‘Bây giờ mà còn ngồi nói chuyện chuyển đổi số báo chí, quá muộn!’

Bây giờ mà còn ngồi nói chuyện chuyển đổi số báo chí, quá muộn! Ông Hoàng Nguyên Vũ nêu quan điểm, chuyện mạng xã hội đi trước hay báo chí đi trước không còn quan trọng mà quan trọng nhất là thông tin của bạn như thế nào?

Từ năm 2010, tức là cách đây 12 năm, báo chí Mỹ – nền báo chí có thể nói là lớn nhất thế giới đã phải đối diện với một cuộc khủng hoảng lớn thời kỳ chuyển đổi. Và từ đó tới nay, câu chuyện chuyển đổi số của báo chí trên thế giới người ta ít nhắc đến, vì đó là việc đã làm từ lâu và cũng đã thành quá khứ rồi. Nhưng ở ta, thì câu chuyện mới chỉ dừng lại ở những bắt đầu…

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), cựu phóng viên báo điện tử Trí thức trẻ Hoàng Nguyên Vũ đã có những chia sẻ thú vị với báo Thế giới & Việt Nam về chuyển đổi số trong báo chí.

Nhiều người nói đến chuyển đổi số báo chí, ông nhận định thế nào về thực trạng chuyển đổi số ở nước ta hiện nay?

Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ đến mốc thời điểm đúng 10 năm trước, tại một tập đoàn lớn nhất về tạp chí của Việt Nam, hợp tác xuất bản những tạp chí thời trang và tiêu dùng hàng đầu, chúng tôi đề cập đến việc “nên số hoá” các ấn phẩm của họ.

Chị quản lý bên đó dõng dạc: “Không, bạn đọc của chúng tôi không có trên online”, nghĩa là chị ấy vẫn tin rằng, các cô cậu văn phòng, các nam thanh nữ tú thành thị vẫn sẽ giữ thói quen mỗi đầu tuần đầu tháng sẽ hồ hởi ra sạp báo mua tạp chí về đọc để làm đẹp và mua sắm cho bản thân.

Sau đó 1 năm, chị ấy đã thấy mình sai, khi các bạn đọc ấy đã hoàn tất các công đoạn tiêu dùng trên thế giới trực tuyến và đọc thông tin họ cần cũng trên đó. Các đầu báo của chị đã bắt đầu ế ẩm và nhiều tờ đã trở thành hoàng kim quá vãng và đóng cửa chỉ vài năm sau.

Nói dông dài vậy để thấy, chuyển đổi số ở ta là một công đoạn gian nan vô cùng. Đa phần nghĩ rằng báo giấy vẫn còn những kỳ vọng khi mà thị trường quảng cáo đã “tắt hứng” với báo giấy sớm hơn người ta nghĩ.

Rồi đến giai đoạn chuyển đổi, người ta cũng không biết mình chuyển đổi cái gì. Rất nhiều người nghĩ rằng, chuyển đổi số là… xuất bản báo in trên nền tảng số, tức là vẫn là “bình mới rượu cũ”.

Cách đây vài tuần tôi có chuyến công tác Hà Nội, có ngồi với một chị đồng nghiệp và hỏi về tờ báo của chị. Chị bảo, báo chị bắt đầu quá trình chuyển đổi số, tôi chưng hửng: “Bây giờ mới bắt đầu?”. Chị hiểu câu hỏi của tôi và chỉ trả lời một câu: “Quá muộn phải không em?”.

Bây giờ mà còn ngồi nói chuyện chuyển đổi số báo chí, quá muộn! Chuyển đổi số cần công nghệ và con người giỏi về sáng tạo nội dung trên nền tảng công nghệ sẵn có là ưu tiên số một.

Chuyển đổi số không phải thay đổi quy trình, bộ máy mà phải bắt đầu từ con người. Vậy con người cần thay đổi như thế nào, theo ông?

Con người của báo số rất nhiều dạng. Thì biết, thay đổi bất cứ cái gì cũng bắt đầu từ thay đổi con người nhưng với một nền báo chí chuyển đổi số muộn màng thì thay đổi con người nào để rút ngắn giai đoạn và không phải thử nghiệm ở cái thời buổi người ta đã về đích mới là điều quan trọng.

Trước hết, phải hỏi nền tảng số bạn đọc cần gì trước, dĩ nhiên là đọc các nền tảng nội dung và trải nghiệm các loại nội dung trên các phương tiện số họ có. Xưa thì họ đọc báo trên PC (máy tính), nay đa phần đọc trên điện thoại.

“Báo chí đang bị cạnh tranh với mạng xã hội khi mà mỗi người có thể là một người đưa tin và có những tương tác rất mạnh, mạnh hơn báo chí nhiều. Nhưng báo chí mà chạy theo tương tác kiểu đó lại không nên vì mạng xã hội người ta tương tác bằng thái độ, nó ngắn và hơi theo sắc màu chủ quan. Còn báo chí vẫn luôn giữ sự khách quan, bình tĩnh và đúng đắn như một người trưởng thành”.

Vậy thì, câu chuyện ở đây chắc chắn bắt đầu bằng con người của công nghệ (technology) và con người của những sáng tạo nội dung (innovation) trên nền tảng công nghệ để nội dung đó đến với người đọc dễ dàng và khoa học nhất.

Tôi lấy ví dụ, màn hình điện thoại dài nhưng hẹp, rất phù hợp cho infographic chẳng hạn. Bạn thường sẽ chọn infographic cho những sự kiện, những con người hay những hành trình chứa những con số lớn và nhấn nhá. Hoặc những video clip xem nhanh, tinh gọn thông tin và có những thủ thuật đánh vào cảm xúc…

Vậy, chuyển đổi số cần công nghệ và con người giỏi về sáng tạo nội dung trên nền tảng công nghệ sẵn có là ưu tiên số một. Chỉ tiếc là giờ nhiều báo đang loay hoay với bài toán công nghệ, còn con người làm báo thì đã cũ đi cùng đế chế báo in của bao năm trước.

Vậy một chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả làm trung tâm thì sao?

Kể cả không chuyển đổi số thì bạn đọc luôn là trung tâm của báo chí còn chuyển đổi số thì hãy định nghĩa cho rõ, là công nghệ làm gì để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của họ.

Bạn đọc trên thế giới công nghệ khác với bạn đọc trên báo in. Bạn đọc trên báo in chỉ đọc bằng sở thích, nghĩa là tôi thích loại thông tin gì thì tôi mua báo đó. Còn bạn đọc trên nền tảng số đọc bằng cảm xúc như xem truyền hình, thì phải có video cho họ. Họ đọc bằng thói quen, thì hãy có những nội dung hay và thông tin kịp thời cho họ. Bạn đọc nếu đọc bằng thái độ, thì hãy có những thông tin tin cậy, khoa học, lấy sáng tạo nền tảng nội dung làm nòng cốt.

Còn họ sẽ đọc bằng sở thích như thời báo in, thì dĩ nhiên, đừng bỏ qua điều này. Và đó là thị phần quảng cáo của tờ báo bạn.

Chiến lược là phải đi sát với cái người ta cần trên cái phương tiện đọc mà họ đang nắm giữ, trên cái tâm lý và thói quen đọc của họ. Sẽ khó khăn đấy vì báo chí sẽ phải dọn ra một mâm cỗ cái gì cũng phải có trong khi những cái trên mâm đã trở thành đặc sản từ lâu trên mạng xã hội, thì chiến lược càng phải đúng và trúng hơn.

"Bây giờ mà còn ngồi nói chuyện chuyển đổi số báo chí, quá muộn!" “Báo chí vẫn luôn giữ sự khách quan, bình tĩnh và đúng đắn như một người trưởng thành”, ông Hoàng Nguyên Vũ nói.

Làm báo phải chấp nhận sự tương tác và giám sát, thậm chí sự phản biện rất mạnh, bởi mỗi cơ quan báo chí không còn là nguồn duy nhất phát thông tin. Do đó, chúng ta phải trong tâm thế làm báo thế nào, theo ông?

Làm gì cũng phải có tương tác chứ không phải làm báo. Báo chí đang bị cạnh tranh với mạng xã hội khi mà ở đó, mỗi người có thể là một người đưa tin và có những tương tác rất mạnh, mạnh hơn báo chí nhiều.

Nhưng báo chí mà chạy theo tương tác kiểu đó lại không nên vì mạng xã hội người ta tương tác bằng thái độ, nó ngắn và hơi theo sắc màu chủ quan. Còn báo chí vẫn luôn giữ sự khách quan, bình tĩnh và đúng đắn như một người trưởng thành.

Chuyện mạng xã hội đi trước hay báo chí đi trước không còn quan trọng mà quan trọng nhất là thông tin của bạn như thế nào. Chẳng ai cạnh tranh ai cả, đặc biệt khi báo chí trổ tài trong việc đi sâu một thông tin hay một vấn đề, mở ra đa chiều tương tác, đó là cái mạng xã hội sẽ không làm được.

Các tờ báo nếu muốn cũng nên mở các trang mạng xã hội của mình để dẫn dắt thông tin thôi, thời đại đa phương tiện, đa nền tảng, nên tận dụng nhau để đi đến cái đích hiệu quả. Anh có tôi cũng có và tôi có nhiều hơn anh, nên chứ!

Chuyển đổi số là quá trình đào thải, sàng lọc tự nhiên. Vậy đi chậm trong chuyển đổi số là sẽ thất bại?

Từ “thất bại” là từ đúng đắn nhất vì tôi nói thật, báo chí trực tuyến bây giờ phần nào cũng là cũ rồi. Bạn đọc có từng đó giác quan thôi thì giác quan nào cũng có các nền tảng thông tin xã hội khác nhau chu cấp thông tin. Nên giờ chúng ta ngồi nói câu chuyện chuyển đổi số đã quá chậm. Lẽ ra nên nói hơn 10 năm trước.

“Chuyện mạng xã hội đi trước hay báo chí đi trước không còn quan trọng mà quan trọng nhất là thông tin của bạn như thế nào. Chẳng ai cạnh tranh ai cả, đặc biệt khi báo chí trổ tài trong việc đi sâu một thông tin hay một vấn đề, mở ra đa chiều tương tác, đó là cái mạng xã hội sẽ không làm được”.

Ở Việt Nam, có nhiều tờ báo điện tử ra đời rất sớm và theo thời gian. Họ không ngừng sáng tạo nền tảng nội dung số, con người số và các trải nghiệm số cho bạn đọc, họ đã thành công từ lâu.

Giờ họ còn lo ngại bị mạng xã hội cạnh tranh mất thị phần, ta lại đang đi nói chuyển đổi số như thế nào, cũng hơi kỳ lạ.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, mọi người tự phải học, đầu tư cho công nghệ, cho sáng tạo nền tảng nội dung và tạo ra các trải nghiệm cho bạn đọc trên phương tiện mà họ đang nắm giữ, thì chắc chắn thành công!

Xin cảm ơn ông!

Ông Hoàng Nguyên Vũ sinh năm 1980, tốt nghiệp Học viện Báo chí Tuyên Truyền (1998-2002). Anh từng là phóng viên báo Quân đội nhân dân, Công an Nhân dân, Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, báo điện tử Trí thức trẻ. Được biết đến là một cây viết ký sự nhân vật xuất sắc với nhiều giải thưởng báo chí và là một trong những cây phỏng vấn sắc sảo hiện nay.

Hiện nay, ông phụ trách mảng truyền thông đối ngoại của Khối quảng cáo, Công ty cổ phần VC Corp. Ông được biết đến là một gương mặt rất nổi bật trên mạng xã hội với 2 trang Fanpage lượng theo dõi khủng và một Facebook cá nhân.

Các tập sách cá nhân được xuất bản: Có tuổi hai mươi thành sóng nước – ký sự hậu chiến 2005, Khúc bi tráng một thời (Ký sự hậu chiến, 2006), Hành trình số phận (Phóng sự thân phận, 2007), Nghệ sĩ bình yên và không bình yên (Chân dung nhân vật, 2007), Thân phận và hào quang (Phỏng vấn nghệ sĩ, 2015), Phố xưa người cũ (Tùy bút, 2022), Danh hoạ và tôi (Chân dung hội hoạ, sắp xuất bản).

'Khách hàng ở đâu, báo chí phải tiếp cận họ ở đó'

‘Khách hàng ở đâu, báo chí phải tiếp cận họ ở đó’

Chuyển đổi số là hướng đến khách hàng – tức là độc giả, khán giả xem truyền hình. Khách hàng ở đâu thì báo chí …

Rate this post