Vua tiếng Việt: Khi người Việt cũng cần… “Vietsub”
Đối với người chơi, độ khó và lắt léo của tiếng Việt là khỏi bàn khi tính tới nay, mới chỉ có 2 người đạt được tới ngôi vua trong tổng số 36 thí sinh (9 tập). Nhiều người sau khi tham gia chương trình mới biết bản thân vẫn còn nhầm lẫn trong việc sử dụng tiếng Việt. Điều đáng nói, những nhầm lẫn này còn xảy ra ở ngay cả ban tổ chức.
Trong tập 6 (số phát sóng ngày 16/10), một khán giả đã chỉ ra lỗi của chương trình khi sử dụng đáp án sai. Cụ thể, chương trình đưa ra cụm từ “xoay sở” là câu trả lời đúng, song trên thực tế “xoay xở” với từ “xở” mang nghĩa gỡ rối mới thực sự là đáp án chính xác. Ghi nhận điều này, phía ban tổ chức đã tiến hành cập nhật và chỉnh sửa.
“Sau khi được khán giả góp ý, bộ phận biên tập đã họp rút kinh nghiệm và có thêm giải pháp kiểm tra chính tả của chữ trên màn hình. Đồng thời sẽ thông báo với khán giả về cách viết đúng của từ “xoay xở” ở số phát sóng thứ 9 của chương trình”, đạo diễn Khuất Ly Na chia sẻ.
Trường hợp khác, cách giải thích ý nghĩa của thành ngữ từ 2 thành viên ban cố vấn cũng vô tình gây tranh cãi không đáng có. Theo đó, với câu: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ cho biết vế 1 mang nghĩa “đi hỏi già ý nói chào hỏi người cao tuổi, đó là kính lễ vô cùng quan trọng”. Trong khi đó, khán giả lại bày tỏ sự đồng tình với cách giải thích của tiến sĩ Đoàn Hương khi cho rằng “đi hỏi già còn có nghĩa người già từng trải, hiểu nhiều, hỏi già là chắc chắn”.
Hiện tại, việc nhận định ai đúng – ai sai vẫn chưa có câu trả lời bởi trên thực tế, kho tàng ca dao, tục ngữ còn bỏ ngỏ những tranh luận hay quan điểm không đồng nhất về cách hiểu. Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi – giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Sư Phạm TP.HCM, người từng là cố vấn và thẩm định câu trả lời trong một chương trình gameshow tiếng Việt – cũng nói về cái khó trong việc đưa ra đáp án hợp ý mọi người:
“Trong tiếng Việt vẫn còn một số hiện tượng mà ngay cả giới chuyên môn cũng chưa hoàn toàn đồng thuận với nhau. Thêm vào đó, trên thực tế vẫn có một số khác biệt giữa tiếng Việt trong đời sống và tiếng Việt như một đối tượng của khoa nghiên cứu ngôn ngữ. Do vậy, cố vấn phải tìm cách dung hòa các quan điểm. Mọi sự kiến giải đều phải căn cứ vào tài liệu, chuyên luận uy tín”.