Đế chế Thomas Cook & Son với du lịch Đông Dương
Là một huyền thoại của ngành du lịch thế giới, hãng lữ hành Thomas Cook & Son khá quan tâm đến tiềm năng du lịch ở Đông Dương và từng đưa ra nhiều sáng kiến nhằm quảng bá miền đất tươi đẹp này.
Đôi nét về Thomas Cook và “đế chế du lịch” của ông
Sinh năm 1808 tại một địa danh gần Leicester, nước Anh, Thomas Cook được mệnh danh là ông tổ của ngành lữ hành hiện đại. Trong những năm 40 của thế kỷ 19, nhận thấy mạng lưới đường sắt mang lại cơ hội lớn cho du lịch đại chúng, ông đã đứng lên tổ chức tour du lịch có ký kết hợp đồng đầu tiên trong lịch sử. Sau một vài thử nghiệm thành công (trong đó có tour đến bờ biển Liverpool), ông mở rộng hoạt động bằng cách tổ chức các tour đến Scotland cho công nhân, bán vé khứ hồi tàu thủy và tàu hỏa.
Chân dung Thomas Cook (theguardian.com)
Năm 1851, sau khi tìm hiểu cách thức đàm phán giá tour theo nhóm và điều hành các tour giá rẻ, Thomas Cook tổ chức một tour cho rất đông công nhân từ miền trung nước Anh đến xem triển lãm tại Crystal Palace ở Luân-đôn. 4 năm sau, ông tổ chức tour nội địa châu Âu đầu tiên tới Hà Lan, Bỉ, Pháp và Đức; sắp xếp một hành trình cố định đồng thời tự mình dàn xếp các vấn đề về đường sá, khách sạn và quảng cáo.
Những năm 1860, Thomas Cook mở rộng dịch vụ du lịch sang Mỹ và Trung Đông. Đến cuối thập kỷ này, Thomas Cook & Son đã nổi tiếng toàn nước Anh với tư cách người tiên phong trong lĩnh vực lữ hành. Ông được mời tham dự lễ khánh thành kênh đào Suez năm 1869 và được xếp ngồi cùng những vị khách quan trọng như nữ hoàng Eugénie của Pháp. Con trai ông, John Mason, gia nhập công ty năm 1865 và tiếp quản việc kinh doanh sau khi ông nghỉ hưu vào năm 1878[i].
Hợp tác với Công ty Đường sắt Đông Dương – Vân Nam
Trong thập niên 1920, hãng lữ hành Thomas Cook & Son và Công ty Đường sắt Đông Dương – Vân Nam đã bắt đầu tiếp xúc để đi đến ký kết thỏa thuận. Thời điểm đó, hãng sở hữu nhiều văn phòng đại diện tại Anh, Ai-len, Ca-na-đa, Australia, Niu Di-lân, Ấn Độ, Viễn Đông, Ai Cập và Palestine; Công ty vô danh Wagons-lits Cook đặt trụ sở tại Bruxelles, Bỉ, phụ trách các văn phòng ở châu Âu, Syria và Công-gô thuộc Bỉ; công ty Thos Cook & Son – Wagons lits Inc tại New Yorrk phụ trách các văn phòng tại Mỹ; công ty Thos Cook & Son – Wagons lits Ltd tại Luân-đôn phụ trách các văn phòng tại Nam Phi.
Thỏa thuận đầu tiên ký ngày 09 tháng 02 năm 1928 gồm 15 điều. Theo đó, Thomas Cook & Son được phép phát cho khách hàng của hãng các coupon và phiếu vận tải trên mạng lưới do Công ty Đường sắt Đông Dương – Vân Nam vận hành và khai thác. Coupon đánh số dùng cho các hành trình cố định, mỗi coupon đều có cuống. Phiếu vận tải đánh số và buộc phải đổi tại quầy ghi-sê của ga đi để lấy vé gốc. Coupon và phiếu vận tải in trên giấy trắng đối với hạng 1, xanh lam đối với hạng 2 và xanh lục đối với hạng 3, có đóng dấu của Công ty.
Thỏa thuận sửa đổi ngày 01 tháng 4 năm 1938 giữa Công ty đường sắt Đông Dương – Vân Nam và hãng lữ hành Thomas Cook & Son được rút gọn gồm 7 điều. Theo đó, Thomas Cook & Son được phép phát vé tạm thuộc 3 hạng đầu tiên trên mạng lưới của Công ty Đường sắt Vân Nam – Đông Dương thay cho coupon và phiếu vận tải. Hành khách mang vé tạm đến quầy ghi-sê tại các ga của Công ty để đổi lấy vé gốc. Vé tạm do Công ty in bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, quy định về màu sắc với từng hạng không đổi. Vé tạm có thời hạn 6 tháng tính từ ngày Hãng lữ hành xuất vé[ii].
Quảng bá du lịch Đông Dương và mở văn phòng tại Sài Gòn
Từ đầu những năm 1930, Công ty Wagons-Lits/Cook và chính quyền Đông Dương đã tiến hành đàm phán để quảng bá du lịch của thuộc địa này. Công ty đề xuất phát cho hành khách trên các tàu và máy bay đến Đông Dương một brochure và tờ rơi ghi thông tin ngắn gọn về thuộc địa, các tuyến đường giao thông cũng như các vấn đề kỹ thuật liên quan đến hoạt động du lịch. Brochure và tờ rơi dự kiến in 130.000 bản.
Ngoài ra, nhiều bích chương thể hiện những hình ảnh ấn tượng về tài nguyên du lịch và phong cảnh tuyệt đẹp của Đông Dương sẽ được trưng bày thường xuyên tại các văn phòng và chi nhánh của công ty ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á và châu Phi. Cuối cùng, Đông Dương sẽ được quảng bá rộng rãi trên các tạp chí du lịch và brochure do chính công ty phát hành. Kinh phí cho toàn bộ dự án vào khoảng 50.000 đồng Đông Dương. Công ty Wagons-Lits/Cook đề nghị Văn phòng Du lịch Đông Dương[iii] tài trợ một khoản trị giá 10.000 đồng để thực hiện chiến dịch.
Năm 1937, sau khi tuyến đường sắt xuyên Đông Dương hoàn thành, Phủ Toàn quyền gợi ý Công ty Wagons-Lits/Cook mở văn phòng đại diện tại Hà Nội hoặc Sài Gòn. Nhận thấy việc thành lập và vận hành một văn phòng sẽ phát sinh khoản chi phí không nhỏ, Công ty đề nghị chính quyền Đông Dương một khoản trợ cấp hàng năm vào khoảng 200.000 phơ-răng.
Toàn quyền Đông Dương bày tỏ sự ủng hộ đối với đề nghị của công ty Wagons-Lits/Cook, tuy nhiên, chưa tìm ra thông tin cho thấy dự án đã được hai bên triển khai[iv].
Qua tài liệu lưu trữ có thể thấy hãng du lịch Thomas Cook & Son khá quan tâm đến tiềm năng du lịch ở Đông Dương và từng đưa ra nhiều sáng kiến nhằm quảng bá miền đất tươi đẹp này.
[i] F Robert Hunter, Tourism & Empire: The Thomas Cook & Son Enterprise on the Nile, 1868–1914, Middle Eastern Studies, 40:5, 28-54 và Jean Delannoy, Le Voyage, quý II, 1967, trang 35.
[ii] TTLTQGI, Phông Công ty Đường sắt Đông Dương – Vân Nam, Hồ sơ 2496
[iii] Offince Indochinois du Tourisme
[iv] TTLTQGI, Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, Hồ sơ 72710-02