Lê Văn Công – Nhà vô địch của nỗ lực và lòng nhân ái
Tấm HCB quý hơn “vàng”
Đô cử Lê Văn Công thi đấu tại Paralympic Tokyo. Ảnh: TTXVN phát
Trước khi đến với Paralympic Tokyo, Lê Văn Công đã trải qua quá trình điều trị chấn thương dai dẳng ở vai trái kéo dài tới 2 năm với các tổn thương đa dạng ở vai và xương cánh tay như viêm khớp cùng đòn trái, viêm gân trên, gân dưới vai, phù tủy xương và nang xương dưới sụn chỏm xương cánh tay. Cùng với sự ảnh hưởng của chấn thương, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, việc tập luyện, thi đấu của Lê Văn Công cũng bị gián đoạn nhiều lần. 5 tuần trước khi lên đường tới Tokyo, lực sĩ 37 tuổi mới có thể bước tập luyện hàng ngày, trong đó có 4 tuần tập luyện tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) TP Hồ Chí Minh, còn 1 tuần tập luyện tại Nhật Bản.
“Thời gian tập luyện trước thềm Paralympic Tokyo với tôi cũng có rất nhiều vất vả. Chấn thương chưa hoàn toàn bình phục nên chủ yếu tập nhẹ và ít nhiều chịu ảnh hưởng của vấn đề tuổi tác. Trước đây, mình có thể thường xuyên nâng được mức 160kg nhưng thời gian qua chỉ dám nâng khoảng 130kg vì sợ chấn thương tái phát thì sẽ không thể thi đấu”, Lê Văn Công nhớ lại.
Thực tế trong cuộc thi đấu tại Paralympic Tokyo cũng cho thấy Lê Văn Công thậm chí phải xịt giảm đau trước khi bước vào cuộc so tài với 8 đối thủ khác. Việc đăng ký mức tạ trong 3 lần cử cũng được Ban huấn luyện (BHL) và Lê Văn Công điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng cơ thể. Bằng nỗ lực rất lớn về tinh thần và sự hợp lý trong tính toán về thành tích, Lê Văn Công thành công trong cả lần cử với thành tích lần lượt là 165kg, 170kg và 173kg.
Có chút tiếc nuối cho Lê Văn Công bởi anh đã nâng được mức tạ ngang bằng với lực sĩ Omar Sami HamadehQarada (Jordan) nhưng vẫn đứng thứ 2 trong xếp hạng chung cuộc, do trọng lượng cơ thể nặng hơn đối thủ đúng… 1 lạng (47,31kg so với 47,21kg). Sau 5 năm kể từ Paralympic Rio 2016, lực sĩ người Jordan vẫn chưa thể vượt qua Lê Văn Công về thành tích nhưng ở cuộc thi đấu tại Paralympic Tokyo, Qarada đã may mắn hơn. Ngoài ra, đến thời điểm hiện tại, điều đặc biệt là kỷ lục Paralympic (183kg) và kỷ lục thế giới 183,5kg mà Lê Văn Công thiết lập trước đây vẫn chưa ai có thể xô đổ.
“Rất mừng vì bản thân mình đã làm được điều gì đó ở Paralympic kỳ này, vì không chấn thương là rất nghiêm trọng. Trước giờ vào thi đấu thì có xịt thuốc giảm đau và đến giờ hết thuốc thì đau không chịu nổi”, Lê Văn Công chia sẻ qua điện thoại từ Tokyo sau cuộc thi đấu.
“Thời gian tập luyện của Lê Văn Công chỉ có 5 tuần trước khi dự Paralympic, rồi chấn thương vẫn còn ảnh hưởng và việc không đi thi đấu quốc tế trong 2 năm qua cũng tác động ít nhiều tới tâm lý. Tuy nhiên, Lê Văn Công đã thể hiện nỗ lực và tinh thần thi đấu rất tuyệt vời. Tấm huy chương của Lê Văn Công là món quà hết sức ý nghĩa, đáp lại sự cổ vũ và động viên của người hâm mộ nước nhà”, Trưởng đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam (TTNKTVN) Nguyễn Hồng Minh đánh giá.
Bất chấp nhiều khó khăn trong cuộc sống thường nhật, ảnh hưởng của chấn thương và trở ngại trong tập luyện do dịch COVID-19, thành tích Lê Văn Công giành được hết sức đáng khen ngợi. Nó tiêu biểu cho nỗ lực vượt khó, vươn lên để vượt qua nghịch cảnh của cá nhân lực sĩ người Hà Tĩnh, đồng thời, truyền cảm hứng tới những người đồng đội trong đoàn TTNKTVN không ngừng cố gắng trong các cuộc thi đấu tới đây để mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Lan tỏa yêu thương
Đô cử Lê Văn Công tại lễ trao huy chương. Ảnh: TTXVN phát
Hơn ai hết, Lê Văn Công hiểu rất rõ những trở ngại, thách thức trong cuộc sống mà những người khuyết tật, tàn tật và có hoàn cảnh khó khăn phải đối mặt. Bản thân Lê Văn Công cũng phải xoay xở làm rất nhiều nghề, để mưu sinh trong cuộc sống thường nhật khi mới 21 tuổi tại TP Hồ Chí Minh kể từ năm 2005. Anh khởi nghiệp với nghề âm thanh, ánh sáng và sửa chữa loa đài, ampli từ nhiều năm, rồi phải làm thêm cả dịch vụ môi giới bất động sản và gần đây nhất là cùng bạn bè đầu tư trồng nông sản sạch gồm rau, củ và bắp tại huyện Củ Chi.
Tuy nhiên, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, cửa hàng sửa chữa điện tử của Lê Văn Công dần vắng khách chỉ hoạt động cầm chừng, việc trồng nông sản cũng phải dừng lại vì không có người chăm sóc và việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng hết sức khó khăn khi TP Hồ Chí Minh thực hiện quy định giãn cách xã hội. Cả gia đình 4 người gồm vợ và 2 con hiện chỉ trông đợi vào khoản thu nhập từ 5-6 triệu đồng là tiền lương VĐV của Lê Văn Công.