Phố Lý Nam Đế xưa

Trụ sở của Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhà số 4 phố Lý Nam Đế ngày nay (trước đây là nơi ở của sĩ quan cao cấp quân đội viễn chinh Pháp) với phong cách kiến trúc kết hợp Á-Âu, được kiến trúc sư người Pháp Hébrard đặt tên là “Phong cách kiến trúc Đông Dương”. Ai đi qua tòa biệt thự này đều có cảm giác tòa nhà giống như một ngôi chùa cổ kính vì những mái đao cong cong, những cửa sổ tròn cách điệu, nhưng thực ra bên trong toà nhà hiện đại, thoáng mát, có lò sưởi kiểu châu Âu, sàn gỗ lim hàng trăm năm tuổi vẫn đen bóng, những hành lang có cửa sổ tạo thành không gian thoáng đãng vừa hiện đại, vừa cổ kính. Ảnh sưu tầm.

Sự hình thành phố Lý Nam Đế xưa còn được lưu lại khá rõ ràng trong các phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (RST), Tòa Đốc lý Hà Nội (MHN) và Sở Địa chính và Nhà cửa Thành phố Hà Nội (SCDHN) lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. 

Tài liệu lưu trữ cho thấy, ngay sau khi đánh thành Hà Nội vào năm 1873, Francis Garnier đã chiếm dụng các công trình còn lại trong Hoàng thành cũ để làm nơi đóng quân. Quân đội Pháp luôn luôn gây sức ép với triều đình nhà Nguyễn để thực hiện dã tâm xâm chiếm Hà Nội. 

Ngày 6-12-1874, Pháp buộc triều đình Huế phải ký một Quy ước cho Pháp được quyền sử dụng một khu đất trên bờ sông Hồng ở phía đông – đông nam thành phố Hà Nội để lập Toà Công sứ và xây doanh trại cho binh lính.

Tiếp đó, theo Hiệp ước ký ngày 15-3-1874, Pháp được đặt tại Hà Nội một lực lượng lính bảo vệ không quá 100 người. Và ngày 28-8-1875, Pháp bắt đầu đặt Lãnh sự quán tại Hà Nội trên khu nhượng địa.

Mặc dù mãi cho đến 13 năm sau, tức là vào tháng 10-1888, Hà Nội mới chính thức trở thành “đất bảo hộ” của Pháp nhưng ngay từ tháng 8-1875, Pháp đã bắt đầu khởi công xây dựng các công trình kiên cố trên khu nhượng địa.

Trong thời gian từ 1884 đến 1886, Pháp vừa chú trọng xây dựng khu trung tâm hành chính, chính trị của thành phố Hà Nội và khu phố người Âu, vừa triệt phá các công trình trong Hoàng thành cũ để lấy chỗ xây dựng trại lính và các công trình quân sự khác. Chính trong thời gian này và tại nơi đây, Pháp đã đặt Sở Chỉ huy pháo binh của họ và dần dần cho mở rộng khu vực xung quanh để làm nhà ở cho các gia đình sĩ quan và binh lính.

Vào khoảng đầu những năm 1900, Sở Chỉ huy pháo binh đã cho mở một con đường để tiện cho binh lính và các sĩ quan ra, vào thành từ hướng đông. Con đường này thường được gọi là Đường Nhà binh (Voie Militaire). Cũng trong khoảng thời gian này, quân đội Pháp đã xây một biệt thự cho viên Tư lệnh pháo binh tên là Joffre[1] và gia đình ở. Dần dần, Đường Nhà binh đã trở thành một khu phố không phải chỉ dành riêng cho các gia đình sĩ quan và binh lính nữa mà nhiều gia đình dân thường cũng đến cư trú tại đây. Vì nằm ở phía đông của thành nên vào khoảng trước năm 1919, Đường Nhà binh được mang tên Rue de l’Est (phố Đông). Năm 1914, Thành phố Hà Nội được chia làm 8 khu (theo Nghị định số 791 của Đốc lý Hà Nội Logerot) và Rue de l’Est được xếp thứ nhất trong số 8 khu đó.

Tượng thống chế Joffre trên quảng trường cùng tên thuộc quận 7 (Paris). Ảnh sưu tầm.

Năm 1919, theo biên bản phiên họp thường kỳ của Hội đồng Thành phố ngày 27-2-1919, Rue de l’Est được đổi tên thành Rue Maréchal Joffre[2] (phố Thống chế Joffre), có thể vì lý do viên Tư lệnh pháo binh, Thống chế Joffre đã từng ở phố này.

Trên thực tế, phố Maréchal Joffre đã trở thành một con đường giao thông công cộng của Thành phố. Trước hết, nó là một con đường bao quanh thành Hà Nội, nối liền cửa Đông với với cửa Bắc thành. Ngoài ra, nó còn là một con đường nối liền khu vực phía Nam với phía Tây của Thành phố chứ không hoàn toàn dành riêng cho quân sự như trước đây. Vì thế nên trong phiên họp thường kỳ ngày 17-12-1920, Hội đồng Thành phố đã ra quyết định Thành phố sẽ phải chịu trách nhiệm trang bị lại các thiết bị chiếu sáng cho phố Maréchal Joffre.  

Cũng vì trở thành một con đường giao thông công cộng của Thành phố với lưu lượng xe cộ qua lại ngày một tăng nên lòng đường phố Maréchal Joffre ngày càng có nhiều ổ gà, thậm chí ổ voi nên vào lúc trời mưa xe cộ không thể đi qua được. Mặc dù quyền sở hữu về đất đai ở phố Maréchal Joffre thuộc về Sở Chỉ huy pháo binh song việc sửa chữa lòng đường thì lại vượt quá khả năng của Sở do kinh phí có hạn. Vì thế mà ngày 23-9-1921, Trung tá Baudouin, Phó Giám đốc Sở Chỉ huy pháo binh Trung – Bắc Kỳ đã phải gửi cho Đốc lý Hà Nội một lá thư yêu cầu Thành phố sửa chữa phố Maréchal Joffre. Lý do được Trung tá Baudouin nêu trong thư là “phố Maréchal Joffre lúc này đã trở thành một con đường giao thông có nhiều người qua lại và tất cả người dân ở phố này, dù là người nhà binh hay dân thường cũng đều phải chịu chung một mức thuế của Thành phố”[3]. 

Cuối năm 1921, Hội đồng Thành phố ra quyết định: Thành phố Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm vấn đề sửa chữa và trang bị các thiết bị chiếu sáng cho phố Maréchal Joffre. Cũng vào thời gian này, Thành phố đã đồng ý xây dựng hệ thống rãnh và sửa chữa lòng đường phố Maréchal Joffre với một hạng mục đặc biệt. Tuy nhiên, bốn năm sau đó, những quyết định đó của Thành phố vẫn chưa được thi hành. Trong khi đó thì phố Maréchal Joffre, vốn từ lâu đã trở thành một con đường giao thông công cộng của Thành phố, ngày càng có đông người qua lại và do quân đội không có đủ kinh phí để sửa chữa nên đã bị rơi vào tình trạng hư hỏng nặng.

Ngày 8-4-1925, Đại tá Docteur, Giám đốc Sở Chỉ huy pháo binh Trung-Bắc Kỳ đã gửi công văn số 916/D cho Đốc lý Hà Nội đề nghị Thành phố thực hiện quyết định năm 1921 về sửa chữa lòng đường phố Maréchal Joffre. Tiếp đó, vào tháng 5-1925, Phó Giám đốc của Sở lại tiếp tục đề nghị Thành phố thực hiện quyết định năm 1921 với điều kiện Thành phố sẽ được hưởng tất cả các quyền lợi thuộc về phố Maréchal Joffre, nhất là quyền giao thông, còn quân đội thì vẫn giữ quyền sở hữu về đất như cũ. Tuy nhiên, Hội đồng Thành phố không chấp nhận điều kiện đó mà yêu cầu quân đội phải nhượng lại miễn phí và vĩnh viễn phố Maréchal Joffre cho Thành phố. 

Tháng 8-1925, dự án nhượng lại phố Maréchal Joffre cho Thành phố  được đem ra thảo luận tại phiên họp thường kỳ của Hội đồng Thành phố. Vấn đề chính cản trở cho việc nhượng miễn phí phố Maréchal Joffre cho Thành phố là việc xây dựng vỉa hè với một khoản kinh phí rất lớn, trong khi đó số lượng nhà của các gia đình sĩ quan và binh lính pháo binh ở xung quanh phố Maréchal Joffre lại rất nhiều. Mặt khác, bức tường bao quanh được xây dựng phía trước dinh thự của viên Tư lệnh pháo binh không nằm trong tuyến phố Maréchal Joffre mà Sở Chỉ huy pháo binh không muốn xây một bức tường mới vì nếu như vậy khoảng không gian trước dinh thự của viên Tư lệnh sẽ không còn.

Theo biên bản phiên họp tháng 8-1925 của Hội đồng Thành phố, vấn đề này không phải là kém quan trọng. Vì nếu Thành phố chịu mọi phí tổn cho việc xây dựng vỉa hè và đặt các đường khung vỉa hè trong phố này thì sẽ tạo ra một tình thế trái ngược với việc nhượng lại phố Maréchal Joffre cho Thành phố.

Tóm lại, theo Hội đồng Thành phố, quân đội có thể nhượng lại cho Thành phố tất cả quyền sở hữu phố Maréchal Joffre. Các khung vỉa hè và rãnh lề đường sẽ được làm ngay sau khi có giấy chứng nhận nhượng quyền sở hữu. Khi việc xây dựng vỉa hè trong phố này được quyết định, mọi phí tổn cho việc xây dựng đối với các nhà của các gia đình binh lính sẽ do Thành phố hoàn toàn chịu trách nhiệm. Quân đội sẽ phải tuân theo những nghị định chính có liên quan đến tuyến đường phố Maréchal Joffre, trừ những điều có liên quan đến dinh thự của viên Tư lệnh pháo binh (nhà số 0.18 – 0.19), ngoài ra tuyến phố Maréchal Joffre sẽ không có gì thay đổi.

 Tuy nhiên, lòng đường của phố Maréchal Joffre lúc đó đang ở trong tình trạng vô cùng tồi tệ và mặt khác, sự chấp thuận của chính phủ về giấy chuyển nhượng chỉ có thể được can thiệp trước ít nhất là một năm nên Sở Chỉ huy pháo binh đã yêu cầu Thành phố được đóng góp một phần phí tổn là 10.000 francs cho việc rải đá lòng đường (khoảng 4 mét), một việc phải được thực hiện cuối năm 1925. Khoản tiền này chiếm khoảng một nửa phí tổn mà Thành phố dự định nâng cấp lòng đường phố Maréchal Joffre.

Cuối cùng, thoả thuận ngày 24-11-1930 về việc quân đội nhượng lại phố Maréchal Joffre cho Thành phố đã được chấp thuận bằng Sắc lệnh ngày 26-1-1934 của Tổng thống Pháp và Sắc lệnh này đã được ban hành ở Đông Dương bằng Nghị định của Toàn quyền ngày 5-4-1934.

Một năm sau khi được nhượng lại cho Thành phố, bằng Nghị định số 5070/A của Thống sứ Bắc Kỳ Tholance ngày 27-11-1935, phố Maréchal Joffre đã được quy định lại chính thức như sau: “Rue Maréchal Joffre được kéo dài từ Boulevard Carnot[4] đến Boulevard Félix Faure[5], băng qua Avenue de la République[6] và Avenue Général Bichot[7] với chiều dài là 1.103 mét, chiều rộng của lòng đường là 6 mét, chiều rộng của vỉa hè đoạn giữa Boulevard Carnot và Avenue de la République, phía đông là 3 mét, phía tây là 4 mét; đoạn giữa Avenue de la République và Avenue Général Bichot, phía đông là 3,5 mét, phía tây là 3,5 mét; đoạn giữa Avenue Général Bichot và Boulevard Félix Faure, phía đông là 4 mét, phía tây là 3 mét”[8].

  Năm 1945, theo danh sách tên phố cũ đổi sang tên mới được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng duyệt y ngày 1-12-1945, phố Maréchal Joffre được đổi thành phố Nguyễn Tri Phương[9]. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, các đường phố Hà Nội lại quay trở lại với các tên cũ do Hội đồng Thành phố đặt trong thời kỳ Pháp thuộc. Vì thế tên phố Maréchal Joffre vẫn được giữ nguyên.

Năm 1951, theo Nghị định số 138/ND ngày 28-2-1951 của Thị trưởng Thành phố Hà Nội Thẩm Hoàng Tín được Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí duyệt y, Rue Maréchal Joffre được đổi tên thành phố Lý Nam Đế, Cité Maréchal Joffre được mang tên Ngõ Hàng Hương và Cité Nam Ký được mang tên ngõ Lý Nam Đế như ngày nay[10].               

Ngày 28/02/1951, phố Maréchal Joffre chính thức đổi tên thành phố Lý Nam Đế, vị vua sáng lập nhà Tiền Lý và khai sinh nhà nước Vạn Xuân trong lịch sử Việt Nam.  

 

[1] Biệt thự này hiện nay là nhà số 17, Trụ sở của Điện ảnh Quân đội NDVN.

[2] RST, hs: 79024/01.

[3] MHN, hs: 4178.

[4] Phố Phan Đình Phùng ngày nay.

[5] Phố Trần Phú ngày nay.

[6] Đại lộ Dân Quyền nay là phố Hoàng Văn Thụ.

[7] Phố Cửa Đông ngày nay.

[8] RST, hs: 58201.

[9] Việt Nam Dân quốc công báo, 1946, tr. 288-291.

[10] SCDHN, hs: 816

Rate this post