Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Có lẽ, trong lịch sử pháo binh Việt Nam từ cổ chí kim, chưa có một người nào có thể tự vận hành một khẩu sơn pháo 75 ly bắn hạ pháo 105 ly trong chiến trường đầy lửa đạn như anh hùng Phùng Văn Khầu đã làm được trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sáu mươi năm đã trôi qua, hình ảnh người chiến sĩ pháo binh ấy đã trở thành một dấu ấn khó quên trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử…

Phùng Văn Khầu sinh năm 1930, dân tộc Nùng, quê ở xã Đức Hùng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Bố mẹ Phùng Văn Khầu mất sớm, năm lên 8 tuổi đồng chí đã phải đi ở để kiếm ăn. Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giúp thay đổi cuộc đời của đồng chí. Khi được tuyên dương anh hùng, đồng chí là đảng viên, trung đội trưởng pháo binh thuộc Sư đoàn 351.

Anh hùng Phùng Văn Khầu .

Năm 1946, Phùng Văn Khầu tham gia hoạt động ở địa phương, khi làm liên lạc, khi làm chiến sĩ an ninh, nhiệm vụ nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc. Tháng 12 năm 1949, Phùng Văn Khầu xung phong vào bộ đội, đồng chí được biên chế vào Binh chủng Pháo binh E675 (trung đoàn 675). Ngày đầu làm quen với khẩu pháo thật khó khăn. Không biết chữ, không biết sử dụng máy ngắm, đồng chí chỉ còn cách ngắm bắn qua nòng bằng mắt thường. Ban đầu ước lượng bằng mắt, đồng chí bắn toàn trượt. Tập mãi rồi cũng quen, đồng chí ngắm qua nòng không thua gì ngắm máy. Từ đó đến năm 1954, đồng chí đã tham gia 7 chiến dịch lớn, đánh hàng chục trận. Chiến dịch nào, trận đánh nào đồng chí cũng tỏ ra dũng cảm, mưu trí, khênh pháo vận động giỏi, chuyển đạn, thao tác pháo nhanh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩu đội Phùng Văn Khẩu làm nhiệm vụ bắn phá đồi E, đồng chí chỉ huy khẩu đội bắn phá 22 quả đạn đều trúng mục tiêu, góp phần tích cực tiêu diệt sinh lực địch tại đồi này. Khi nhận nhiệm vụ chuyển sang phòng ngự, đồng chí đã cùng anh em khẩn trương, tích cực đào trận địa. Suốt 35 ngày đêm, mặc dù pháo binh địch bắn phá ác liệt, có lúc tiểu đội chỉ còn hai người, bản thân nhiều lần bị sức ép và bị thương, nhưng đồng chí vẫn luôn luôn nêu cao tinh thần ngoan cường bám trận địa, tích cực tiến công địch, chi viện đắc lực cho bộ binh chiến đấu ở các điểm cao 203, 207, 507 và đồi C. Có lần khẩu đội hết người, bản thân Phùng Văn Khầu vừa làm pháo thủ ngắm bắn, vừa quan sát mục tiêu và điểm nổ để điều chỉnh, liên tiếp bắn trúng hai khẩu pháo 105 ly và một khẩu đại liên của địch. Nhiều lúc bị sức ép ngất đi, tỉnh dậy đồng chí lại tiếp tục chiến đấu, bộ binh yêu cầu chi viện, chỉ một phát đạn đầu đồng chí đã bắn trúng mục tiêu, dập tắt hỏa điểm địch. Tính chung trong thời gian phòng ngự ở đồi E với 1 khẩu sơn pháo 75 ly, Phùng Văn Khầu đã phá hủy 5 pháo 105 ly, 6 đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu thắng lợi.

Khẩu đội pháo 75 ly của Phùng Văn Khầu bắn yểm trợ cho bộ binh tấn công tiêu diệt địch, Điện Biên Phủ, 1954.

Phùng Văn Khầu là một cán bộ gương mẫu, sâu sát đơn vị, luôn luôn chú trọng xây dựng đơn vị tiến bộ về mọi mặt, với đức tính khiêm tốn, giản dị, chân thành, đồng chí được đồng đội mến phục tin yêu. Phùng Văn Khầu đã được tặng thưởng 1 Huân Chương Chiến công hạng Nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, 7 lần được Đại đoàn và Trung đoàn khen, 2 lần là Chiến sĩ Thi đua Đại đoàn. Năm 1955, đồng chí đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Khẩu pháo 75 ly của khẩu đội Phùng Văn Khầu sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Chiến tranh đã đi qua, trở về với cuộc sống hòa bình, đồng chí Phùng Văn Khầu vẫn được người dân ca ngợi “xứng danh anh hùng” với những chiến công giữa đời thường. Năm 1986, đồng chí về nghỉ hưu, sinh sống tại Khu phố 8, phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây, tích cực tham gia vào công tác chống tiêu cực của địa phương. Là một người lính Cụ Hồ, để xứng đáng với những mất mát và hi sinh của đồng đội, đồng chí đã liên tiếp phá vỡ, làm sáng tỏ những sai trái của một số cán bộ địa phương biến chất. Nhiều lần cùng người dân đấu tranh, “phá án” để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, sự đúng đắn của luật pháp, ông đã giúp Nhà nước thu về hàng chục tỉ đồng, đòi lại sự công bằng cho người dân.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Anh hùng Phùng Văn Khầu đã để lại dấu ấn sâu sắc, giữa thời bình, đồng chí tiếp tục làm danh hiệu anh hùng thêm tỏa sáng bởi nhân cách cao đẹp của một người lính Cụ Hồ.

Chu Lộc- Phương Thảo (tổng hợp)

Nguồn:

  1. Chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Lao động, Hà Nội- 2000.
  2. Nguyễn Văn Khoan: Kể chuyện Điện Biên Phủ, Nxb Thông tin truyền thông- 2009.
  3. Âm vang Điện Biên Phủ 60 năm nhìn lại. Nxb Thời đại- 2013.
  4. Bách khoa thư mở: wikipedia.
  5. Trang web báo Sức khỏe và đời sống: suckhoedoisong.vn.

Rate this post