Huyền Chip & cảm hứng A.I

1 Tám năm sau ngày ra mắt cuốn du khảo Xách ba lô lên và đi rồi hứng trọn cuộc khủng hoảng truyền thông vì “gạch đá” của cộng đồng mạng do ngờ vực nhiều chi tiết bị cho là viết sai trong sách, Nguyễn Thị Khánh Huyền (ảnh trên) – cô gái vẫn được gọi Huyền Chip đã có bước tiến xa so với những chỉ trích nhắm tới mình hồi ấy. Thi SAT, trúng tuyển vào Trường đại học uy tín Stanford, học chuyên ngành có tương lai xán lạn A.I, ra trường làm việc cho các tập đoàn lớn như NVIDIA, Netflix… rồi nghỉ việc. Và bây giờ Huyền quay về Stanford với tư cách giảng viên khóa Machine Learning Systems Design – Làm thế nào để có thể thiết kế, xây dựng và triển khai chương trình trí tuệ nhân tạo vào trong đời sống thực – một lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
 
 Từng chia sẻ: “những chuyện xảy ra trong quãng thời gian dài không phải ngẫu nhiên”, mà là “kết quả của một chuỗi rất nhiều sự kiện”, tuy nhiên lại “nằm ngoài khả năng ước lượng” của cô. Là thành viên hệ chuyên Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Thị Khánh Huyền đưa ra quyết định khiến sau này cô thú nhận, làm “bố mẹ đau tim”: bỏ thi đại học để đơn phương lên đường khám phá cuộc sống. Cuối thập niên đầu tiên thế kỷ 21, đi nước ngoài vẫn chưa trở thành chuyện thường tình của người Việt, du lịch nước ngoài vẫn mặc định dành cho giới sang chảnh tiền nhiều, Huyền Chip đúng nghĩa xách ba lô lên và đi – tạo niềm tin cho số đông rằng bất kỳ ai cũng có thể lãng du khắp mọi ngõ ngách của thế giới quá bao la rộng dài. Hành trang cô gái 18 tuổi gom góp trong tay chỉ gồm vốn tiếng Anh tự học cùng số tiền ít ỏi tích cóp được từ phần việc hướng dẫn viên du lịch. Sau chuỗi xê dịch bất tận trên các chặng đường không có điểm dừng ấy, thành quả thu về của Huyền chính là những trải nghiệm vô giá cùng hai tập Xách ba lô lên và đi kèm theo làn sóng phản đối, xỉ vả khi sách ra mắt, tưởng chừng sẽ làm cô gái trẻ gục ngã… Hồi ức lại chuỗi ngày tháng lạ lùng đó, Huyền không giấu giếm những nỗi niềm: “Đó là một giai đoạn rất khó khăn với tôi, nhưng khó khăn hơn cả là cho gia đình, cho bố mẹ tôi. Hàng xóm, gia đình biết tôi từ nhỏ nên hiểu những lời đồn đại trên mạng xã hội là hoàn toàn vô căn cứ, nhưng thiên hạ đâu phải chỉ toàn những người thân thiết với mình? Mẹ tôi đi chợ cũng bị xì xào bàn tán đến mức không dám ra ngoài, chỉ có thể ngồi nhà khóc. Em trai tôi mới bắt đầu vào cấp hai cũng đã bị bạn bè trêu chọc rất nhiều. Còn bà nội, bà ngoại nữa”.
 
 2 Bỏ lại phía sau những hiếu thắng va vấp đầu đời, Huyền Chip dần trưởng thành ổn định hơn. Đăng ký vào học ở chuyên ngành khó Trí thông minh nhân tạo, lĩnh vực lạ lẫm mà ở Việt Nam theo cô “nhiều bạn trẻ còn nghĩ là khoa học viễn tưởng”, Huyền Chip đã may mắn được tiếp cận, đứng cùng đội ngũ với những bộ óc ưu tú trong một thế giới phẳng và biến chuyển không ngừng. Tận dụng mọi cơ hội giao tiếp với các bạn trẻ Việt Nam qua các bài viết trên mạng xã hội, trên các trang báo điện tử cùng những kênh đối thoại phi truyền thống khác, Nguyễn Thị Khánh Huyền nỗ lực giới thiệu, say sưa dẫn dắt về trí thông minh nhân tạo – ngành khoa học được tiên đoán sẽ định hướng sự phát triển của nhân loại những năm tới đây. Không bị rào cản ngôn ngữ ngáng trở, bỏ ra khỏi đầu những định kiến thường có ở người ít va chạm ít tiếp xúc, 9X con nhà thuần nông đã thật sự hội nhập vào một thế giới không còn khoảng cách ngăn địa lý. Tự thú nhận mới tham gia Linkedln được hai năm nhưng trong lần bình chọn thứ sáu, Huyền Chip đã được trang mạng này đưa vào vị trí thứ năm trong top 10 người có tiếng nói nhất ở lĩnh vực Data Science & A.I (Khoa học dữ liệu và trí thông minh nhân tạo) năm 2020. Cùng trong top 10 với Huyền có rất nhiều CEO và Founder của các công ty quốc tế. Năm 2019 cô cũng được vào Top Voices. A.I – một lĩnh vực khoa học mới mẻ, tiên tiến nên hoàn toàn mở, đủ bao dung phóng khoáng để đón nhận tất cả các bộ óc thuộc mọi quốc tịch, mầu da mà tránh tối đa những xung đột kiểu ma cũ ma mới, giàu kinh nghiệm hay ít kinh nghiệm… Linkedln chưa được biết đến và chưa được sử dụng nhiều ở Việt Nam bởi đây không hẳn là trang mạng xã hội thông thường như Facebook mà chủ yếu dành cho giới chuyên nghiệp về hệ thống mạng, hội tụ những chia sẻ về nghề, chuyên môn, kinh doanh rất hữu ích… Bộc bạch về phần đời đã qua, thành công đã có, Nguyễn Thị Khánh Huyền đúc kết: “Có đam mê và dám theo đuổi đam mê đó. Chủ động tìm kiếm thông tin và cơ hội. Điên một chút cũng được, nhưng đừng làm tổn thương những người chung quanh mình”.

Huyền Chip & cảm hứng A.I -0  A.I – một lĩnh vực khoa học mới mẻ, tiên tiến. 

  Năm 2020 cùng với người dân Mỹ và toàn thế giới, Huyền Chip cũng phải nếm trải mối lo dịch bệnh. Với cô đôi khi còn là cảm giác mệt mỏi bởi thảng hoặc bệnh trầm cảm len lỏi, quay trở lại. Nhưng cô vẫn sắp đặt chu toàn cuộc sống, tươm tất cho công việc mới. Huyền Chip luôn truyền đi thông điệp, cô sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm của mình, đón nhận và chờ đợi những cuộc trò chuyện của các bạn quan tâm đến A.I, có nhu cầu tìm hiểu, học hỏi về A.I. Trau dồi suy nghĩ và hành động tích cực, hồn nhiên tìm mọi cách thẩm thấu tư duy tích cực ấy đến những người cùng lứa tuổi, cùng thế hệ mình, kể cả bày kế “tìm được người yêu qua email”. Huyền Chip hé lộ: Dịch bệnh buộc “các công ty cho phép nhân viên làm việc từ xa, tức họ bắt đầu tuyển dụng từ xa. Đây là cơ hội cho phép chúng ta tìm việc ở bất cứ đâu, không bị giới hạn địa lý”. Năm 2018 từ Stanford về Việt Nam trình làng cuốn sách Tuổi trẻ không hối tiếc, Nguyễn Thị Khánh Huyền đã trải lòng: “Nếu được quay ngược thời gian, liệu tôi có chọn con đường khác. Không. Tôi đã sống thật với bản thân. Tôi đã cháy hết mình để có một tuổi trẻ không hối tiếc”. Cô gái chớm tuổi 30 đã tận hưởng một tuổi trẻ không hối tiếc, tràn đầy đam mê sống, nhiệt huyết lao động và hăm hở cuốn giới trẻ quanh mình theo cảm hứng A.I – một lựa chọn chứa đựng thách thức của thời đại 4.0…
 

Rate this post