Diễn viên NSUT Minh Vượng

Minh Vượng tên thật là Minh Phượng, sinh năm 1958, là con thứ hai trong một gia đình có sáu anh chị em tại khu lao động nghèo ở Lương Yên, Hà Nội. Từ bé, Minh Vượng được xem nhiều thể loại vở diễn trên sân khấu tại sân chiếu bóng Lương Yên, chị đã ước mơ được làm diễn viên trên sân khấu. Năm 1959, gia đình chuyển về khu tập thể Nhà máy rượu Hà Nội, bố mẹ, anh chị em của Minh Vượng đều làm công nhân tại đây.

Năm 1968, Minh Vượng học Trung học cơ sở tại trường Lương Yên B, Hà Nội. Năm 1973, Minh Vượng thi đỗ vào Đoàn chèo Hà Nội, nhưng gia đình không cho theo học. Tiếp đó, chị thi đỗ vào Đoàn kịch nói Tổng cục Hậu cần, nhưng lại không theo học vì sợ bị cắt hộ khẩu. Tháng 4 năm 1974, chị tiếp tục đỗ vào Khoa Kịch nói, trường Nghệ thuật Hà Nội do được Nghệ sỹ nhân dân Quỳnh Nga đánh giá cao trong phần đóng tiểu phẩm.

Không dừng lại ở đó, năm 1978, Minh Vượng tốt nghiệp trường Nghệ thuật Hà Nội, chị công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội nhưng không được diễn ngay do hạn chế về ngoại hình. Năm 1980 Minh Vượng diễn vai đầu tiên, chị vào vai một cụ bà nông thôn 80 tuổi trong vở “Hà Mi của tôi” Nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn và được đánh giá cao trong Hội diễn Sân khấu Kịch nói toàn quốc năm đó. Sau những khởi đầu tốt đẹp, Minh Vượng được tham gia tiếp các vai diễn: Bà mối trong vở kịch “Già kén”, Kiều Nhung trong vở “Vợ chồng dởm”. Hai vai diễn này đã giúp Minh Vượng lập hai Huy chương vàng trong vòng một ngày tại Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc năm 1991, gây tiếng vang lớn. Sau này, Minh Vượng tham gia một số bộ phim truyền hình và nhiều tiểu phẩm hài trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần” và “Gặp nhau cuối năm”.

Ngoài vai trò là diễn viên hài kịch, Minh Vượng còn làm giảng viên khoa sân khấu của trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, chị còn trực tiếp làm đạo diễn và diễn viên chính trong bộ phim truyền hình “Lời phời phiêu lưu ký” năm 2012.

NSƯT Minh Vượng – Tận cùng của nỗi cô đơn

Đợi hai năm mới có vai diễn đầu tiên

Thoáng chốc mà đã bao nhiêu năm Minh Vượng gắn bó với nghề diễn, có nhiều vinh quang và cay đắng, có lẽ nữ danh hài đều được hưởng một cách “đặc biệt” hơn người khác. Minh Vượng nhiều khi tự ví mình giống như nhân vật Tư Bền trong chuyện “Kép Tư Bền” của nhà văn Nguyễn Công Hoan, phải nuốt nước mắt vào trong để mang tiếng cười cho khán giả. Người đời thường nói: “Cười ra nước mắt”, nên ngẫm lại, có khi diễn viên hài lại là những người hay khóc. Điều này thật đúng với Minh Vượng.

Minh Vượng sinh ra ở khu lao động nghèo Lương Yên B. Khu vực chị ở có sân chiếu bóng Lương Yên, là nơi thường xuyên diễn chèo, tuồng, cải lương. Vì vậy, Minh Vượng được tiếp xúc với nghệ thuật từ rất nhỏ. Sau mỗi lần xem diễn xong, chị và nhóm trẻ con trong xóm cùng đóng giả các nhân vật được xem. Có thể nói, niềm đam mê, khao khát làm nghệ sĩ ngấm vào máu chị từ rất sớm.

Hồi cấp 1, Minh Vượng là một đứa trẻ “cá biệt”, luôn không thuộc bài, “chuyên gia” đi học muộn về sớm, thường xuyên bị “bêu” trước lớp. Bố mẹ lúc nào cũng buồn phiền vì Minh Vượng quá nghịch ngợm. Ai đời, con gái mà cứ cởi trần trùng trục để đá bóng với đám trẻ con cùng xóm. Có lần bị ngã đến thâm cả ngực, mẹ vừa xoa đầu vừa cấm không cho đi đá bóng nữa. Minh Vượng mếu máo, hứa lấy hứa để nhưng chỉ được vài ngày là đâu lại vào đấy.

Lên cấp 2, Minh Vượng “quay ngoắt 180 độ” về tính cách, khiến bố mẹ vô cùng bất ngờ. Cô bé nghịch ngợm hồi nào giờ ý thức rất rõ vai trò người chị trong gia đình bằng việc chăm sóc chu đáo 4 đứa em nhỏ. Học hành tiến bộ hẳn, suốt những năm cấp 2 và cấp 3, năm nào Minh Vượng cũng được bầu làm Bí thư Chi đoàn. Năm 1974, khi vào học tại Trường Nghệ thuật Hà Nội, Minh Vượng lại tiếp tục được bầu làm Bí thư Đoàn trường.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Kịch nói, trường Nghệ thuật Hà Nội vào năm 1978, Minh Vượng về làm việc tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Bước chân vào nghệ thuật với bao đam mê, khao khát nhưng điển yếu về ngoại hình khiến chị phải chờ tận 2 năm mới có vai diễn đầu tiên trong vở “Hà Mi của tôi” do NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn. Năm đó mới 22 tuổi nhưng Minh Vượng đã phải “sắm” vai mẹ Phương, một bà cụ nông dân 80 tuổi, trong khi Minh Vượng chỉ quen sống ở thành phố. Đó là khó khăn không nhỏ trên bước đường chập chững vào nghề của cô diễn viên trẻ.

Thế nhưng, với một diễn viên đã mòn mỏi đợi chờ suốt 2 năm trời để được lên sân khấu, đó là một niềm vui không gì sánh nổi. Minh Vượng lao vào nghiên cứu kịch bản, tập ngày, tập đêm, với tất cả khát khao được làm nghề, được thể hiện mình.. Bà đã không phụ lòng đạo diễn khi vở “Hà Mi của tôi” được đánh giá cao trong Hội diễn Sân khấu Kịch nói toàn quốc năm 1980.

Vai diễn mẹ Phương của Minh Vượng để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng và đồng nghiệp. Chính vì thế, 1 năm sau, NSND Doãn Hoàng Giang tiếp tục “chiêu mộ” Minh Vượng vào vai người đàn bà chửa trong “Bản tình ca màu xanh”. Trong vở này, cố nghệ sĩ Trần Kiếm và Minh Vượng vào vai đôi vợ chồng đi tiễn những người trên sân ga.

Vai phụ chỉ có 5 phút xuất hiện trên sân khấu, với hình ảnh người đàn bà chửa đứng tuổi nhõng nhẽo với chồng, Minh Vượng lại tiếp tục gây ấn tượng mạnh với khán giả. Đặc biệt, 5 phút ngắn ngủi ấy giúp bà lọt vào mắt xanh đạo diễn – NSND Nguyễn Đình Nghi, một người vô cùng khó tính, để ngay sau đó được nhận vai diễn quan trọng trong vở kịch “Cô gái đội mũ nồi xám” (kịch bản Lưu Quang Vũ).

Sau những khởi đầu ấn tượng, cái tên Minh Vượng được khán giả biết đến nhiều hơn qua các vai hài như: Bà mối trong vở kịch “Già kén”, Kiều Nhung trong vở “Vợ chồng dởm”. Tại Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc năm 1991, 2 vai này đã giúp Minh Vượng lập “cú đúp” HCV trong vòng 1 ngày, gây tiếng vang lớn, là tiền đề cho nhiều thành công của danh hài sau này.

Những thành tích Minh Vượng đạt được

– Vai trò diễn viên:

Hà Mi của tôi (đạo diễn Doãn Hoàng Giang).

Bản tình ca màu xanh.

Cô gái đội mũ nồi xám (kịch bản Lưu Quang Vũ)

Già kén

Vợ chồng dởm.

– Vai trò diễn viên

Gặp nhau cuối tuần’ của VTV.

Gặp nhau cuối năm của VTV.

Ăn khế trả vàng (chương trình cho thiếu nhi).

Quả táo thần (chương trình cho thiếu nhi).

– Khách mời

Kịch truyền thanh dài kỳ Khát vọng sống của VOV.

Kịch truyền thanh Xin chờ hồi kết của VOV.

– Giải thưởng

Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa (Do Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng nhân dịp biểu diễn tại đảo Trường Sa Lớn năm 2010).

Minh Vượng suýt 2 lần lên xe hoa

Trái ngược với tiếng cười mang đến cho khán giả trên sân khấu, nghệ sĩ Minh Vượng lại có một cuộc sống khá cô đơn. Từng 2 lần “lỡ đò” vì quá yêu sân khấu, không muốn từ bỏ sự nghiệp diễn nên nữ danh hài đã từ bỏ hạnh phúc của đời mình. Thế nên đã quá nửa đời người, người nghệ sĩ có thân hình “nhìn là nhận ra ngay” này vẫn đi về lẻ bóng.

Cho tới bây giờ, Minh Vượng không nhớ nổi mình đã hóa thân vào bao nhiêu nhân vật, bao nhiêu số phận nhưng bà tâm sự: “Đỉnh cao của hài kịch là bi kịch, đời diễn viên của chị như Kép tư bền, nhiều khi nuốt nước mắt vào trong để diễn. Trót yêu và đắm đuối với nghề rồi, biết sao được”. Hóa thân vào nhiều vai diễn, người hâm mộ cũng nhiều, bạn bè thân thiết yêu mến  cũng không ít nhưng cho tới giờ Minh Vượng vẫn cô đơn lẻ bóng.

Bà kể đã có hai lần suýt lên xe hoa đó là vào năm 1992, Minh Vượng đã “thương thầm nhớ trộm” một người đàn ông ở Viện Khoa học. Tưởng rằng hạnh phúc dù muộn màng sẽ mỉm cười với mình. Ai ngờ, bố mẹ anh chỉ đồng ý cho hai người đến với nhau nếu Minh Vượng bỏ nghề để về quản lý cửa hàng mỹ nghệ vàng bạc của gia đình. Tình yêu sân khấu đã không cho phép Minh Vượng từ bỏ nên Minh Vượng lặng lẽ rút lui.

Lần thứ 2 vào năm 1996, khi ấy Minh Vượng và người đàn ông làm nghề lái xe tải đã có thời gian 3 năm gắn bó bên nhau. Nhưng cũng như lần trước, bố mẹ người yêu cũng bắt Minh Vượng bỏ nghề để về làm chủ một hệ thống cửa hàng hoa tươi trên phố Ngọc Hà của gia đình. Ngày đó, vì quá yêu anh, chị đã có ý định bỏ diễn. Nhưng rồi gần đến ngày cưới lại đổi ý. Chị sợ một ngày nào đó không được khóc cười trên sân khấu. Minh Vượng sợ công việc nhàm chán hàng ngày sau đống hoa tươi. Chị nhớ sân khấu đến nao lòng, đến….ốm.

Rồi khi khỏi ốm, Minh Vượng hiểu rằng mình cần gì. Mối tình thứ 2 lại trôi qua. Chị bảo “Những người đàn ông đến với mình đều thích tiếng cười mình mang lại cho họ, nhưng họ lại không muốn mình mang lại tiếng cười cho người khác. Như thế thật ích kỷ. Sau cú sốc hôn nhân này, mình đã khóa chặt cánh cửa trái tim và vứt chìa khóa đi. Số mình đã vậy rồi mình chấp nhận”, Minh Vượng giãi bày.

Minh Vượng giấu nước mắt trong tiếng cười

Dù tuổi đã cao nhưng NSƯT Minh Vượng vẫn tất bật đi diễn hài, song song với công việc giảng dạy ở Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội và nhiều trường khác.

Xem khán giả nhí như con – em

Hỏi danh hài Minh Vượng có phải vì cuộc sống chông chênh mà muốn dành thời gian cho công việc để lấp đi những chỗ trống trong cuộc sống hay không, Minh Vượng cười, bảo: “Chị làm vì nghề, vì muốn sẻ chia tiếng cười cho những số phận không may mắn”.

Bên cạnh sân khấu học đường của chèo Hà Nội, Minh Vượng dành thời gian diễn cho làng trẻ em SOS, Trường Nguyễn Đình Chiểu, trong các bệnh viện, diễn hoàn toàn miễn phí. “Tôi dành nhiều thời gian để diễn cho các con, diễn mà rất thương, mắt cứ phải nhìn lên trần nhà, vì nếu nhìn vào đôi mắt trong veo của những đứa trẻ lại xót xa vì không biết tháng sau, năm sau, những đôi mắt ấy có còn trên cuộc đời này? Tôi đau đớn vì điều ấy. Bởi thế, cứ ai mời đi diễn từ thiện thì tôi lại đi, hoàn toàn không nhận tiền, miễn là không trùng giờ dạy của tôi ở Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội” – NSƯT Minh Vượng chùng giọng.

Là người của sân khấu kịch Hà Nội, Minh Vượng từng nổi tiếng với những vai diễn gây ấn tượng dưới bàn tay đạo diễn của NSND Doãn Hoàng Giang. Được nhớ tên với vai cụ bà 80 tuổi trong vở “Hà Mi của tôi”, dù có một khởi đầu không mấy thuận lợi về ngoại hình nhưng Minh Vượng vẫn kịp ẵm về cho mình 2 HCV tại Hội diễn Sân khấu kịch nói toàn quốc năm 1991 với 2 vai bà mối trong vở “Già kén”, Kiều Nhung trong vở “Vợ chồng dởm”. Nhắc đến Minh Vượng khán giả cũng nghĩ ngay đến một cây hài của “Gặp nhau cuối tuần”, “Gặp nhau cuối năm” với nét duyên thầm đầy ấn tượng.

Nhưng giờ Minh Vượng lại “tả xung hữu đột” với sân khấu học đường phục vụ khán giả nhỏ của Nhà hát Chèo Hà Nội như một trụ cột với “Ăn khế trả vàng”, “Khắc nhập khắc xuất”, “Cây đàn thần”… Thắc mắc lý do của sự thay đổi này, Minh Vượng bảo tất cả đều là duyên. Với chị, chèo là tình yêu thầm kín. Năm 1971, Minh Vượng đã chọn chèo để bắt đầu sự nghiệp của mình nhưng sau đó vì nhiều lý do mà chuyển sang học Trường Nghệ thuật Hà Nội rồi đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội. Cái gì đã là duyên thì đi đâu rồi cũng quay về, năm 2011, chị trở lại với chèo, mãn nguyện, sung sướng được sống với một dàn diễn viên trẻ rất say nghề, đặc biệt là được hòa vào niềm vui của rất nhiều khán giả nhỏ.

Khỏi phải nói là Minh Vượng vui đến thế nào trước phản ứng của những đứa trẻ. “Có khi mình đang diễn trên sân khấu, ở dưới khán giả hét lên “Ôi bạn Minh Vượng ơi, bạn đừng ác thế!”, hay khi diễn vai mà các bé thích xong, chúng ùa lên sân khấu khen “bạn diễn vai này tôi thích ghê cơ ấy…”. Đấy, thử hỏi mấy ai đã hơn 60 tuổi đầu mà được cháu mình gọi là bạn” – Minh Vượng hào hứng kể. Chị tâm sự: Khi mình không có con cái thì mình dồn hết tâm sức vào sân khấu thiếu nhi và luôn coi những khán giả nhí như con – em mình.

“Hàng cồng kềnh, dễ đổ vỡ”

Nhắc lại cuộc đời Minh Vượng, chị yêu sớm và nhiều mối tình song sau dự định kết hôn bất thành, Minh Vượng nói không với hôn nhân. Chị quan niệm ông trời chẳng cho không ai cái gì, con người ta được cái này mất cái kia. Bệnh tật đầy người, vừa bị thấp khớp vừa bị tiểu đường vừa bị tim mạch nên chị xác định cuộc sống cô đơn một mình từ năm 30 tuổi. Thời trẻ chỉ nặng 43 kg, sau này do thuốc và nội tiết thay đổi khiến chị tăng cân quá nhanh. Chị bảo bệnh tim và khớp quái ác khiến số thuốc Minh Vượng uống vào người còn nhiều hơn số cân nặng của cơ thể.

Dẫu vậy, chị không lấy đấy làm buồn. Với Minh Vượng, nếu ngoại hình xấu, ta hãy bù đắp bằng tính cách và lối sống. Biết đâu vì sự thiếu hụt tình cảm này mà chị được tổ đãi vì dồn hết thời gian cho sân khấu, cho việc biểu diễn. “Ngẫm ra, không gì hạnh phúc hơn trong một tuần, một tháng, một năm được thể hiện rất nhiều thân phận, câu chuyện. Như thế là tôi đã may hơn rất nhiều người” – nữ diễn viên nổi tiếng bộc bạch.

Sống lạc quan, vui cười nhưng thực sự, ẩn sau sự mạnh mẽ ấy là một con người rất yếu đuối. Minh Vượng thừa nhận chị là “hàng cồng kềnh, dễ đổ vỡ”. Bản thân dễ bị tổn thương, dễ xúc động.

Những người bình thường chọn cách san sẻ niềm vui với gia đình, còn Minh Vượng, khi đã nói không với hôn nhân thì niềm vui, nỗi buồn chị cất dưới đáy lòng. Bà thổ lộ: “Mình có 6 anh chị em, sau giờ diễn, giảng dạy, mình về với gia đình, mọi người đều yêu thương mình. Ở giữa các cháu, các anh chị, mình cũng ấm lòng. Nhưng nếu ai hỏi có cô đơn không thì thực lòng mà nói trong một ngày, một giờ, nỗi cô đơn luôn tồn tại. Mình không may mắn được làm vợ, làm mẹ nên mỗi khi đi đám cưới hay ngày nghỉ, có khi là tan buổi diễn, vợ đi cùng chồng, tình nhân đón tình nhân, mình thui thủi một mình, buồn chứ! Nhưng rồi nghĩ đến việc mình đem đến cho khán giả những tiếng cười và được khán giả yêu quý, mình nghĩ những gì đánh đổi không vô nghĩa”.

Sở thích tắm và tết tóc cho búp bê

Được biết tới nhiều với vai chính kịch nhưng khi bén duyên hài, Minh Vượng lại đóng đinh với vai diễn đó, nhất là diễn hài cho trẻ nhỏ. Bà chia sẻ, làm việc với trẻ con khiến bản thân trẻ ra nhiều tuổi, cứ sau đêm diễn, bọn trẻ con toàn gọi Minh Vượng bằng “chị” khiến bà vui.

Có lẽ vì thế mà Minh Vượng cũng có sở thích rất con trẻ là sưu tầm búp bê. Chị bảo, cứ mỗi lần đi lưu diễn ở đâu, mình chẳng mua gì quý giá ngoài những con búp bê xinh xắn. Hàng tuần, cứ Thứ 7, Chủ nhật nào không phải đi diễn, Minh Vượng lại đem bộ sưu tập búp bê ra tắm rửa và tết lại tóc. “Mệt lắm chứ em, tắm cho bọn nó phải rất cẩn thận, tắm rồi lại sấy tóc cho khô, ngồi tết tỉ mỉ. Mất cả ngày trời ấy chứ. Nhưng mà vui lắm”, Minh Vượng khoe.

Cuộc sống sau cánh gà của “người đàn bà cười” thật giản dị nhưng cũng lắm chua cay. Nhiều năm nay, bệnh khớp, tim, tiểu đường đã khiến sức khỏe của chị giảm sút nhiều. Lúc nào Minh Vượng cũng mang trong mình 13 loại thuốc để uống hàng ngày.

Và ngày nào, trước khi đi dạy (Minh Vượng dạy tại trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội) chị cũng phải ăn một bát yến để lấy sức khỏe. 120.000 đồng cho 4 tiếng dạy học không đủ Minh Vượng mua một bát yến nhưng chị rất vui. Vui vì được làm việc, vui vì được hàng ngày bồi đắp lòng yêu sân khấu cho thế hệ trẻ.

Hỏi Minh Vượng, lại một mùa xuân mới nữa đã về, chị ước gì cho mình trong năm mới “Tôi chẳng ước gì, đúng là đàn bà ai cũng muốn một lần trong đời được làm vợ làm mẹ, nhưng số kiếp mình vậy, mình chấp nhận. Nếu có kiếp sau, tôi vẫn mong mình được làm đàn bà để những gì mình chưa có trong kiếp này, kiếp sau tôi sẽ nhận được. Nhưng hiện tại, tôi chỉ mong mình có sức khỏe để làm việc. Tôi sẽ diễn tới khi nào gối mỏi chân run, không lê được tới nhà hát nữa thì dừng”.

Minh Vượng là vậy, cứ vô tư sống hết mình, làm việc hết mình. Cho đi nghĩa là sẽ nhận lại. Chị đang sống rất thanh thản hạnh phúc bên gia đình. Minh Vượng luôn tự hào vì anh em thuận hòa yêu thương nhau. Nghệ sỹ ưu tú bằng lòng với những gì mình đã chọn dù nó có gập ghềnh chông gai.

Danh hài Minh Vượng tiết lộ thói quen “kỳ cục” mỗi đêm giao thừa

Trong một chương trình truyền hình số Tết. Nữ nghệ sĩ có dịp gặp gỡ danh hài Tự Long và nam diễn viên Bá Anh tại chương trình “Bốn mùa yêu thương”. Hai vị khách mời cùng MC Tự Long đã tiết lộ với khán giả nhiều điều thú vị về việc chuẩn bị đón Tết của mình.

Khi Tự Long hỏi, chị có sốt ruột không khi ngoài kia mọi người đang rộn ràng chuẩn bị cho ngày Tết, Minh Vượng tâm sự rằng: “365 ngày thì có 3 ngày Tết, vậy 362 ngày là tất nập chạy đua với thời gian để được cười nói, hát ca trên sân khấu. Tôi cho rằng, 362 ngày ấy chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Còn hôm nay tôi đã hòm hòm, có một ít hoa, một ít bánh kẹo, thế là đủ rồi!”

Nam diễn viên Bá Anh thì tiết lộ, anh đã bàn trước với bà xã về việc mua đồ Tết cho gia đình nhỏ của mình. Những gì cần thiết, vợ chồng anh đã sắm sửa dần từ ngày 20 âm lịch, sát Tết chỉ còn cành đào, cây quất, anh sẽ cùng cậu con cả đi mua nốt. Anh cũng bày tỏ sự thích thú khi được thong thả đi ngắm chợ hoa Tết.

Nói đến hoa, Minh Vượng như được truyền thêm cảm hứng: “Tôi mê mẩn về hoa. Mọi người hình dung xem, không có hoa thì không gọi gì là Tết”. Chị cũng cho biết, đã chơi đào phai từ một tháng rưỡi trước Tết. Ngoài ra, nữ danh hài còn chuẩn bị một lọ hoa gồm violet, lay ơn, thược dược. MC Tự Long thắc mắc về việc chị không chơi hoa đồng tiền, Minh Vượng hài hước: “Bởi vì tôi cứ nhìn hoa đồng tiền là tôi lại nghĩ đến tiền, tôi rạo rực, tôi chạy sô và tôi không thể ngồi đây với anh giờ này được!”

Chia sẻ về việc trang trí ngày Tết, Bá Anh thích nhất là được chuẩn bị mâm ngũ quả. Nam diễn viên Sóng ở đáy sông chuẩn bị hoa quả theo quan niệm mà bố mẹ anh từng dạy là “Cầu vừa đủ xài”. Còn Minh Vượng thì thường trang trí cành đào và một đĩa hoa quả trên bàn thờ.

Nữ danh hài còn kể lại một kỷ niệm vui của mình vào Tết năm ngoái. Khi chị luộc gà để cúng giao thừa, vì mải buôn dưa lê nên gà bị quá lửa, đầu toác ra khiến chị lúng túng không biết làm cách nào. Đến khi gà nguội, chị nghĩ ra ý tưởng lấy giấy đỏ cắt thành một cái khăn, biến con gà thành “cô bé quàng khăn đỏ”, làm ai đến nhà chị cũng khen “tác phẩm” mỹ mãn. Minh Vượng hé lộ, năm nay dù có thể luộc gà không toác đầu nữa nhưng chị vẫn quàng khăn đỏ cho nó.

Khi nhắc đến vấn đề chuẩn bị tiền lì xì ngày Tết, Minh Vượng bất ngờ tiết lộ thói quen tự lì xì chính mình vào mỗi đêm giao thừa. Là người sống một mình, trong khoảnh khắc đón năm mới, chị đã tự làm mình vui: “Cách giao thừa khoảng 6 phút, tôi tự khóa cửa, găm tiền vào người và thủng thỉnh ra đầu ngõ. Khi nào thấy “tạch tạch tạch, đùng đùng” là bắt đầu tôi chạy về, tôi tự nói lớn “Chúc mừng năm mới” xong tự lấy tiền. Tôi nghĩ chắc không ai như tôi”. Diễn viên Bá Anh nhận xét, đây là một sự hồn nhiên rất đáng yêu của Minh Vượng.

Với Tự Long, anh lại có thói quen diện đồ mới như quần áo mới, đôi giày mới… vào sáng mùng một. Minh Vượng thì lại có quan điểm, ngày Tết ai cũng diện quần áo mới thì lấy ai mà ngắm? Chị thường diện quần áo mới ngay ngày thường thì mới độc đáo và tập trung sự chú ý.

Nữ nghệ sĩ hài cũng cho biết, trong ba ngày Tết chị chỉ dành thời gian cho gia đình và thiết đãi bạn bè đã “thở không ra hơi”. Minh Vượng cũng thường đi lễ chùa vào ngày Tết và cầu mong cho mình sức khỏe để có thể chạy sô và giảng dạy. Bên cạnh việc “ước” cho mình, danh hài còn không quên đi kèm với “nguyện”, hứa với trời Phật sẽ làm hết mình để giúp đỡ những người xung quanh.

Còn nhà Bá Anh thường dành ngày mùng một Tết cho hai gia đình nội – ngoại. Mùng 2, anh và vợ đi thăm thầy cô, bạn bè, những anh chị trong nghề. Minh Vượng cho biết, Tết nào Bá Anh cũng đến thăm chị.

Nghệ sĩ hài Minh Vượng bây giờ ra sao?

Gần bước sang tuổi lục tuần song danh hài nổi tiếng vẫn lẻ bóng một mình sau hai lần cưới hụt. Duyên nợ không đẩy đưa lần nữa nên chị xác định cuộc sống cô đơn một mình từ năm 30 tuổi. Chị cho rằng, nếu ngoại hình mình xấu thì hãy bù đắp bằng tính cách và lối sống.

Nghề đã giúp Minh Vượng có thêm lạc quan và niềm vui sống. Minh Vượng từng trải lòng, mình thấy thanh thản, bằng lòng với con đường đã chọn dù có gập ghềnh và chông gai. Nếu có kiếp sau, Minh Vượng vẫn muốn chọn nghề mang lại nụ cười cho người khác.

Bệnh tật nặng nề thế nhưng chưa bao giờ thấy Minh Vượng than thở nhăn nhó, lúc nào cũng hớn hở tươi vui. Đã vậy, tình yêu dành cho sân khấu trong Minh Vượng chưa bao giờ giảm nhiệt. NSƯT vẫn sống, cống hiến hết mình vì khán giả. Mỗi dịp Tết, hè, đặc biệt là Quốc tế Thiếu nhi hay Rằm Trung thu, Minh Vượng vẫn đều đặn xuất hiện trong các vở diễn đầy ắp tiếng cười dành cho trẻ thơ. Vài năm trở lại đây, NSƯT Minh Vượng ít diễn hài mà chuyên tâm làm sân khấu học đường cho khán giả nhí. Đây là lý do người ta ít thấy bà tung hứng với các diễn viên khác, đặc biệt là sau khi NS Văn Hiệp qua đời.

Lần xuất hiện mới nhất của Minh Vượng chính là tại đám cưới của Chế Phong – Thanh Thanh Hiền.

Minh Vượng bất ngờ có mặt tại đám cưới. Đây là lần xuất hiện hiếm hoi trước nhiều người của Minh Vượng. Khoảng gần 1 năm trở lại đây, nghệ sỹ Minh Vượng gần như ít khi xuất hiện trước đám đông.

Cuộc sống một ngày 4 mũi tiêm của danh hài Minh Vượng

Mặc dù đã khá lâu không xuất hiện trên truyền hình và truyền thông, nhưng Minh Vượng vẫn không thay đổi là mấy.

Có chăng là chị đã trải lòng hơn về cuộc sống của mình, điều mà trước đây chị rất kiệm lời.

Một mình nhưng không đơn độc

Đã xấp xỉ lục tuần, từng suýt thành “nghệ sĩ nhăn răng” (từ dùng của Minh Vượng) không ít lần vì bạo bệnh, nhưng mỗi lần nói chuyện với Minh Vượng người ta có cảm giác như người NSƯT này chưa bao giờ biết buồn, biết khổ. Minh Vượng cho biết, từ năm 2011, khi nghỉ chế độ ở Nhà hát Kịch Hà Nội, mình về đầu quân cho Nhà hát Chèo Hà Nội. Ở đây, chị đảm trách công việc xây dựng sân khấu học đường, dựng những vở kịch có độ dài 60 phút kể các câu chuyện mang nhiều ý nghĩa để dạy cho các em học sinh hiểu về những giá trị đạo đức, biết phân biệt cái thiện, cái ác…

Ngoài công việc ở Nhà hát Chèo Hà Nội, Minh Vượng còn tham gia giảng dạy bộ môn Kỹ thuật biểu diễn và Kỹ thuật tiếng nói cho sinh viên Khoa Kịch của Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội, ngôi trường đã giúp chị trở thành một “cây hài” nổi tiếng Việt Nam. Không dừng lại ở đó, nữ danh hài này còn dạy biểu cảm ngôn ngữ và kỹ năng sống cho các em nhỏ của Trường quốc tế Việt – Bun và Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm. Tất nhiên, thỉnh thoảng chị vẫn tham gia một số show tạp kỹ của sân khấu tỉnh để đỡ nhớ khán giả.

“Một tuần có 8 ngày thì tôi đã dạy học tới 7 ngày rồi. Tuy rằng tiền không nhiều nhưng trong lúc sân khấu đang rất khó khăn thì việc đào tạo các lớp kế cận rất quan trọng, tôi thấy mình phải có trách nhiệm. Hơn nữa, nó cũng xuất phát từ cái tâm của mình, nhất là khi tôi cũng từ trường Nghệ thuật – Sân khấu mà ra. Quay lại trường là để trả ơn trường, trả ơn tổ nghề”, Minh Vượng chia sẻ.

Công việc của Minh Vượng cứ trải dài từ 6h đến 23h nhưng cứ hôm nào được nghỉ Minh Vượng lại có cảm giác bị ốm, mệt. Danh hài không phủ nhận việc vùi đầu vào công việc một phần là để quên đi nỗi cô đơn của một người phụ nữ không chồng, không con. Nhưng theo Minh Vượng thì bản thân không hề đơn độc bởi những lúc rảnh rỗi lại giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa hoặc nấu ăn cùng bạn bè.

“Nhà tôi có tới 6 anh chị em nên con cháu rất đông. Nếu có thời gian, tôi lại nấu ăn và vui chơi với các cháu. Việc chơi với các cháu rất có lợi vì tình cảm ruột thịt trong gia đình gần gũi hơn, tôi cũng hiểu hơn về những suy nghĩ của lớp trẻ để xây dựng các bài giảng và đưa vào trong tác phẩm sân khấu”, Minh Vượng nói.

Giải thích lý do vì sao đã lâu không đóng phim, Minh Vượng cho rằng, thế hệ của bà đã quá già, quá cũ… nên cần nhường cho các bạn trẻ với những gương mặt mới. Thêm vào đó, làm phim tốn rất nhiều thời gian mà bản thân lại quá nhiều công việc nên nếu có phim hay bà cũng phải “nuốt nước bọt” từ chối.

Không lấy chồng vì bệnh khớp

Về tình trạng sức khoẻ, Minh Vượng cho biết, ở thời điểm này mình vẫn bị tiểu đường, áp huyết, tim mạch… Mỗi ngày bà vẫn phải tiêm tới 4 mũi kháng sinh liều cao và uống hàng mớ thuốc mà theo Minh Vượng là nhiều hơn cả ăn cơm. Tuy nhiên, điều khiến bà có thể vượt lên bạo bệnh để làm một lúc nhiều công việc là bởi chị luôn sống lạc quan, biết tận dụng mọi niềm vui quanh mình để biến thành “thuốc tiên” chữa bệnh. Với Minh Vượng, việc chữa bệnh không đơn thuần là tuân thủ một cách nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ mà còn phải có một nghị lực sống. Nghị lực đó giúp người bệnh sống lạc quan, ít lo nghĩ và thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.

Theo Minh Vượng, thời tuổi trẻ của mình đã yêu rất nhiều. Tuy nhiên, bà không muốn nhắc lại những mối tình đã qua của mình. Chỉ có điều, chính những tình yêu ấy đã giúp bà thành công hơn trên sân khấu trong các vai tình nhân, vợ chồng… Đó là lý do Minh Vượng chưa bao giờ cảm thấy chạnh lòng hay buồn bã vì mình không có gia đình. Danh hài cũng tâm sự rằng, nếu mai này bản thân không còn sức để hoạt động nghệ thuật thì Minh Vượng sẽ vào trại dưỡng lão. Vào trại dưỡng lão chỉ cần diễn cho một người xem thôi chị cũng cảm thấy vui rồi.

Minh Vượng cho rằng, sở dĩ mình không làm hồ sơ xin được xét tặng danh hiệu NSND vì chị thấy quy định muốn được xét NSND là phải có hai Huy chương Vàng trở lên, trong khi đó những người như chị bây giờ luôn nhường vai cho lớp trẻ nên cơ hội để có được huy chương trong các kỳ hội diễn là rất khó.

“Những người thuộc lớp già như tôi, Thanh Ngoan, Minh Thu… toàn phải nhường vai cho lớp trẻ. Vậy thì cơ hội để họ có thêm huy chương lần nữa là rất khó. Nếu cứ chiếu theo huy chương để xét thì điều đó rất thiệt thòi cho lớp nghệ sĩ già. Với tôi, cả một đời không chồng con giành hết cho sân khấu, 40 năm biểu diễn phục vụ người lớn, 18 năm viết kịch bản và biểu diễn cho trẻ con. Ngoài ra, trong suốt những năm làm nghề, không chỉ gắn bó với sân khấu mà còn cả với phim ảnh, tham gia giảng dạy… Nói thật là, nhà nước phong thì tôi nhận, còn xin mà chiếu theo số huy chương thì tôi không xin”, Minh Vượng chân thành chia sẻ.

Về trường hợp của NSƯT Thanh Thanh Hiền bị trượt danh hiệu NSND vì chuyện đời tư, Minh Vượng cho rằng, Thanh Thanh Hiền là một tài năng vô cùng hiếm của cải lương đất Bắc. NSƯT nói: “Khi Thanh Thanh Hiền đơn thương độc mã tham gia Vầng trăng cổ nhạc trong miền Nam, nhiều người đã phong chị ấy là niềm tự hào của cải lương miền Bắc. Người ta bảo có tật thì có tài. Chúng ta nên nhìn vào tài năng của họ chứ đừng nhìn vào những sinh hoạt của họ ở đời thường. Tôi rất mê câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: ‘Thước đo phẩm giá là thành quả lao động”. Hãy nhìn họ lao động mà cụ thể ở đây là lao động nghệ thuật. Nghệ sĩ chúng tôi có nhiều chuyện đời, nhiều chuyện yêu đương… nhưng không nên cộng những điều ấy vào trong việc xét danh hiệu nghề mà thiệt thòi cho họ. Bởi nghệ sĩ mà phong tặng cho họ đúng lúc, đúng chỗ sẽ là nguồn cổ vũ để họ hoạt động hăng say hơn”.

“Dù thiên hạ có bệnh gì tôi mang bệnh nấy nhưng cứ đi làm, đi diễn, được tung tăng… là tôi lại khỏe. Có được điều đó một phần vì tôi luôn lạc quan sống. Cũng vì không có gia đình mà tôi không bị vướng bận những thứ lo nghĩ linh tinh của một người phụ nữ nội trợ. Tôi toàn tâm, toàn ý cho học trò của mình dễ hơn, sáng tác kịch thuận hơn”, nghệ sĩ Minh Vượng hài hước nói.

Hơn 40 năm qua, sau ánh đèn sân khấu và những tiếng vỗ tay ái mộ của khán giả, NSƯT Minh Vượng lại lặng lẽ một mình trở về căn nhà nhỏ, không người đón đưa. Chị bảo sau một ngày mệt mỏi với công việc, cảm giác bình yên nhất luôn là khi trở về nhà.

Đến thăm nhà Minh Vượng, điều gây ngạc nhiên chính là sự giản dị và mộc mạc. Chiếc tủ đựng nhiều kỷ vật xuất xứ từ nhiều nước khác nhau khiến bất cứ một vị khách nào đến chơi cũng bị ấn tượng. Đó là thành quả của những chuyến lưu diễn hay đi chữa bệnh trong và ngoài nước của nghệ sĩ Minh Vượng.

NSƯT Minh Vượng có sở thích sưu tầm gấu bông và đang sở hữu hàng trăm con gấu bông lớn nhỏ. Thú vui lớn nhất của chị là hàng tuần đem các chú gấu bông ra tắm giặt, chải tóc, buộc nơ và ngồi nói chuyện với chúng. Bạn bè có đi công tác đâu xa thì món quà họ mua tặng chị vẫn là những chú gấu bông, bởi họ biết, chị không cần thêm thứ gì cả.

Những điều mà Minh Vượng luôn trân trọng và biết tận hưởng

Chưa có tri âm nhưng rất nhiều tri kỷ

“Sống chết” với nghề trong ngần ấy năm, Minh Vượng không thể nhớ nổi mình đã từng hóa thân vào bao nhiêu nhân vật, vai diễn. Chỉ biết rằng, bản thân có rất nhiều fan hâm mộ, từ già tới trẻ. Minh Vượng kể, hàng ngày, chị nhận được rất nhiều thư của khán giả, trong đó phần lớn của trẻ em. Điều “trái khoáy” và thú vị nhất là việc các bạn nhỏ luôn xưng hô “bạn, tớ” với Minh Vượng , rất ngộ nghĩnh và thân thiết.

Còn nhớ, vào năm 2008, do sức khỏe yếu, lại chịu thêm cú sốc mẹ mất nên hầu như Minh Vượng không xuất hiện trên các sân khấu kịch. Nhưng có một việc chị vẫn âm thầm thực hện, đó là dành nhiều thời gian đi diễn từ thiện cho các bé mồ côi, khiếm thị, trẻ em ở làng SOS, tổ chức bán đấu giá lấy tiền mổ tim cho trẻ em có hoàn cảnh không may mắn. Minh Vượng bộc bạch: “Đi diễn để chọc cười các bé mà tôi cứ phải cố ngăn những dòng nước mắt. Vào bệnh viện thấy các bé nhiễm HIV sốt cao, môi tím ngắt, diễn mà chẳng dám nhìn thẳng vào mắt các em”.

Minh Vượng tìm thấy niềm vui, hạnh phúc qua việc ngắm nhìn, chơi đùa với con trẻ. Thế nhưng chị cũng không tránh khỏi những phút chạnh lòng khi nghĩ tới bản thân. Minh Vượng hiểu rằng, thiên chức người phụ nữ là được làm mẹ, làm vợ. Nhưng căn bệnh thấp khớp và hàng tá loại bệnh không tên khác đã “cướp” đi niềm hạnh phúc bình dị đó.

Với chị, “yêu chỉ để yêu” chứ không thể đem lại hạnh phúc cho người đàn ông của mình. Thế là chị cứ âm thầm chịu thiệt, nhất quyết không làm liên lụy người khác. Để rồi sau ánh hào quang sân khấu, sau những tràng vỗ tay ái mộ của khán giả, Minh Vượng lại lặng lẽ một mình trở về căn nhà nhỏ, không người đón đưa, không người trò chuyện. Đó là những giây phút tận cùng cô đơn của chị.

Minh Vượng sẵn sàng đối mặt và chấp nhận điều đó. Chị vượt qua nó bằng tình yêu sân khấu, bằng sự ủng hộ hết lòng của công chúng. Minh Vượng nói rằng, cuộc đời mình chưa gặp được tri âm nhưng may mắn có rất nhiều người là bạn tri kỷ bên cạnh. Đó là chị Mi và 15 người bạn “chí cốt” trong nhóm “G7” của bà.

Minh Vượng và chị Mi sống cùng nhau như một sự sắp đặt của ông trời. Nhà của hai người cách nhau một cái sân, bố mẹ hai bên lại thân thiết với nhau từ hồi còn nhỏ, nên con cái hai nhà coi bố mẹ của nhau như bố mẹ đẻ. Cũng giống như Minh Vượng, Mi là người thiệt thòi, bệnh tật, lại cô đơn, nên hai bên gia đình đã đồng ý cho Mi về ở cùng nhà với Minh Vượng để sớm hôm họ có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau những khó khăn trong cuộc sống. Minh Vượng cho biết, chị Mi là người kín đáo, không thích ồn ào, có thể nói là một chứng nhân thầm lặng trong cuộc đời Minh Vượng.

Nhóm “G7” của Minh Vượng là những người bạn làm trong nhiều ngành nghề, hợp và quí tính cách của nhau nên đã gắn bó lại thành một nhóm. Những người bạn chơi với nhau không phân biệt sang giàu, địa vị, chỉ cần “ới” một cái là có mặt. Chỉ cần vậy là Minh Vượng thấy mình đã mãn nguyện.

Không quên làm đẹp

Minh Vượng là người dễ tính trông việc lựa chọn trang phục, đồ dùng cá nhân. NSƯT giản dị tới mức, điện thoại chỉ cần chức năng gọi và nhắn tin là được, xe cộ chỉ cần mát máy, nổ ga là xong. Tuy nhiên, Minh Vượng cũng đùa rằng, nhiều lúc đi mua quần áo, thấy “giận” các nhà thiết kế lắm! Bao nhiêu quần áo đẹp bắt mắt thế mà không có mẫu nào dành riêng cho người béo như bà.

Giản dị nhưng không có nghĩa là Minh Vượng không chịu chăm chút bản thân. Bà vẫn luôn làm đẹp cho mình giống như bao người phụ nữ khác, vẫn chịu khó thay đổi quần áo, đầu tóc mỗi khi ra ngoài. Chẳng thế mà nhiều người vẫn khen Minh Vượng giống nhà tạo mẫu tóc với các kiểu tóc trẻ trung, nghịch ngợm không kém tuổi teen. Danh hài rất hay mặc áo phông, quần bò, bởi trang phục đó phù hợp với công việc luôn chân luôn tay của bà.

Được tặng huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa

Cuối tháng 4/2010, NSƯT Minh Vượng có dịp cùng nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thành Sơn và các cán bộ ngoại giao ra thăm đảo Trường Sa Lớn, làm lễ cầu siêu cho chiến sĩ và đồng bào tử nạn trên biển.

Chỉ ít ngày ngắn ngủi gặp gỡ với đồng bào, chiến sĩ hải đảo nhưng cũng khiến Minh Vượng cảm thông về sự vất vả của họ. NSƯT đã biểu diễn tại nhiều nơi nhưng chưa ở đâu lại khiến chị có nhiều cảm xúc như tại Trường Sa. Cũng trong dịp này, Minh Vượng đã được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa. Với chị, đó là một phần thưởng vô giá.

Những câu nói của Minh Vượng

“Sức khỏe của tôi thì làng nhàng, phải biết chấp nhận sống chung với “lũ” thôi. Tôi quan niệm rằng cái vui của mình cũng chưa phải cái vui nhất, nỗi buồn của mình cũng chưa phải cái buồn nhất, bệnh tật của mình vẫn còn thuốc, vẫn còn chữa thì đấy vẫn là hạnh phúc. Nhiều người mắc bệnh nan y mà không có thuốc chữa nhưng họ vẫn vượt lên để sống được, huống hồ gì là tôi, vậy nên tôi cứ “hồn nhiên” sống chung với “lũ”. Tôi là người lạc quan, tôi phải cảm ơn cuộc sống này vì đã cho tôi cái nghề được nói, biết tiết chế cảm xúc của mình…Ở những góc tối, tôi cũng buồn, cũng cô đơn nhưng nhờ có sự động viên vô giá đấy mà mình vẫn lạc quan, vượt lên nỗi buồn của chính mình và lại tiếp tục cống hiến”.

“Thà mình hy sinh vì sự nghiệp còn hơn là yêu một người quá rồi không bỏ được nhau, họ sẽ thiệt thòi về đường con cái. Chính vì vậy, một cái khổ mình mình chịu, kiếp sau mình sẽ đẻ thật nhiều con để bù”.

“Ông trời đã sinh ra tôi làm nghề này, tôi không oán trách và bằng lòng với những gì tôi đang có”.

“Tôi yêu sự trong sáng, sự trung thực ở trẻ em vô cùng, các em không hề biết nói dối. Vui nhất là trẻ em coi tôi là bạn thân, bạn tri kỷ để tâm sự. Chính các em đã cho tôi được trẻ mãi không già, là nghệ sĩ của tuổi thơ, mãi được sống trong thế giới trong sáng và hồn nhiên. Tuổi già đang sầm sập gõ cửa nhà tôi và chính các em đã là những người giúp tôi sống trẻ trung, sôi nổi”.

Rate this post