Khoảnh khắc Ahn Jung Hwan – Hànộimới


Người hùng Ahn Jung Hwan ghi bàn thắng quyết định cho Hàn Quốc

Trước khi người hùng của World Cup 4 năm trước vào sân, không ai nhận ra hình bóng của đội hạng Tư thế giới. Lối chơi 4-3-3 thiên về tấn công của Dick Advocaat chẳng tạo ra “cơn lốc đỏ” nào mà ngược lại, chính các cầu thủ từ lục địa đen đã gây bất ngờ với lối chơi phản công nhanh sắc lẹm.

 

Bàn thắng của Mohamed Kader đến từ sai lầm của bộ đôi trung vệ Kim Young Chul – Kim Jin Kyu càng khiến người ta nhớ đến trung vệ lão luyện Hong Myung Bo. Ở tuyến trên, lối chơi không có thủ lĩnh, mờ nhạt, bế tắc đã khiến người ta vội nghĩ đến thất bại thứ ba của các đội bóng châu Á tại giải này.

 

Trong khó khăn, người hùng Ahn Jung Hwan xuất hiện khi ông Advocaat quyết định “đánh bạc” bằng việc chuyển sang đội hình 3-4-3. Sự xuất hiện của Ahn giúp Park Ji Sung toàn tâm toàn ý làm nhiệm vụ kiến thiết và “mạch máu” lại được lưu thông. Bàn cân bằng tỷ số đến từ sai lầm của thủ môn Agassa nhưng công lớn trong tình huống này là pha đi bóng rất quái của Park Ji Sung khiến cho Abalo phải nhận thẻ đỏ rời sân. Bàn thắng quyết định là khoảnh khắc màu nhiệm của người hùng Ahn Jung Hwan với độ nhạy cảm tuyệt vời cộng với chút may mắn. Khó khăn đầu tiên đã vượt qua nhưng trước mặt Hàn Quốc là hai đỉnh núi lớn Pháp và Thụy Sĩ mà chỉ với những gì đã trình diễn thì khả năng đi tiếp của họ là rất nhỏ.

 

Huy Hoàng

 – – – – –

 

Pháp – Thụy Sĩ : 0 -0

Tội đồ Domenech

Zidane không còn phong độ của một thủ lĩnh

Đội bóng áo Lam thêm một lần nữa gây thất vọng cho khán giả. Nhìn cách các cầu thủ đẳng cấp thế giới như Thierry Henry, Patrick Vieira kết thúc vào khung thành đã rộng mở của Thụy Sĩ, người ta chỉ biết lắc đầu tiếc nuối cho thời vàng son của Gà trống Gô-loa. Nếu cứ đá như trận đấu này thì khả năng Pháp bị loại ngay từ vòng hai là hiện hữu.

 

Pháp là đội chơi chủ động hơn, tạo nhiều cơ hội nguy hiểm hơn nhưng tất cả đều bị Henry phí phạm đáng trách. Ngay cả trong tình huống hai đánh một mà tiền đạo số một giải ngoại hạng Anh cũng sút nhẹ như chuyền cho thủ môn Zuberbuehler. Sự sa sút của Henry cũng kéo theo lối chơi bế tắc của Pháp.

 

“Vũ khí bí mật” Ribery đã không mang lại hiệu quả như dự đoán dù khả năng di chuyển rộng của cầu thủ này cũng khiến cho hàng thủ Thụy Sĩ khá vất vả. Đáng kể nhất là pha bóng cầu thủ này tận dụng sai lầm của trung vệ Senderos rồi chuyền cho Henry nhưng cú sút sau đó đã trúng tay trung vệ Mueller trong khu vực 16m50.

 

Tất nhiên, Domenech có thể đổ lỗi cho trọng tài Ivanov ở tình huống trên nhưng thực chất trận hòa như thua của Pháp có phần lỗi lớn của HLV này. Sơ đồ 4-2-3-1 đã bộc lộ nhiều hạn chế trong hiệp 1 nhưng HLV vẫn cứng nhắc không chịu thay đổi. ở trung lộ, Vieira và Makelele quá nhàn nhã và nhiều khi còn giẫm chân lên nhau do các đợt tấn công của Thụy Sĩ chủ yếu tập trung vào hai biên. Trong hoàn cảnh đó, Domenech hoàn toàn có thể tăng cường lực lượng cho hàng công nhưng mãi đến phút 70 mới thực hiện sự thay đổi người đầu tiên. Bên cánh phải Wiltord thi đấu dưới trung bình, không hỗ trợ được cho Henry nhưng đến phút 84 mới bị thay ra. Bên ngoài sân, một tiền đạo đẳng cấp thế giới khác David Trezeguet liên tục phải ôm đầu tiếc nuối trước những pha bỏ lỡ cơ hội của các đồng đội. Có lẽ bản thân anh và rất nhiều cổ động viên đội bóng áo Lam không thể hiểu được vì sao anh không có cơ hội vào sân trong một trận đấu mà đội nhà chơi hoàn toàn bế tắc. Có lẽ chỉ có Domenech mới hiểu được.

 

Thảo Ly

 

Lăng kính:


 

Niềm vui của các CĐV Hàn Quốc

Chuyên gia Phan Anh Tú: “Hàn Quốc không mạnh bằng 4 năm trước !”

Hiệp 1 có chất lượng không cao, cả hai đội đều thiếu phương án đủ để hạ gục đối thủ. Chỉ ở hiệp 2, khi Hàn Quốc thay đổi đấu pháp hợp lý, tung cầu thủ giàu kinh nghiệm Ahn Jung Hwan vào sân thì đội bóng châu Á sắc bén hơn và khiến Togo mất người. Người Hàn Quốc không mạnh bằng 4 năm trước, khi họ được chơi trên sân nhà ở World cup 2002, nhưng ở trận này họ rất biết cách điều chỉnh. Họ không đua sức với Togo – rõ ràng là khỏe hơn – và đó là điều tốt khi phía trước họ còn hai ứng cử viên nhất, nhì bảng G. Togo chơi cá nhân, dựa vào phản công, đặc biệt là sau khi mất người. Nhưng như thế là chưa đủ.

 

Ba trong 4 đội châu á đã ra quân, mới duy nhất Hàn Quốc có được 3 điểm. Nhưng rõ ràng là cơ hội đi tiếp của các đội châu á không cao. Với Hàn Quốc, họ cần phải chờ đợi kết quả trận Pháp – Thụy Sĩ  để quyết định phải làm gì.

 

Nhà báo Lê Lành: Sống lại

Cả hai đội Hàn Quốc và Togo đều đá bằng nhiệt huyết, ào ào thay cho toan tính kỹ  – chiến thuật. Bàn thắng của  Kader khởi đầu  từ một cú dừng bóng bằng đùi, bóng bật xa hàng mét mà hai hậu vệ Hàn Quốc không can thiệp được, khiến đội nhà bị gác trước. Chính lối  đá ào ạt như thế mà Dosseh bị thẻ vàng thứ hai –  thành thẻ đỏ đầu tiên của Germany 2006. Hàn Quốc như  sống lại !  Họ dẫn lại 2-1  nhờ cú sút phạt sát vạch 16,5m của Lee, và cú sút  của Ahn chạm chân đối phương, đổi  hướng vào cầu môn Togo !

 

Nhưng nhìn toàn trận, liệu đây có xứng là  trận dọn sân cho bảng G ở ngày thi đấu thứ  5 của World Cup 2006 ?  

 

P.V ghi

 

Rate this post