Trần Nữ Yên Khê: “Các con là tình yêu vĩ đại trong đời” – Tạp chí Đẹp
– Được biết, chị sắp có tác phẩm thiết kế cho sơn mài (một thiết kế độc bản, được chế tác bằng trình độ thủ công tinh hoa bởi các nghệ nhân của Hanoia – PV) nằm trong 20 tác phẩm tới từ Châu Á tham gia cuộc đấu giá Nghệ thuật Thiết kế Á Châu Đương đại của nhà Christie tới đây. Xin chị có thể chia sẻ về niềm yêu thích với hội họa và thiết kế của mình đã được bắt rễ và nuôi dưỡng như thế nào?
– Tôi được nuôi dưỡng trong môi trường tri thức và văn học, nơi mọi người dành mối quan tâm lớn cho các vấn đề xã hội và nhân văn. Ở nhà, chúng tôi thường bàn luận nhiều về các chủ đề chính trị và bất công trên thế giới, hơn là những buổi triển lãm không thể bỏ qua tại các bảo tàng. Bởi vậy, tôi cũng không biết niềm yêu thích nghệ thuật, sắc màu và những đường kẻ của mình thực sự bắt nguồn từ đâu. Có lẽ nó vẫn luôn luôn hiện hữu một cách kín đáo trong tôi, tôi đoán vậy.
– Người Việt Nam được biết đến tên tuổi Trần Nữ Yên Khê với vai trò là một diễn viên – nàng thơ của đạo diễn tài năng Trần Anh Hùng. Thực tế, hội họa và thiết kế có vị trí thế nào bên cạnh tình yêu điện ảnh của chị?
– Trong thời gian đóng hai bộ phim “Mùi đu đủ xanh” và “Xích lô”, đồng thời tôi cũng theo học thiết kế và kiến trúc nội thất tại Ecole Carmondo, một ngôi trường uy tín – nơi đã đào tạo ra những nghệ sĩ như Philippe Starck, Jean-Michel Wilmotte và đặc biệt là Pierre Paulin mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Tôi đã vẽ rất nhiều trong thời gian này, song song với các bài học thiết kế. Điều đó đã cho phép tôi luyện tập con mắt của mình và thu thập được một số hiểu biết vững chắc về màu sắc.
– Tác phẩm “Ranh giới” mà chúng tôi xem là một khay đựng trà (hoặc dâng đồ quà tặng) được chế tác tinh xảo, với hình dáng giống chiếc nón lá của người phụ nữ Việt. Xin chị chia sẻ về nguồn cảm hứng đặc biệt, khi phác thảo và hoàn thiện tác phẩm này?
– Tôi đã vẽ 5 tác phẩm khác nhau dành cho dự án, nhưng cuối cùng hình dáng chiếc nón lá đã nhanh chóng chiếm ưu thế và trở thành lựa chọn cuối cùng. Ngay từ thời điểm ấy, tôi đã nghĩ đến hai khả năng: sự cân bằng mong manh hay sự ổn định tùy thuộc vào việc chúng ta đặt hình chóp đó như thế nào. Khi xem tác phẩm này, bạn đã hiểu vì sao cuối cùng tôi chọn nó.
“Ranh giới” dựa vào một điểm cân bằng mong manh và tôi thích cái cảm giác căng thẳng được tạo nên bởi sự mong manh này.
– Triết lý sáng tạo của Trần Nữ Yên Khê, nếu có – trong điện ảnh là gì, trong thiết kế là gì?
– Làm sao để chạm vào cảm xúc của người xem. Làm sao để diễn tả cái đẹp bằng sự đơn giản mà không cần phải giải thích. Mọi thứ trở nên đẹp khi chúng mang đến tình cảm và cảm xúc cho người biết ngắm nhìn.
– Xin chị chia sẻ về các hoạ tiết và sắc màu chủ đạo: đỏ và cam trong tác phẩm – chúng đã được bắt nguồn cảm hứng từ những điều gì, những vật dụng nào?
– Khi vừa thoáng nhìn, chúng ta thấy đó là một họa tiết hoa, theo phong cách Ả rập. Nhưng chúng ta nhanh chóng nhận ra rằng đằng sau những dòng chảy hài hòa ấy là một họa tiết hoàn toàn đối ngược, vặn xoắn và có gai, khiến ta dễ dàng liên tưởng đến hình ảnh hàng rào dây thép gai.
Cùng với “Ranh giới”, tôi tự vấn mình về vấn đề biên giới, lãnh thổ, những hạn chế địa lý và tinh thần, di cư và bản sắc dân tộc.
Đây là một vấn đề thời sự lớn mà tiếc thay vì những lý do chính trị, nhân chủng học và khí hậu sẽ ngày càng trở nên nặng nề hơn. Màu sắc sử dụng trong tác phẩm gợi nhớ đến màu các đền chùa, nơi đời sống tâm linh cắm rễ sâu sắc trong nhận thức của người Việt, cho dù bản chất của họ là lương thiện hay bất lương.
– Suy nghĩ nào đang hiện hữu trong chị lúc này, khi chúng ta nói về những tác phẩm sơn mài?
– Với sơn mài, những hoa văn dần dần hiện lên lớp này sau lớp kia. Thời gian không thể nén lại được. Tôi thích cả hai góc nhìn, như thích nước luôn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình làm sơn mài.
Nước là yếu tố tạo nên tôi. “Khê” có nghĩa là “nguồn”.
– Với chị, điều gì hoặc ai là tình yêu vĩ đại trong đời?
– Các con tôi.
– Thái độ sống nào khiến chị ngưỡng mộ/khinh bỉ nhất?
– Lòng dũng cảm/sự cố chấp.
– Từ khóa tạo dựng hạnh phúc của chị là gì?
– Sự chia sẻ.
– Sự lãng phí lớn nhất trong đời mình, tính đến lúc này – với chị, là gì?
– Là những đứa con của tôi không biết đến ông bà tôi.
– Tài sản quý nhất của chị là gì?
– Được ở bên những người mà tôi yêu quý.
– Theo chị, giới hạn thấp nhất của sự đau khổ là gì?
– Bị là người cuối cùng “rời bỏ cuộc chơi”.
– Hành trình đáng nhớ nhất của chị, tới lúc này?
– Là hành trình đến Nhật để tham gia bộ phim “Rừng Na Uy”.
– Người chị luôn muốn nắm tay nhất trong cuộc đời của mình?
– Là ông tôi, một nhà châm cứu tài năng với đôi bàn tay vàng và trái tim vĩ đại.
– Di sản nào chị muốn để lại cho con?
– Những giá trị nhân văn mà ông bà và bố mẹ tôi đã truyền lại cho tôi.
– Chị có đang đọc cuốn sách nào không?
– “Walden – một mình sống trong rừng” của Henry David Thoreau (1854).
– Bộ phim chị xem gần nhất là phim nào?
– “Detroit” của Kathryn Bigelow.
– Nếu làm đẹp, chị nghĩ đầu tiên là vì ai?
– Chính tôi.
– Món đồ chị muốn mặc nhất khi bên cạnh đạo diễn Trần Anh Hùng là như thế nào?
– Điều này chưa bao giờ trở thành mối quan tâm của tôi.
– Lời khen tặng ngọt ngào nhất mà chị muốn nhận được từ chồng mình là gì?
– Một nụ cười đồng thuận.
– Cảm ơn những chia sẻ của chị!
(Dịch từ tiếng Pháp: Phan Hồng Hạnh – mẹ của Trần Nữ Yên Khê)