Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến: Nghĩ đến mẹ thì không thể làm sai
Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến.
Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến là con trai út của ông bà. Mỗi khi nhắc đến mẹ, anh Hoàng Nam Tiến mang nhiều lòng biết ơn, thương yêu, và trong ký ức còn tràn đầy kỷ niệm âu yếm của mẹ.
Năm 1968 ba của anh chiến đấu ở Khe Xanh, kết thúc chiến dịch trở ra Bắc thì mẹ có bầu anh. Khi ấy mẹ anh được chọn là một trong những lãnh đạo tương lai, và được chọn là đại biểu quốc hội vì thế, mẹ anh quyết định không tiếp tục sinh con.
Nhưng mẹ anh muốn bỏ thai thì phải có gia đình chồng và chồng xác nhận. Ba anh gửi bức thư, đồng ý mọi quyết định của mẹ, nhưng phần cuối thư ba nói, anh vừa xem lại bức ảnh của hai con, trên mặt An có gì mà chỉ có em gái, và Hồng thì không có em… Đọc xong thư, mẹ oà khóc. Nhờ câu đó mà cậu con trai Hoàng Nam Tiến ra đời.
Khi mang bầu, mẹ thường xoa bụng trò chuyện với anh. Sinh anh ra đời, mẹ lại nắn chân nắn tay. Cho đến khi anh Hoàng Nam Tiến đã 53 tuổi, bà vẫn bóp chân xoa lưng.
“Sự âu yếm của mẹ với con rất thiêng liêng và tình cảm mẹ con gia đình cũng từ cái chạm nhẹ như vậy. Tôi rất thích cảm giác ấy”, anh Hoàng Nam Tiến nhớ lại. “Mẹ vẫn kể chuyện tôi khi 4 tuổi đã rất khôn. Khi đi ngủ là lấy vạt áo mẹ cột vào vạt áo tôi, để mẹ dậy thì biết ngay. Khi mẹ ngủ thì cầm chặt tay. Khi nhỏ thì tôi sợ mẹ đi mất, còn tôi lớn thì mẹ sợ tôi đi mất”.
Bà Nguyễn Thị An Vinh đi ở cho gia đình người ta từ năm 8 tuổi, 17 tuổi thì được đi học, theo cách mạng. Bà kiên trì chăm chỉ học tập cho đến khi tốt nghiệp đại học, có bằng lý luận cao cấp, rồi được học về quản trị ở nước ngoài năm 1981.
Trong suốt 4 năm tướng Hoàng Đan đi học ở Liên Xô, bà An Vinh cũng học xong bằng phổ thông. Mỗi lần đi học, một tay bà bế con gái nhỏ mới sinh, một tay dắt theo con trai lớn mới ba tuổi. Mỗi khi phải trả bài, bà nhờ cô giáo bế con gái và dắt tay con trai lên bảng.
Mãi về sau đọc thư của ba mẹ, anh Hoàng Nam Tiến thấy mối tình đẹp giống như ba mẹ thật quý hiếm. Khi gia đình tổ chức lễ ăn hỏi, sau khi báo cáo tổ chức, ba anh đưa mẹ về nơi mẹ từng học. Năm 1953, mẹ anh 20 tuổi. Từ nhà đến chỗ học là 30 cây số, ba mẹ anh đi bộ bên nhau từ 1 giờ đêm đến 5 giờ sáng và có nụ hôn đầu tiên ở cổng trường học của mẹ. Năm 1954 ba mẹ anh tổ chức đám cưới.
Ba anh đạp xe 1.200 km để cưới mẹ, từ Điện Biên về Nghệ An, đạp xe ra Thái Nguyên, vòng lên Lạng Sơn, mang theo một tời giấy giới thiệu. Sau khi cưới, ba anh ở Hà Nội, mẹ anh trên Lạng Sơn. Trong vòng 3 năm, mỗi tuần, sau khi bữa ăn chiều thứ bảy, ba anh đạp xe từ Hà Nội về Lạng Sơn để ở bên mẹ anh một ngày, rồi chiều chủ nhật lại đạp xe về. Thời đó không có điện thoại, ông bà đều viết vào cuốn sổ nhật ký và mỗi tuần đổi cho nhau:
“Về sau khi ba mất, mẹ tôi yêu cầu chôn tất cả các kỷ vật đó theo ba, và tiếc là tôi không chụp lại. Thực ra mẹ tôi không muốn ai đọc. Xưa đàn ông đi chiến đấu, một năm gặp nhau hai lần, mỗi lần dưới 5 ngày thì sự ra đời của tôi là một may mắn”, anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ và nhớ lại: “Nếu mẹ có giận gì thì ba tôi sẽ nói: “40 năm chiến đấu ở chiến trường không một vết thương vì ông bà nhân hậu còn mẹ thì bao dung”. Mẹ tôi chỉ quan tâm tôi có hạnh phúc hay không.
Khi nhắc đến mẹ, anh Tiến thường chia sẻ hình ảnh mẹ anh nằm trên giường, anh nằm cạnh mẹ, mẹ bóp chân bóp tay và ru anh ngủ. Bà ru anh bằng “Truyện Kiều”. Nhờ thế, anh Hoàng Nam Tiến đọc thuộc các câu Kiều không cần mở sách. Mỗi câu thơ thấm vào trong người và sau này thành những điểm chuẩn mực về văn hoá. Để khi làm gì, anh đều nhớ lại những câu thơ đó. Và cũng biết không thể làm sai, khi nghĩ về mẹ.
Anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ: “Trong cuộc sống hiện nay rất khó cân bằng giữa gia đình và sự thành công trong công việc. Tôi chứng kiến rất nhiều người thành công nhưng ít người hạnh phúc, vì họ thiếu hậu phương vững chắc. Người đàn ông thật may mắn khi có được người vợ hiểu biết, thấu cảm, biết chia sẻ và yêu thương”.