Nhà sử học Lê Văn Lan: GS Phan Huy Lê từng “cứu” tôi nhiều lần

Khi chúng tôi gọi điện hỏi nhà sử học Lê Văn Lan về GS Phan Huy Lê, ông giật mình thảng thốt khi hay tin “cây đại thụ” của ngành lịch sử qua đời vì bệnh tim. 

Ông cho biết, vừa có chuyến công tác dài ngày ở Indonesia nên ngay cả tin giáo sư bị bệnh nằm viện, ông cũng không hề hay biết. Qua báo Gia đình & Xã hội, ông cáo lỗi vì đã không đến thăm Giáo sự lúc ông nằm viện. 

“Xin cáo lỗi và tiễn anh an lành về cõi vĩnh hằng. Và xin chia buồn, động viên chị Hoàng Lan và các cháu, cố gắng tiếp tục sự nghiệp đồ sộ của anh Lê”, nhà sử học Lê Văn Lan nói.

Nhà sử học Lê Văn Lan gọi GS Phan Huy Lê là người trồng chất kiến thức

Nhà sử học Lê Văn Lan gọi GS Phan Huy Lê là người “chồng chất kiến thức”

Chia sẻ về những kỷ niệm với GS Phan Huy Lê, nhà sử học Lê Văn Lan cho biết, có rất nhiều chuyện mà ông và GS Lê đã trải qua cùng nhau vì ngoài đời cũng rất thân thiết, nhưng vì quá bất ngờ trước sự ra đi của người anh đồng nghiệp, ông không thể kể ngay lập tức. 

“Điều tôi nhớ nhất là từ khi còn học năm thứ nhất khóa 1 ở Khoa Sử – Trường ĐH Tổng hợp, tôi đã được tiếp cận cùng anh và từ ấy đã góp vào phần “tặng” anh danh hiệu “minh kinh bác sĩ”. Chúng tôi còn gọi anh là Erudite với nghĩa “người chồng chất kiến thức” chứ không phải với nghĩa bác học như nghĩa dịch bây giờ. 

Còn với anh Trần Quốc Vượng (cũng là một cây đại thụ của ngành sử học Việt Nam) thì gọi là Savant – nhà bác học. Sau này có dịp làm việc cùng nhau, chính anh là người đã “cứu” tôi không ít lần vì những chuyện “tai bay vạ gió” trong nghề”, nhà sử học Lê Văn Lan nhớ lại.

Nụ cười hiền lành của GS Phan Huy Lê nhưng theo cảm nhận của Nhà sử học Lê Văn Lan, ẩn sau cây lau mảnh mai nhỏ bé đó là “chất thép”.

Nụ cười hiền lành của GS Phan Huy Lê nhưng theo cảm nhận của Nhà sử học Lê Văn Lan, ẩn sau cây lau mảnh mai nhỏ bé đó là “chất thép”.

Ngoài mối quan hệ công việc, trong đời sống riêng, điều khiến nhà sử học Lê Văn Lan cảm phục ở GS Phan Huy Lê không chỉ ở kiến thức uyên bác, những cống hiến đồ sộ trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử mà còn ở cốt cách của một nhà khoa học. Nhân cách ấy theo ông, một phần là do xuất thân từ dòng họ Phan Huy lừng lẫy trong lịch sử nước nhà. 

“GS Phan Huy Lê thuộc nhánh Phan Huy Hà Tĩnh. Đến thời ông thì hội nhập với Thăng Long kinh kỳ, cùng nhánh Phan Huy Sài Sơn, thành Bắc Kỳ rồi. Có thể nói, anh là một dấu cộng giữa xứ Nghệ và Thăng Long Hà Nội nhưng vẫn giữ trong mình tố chất Hà Tĩnh, mà giọng nói là điều dễ nhận diện nhất cho tố chất ấy.

Chính nhờ “chất Nghệ” đó mà ở anh luôn bộc lộ sự ngay thẳng, trung thực và mạnh mẽ. Nụ cười hiền lành mà cực kỳ rắn rỏi, là “chất thép” ẩn trong cây lau mảnh mai nhỏ bé. Gặp những hoàn cảnh khó khăn là không nao núng. Vượt lên mọi khó khăn, GS Phan Huy Lê đã cống hiến không mệt mỏi bằng những công trình lịch sử đồ sộ”, nhà sử học Lê Văn Lan xúc động nói.

T.H

Rate this post