Nguyễn Minh Cường – Người đưa âm nhạc trở về đúng giá trị cảm xúc
Nguyễn Minh Cường – Người đưa âm nhạc trở về đúng giá trị cảm xúc
Không có nhiều những bản demo viết sẵn, không có những ca khúc có thể gửi cho ca sĩ bất kỳ. Nguyễn Minh Cường viết nhạc theo giọng hát của ca sĩ, tìm lấy những giọng ca “cảm” với màu nhạc của mình để sáng tác dành riêng. Và đó cũng là con đường đưa tên tuổi anh gắn liền với hàng loạt ca khúc hit trong làng nhạc Việt hiện nay.
Gia nhập làng nhạc Việt khá muộn nhưng Nguyễn Minh Cường đã tạo được những dấu ấn riêng. Tên tuổi nhạc sĩ 8X gắn liền với “Cả một trời thương nhớ” (Hồ Ngọc Hà), “Tình khôn nguôi” (Lệ Quyên), “Dù đã biết” (Thanh Hà) hay với “Có điều gì sao không nói cùng anh” (Trung Quân) và mới đây nhất là series Music Diary mùa thứ 2 gồm 6 ca khúc.
Sở hữu “gia tài” với nhiều bản nhạc gắn với ca sĩ nổi tiếng như vậy, nhưng ở Cường toát lên sự nhẹ nhàng, đam mê và từ tốn. Có người ví anh như “nốt nhạc buồn dịu dàng của nhạc Việt” vì nét buồn xuyên suốt những ca khúc mang tên Nguyễn Minh Cường.
Bắt đầu từ đam mê
Khác với những nhạc sĩ được đào tạo bài bản và tiếp xúc với âm nhạc từ sớm, Nguyễn Minh Cường đến với âm nhạc chỉ vì 2 chữ “đam mê” theo đúng nghĩa bởi anh không có nhiều cơ hội để phát hiện hay phát triển tài năng trước đó.
Cường xuất thân trong một gia đình công chức, bố mẹ không mấy ủng hộ con cái theo con đường nghệ thuật. Nhạc sĩ của “Cả một trời thương nhớ” từng theo học tại trường Đại học Ngoại Ngữ Tin Học TP.HCM rồi tốt nghiệp chuyên ngành lập trình viên máy tính, một ngành học được xem là khá triển vọng trong thời đại của công nghệ ngày nay. Rồi như ‘cơn say nắng’, Cường bất chợt thấy ‘yêu’ những lời ca, ý nhạc trong lúc nghêu ngao ca hát cùng bạn bè. Dần dà, anh say mê và dấn thân vào con đường nghệ thuật lúc nào không hay. Chỉ biết rằng khi đứng giữa đam mê mới thành hình, dù biết rằng lựa chọn theo đuổi đam mê là sẽ phải đi con đường nhọc nhằn để khẳng định tên tuổi thay vì an phận hơn với một công việc êm đềm và tương đối ổn định. Anh vẫn không ngần ngại chọn âm nhạc bởi theo như chia sẻ của Cường thì chỉ vì đã ‘quá đam mê’. Chính đam mê ấy đã “nhào nặn” nên một Nguyễn Minh Cường thật cá tính, thật ấn tượng ngay từ những lần “trình làng” đầu tiên.
Khởi đầu sự nghiệp với việc tham gia thi hát tại một số chương trình ca nhạc, Nguyễn Minh Cường cũng ít nhiều tạo được ấn tượng tốt nhưng vẫn mang dáng dấp của một ‘kẻ nghiệp dư’ mới chập chững vào nghề. Phải đến khi gia nhập nhóm bè kỳ cựu Cadillac vào năm 2012, Cường mới thật sự tiến gần hơn đến mục tiêu mình theo đuổi. Đến giờ, sau chặng đường nhiều dấu ấn, anh vẫn xem đây như là cơ duyên và là “bước ngoặt lớn nhất” trong sự nghiệp âm nhạc của mình bởi nhờ Cadillac, Cường đã được tiếp xúc với âm nhạc chuyên nghiệp nhiều hơn, mang lại cho anh cơ hội được học hỏi, trui rèn, ấp ủ cảm hứng cho những dự án về sau. Cũng từ đây, Cường được biết đến với vai trò nhạc sĩ, có nhiều ca khúc gắn liền với những ca sĩ tên tuổi.
Nói về sự thành công, Cường chỉ đơn giản cho rằng ngoài may mắn, anh còn phải không ngừng nỗ lực học hỏi, kiên nhẫn tìm tòi và cố gắng nhiều hơn người khác “Cường biết mình phải cố gắng gấp 5 gấp 10 lần thì mới mong có kết quả tốt” vì anh bước vào con đường sáng tác chuyên nghiệp với tư cách là tay ngang, “chưa hề kinh qua bất kỳ trường lớp nào cả”. Luôn là những gì mộc mạc, chân tình, rất đỗi nhẹ nhàng mà chúng ta dễ dàng bắt gặp ngay trong mỗi tác phẩm mang dáng dấp của chàng nhạc sĩ 8X gắn liền với nhiều ca sĩ tên tuổi.
“Nốt nhạc buồn” dịu dàng của nhạc Việt
Phần lớn sáng tác của Nguyễn Minh Cường hiển hiện những giai điệu trầm buồn, thiết tha mang âm hưởng pop ballad. Ca khúc “Tình khôn nguôi” lắng đọng những hoài tiếc sau cuộc tình chưa trọn, với những ca từ đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng và từ tốn. Khán giả của Nguyễn Minh Cường dễ tìm thấy sự đồng điệu cảm xúc, thấu hiểu tâm tư gửi gắm của người nghệ sĩ hay có thể tìm thấy một góc lòng mình trong những ca khúc do anh sáng tác. Nhờ đó mà nhạc của Cường có chất riêng, khác biệt giữa thị trường nhạc Việt đa sắc màu hiện nay.
Vì chú trọng vào việc thể hiện cảm xúc chân thật và kiếm tìm sự đồng điệu giữa ca khúc với ca sĩ thể hiện ca khúc ấy nên Cường cũng có hướng sáng tác khá riêng. Không có nhiều những bản demo viết sẵn, không có những ca khúc có thể gửi cho ca sĩ bất kỳ. Cường viết nhạc theo giọng hát của ca sĩ, tìm lấy những giọng ca “cảm” với màu nhạc của mình để sáng tác dành riêng. Người ta dễ nhìn ra sự ăn ý giữa ca từ, người hát và bài hát ở các sáng tác của Nguyễn Minh Cường là do vậy.
Cũng bởi là dành cho những “nàng thơ” của riêng mình nên nhạc sĩ cũng chẳng quản ngại bao gian nan để tìm đến với người ca sĩ của mình, mang âm nhạc vào trải nghiệm thật trong cuộc sống, dành thời gian thấu hiểu, truyền tải những ý tưởng, khơi dậy nguồn cảm hứng tự nhiên ấy vào trong sáng tác của mình tại chỗ.
Cường chia sẻ có lần anh phải đi thật xa đến với nơi ở của Hoài Lâm trong tư thế lỉnh kỉnh mang vác nào là máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công việc sáng tác, thu âm tại chỗ. “Hoa nở không màu” và “Buồn làm chi em ơi” được thu ở phòng riêng của nam ca sĩ tại Vĩnh Long và ở ngay trên xe ô tô của Cường cũng tại Vĩnh Long để đảm bảo chất lượng âm thanh, tránh tạp âm.
Không chỉ theo đuổi cảm xúc trong sáng tác và sản xuất âm nhạc bất chấp mọi hoàn cảnh, Nguyễn Minh Cường còn đặt kỳ vọng lớn vào ca khúc qua việc “chọn mặt gửi vàng”. Chính vì vậy mà khi những tác phẩm ấy “ra lò”, anh khấp khởi mừng vì sau bao gian nan để hoàn thành, cuối cùng anh cũng đã thành công, ít nhất là hài lòng với lựa chọn của chính mình. Dễ dàng nhận ra qua cái cách anh trân trọng người ca sĩ đã thể hiện thành công ca khúc của mình bằng hết tình cảm và những lời khen tặng họ… mới thấy được đam mê, khát vọng từ người nghệ sĩ này đặt trọn vẹn vào từng sáng tác của mình tha thiết đến nhường nào.
Và hành trình đưa âm nhạc trở về với … âm nhạc
Trở lại sau một khoảng thời gian tạm nghỉ ngơi, năm 2019, nhạc sĩ khởi động dự án Music Diary mùa 1 với tên gọi “Nhật ký cảm xúc” và đến giữa tháng 5/2020, mùa 2 “Nhật ký nhà thơ” với phong cách âm nhạc hoàn toàn mới, gây “sốc” với không ít khán giả trẻ đang trung thành với nhạc của Nguyễn Minh Cường trước đây.
Music Diary mùa 2 gồm chuỗi 6 ca khúc pop ballat: “Có một ngày buồn như thế” (Nguyên Hà), “Hoa nở không màu” (Hoài Lâm), “Đi qua thương nhớ” (Hà Nhi), “Mình dừng lại đi” (Ali Hoàng Dương), “Thanh xuân còn lại bao nhiêu” (Thu Thủy), “Khi nỗi đau dừng lại” (Nguyên Hà). Mỗi ca khúc là một mảnh ghép tình ca.
Nếu người nghe đắm chìm với Nguyên Hà qua 2 ca khúc mở đầu và kết thúc ở Music Diary mùa 2, thì “Hoa nở không màu”, “Buồn làm chi em ơi” được ví như ca khúc đưa Hoài Lâm trở lại mạnh mẽ với khán giả. Chất luyến láy, tự sự của ca khúc đã bật nổi giọng ca và che khuất đi những nhược điểm. Sáng tác “Buồn làm chi em ơi” còn là ca khúc gây chú ý đặc biệt vì mang chất bolero phối trên nền nhạc điện tử.
Có thể nói âm nhạc trong Music Diary mùa 2 đúng nghĩa chỉ là… âm nhạc, người nghe đắm chìm trong lời nhạc, theo từng thanh âm của tiếng đàn, được hòa âm phối khí theo dụng ý riêng của tác giả với mong muốn đưa người nghe bước vào thế giới âm nhạc nguyên bản, chạm đến cảm xúc chỉ bằng lời ca, tiếng hát mà không dùng đến tác động của kỹ thuật, hiệu ứng âm thanh, hình ảnh hiện đại nào khác.
Thế nhưng, giữa nhiều MV ca nhạc đầu tư hình ảnh, vũ đạo nhằm tương tác với khán giả nhanh hơn, mang nhiều yếu tố giải trí hơn thì album của Cường quá khác biệt và cũng quá giản đơn. Giống như trên sân khấu, ai ai cũng xuất hiện với phục trang và dàn múa minh họa rực rỡ, còn nhạc của Cường chỉ chào khán giá bằng tiếng hát. Cũng biết là có khó khăn, nhưng Cường quan niệm “Nếu đã sợ thất bại thì đừng làm, mà đã làm thì không sợ thất bại” và 2 mùa Music Diary với hơn 10 bài hát lần lượt ra mắt đã gặt hái được những quả ngọt là một minh chứng.
Hành trình “đưa âm nhạc về đúng cảm xúc” cũng được nhạc sĩ trẻ gửi đến khi tham gia vào chương trình “Kiên cường Việt Nam”. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngay từ khi nhận được lời mời tham gia viết nhạc cho chương trình, Cường ngay lập tức nhận lời. “Chương trình chính thức diễn ra sẽ có thể truyền cảm hứng cho mỗi người chúng ta về ý chí kiên cường và thành tựu của toàn dân Việt Nam”, nhạc sĩ tâm sự, “đó sẽ là động lực rất lớn để mỗi chúng ta vững tin hơn và mở ra hy vọng về ngày mà đất nước ta sẽ chiến thắng đại dịch”.
Những lời lẽ cổ động tinh thần chống dịch trong ca khúc “Kiên cường Việt Nam” cũng là những lời động viên lớn mà mỗi người chúng ta đều đang cần đến ngay trong thời khắc này, trong lúc này. Hóa thân vào mỗi người Việt Nam, Nguyễn Minh Cường đã thật sự thể hiện rõ rệt tinh thần Việt từ ngàn xưa và cho đến tận ngày nay – Tinh thần kiên cường, bất khuất. Tinh thần ấy sẽ giúp mỗi người chúng ta có thêm động lực mạnh mẽ trong cuộc chiến chống dịch lần này.
Sẽ là khó khăn cho những gì mà Nguyễn Minh Cường đang đặt ra cho mục tiêu định hướng lại màu âm nhạc của anh trong thời gian tới, nhưng với những nỗ lực đã qua và với tâm thế kiên cường trong mọi hoàn cảnh mà chúng ta có thể cảm nhận qua ca khúc “Kiên cường Việt Nam” mà anh vừa sáng tác, điều đó với Cường dường như không còn khó nữa.
Nguồn: http://vannghetre.com.vn/nguyen-minh-cuong-not-nhac-buon-diu-dang-cua-nhac-viet-6531.html