Nghệ sỹ trẻ Nguyễn Hoàng Anh với cây sáo trúc
(QBĐT) – Ngày đầu xuân Giáp Ngọ 2014, chúng tôi có dịp ghé thăm nghệ sĩ sáo trúc Nguyễn Hoàng Anh. Căn nhà nhỏ bên đường Láng Hạ quận Đống Đa là nơi gia đình nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Anh sinh sống luôn đầy ắp tiếng cười mỗi khi có bạn bè, đồng nghiệp nhất là bà con quê hương Quảng Bình có dịp ghé thăm. Mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng anh đã sớm khẳng định tài năng và vị thế của mình trong làng nhạc cụ cổ truyền Việt Nam.
Nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Anh quê xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch. Mặc dù sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng Nguyễn Hoàng Anh sớm được tiếp cận với những làn điệu dân ca miền Trung, những câu hò khoan nhẹ nhàng đằm thắm bên dòng Linh Giang mỗi khi theo bố mẹ về thăm quê đã chắp cánh, nâng bước cho anh sớm bước vào con đường nghệ thuật âm nhạc.
Nguyễn Hoàng Anh sinh năm 1983 trong một gia đình có truyền thống thơ ca và âm nhạc, tốt nghiệp đại học xuất sắc chuyên ngành sáo trúc và đàn bầu tại Nhạc Viện Hà Nội năm 2005, hiện là giảng viên chuyên ngành sáo trúc- Khoa Âm nhạc Truyền thống- Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Ngoài chương trình giảng dạy, Nguyễn Hoàng Anh còn tham gia biểu diễn theo các chương trình do Cục biểu diễn nghệ thuật cũng như các đoàn nghệ thuật truyền thống tổ chức. Và cứ mỗi lần biểu diễn bằng tiếng sáo điêu luyện và đậm đà tình quê, Nguyễn Hoàng Anh đã đưa người nghe đến với những xóm làng đồng bằng Bắc bộ để “say” trong điệu Lới Lơ, Luyện năm cung của nghệ thuật chèo, rồi xuôi về miền Trung để đắm mình trong những giai điệu da diết, nhẹ nhàng vừa đài các, phong lưu của dân ca Bình Trị Thiên…
Và từ khúc ruột miền Trung ấy, người nghe trải lòng mình để Nhớ về Nam (một sáng tác của Nguyễn Văn Thương và Ngọc Phan dựa trên làn điệu dân ca Bình Trị Thiên). Và mới đây, nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Anh lại giới thiệu đến người nghe những tác phẩm mới được soạn riêng cho sáo trúc như: Tiếng gọi mùa xuân, Trăng sáng quê tôi của Đinh Thìn, Tiếng sáo trên nương của Hồng Thái… Những tác phẩm ấy, những giai điệu ngọt ngào ấy, qua tiếng sáo tinh tế lúc lắng sâu, đằm thắm, khi man mác thiết tha, lúc véo von, vi vút… của nghệ sĩ trẻ Nguyễn Hoàng Anh đã làm rung động trái tim của những người nghe nhạc.
Năng khiếu bẩm sinh và tình yêu với cây sáo trúc đã đưa Nguyễn Hoàng Anh đến với âm nhạc dân tộc, và người nghệ sĩ trẻ ấy sẽ tiếp tục theo đuổi con đường nhạc cụ truyền thống mà anh đã chọn. “Tiếng sáo quê hương” là một trong những CD vừa mới hoàn thành chính là tình cảm tri ân của nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Anh đối với quê hương, với tất cả quý thính giả… những người đã đang và sẽ đón nhận yêu thương âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Nhờ sự say mê, sáng tạo mà nghệ sĩ trẻ Nguyễn Hoàng Anh đã gặt hái được những thành tích đáng ghi nhận trong những năm vừa qua. Đó là, mới 10 tuổi Nguyễn Hoàng Anh đạt giải A1 cuộc thi “Chúng em đàn và hát đân ca” do Cung văn hóa Thiếu nhi Hà Nội phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội tổ chức; Bằng khen và suất học bổng tài năng trẻ của Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh năm 1993; Giải đặc biệt Nhạc Viện Hà Nội tại cuộc thi “Độc tấu và hoà tấu nhạc cụ truyền thống lần thứ nhất” do Cục biểu diễn nghệ thuật tổ chức năm 1998, tại cuộc thi này Hoàng Anh cũng giành được giải nhì sáo trúc (cuộc thi không có giải nhất cho sáo trúc); Giải nhất Sáo Trúc tại cuộc thi “Độc tấu và hoà tấu nhạc cụ Truyền Thống lần thứ hai” do Cục biểu diễn nghệ thuật tổ chức năm 2003; Huy chương vàng liên hoan âm nhạc thế giới tại Bình Nhưỡng 2005.
Đặc biệt, anh được Viện Âm nhạc, Bộ Văn hoá – Thông tin cử đi tham gia dàn nhạc “Tài năng trẻ thế giới” tại Na Uy năm 2004 và tại Việt Nam 2005. Năm 1992 (9 tuổi) tham gia liên hoan âm nhạc thiếu nhi quốc tế tại Nhật Bản, năm 1993 tại Trung Quốc và liên tiếp trong thời gian còn là học sinh, sinh viên Nhạc viện Quốc gia, anh đã tham gia liên hoan âm nhạc quốc tế và biểu diễn nghệ thuật trên 20 nước với hơn 40 chuyến lưu diễn tại Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Na Uy, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Phần Lan, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Triều Tiên, Ấn Độ, Ca na đa…
Gần đây nhất anh đã mang cây sáo trúc và cây đàn bầu là những nhạc cụ truyền thống độc đáo của Việt Nam đi tham gia Liên hoan âm nhạc World Music tại Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điện cùng với các nhạc sĩ, nghệ sĩ Quốc Trung, nghệ sĩ ưu tú Thanh Lam, nghệ sĩ ưu tú Xuân Diệu, nghệ sĩ nhân dân Thu Hoài… Đi đến đâu ban nhạc nói chung và cây sáo trúc, đàn bầu của nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Anh nói riêng cũng gây được ấn tượng mạnh trong lòng bạn bè quốc tế.
Điều đáng trân trọng hơn là, trong khi cuộc sống hiện đại gấp gáp, sôi động đang lôi kéo phần đông giới trẻ đến với những âm thanh techno, hip hop… thì vẫn còn những nghệ sĩ trẻ nặng lòng với âm nhạc cổ truyền quê hương, và chúng ta có quyền tự hào bởi Nguyễn Hoàng Anh, người con quê hương Quảng Bình là một trong số đó.
Lê Chiêu Phùng