Nghệ sĩ múa Lê Vi: ‘Tôi may mắn khi tìm thấy ánh sáng chân lý của cuộc đời’
Vẻ đẹp đến từ nội tâm
Thế hệ 7X, 8X vẫn luôn nhớ hình ảnh một Lê Vi hết mình trong nghệ thuật, một diễn viên múa điêu luyện, mê đắm lòng người, hay người phụ nữ đầy nội tâm trong cuộc dạo chơi với phim ảnh. Dẫu vậy thì trong ấn tượng của thế hệ hoài niệm như chúng tôi, vẻ đẹp mặn mà chuẩn Á Đông cùng vẻ đẹp nội tâm của chị mới khiến người đối diện thực sự cảm mến.
15 năm theo chồng xa xứ, Lê Vi vẫn thủy chung với mái tóc mây dài đen nhánh mà chẳng thứ thuốc nhuộm hay thuốc uốn xoăn nào có thể “quyến rũ” được chị. Thời gian dường như thật ưu ái Lê Vi, bởi chị vẫn giữ được nét đẹp trẻ trung, thuần khiết và dịu dàng rất đỗi “Hà Nội”. Dẫu đã sống đến 1/3 quãng đời ở đất nước hoa lệ, gặp chị vẫn thấy vẹn nguyên hình ảnh cô gái Hà Thành xưa, tinh tế mà đằm thắm, dịu dàng, lo toan chăm sóc gia đình mà lại thành công trong sự nghiệp.
Nghệ sỹ múa Lê Vi (ở giữa) cùng bạn bè (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)
“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, quả thật đúng như vậy. Sau bao nhiêu năm vắng bóng trên sân khấu nghệ thuật và truyền thông, chúng tôi tình cờ được cùng trò chuyện với chị và bạn bè của chị trong dịp hiếm hoi chị trở về thăm quê hương. Lần này chị về nước dự lễ kỷ niệm tròn 40 năm ra trường của khóa 13 trường Múa. Chị kể rằng, lần gặp mặt này, các thầy cô giáo và bạn bè đều nói rằng chị trẻ đẹp hơn so với mấy năm về trước. Ai cũng thắc mắc không biết bí quyết nào giúp một Lê Vi dù đã bước sang tuổi 50 vẫn giữ được nét đẹp thanh xuân. Và chị bật mí đó là nhờ một môn tu luyện theo Phật gia.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà là do duyên phận
Chị bảo rằng tất cả những gì đến với cuộc đời mình đều là sự sắp đặt của số phận. Cách đây tròn 40 năm, chị và những người bạn ngồi tại quán trà này đều là đồng môn trong trường múa. Rồi mỗi người mỗi ngả theo sự lựa chọn riêng của mình. 40 năm sau họ tề tựu gặp nhau và cùng nhận ra rằng họ đều đang đi chung một con đường sáng rỡ, thênh thang của Phật Pháp. Họ vui mừng chia sẻ là giờ họ mới thực sự tìm thấy nhau, cảm thấy gần gũi, thân thiết và cùng chung chí hướng. Ấy là nhóm bạn múa thuở nào giờ cùng tu luyện Pháp Luân Công.
Từ bỏ nghề múa, để lại sau lưng ánh đèn sân khấu, chị sang Pháp bắt đầu một hành trình mới và mang thai đứa con thứ hai. Nhưng chính ở đất nước cổ kính đầy chất thơ này, chị gặp một mối duyên khác còn bất ngờ hơn thế.
Lê Vi kể cuộc sống của chị vô cùng tĩnh tại trong ngôi nhà hai tầng tại thành phố du lịch cổ kính Amboise, cách Paris hơn 200 cây số về phía Nam. Nơi đây có rất ít người Việt sinh sống, vì vậy chị thường giao thiệp với những người bạn Tây. Một ngày đến chơi nhà, các bạn hỏi rằng “Vi ơi, dạo này còn đi tập múa hay không?”. Lê Vi cười, lắc đầu. Trước sự ngạc nhiên của bạn hữu, chị giải thích rằng, chị không tập múa nữa nhưng không có nghĩa là không luyện tập, vì “giờ Vi đã tìm thấy Pháp Luân Công” rồi. Chị kể, từ khi học và luyện 5 bài công pháp nhẹ nhàng của môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, chị thấy mình khỏe khoắn, tươi vui và tràn đầy năng lượng.
Nghệ sĩ múa Lê Vi đang tập bài công Pháp số 5 của Pháp Luân Công (Ảnh: Lê Vi)
Những người bạn Pháp của chị vốn rất yêu thích văn hóa Đông phương đã tò mò hỏi “Vì sao Vi ngày càng rạng rỡ vậy?”. Chị đơn giản nói với các bạn Tây là nhờ biết tới Đại Pháp này và thực hành theo những lời khuyên dạy trong cuốn Chuyển Pháp Luân, chị trở nên sống tốt hơn, biết nhẫn nại lắng nghe để hoàn thiện bản thân mình, đặc biệt là làm việc gì Vi cũng đều luôn nghĩ đến người khác trước.
“Nhưng mà Vi đã tốt quá rồi, sao còn phải học?”, các bạn Pháp đã thắc mắc với Lê Vi như vậy. Chia sẻ lại câu chuyện đó với bạn bè trường Múa bằng sự duyên dáng và dí dỏm, chị bảo rằng, “Chẳng bao giờ là đủ cả, đã sống tốt rồi thì còn phải tốt hơn nữa, nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn trong sách luôn luôn cần thiết cho mỗi người để thực hành theo trong cuộc sống, để mọi người có chí hướng sống tốt đẹp hơn, làm nhiều việc ý nghĩa hơn”.
Đại Pháp cho con người một tâm hồn thuần khiết và hướng thiện
Lê Vi đến với môn tu luyện Phật gia này vào mùa Hè năm 2017, khi một người bạn ở Paris tới nhà chị chơi vài ngày. Cứ hằng ngày chị thấy người bạn của mình luyện tập rất nghiêm túc, những động tác vô cùng khoan thai, nhẹ nhàng, tĩnh tại đã cuốn hút chị lúc nào không hay. Khi bạn về, chị mở Internet tìm hiểu và mới biết rằng, môn Pháp Luân Đại Pháp đã có rất nhiều người trên toàn thế giới, không kể tuổi tác, màu da đều tu luyện từ rất lâu rồi, và giờ chị mới được biết.
Chị dành thời gian đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách mà người bạn đã cho chị mượn, và bị cuốn hút mạnh mẽ bởi những lời giảng dung dị hàm chứa những nguyên lý dạy làm người vô cùng sâu sắc, uyên thâm. Ba chữ Chân – Thiện – Nhẫn trong sách dạy để áp dụng tu luyện giữa đời thường, đọc thì thấy giản đơn, nhưng theo chị, để thực hành theo không hề dễ chút nào.
“Chân là chân thật, Thiện là đối đãi với mọi người bằng tâm thiện lành, và Nhẫn là khi đối mặt với những khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống biết đối đãi ra làm sao để tâm được an lành”. Chị cười rạng rỡ chia sẻ trong niềm hạnh phúc rằng, đó là những điều chị đã chiêm nghiệm được sau khi đọc rất nhiều lần cuốn Chuyển Pháp Luân.
Chị cười rạng rỡ, hạnh phúc… (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)
Chị cũng chia sẻ rằng, từ khi tu luyện Pháp Luân Công, chưa bao giờ chị thấy biết tự kiểm soát tốt bản thân như hiện tại, chị biết “lắng nghe” cảm xúc và biết “để ý” đến hành vi của mình hơn. “Không có gì là to tát cả, chỉ là đối đãi với lời ăn tiếng nói với chồng con. Khi các con không nghe lời mình, Vi không còn cáu gắt mà kiên nhẫn khuyên bảo. Trước đây khi bất đồng quan điểm với chồng, Vi tranh luận tới cùng chỉ để được giải tỏa hết những bức xúc, bực bội trong lòng. Nhưng giờ học Pháp rồi thì Vi không làm thế nữa, mà mỗi ngày đều tự tu sửa bản thân mình, từ lời ăn tiếng nói, hành vi đến cả suy nghĩ nữa, mọi thứ đều hướng Thiện”.
Những lời giảng dung dị về đạo lý làm người trong cuốn Chuyển Pháp Luân mà chị đọc và học hằng ngày rồi áp dụng ngay vào cuộc sống thực tại rất tự nhiên, hiểu đến đâu, chị giải thích cho chồng con đến đó. “Tất cả những điều Vi dạy các con đều từ trong sách, dần dần các con tự nhận thức được, ít nhất trẻ nhỏ nhà Vi hiểu được những điều mẹ chia sẻ đều là những điều có ích và tốt lành. Rồi dần dà tự nhiên các con sẽ biết áp dụng vào cuộc sống, biết chia sẻ và đỗi đãi tốt với mọi người xung quanh”.
Nghệ sĩ múa Lê Vi bộc bạch, chỉ điều đó thôi cũng đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và những người xung quanh mình. Nhờ học được những điều tốt đẹp trong Đại Pháp, mỗi cá nhân sẽ có tư duy tốt, sống chân thành và thiện lương, mong muốn trở thành người tốt thì đương nhiên cộng đồng xã hội sẽ được nhiều lợi ích.
“Mọi người ai tâm cũng lành, ai cũng tốt thì làm sao phải lo lắng dè chừng, đối phó nhau. Sống giản đơn, bình dị thì tinh thần thư thái tự nhiên sẽ tìm đến.”
Sống giản đơn, bình dị thì tinh thần thư thái tự nhiên sẽ tìm đến… (Ảnh: Lê Vi)
Ở Việt Nam thường có suy nghĩ là có bệnh thì mới tập Pháp Luân Công. Nhưng chị đang có cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh thì vì lý do gì mà chị đến với Đại Pháp?
Nghệ sĩ múa Lê Vi: Khi vào mạng Internet tìm hiểu về Pháp Luân Công, Vi thấy nhiều người chia sẻ việc đến với Đại Pháp trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng đa số là mọi người đều có bệnh và sau một quá trình tu luyện thì khỏi hết bệnh.
Trước nay Vi không mấy khi bị ốm, thỉnh thoảng chỉ bị viêm họng, ngậm vài hạt muối là khỏi nên Vi đến với môn tu luyện này hoàn toàn không phải vì mục đích chữa bệnh. Vì tâm muốn hướng Thiện nên Vi đã đến được với Pháp Luân Công.
Cha mẹ sinh ra đã cho Vi một cái tâm lành nên từ bé đến lớn không mấy khi Vi làm hay nghĩ đến những điều bất thiện. Có người bảo Vi: “Người như chị phải cẩn thận, trong cuộc sống, chị cứ sống tốt thế thì dễ bị lợi dụng, bắt nạt”. Tuy vậy, ngày trước không phải lúc nào Vi cũng là người quá hiền lành để họ lợi dụng. Nhưng khi học được những điều trong cuốn Chuyển Pháp Luân, Vi nghĩ rằng, ngay cả vào tình huống như thế, mình cũng vẫn phải đối đãi bằng cái tâm thiện lành thì tự nhiên sẽ giải hóa được.
Chính vì vậy, Vi tìm thấy được ở trong Pháp nhiều điều để học hỏi hơn nữa. Cuộc sống xa quê hương, xa gia đình nên không phải lúc nào tâm mình cũng bình an. Bố mẹ Vi đã 80 tuổi rồi, không phải lúc nào cũng khỏe mạnh nên trước kia trong lòng Vi lúc nào cũng đau đáu, lo lắng. Nên khi tìm thấy Đại Pháp, Vi nghĩ giống như cánh cửa mở ra khai phá cho mình nhiều điều khiến tâm mình bình an và tĩnh tại.
Nghệ sĩ múa Lê Vi bên gia đình (Ảnh: Lê Vi)
Pháp Luân Công là một môn tu luyện Phật Pháp, vậy theo chị Tu nghĩa là thế nào và có giống như tu trong chùa không?
Nghệ sĩ múa Lê Vi: Từ xưa đến nay theo truyền thống văn hóa Việt Nam nói riêng, và châu Á nói chung, mình đi lễ chùa hay không thì người phương Tây họ vẫn quan niệm rằng mình theo đạo Phật. Ngày trước ở Việt Nam, mỗi khi có thời gian, Vi thường lên chùa để thắp hương, cầu xin đủ thứ và theo Vi nghĩ đó không phải là tu theo Phật.
Trong sách Chuyển Pháp Luân dạy rằng Tu luyện. Chữ Tu này không giống như phải lên chùa tu, bởi vì Pháp dạy chúng ta tu giữa đời thường. Tu luyện là tu tâm tính và luyện 5 bài công pháp. Pháp Luân Công dạy nhiều điều để mình sống tốt hơn. Ba chữ Chân – Thiện – Nhẫn nghe thì dễ nhưng thực hành lại không dễ chút nào khi mình sống giữa đời thường, mọi cư xử hành vi trong cuộc sống xảy ra rất khó kiểm soát được.
“Khi mình học Pháp này, chưa bao giờ Vi cảm thấy biết tự kiểm soát bản thân tốt đến vậy.”
Nghệ sĩ múa Lê Vi đang tập bài công Pháp số 5 của Pháp Luân Công (Ảnh: Lê Vi)
Đôi khi Vi bị cuốn theo cuộc sống hằng ngày mà không nhận thức được ra ngay rằng, thái độ đối đãi với những việc không hay xảy ra trong cuộc sống với tâm thiện thì mới là tu luyện. Như việc mình đối đãi với những sự việc không hay đó liệu có đúng không, đã phải đạo chưa? Và khi mình học Pháp này, chưa bao giờ Vi cảm thấy biết tự kiểm soát bản thân tốt đến vậy.
Theo Vi nghĩ thì đấy mới là tu luyện, không phải cứ lên chùa là mới tu, mà đây là tu tâm tính, đối đãi với những người xung quanh, với bạn bè, với những người xa lạ, chỉ bằng nụ cười, ánh mắt cùng với tâm an lành, thì cũng đem lại niềm vui cho mọi người. Vi nghĩ, tu trong đời thường thì mình tu từ cái nhỏ nhất như vậy.
Ngày trước, đi lễ chùa hay thắp hương ở nhà Vi thường cầu xin, xin đủ mọi thứ từ sức khỏe, tiền tài cho đến con cái mạnh khỏe. Nhưng khi đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, Vi ngộ ra một điều là ai cho mình đây, Thần Phật nào cho mình những thứ đó.
Con người sống cứ đố kỵ, tranh giành, gièm pha, nói xấu, tranh cãi, tham lam cái gì cũng muốn thì Thần Phật nào ban cho mình những thứ mình cầu xin. Tu là phải vãn hồi, bỏ những cái tâm xấu đó đi. Từ khi biết đến Pháp, Vi luôn tâm niệm một điều, mình sống thiện thì tâm sẽ bình an, khi gặp nghịch cảnh trong cuộc sống thì phải đối đãi bằng tâm thiện lành, và Vi cảm thấy vô cùng may mắn vì được hòa trong ánh sáng diệu kỳ của môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
Phong Vũ