Những chuyện ít biết về gia đình của NSND Thu Hiền
TPO – Cuộc sống riêng của NSND Thu Hiền khá kín tiếng. Ít người biết chồng bà là một Anh hùng Lực lượng vũ trang. Trong gia đình, ngoài Thu Hiền, còn có hai NSND khác.
Trong những ngày diễn ra liên hoan kịch nói toàn quốc 2021, nhiều khán giả ngạc nhiên khi thấy NSND Thu Hiền xuất hiện ở ghế khán giả VIP. Bà mặc áo dài đen như khi biểu diễn và ngồi xem rất chăm chú.
Hỏi ra mới biết, em trai ruột của NSND Thu Hiền là một NSND gạo cội của ngành sân khấu: NSND Hoài Huệ. Trên sân khấu của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, NSND Hoài Huệ và NSND Hồ Thu (vợ Hoài Huệ) là hai gương mặt chói sáng.
Hiện nay, nghệ sĩ Hoài Huệ ít diễn hơn mà chuyển sang làm đạo diễn và được gọi là “trùm giật giải” với hầu hết các vở qua tay ông đều được giới chuyên môn đánh giá cao, thường xuyên giành HCV, HCB tại các Liên hoan sân khấu.
NSND Thu Hiền là con nhà nòi sân khấu. Cha bà là NSƯT Nguyễn Hoài Ân, nổi tiếng với biệt danh Tám Kèn của Đoàn Dân ca liên khu V (tiền thân của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định), mẹ bà là diễn viên chèo tuồng Thanh Hảo, quê gốc ở Thái Bình, con gái một ông bầu hát nổi tiếng.
Mê hát từ nhỏ, 10 tuổi Thu Hiền đã có duyên với sân khấu, và 15 tuổi thì trở thành ca sĩ chính, tiếng hát đã vang từ miền Bắc tới miền Trung, trên những chiến trường ác liệt nhất như Quảng Trị. Cho tới nay ở độ tuổi U70, bà vẫn giữ được giọng hát cao vút đầy nội lực và nhan sắc đằm thắm.
NSND Thu Hiền kể: “Tôi nhớ là vào Quảng Trị năm 72 thì hát bài “Trông cây lại nhớ đến Người” và “Người ơi người ở đừng về” giữa mảnh đất Đông Hà, lúc đấy ra mắt Chính phủ Cách mạng lâm thời. Sau đấy thì là được lệnh sang bên sông Thạch Hãn (con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị) để hát qua bên kia Thành Cổ. Lúc đó nghĩ phía bên Thành Cổ loa người ta to lắm, loa của bên mình thì rất là bé mà sông thì rộng, hát thế này thì làm sao qua được bờ bên kia được? Thế nhưng thực tế còn thảm hơn. Tôi phải hát qua cái loa bóp, cứ phải bóp thì mới ra tiếng, hát được một câu lại quên bóp, mà bóp thì lại quên hát. Rồi đồng chí chính trị viên lại cầm một cây gậy rất dài vụt vụt vào lưng tôi, hết được bài hát thì cái lưng mới quặn. Thế nhưng đến cuối cùng, may mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ “truyền lửa tinh thần” từ bên này bờ sang bên kia bờ cho các đồng đội”.
Tiếng hát ngọt ngào, da diết của NSND Thu Hiền đã nhanh chóng chinh phục được khán giả, biến bà trở thành thần tượng của một thời.
Trong một chương trình Quán thanh xuân, ca sĩ Mỹ Linh kể về những ngày đầu mới đi diễn cùng NSND Thu Hiền mà cô thân mật gọi là U Hiền: “Khi cô Hiền cất tiếng hát, có đến một nửa khán giả đàn ông mê mẩn. Hát xong cô ngồi cạnh tôi, toàn đàn ông nói giọng miền Trung ra bày tỏ sự hâm mộ. Cô chỉ ngồi cười dịu dàng, mà nào nước, nào chocolate, kẹo bánh chuyển tặng. Tôi không có gì, cô thương, khi về chia đôi tất cả quà tặng ấy”.
Mỹ Linh cho biết, hai cô cháu có rất nhiều kỷ niệm từ những lần đi diễn chung: “Lần đầu biểu diễn châu Âu tôi ở chung phòng U Hiền, các anh chị cùng đoàn cảnh cáo “mày cẩn thận đấy, U khó tính lắm”. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tôi với U Hiền đã thân nhau rồi, ngày nào cũng đi với nhau. Thỉnh thoảng U cũng mắng tôi, nhưng tôi nghe với sự thích thú, vì U nói toàn những thứ tôi chẳng được “mắng” bao giờ”.
Tiếng hát trưởng thành từ chiến trường, cuộc sống của NSND Thu Hiền gắn bó nhiều với những người lính, ông xã của bà cũng là một người lính – Anh hùng Lực lượng vũ trang Vũ Ngọc Đỉnh. NSND Thu Hiền kể rằng bà yêu và gắn bó với ông xã của mình là bởi lối sống giản dị, biết thông cảm và sẻ chia. Ngoài tình chồng vợ, giữa hai người còn là tình nghĩa, chiến hữu và cũng là đồng đội.
NSND Thu Hiền bảo thời gian này bà đi hát ít hơn, chủ yếu dành thời gian để giảng dạy thanh nhạc. Về công việc truyền lửa cho học trò, bà chia sẻ: “Tôi đi diễn là để cho đỡ nhớ nghề thôi, vì tôi yêu hát lắm. Khi được thỏa nỗi nhớ nghề ấy, tôi lại trở về với các bạn trẻ, đem ngọn lửa nhiệt huyết của nghề truyền cho thế hệ trẻ”.