Bầu tuổi 40, vợ Long đẹp trai thấp thỏm mỗi lần đi khám, suýt mất mạng trên bàn mổ đẻ
Ngày 26/11/2018 10:40 AM (GMT+7)
Suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, chị Nga lúc nào cũng sống trong thấp thỏm, lo âu vì những nguy cơ có thể xảy đến với con do bác sĩ cảnh báo.
Vũ Văn Long hay thường được biết đến với cái tên “Long đẹp trai” là gương mặt không còn xa lạ với nhiều khán giả màn ảnh nhỏ. Vậy nhưng chắc hẳn nhiều người vẫn chưa biết bà xã của anh cũng là một diễn viên khá nổi tiếng – chị Vũ Phi Nga. Chị được khán giả biết đến qua các bộ phim Cô gái và hai cục bướu, Cô dâu tuổi dần, Ải trần gian, Cạm bẫy thị thành,…
Diễn viên Long đẹp trai bên bà xã – đạo diễn, diễn viên Vũ Phi Nga.
Hai vợ chồng chị Nga kết hôn từ năm 2015 nhưng đến năm 2017 mới sinh con đầu lòng. Lần đầu mang thai, sinh nở khi ngoài 40 tuổi đã để lại trong chị Nga nỗi ám ảnh vì thai kỳ nhiều khó khăn và ca vượt cạn đầy nguy hiểm.
Mang bầu tuổi 40 trong thấp thỏm, âu lo
Chị Nga và ông xã nên duyên vợ chồng khi chị đã 38 tuổi. Ngay sau khi kết hôn, chị vốn có ý định sinh con ngay nhưng mãi đến năm 40 tuổi chị mới có bầu tự nhiên.
Vốn vẫn biết phụ nữ ngoài 35 tuổi mang thai sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng đến khi trải qua rồi, chị Nga mới hiểu đó là thử thách đáng sợ đến nhường nào.
Mang bầu lần đầu khi đã 40 tuổi, chị Nga luôn sống trong thấp thỏm, lo âu.
“Từ khi phát hiện có thai là mình bắt đầu đi khám và kiểm tra liên tục. Lần nào khám cũng thấp thỏm, lo âu vì phải đón nhận những tin mà người mẹ nào cũng không muốn nghe. Nào là bé có triệu chứng bị Down, tim bé có vấn đề, bé phát triển không tốt, bé thiếu dinh dưỡng,… Thật nhiều những điều khiến mình hoang mang, lo sợ.
Thật sự lúc đó mình chỉ mong sao con chào đời có đầy đủ chân tay, mặt mũi như bao đứa trẻ khác và khỏe mạnh là mừng rồi chứ không dám ước mơ con sẽ giỏi giang hay thông minh gì nữa”, chị Nga tâm sự.
Cũng chính vì nỗi lo luôn thường trực mà mỗi lần bác sĩ cảnh báo nguy cơ bé có vấn đề, chị Nga đều phải đi khám ít nhất 2 nơi để xem kết quả có giống nhau không.
Suốt thời gian vợ mang thai, anh Long luôn ở bên động viên, chia sẻ nỗi lo cùng vợ.
May mắn thay, trong 9 tháng 10 ngày mang thai đầy khó khăn ấy, chị Nga luôn có ông xã bên cạnh động viên, chăm sóc.
“Mọi nỗi lo của mình anh Long đều thấu hiểu. Anh luôn bên cạnh mỗi lần mình đi khám thai, cứ thấy vợ ra khỏi phòng mà mặt tái mét là anh lại sốt sắng hỏi thăm xem lại có chuyện gì nữa. Đúng là mỗi lần nghe tin thai có vấn đề gì là mình suy sụp ghê lắm, nhưng rồi vợ chồng lại bảo nhau phải cố gắng vui lên cho con khỏe. Anh Long luôn động viên, chia sẻ, dẫn mình đi ăn uống, đi chơi cho thoải mái tâm lý, không lo nhiều về con nữa”, chị Nga nói.
Ca vượt cạn “thót tim”, tưởng mất mạng trên bàn mổ
Vì được xác định là thai kỳ có nguy cơ cao, bản thân chị Nga lại bị hở van tim nên phải sinh mổ chủ động. Đến ngày mổ, chị lo lắng cả đêm không ngủ được, trong đầu chỉ quanh quẩn câu hỏi liệu ca mổ có gì bất trắc, liệu con sinh ra có khỏe mạnh hay không.
Lên bàn mổ, chị Nga phải tiêm đến mũi thứ 3 mới đúng cột sống để gây tê. Lúc này chị Nga đã thấy người mệt mệt vì bản thân chị vốn bị bệnh tim nhưng lo sợ con sau này bị phụ thuộc máy trợ tim nên chị quyết không dùng máy. Chị không ngờ những diễn biến sau đó của ca vượt cạn càng nguy hiểm hơn.
Trong ca sinh mổ con đầu lòng, chị Nga đã suýt mất mạng vì bị ngưng tim.
“Khi được gây tê, bác sĩ bắt đầu hỏi thăm sức khỏe và gia đình rồi mổ lúc nào mà mình không hay. Mình chỉ thấy hai cô y tá đứng hai bên tay rồi ai đó nói là tim ngừng rồi nhưng lại tưởng là phòng bên cạnh. Vậy rồi chỉ 3 giây sau, mình thấy không thở được, tay chân bắt đầu vùng vẫy.
Nghe bác sĩ nói giữ chặt tay lại, mình càng sợ hơn, miệng bắt đầu mở to để thở nhưng không được, nước mắt nước mũi tràn ra và buồn nôn.
Lúc đó mình sợ thật, chân tay đang vùng vẫy thì nghe tiếng bác sĩ gọi tên “Nga ơi cô đây, cô đang mổ cho con, con hãy cố lên nha!” rồi có y tá lau nước mắt, nước mũi cho mình và chụp oxy. Sau câu đó khoảng mấy giây thì mình nghe bác sĩ nói “Nga ơi bây giờ nghe theo lời cô nha, hít từ từ vào, thở từ từ ra, cứ như vậy từ từ nha, không được khóc, cô nói đêm qua không được ăn có nghe cô không?”, mình lúc đó không nói được gì, chỉ biết gật gật đầu. Bác sĩ nói tốt rồi và lại nhắc mình hít vào, thở ra từ từ”, chị Nga kể lại ca sinh mổ đáng sợ của mình.
Đến nay con trai đã 1 tuổi nhưng chỉ Nga vẫn chưa quên nỗi ám ảnh sau ca vượt cạn.
Sau khi được bác sĩ trấn an, chị Nga bắt đầu tập trung thở đều để không bị ngộp. Giây phút nghe được tiếng con khóc, chị Nga thở phào nhẹ nhõm nhưng vẫn còn thường trực nỗi lo liệu con có được khỏe mạnh không.
“Khi bác sĩ bế con ra cho nhìn mặt, mình vội vã hỏi con cháu có sao không, chân tay nó đầy đủ hả cô, mặt mũi thế nào, mắt có thấy đường không, còn cả bộ phận dưới nữa. Bác sĩ xác nhận bé khỏe mạnh rồi nhưng nằm trong phòng theo dõi mình vẫn cứ nghĩ, có khi nào con có vấn đề gì nhưng bác sĩ giấu”, chị Nga nhớ lại.
Cũng chính vì thế mà ngay khi vừa được ra ngoài gặp chồng, chị không kể lại những giây phút đáng sợ trong phòng mổ mà chỉ chăm chăm hỏi chồng xem con có sao không. Nhận được câu trả lời khẳng định con khỏe mạnh của chồng, chị Nga mới thực sự thở phào.
Sau ca sinh mổ của vợ, anh Long cũng động viên chị không cần áp lực sinh thêm con.
Đến nay, con trai đầu lòng đã gần 1 tuổi nhưng những thử thách, khó khăn khi mang thai, sinh nở vẫn ám ảnh chị Nga. Vốn lúc có bầu chị Nga nghĩ sẽ sinh thêm bé nữa cho con có anh có em nhưng sau lần sinh vừa rồi, ông xã động viên chị đừng áp lực bản thân, sức khỏe của chị là quan trọng nhất còn con cái là cái duyên, nhiều hay ít không quan trọng.
“Bản thân mình cũng sợ khi nghĩ phải sinh lần nữa mà giống vừa rồi nên chuyện sinh thêm con chắc cần phải một thời gian nữa mới dám tính chứ ở thời điểm hiện tại thì không”, chị Nga nói.
Theo Minh An – Ảnh NVCC (Khám phá)