuối sân ga Sài Gòn, một cảm xúc man mác buồn cứ ngập tràn tâm trí người ở lại. Và hình ảnh về một chốn kinh kỳ đô hội, hình ảnh Tháp Rùa nghiêng bóng nước hồ Gươm, hình ảnh những chùm vải chín mọng lúc lỉu trên cành và những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm… qua những câu chuyện kể của người bạn cứ thế ùa về. 

Và rồi, Huỳnh Văn Nghệ đã phóng bút viết nên những câu được nhiều người ví là “thần thi”:

Ai về Bắc, ta đi với 

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

             Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng

             Mà ta con cháu mấy đời hoang 

             Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ

             Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương!

Vẫn nghe tiếng hát trời quan họ 

Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn 

Vẫn nhớ, vẫn thương mùa vải đỏ

Mỗi lần man mác hương sầu riêng…

             Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên

            Chinh Nam say bước quá xa miền,

            Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm!

            Muốn trở về quê, mơ cánh tiên.

 Ai đi về Bắc xin thăm hỏi

Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa

Hoàn Kiếm hồn xưa Linh Quy hỡi

Bao giờ mang kiếm trả dân ta?

    (Ga Sài Gòn, 1940)

“Theo các tác giả Nguyễn Tý, Huy Thông, Trần Xuân Tuyết và nhiều tài liệu đã trích dẫn khác, Nhớ Bắc được sáng tác tại Chiến khu Đ (Thủ Dầu Một – Biên Hòa) năm 1946, lúc ba tôi làm chỉ huy chiến khu ở đấy. 

Nhưng qua câu chuyện kể của ba tôi lúc sinh thời và một số bài viết của các nhà nghiên cứu văn hóa gần đây càng khẳng định xuất xứ của bài thơ tại sân ga Sài Gòn năm 1940 là đúng” – ông Huỳnh Văn Nam giải thích. 

Diễn viên Huỳnh Đông vào vai Huỳnh Văn Nghệ trong phim “Vó ngựa trời Nam”

Theo gia đình cố nhà thơ Xuân Diệu, sinh thời nhà thơ có kể lại rằng, ông đã nhận được bài thơ Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ từ những năm đầu kháng chiến. Trong buổi khai mạc Tuần lễ Văn hóa ủng hộ chiến sĩ Nam Bộ do Đoàn Văn nghệ Bắc Bộ tổ chức tại Nhà hát Lớn tối 10/10/1945, Xuân Diệu đã đưa những vần thơ da diết toát lên từ gan ruột của một người mà ông chưa từng gặp vào bài diễn thuyết của mình. 

Bài diễn thuyết này được Nghiệp đoàn Xuất bản Bắc Bộ in thành sách tại Nhà in Xuân Thu chỉ một ngày sau đó với nhan đề “Miền Nam nước Việt và người Việt miền Nam”. 

Cuốn sách này cùng với bài thơ của Huỳnh Văn Nghệ trở thành tài liệu gối đầu giường của các chiến sĩ “Nam tiến”.

Cảnh phim “Vó ngựa trời Nam”

Bài thơ “Nhớ Bắc” của Huỳnh Văn Nghệ khi xuất bản có một số từ đã được sửa so với nguyên tác. Theo một số tài liệu, người chỉnh sửa là nhà thơ tình tài hoa Xuân Diệu.

(còn tiếp)

P/S: Để hiểu hơn về thân thế và sự nghiệp cố Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, xin mời tìm xem bộ phim Vó ngựa trời Nam của Đạo diễn Lê Cung Bắc, do Hãng phim TFS sản xuất. Phim phát hành trên các hạ tầng online của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh ở các địa chỉ: htv.com.vn, tfs.com.vn, youtube.com/watch…

Văn Nguyễn

Rate this post