Ca sĩ Chu Bin kể quá khứ hát lô tô, làm bốc vác ở đoàn hội chợ
Chu Bin tên thật là Chu Đăng Thanh, sinh năm 1985 tại Buôn Mê Thuột. Anh là con út trong một gia đình có ba anh em. Vốn là người gốc Bắc vào Tây nguyên làm kinh tế mới, gia đình Chu Bin trải qua quá nhiều sóng gió. Từ một cậu bé tỉnh lẻ, không biết ước mơ thực sự là gì, Chu Bin tìm đến ca hát như một cách để thoát nghèo. Song đến hiện tại, nam ca sĩ cho rằng đây là lựa chọn đúng đắn nhất của cuộc đời.
Năm 4 tuổi, sau khi cha mẹ chia tay, Chu Bin sống với cha ở Nam Định và được ông dạy học võ. Nhưng cha anh nghiện rượu nặng, thường xuyên chửi bới, đánh đập các con mỗi khi lên cơn say. Trước những tháng ngày buồn bã, anh khi đó lên 5, cùng anh trai 9 tuổi bàn với nhau kế hoạch “tẩu thoát” trở về với mẹ ở Thái Bình. Quê nội và quê ngoại cách nhau khoảng vài chục cây số, nhưng với hai đứa trẻ lúc đó thì là một vấn đề rất lớn. Tuy nhiên, với bản lĩnh của con nhà võ, hai anh em dắt nhau đi trong đêm và gần một tuần sau đã trở được về với mẹ trong sự vui mừng khôn xiết của bà. Xót con, bà giấu nhẹm hai anh em trong nhà và quyết định không trả về. Cha anh cũng qua đời không lâu sau đó vì bệnh tật.
Ca sĩ Chu Bin nhớ về khoảng thời gian kiếm tiền từ năm lớp 12, hát phòng trà mỗi đêm 20 ngàn đồng
Ảnh: BTC
Trong Chuyện của sao, Chu Bin nhớ lại: “5 tuổi, tôi nhận ra bản thân thiếu thốn tình cảm gia đình khi thấy bạn bè được ba mẹ bao bọc. Tôi ở một mình dưới quê, mẹ vất vả đi xa kiếm tiền để gửi cho anh chị đang học ở Hà Nội. Quãng thời gian thơ ấu giúp tôi có thêm nghị lực, mạnh mẽ kiếm tiền để không nhờ cậy vào gia đình”. Năm học lớp 12, trong một lần đi chơi, Chu Bin được bạn bè đăng ký lên hát. Tiết mục được khán giả cổ vũ nhiệt liệt khiến ông chủ quán mời nam ca sĩ đến hát mỗi đêm. “Từ lớp 12, tôi đi hát kiếm tiền ở phòng trà, mỗi đêm nhận được 20 ngàn đồng. Khi ấy, tôi nghĩ đơn giản với số tiền nhận được, một tháng sẽ kiếm được 600 ngàn đồng để phụ giúp cho mẹ”, anh kể.
Học xong lớp 12, Chu Bin quyết định theo nghệ thuật khi anh nhận được lời mời của bầu sô chuyên tổ chức các đoàn lô tô tỉnh. “Từ những sân khấu nhỏ Hát với nhau, tôi hát và kiêm bán vé cho sân khấu hội chợ mỗi đêm được 50 – 60 ngàn đồng. Những năm 2003, đối với tôi số tiền đó rất lớn. Kết thúc đêm diễn, tôi thay đồ để bốc vác loa, đài cho đoàn đến một tỉnh khác. Nhóm diễn ở tỉnh liên tục, kể cả những đêm 30 Tết”, anh nhớ lại. Với Chu Bin, những kỷ niệm từ những ngày đầu đi hát khiến anh không thấy buồn hay nản chí. Nam ca sĩ luôn cảm ơn quãng thời gian ý nghĩa đã trui rèn nên một Chu Bin mạnh mẽ của hôm nay.
Vất vả đi hát nhiều năm để thoát nghèo, Chu Bin không buồn khi nghe nhiều người bảo mình hết thời
Ảnh: BTC
Bước chân vào Sài Gòn từ năm 2005, đến năm 2010 Chu Bin được khán giả đón nhận với nhiều bản hit ballad chủ đề thất tình. Anh ra mắt nhiều sản phẩm nhưng bài hát ghi dấu ấn mạnh mẽ vẫn là Hãy xem là giấc mơ (sáng tác Hồ Duy Minh). Năm 2016, anh quay trở lại với ca khúc hit Giả vờ thương anh được không? cũng tạo nên tiếng vang giúp Chu Bin có động lực với nghề. “Hãy xem là giấc mơ vẫn là ca khúc tôi được khán giả đón nhận, được nhiều người nhớ để yêu cầu và hát theo nhất. Để ghi dấu ấn trong lòng khán giả, 10 năm qua tôi vẫn cố gắng từng ngày”, nam ca sĩ chia sẻ.
Với Chu Bin, khi có chỗ đứng nhất định trong làng showbiz Việt, anh chưa một lần dám để ký ức ngủ quên. Anh tâm niệm quá khứ là một phần của hiện tại, tương lai, dẫu ở “đỉnh” nào, vẫn phải biết tự soi mình vào quá khứ. Anh thổ lộ: “Nhiều người khi thấy tôi ra mắt sản phẩm mới, họ bảo rằng tôi hết thời nhưng tôi không buồn. Những ý kiến khen chê luôn là động lực giúp tôi cố gắng hơn. Cuộc sống có người thương, người ghét nhưng quan trọng là những gì tôi đạt được. Trải qua nhiều cam go, khó khăn, từng đi hát lót bị bầu sô đuổi xuống, hiện tại tôi đã mua nhà, mua xe, tự tin để chăm sóc được cho mẹ”. Đồng thời, Chu Bin tiết lộ bản thân từng là cựu vận động viên Taekwondo. Vì vậy, võ thuật đã giúp anh rất nhiều bên cạnh việc bảo vệ cơ thể, tạo nên nguồn năng lượng, phong thái khi trình diễn trên sân khấu.