Đồng chí Võ Văn Tần – Tấm gương người cộng sản mẫu mực, kiên trung, bất khuất
Chân dung đồng chí Võ Văn Tần (1891-1941)
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam, đồng chí Võ Văn Tần thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với hơn 50 năm tuổi đời, 15 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, đồng chí Võ Văn Tần đã để lại cho Đảng ta, Nhân dân ta và thế hệ trẻ Việt Nam tấm gương sáng của người chiến sỹ cộng sản mẫu mực, kiên trung, bất khuất.
Trung thành tuyệt đối với lý tưởng và tiền đồ cách mạng
Đồng chí Võ Văn Tần sinh tháng 8/1891 tại làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay là huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) trong một gia đình nông dân nghèo, giàu truyền thống yêu nước. Năm 1926, với khát vọng tìm đường cứu nước, cứu dân, đồng chí Võ Văn Tần đã tham gia và hoạt động tích cực trong tổ chức yêu nước của Nguyễn An Ninh. Cuối năm 1926, nhận ra những hạn chế của Hội kín Nguyễn An Ninh, đồng chí Võ Văn Tần đã gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1929, đồng chí Võ Văn Tần lập ra chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở Đức Hòa gồm 7 người, do đồng chí làm Bí thư.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 6/3/1930, đồng chí Võ Văn Tần triệu tập cuộc họp bí mật tại nhà Hương bộ Thỏ ở làng Đức Hòa, tuyên bố chuyển chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thành chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí được cử làm Bí thư chi bộ. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở quận Đức Hòa và tỉnh Chợ Lớn. Tháng 5/1930, tại hội nghị thành lập Đảng bộ quận Đức Hòa (thuộc tỉnh Chợ Lớn), đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Quận ủy.
Những năm sau đó, đồng chí Võ Văn Tần được Trung ương Đảng giao nhiều trọng trách: Bí thư Ban Chấp hành tỉnh đảng bộ Chợ Lớn, Bí thư tỉnh ủy Gia Định. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng tiến hành từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935 tại Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Đầu năm 1937, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ thay cho đồng chí Võ Văn Ngân bị bệnh nặng. Tháng 3/1938, đồng chí được bầu vào Thường vụ Trung ương và góp phần xây dựng chính sách mới của Đảng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ.
Giữa lúc đang cùng Xứ ủy Nam Kỳ khẩn trương lãnh đạo các cấp bộ Đảng triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 thì ngày 12/4/1940, đồng chí Võ Văn Tần bị địch bắt. Chúng đưa đồng chí về bót mật thám Catina đe dọa, dụ dỗ rồi nhốt riêng và tra tấn đến tàn phế. Đồng chí Võ Văn Tần đã giữ trọn khí tiết của người đảng viên cộng sản và luôn giữ vững niềm tin ở tiền đồ cách mạng.
Ngày 28/8/1941, đồng chí Võ Văn Tần bị thực dân Pháp đưa ra xử bắn cùng với các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Hữu Tiến (tức Hải Đông) tại trường bắn Sở Rác (nay là Bệnh viện Hóc Môn).
Trưởng thành từ phong trào cách mạng, trên mọi cương vị công tác từ bí thư chi bộ, bí thư quận ủy, bí thư tỉnh ủy, bí thư xứ ủy, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng… đồng chí Võ Văn Tần đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có những cống hiến về tư duy sắc bén và những định hướng lớn cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc.
Là người cộng sản mẫu mực, suốt cuộc đời gắn bó máu thịt với nhân dân, lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng và tiền đồ cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần thể hiện trong những ngày cuối đời trước kẻ thù, đã trở thành biểu tượng cao đẹp về hình ảnh người chiến sỹ cộng sản mẫu mực. Đồng chí Võ Văn Tần là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về lý tưởng sống để nhiều thế hệ học tập và noi theo.
Tấm gương sáng về nói đi đôi với làm
Đồng chí Võ Văn Tần là tấm gương sáng về nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực tiễn. Trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, dù ở đâu, đến đâu, hay trên cương vị công tác nào, đồng chí Võ Văn Tần cũng đều nhận được tình cảm trân trọng, quý mến, sự giúp đỡ vô tư chí tình của đồng chí, đồng bào, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người. Đồng chí thường nói: “Mình làm cách mạng mà không để cho nhân dân tin tưởng ở lời nói và việc làm của mình thì khó mà làm cách mạng được”.
Cũng chính tác phong gương mẫu và gần gũi với mọi người, đồng chí luôn nhạy bén, nắm bắt được những vấn đề cốt lõi từ thực tiễn cách mạng, kịp thời có những ý kiến đề xuất với Đảng các vấn đề quan trọng về đường lối và sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng. Trong cuộc sống, đồng chí Võ Văn Tần sống rất giản dị, tôn trọng và gần gũi mọi người, là tấm gương mẫu mực đối với đồng chí, đồng đội và gia đình.
Cuộc đời đồng chí Võ Văn Tần là một tấm gương cao đẹp về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng, về ý chí và tinh thần cách mạng của một chiến sỹ cộng sản kiên cường quả cảm. Hoạt động cách mạng trong thời kỳ Đảng mới thành lập, phong trào cách mạng liên tục bị kẻ thù khủng bố, cơ quan lãnh đạo của Đảng nhiều lần bị tan vỡ, bản thân bị kẻ thù truy lùng ráo riết, bất chấp hy sinh gian khổ, đồng chí Võ Văn Tần luôn kiên định con đường đã chọn, bền bỉ hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng. Sự kiên định của Võ Văn Tần là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng về lý tưởng sống để thế hệ trẻ noi theo và học tập.
Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 (1945-2021), tiếp tục thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII; triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần là dịp để từng cá nhân, tập thể nhìn lại trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong quá trình hình thành và phát triển cách mạng Việt Nam cũng như quá trình phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, được soi rọi qua tấm gương người chiến sỹ cộng sản Võ Văn Tần.
Hình mẫu cho thế hệ trẻ noi gương
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Võ Văn Tần luôn thể hiện rõ phẩm chất của người cộng sản kiên trung, bất khuất. Những năm tháng tù đày, giam giữ ở bót Catinat, dù địch dùng mọi thủ đoạn gian ác, dụ dỗ, tra tấn, nhục hình, nhưng đồng chí kiên quyết không khai báo. Trước sau chúng chỉ nhận được câu trả lời “Người Cộng sản chúng tao không sợ chết đâu, chúng mầy đừng giở trò vô ích”. Mỗi lần có dịp gặp gỡ các đồng đội, đồng chí của mình, Võ Văn Tần đều động viên, nhắc nhở: “Dầu bị tra tấn, nhất định đừng khai báo. Cách mạng dầu có khó khăn mấy nhưng nhất định thành công”.
Trước khi bị đưa ra xử bắn, đồng chí đã viết câu nói bất hủ trên tường xà lim: “… thà chết chứ không bao giờ mình giết chết phong trào cách mạng…”. Những câu nói ấy của đồng chí Võ Văn Tần là lời động viên, khích lệ những người cộng sản kiên định đi theo con đường cách mạng để giải phóng cho dân tộc.
Người chiến sỹ kiên trung, bất khuất, không ngại khó khăn gian khổ Võ Văn Tần đã trở thành tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo. Một Quỹ học bổng mang tên Võ Văn Tần do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo tỉnh, huyện sáng lập từ tháng 6/2013 đã trở thành cầu nối cho nhiều học sinh, sinh viên đến trường, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí cho địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Nhờ nguồn Quỹ này, hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên đã được hỗ trợ, tiếp bước trên con đường đi tìm tri thức, trở thành người có ích cho xã hội.
Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Long An đã tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp đồng chí Võ Văn Tần” để cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tham gia, qua đó hiểu rõ hơn về người con ưu tú của quê hương Đức Hòa, Long An, người chiến sỹ cách mạng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam – Võ Văn Tần.
Theo Thu Phương (TTXVN)