Lý nam đế, từ lịch sử tới tâm thức dân gian – vhnt.org.vn
Xuất phát từ truyền thống yêu nước, từ đạo lý uống nước nhớ nguồn, cùng với triết lý sinh vi tướng, tử vi thần, người dân Việt Nam từ bao đời luôn tôn thờ những người anh hùng dân tộc với lòng ngưỡng mộ và biết ơn sâu sắc. Họ được nhân dân huyền thoại hóa, thần linh hóa và phụng thờ như những phúc thần, thành hoàng trong cộng đồng các làng xã. Lý Nam Đế – người anh hùng có công đánh đuổi giặc Lương, vị vua khai sinh ra triều đại Tiền Lý và lập nên nhà nước Vạn Xuân vào TK thứ VI – cũng không nằm ngoài quy luật đó. Từ nhân vật lịch sử, dưới sự tác động của quá trình dân gian hóa và sự tham gia của các vương triều thế tục, ông đã trở thành một nhân vật văn hóa tín ngưỡng, được người dân trên mọi miền đất nước ngưỡng mộ, phụng thờ.
Từ lịch sử
Lần giở lại các bộ sử và thư tịch thời trước thì thấy Lý Nam Đế được coi là một nhân vật lịch sử quan trọng, đại diện cho một thời kỳ lịch sử của dân tộc ta – thời Tiền Lý. Ông là người có công to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương và sự ra đời của nhà nước Vạn Xuân. Sử sách nước ta đều ghi nhận Lý Nam Đế “là người Việt Nam đầu tiên xưng ngôi hoàng đế, cũng là người đầu tiên xác lập rõ vị trí địa lý trung tâm đất nước để đặt kinh đô. Ông bãi bỏ lịch Trung Quốc, đúc tiền Thiên Đức cho dân tộc mình. Xưng Nam Đế đối chọi với Bắc Đế, nâng tầm vóc đất nước Việt Nam ngang tầm vóc với đất nước “thiên triều”, ông đã hiên ngang phủ nhận quyền bá chủ thiên hạ của hoàng đế phương Bắc”(1). Có thể nói, tư tưởng vạch rõ sơn hà từ thủa đầu tiên dựng nước ấy, cùng với ý chí của ông đã trở thành kim chỉ nam cho nhân dân ta trong suốt trường kỳ dựng nước và giữ nước. Cuộc khởi nghĩa của ông là bước dạo đầu cho cao trào khởi nghĩa của nhân dân ta trong thời kỳ này.
Ghi nhớ công ơn của Lý Nam Đế, sau khi ông mất, người anh Lý Thiên Bảo đăng quang kế vị, lên ngôi xưng là Đào Lang Vương tiếp tục sự nghiệp. Ngày 12-10-548, vua Lý Thiên Bảo viết chiếu chỉ truy phong Quốc vương thiên tử tiền Lý Nam Đế thánh vị, ban sắc chỉ cho phép Giang Xá nghinh sắc chỉ về thờ (giữa TK VI) và dựng bia hạ mã cổng phía tây và phía đông làng. Được nghinh sắc chỉ về thờ, dân làng sửa soạn lại ngôi sinh từ cho khang trang. Đến TK XII làm đền mới, đồng thời cho sửa đình trạm làm đình thờ thành hoàng làng. Và TK XIV đình được làm mới một lần nữa và giữ nguyên hiện trạng như đến ngày nay. Lúc đó, vua cho cử các quan về tế xuân – thu tại quán Giang (đền Giang Xá) nên còn gọi là đền quốc tế. Tuy nhiên, lệ này chỉ tồn tại đến đời vua Lê Thần Tông, vì dân làng không chịu nổi sự sách nhiễu của quân lính, nên đã làm đơn lên nhà vua để xin cho dân được tế. Mãi sau, đến vua Lê Cảnh Hưng mới có chỉ dụ cho dân tế (chỉ dụ còn lưu lại tại trung đình).
Như vậy, với việc viết sắc phong truy tặng, đích thân làm chủ tế, triều đình một mặt là tôn vinh, khẳng định công lao của Lý Nam Đế, mặt khác vô hình chung đã biến ông trở thành thần linh của triều đình ở làng quê thay mặt vua quản lý dân. Chính điều này đã có tác động mạnh mẽ tới quá trình chuyển hóa Lý Nam Đế từ nhân vật lịch sử thành nhân vật văn hóa tín ngưỡng.
…Đến tâm thức dân gian
Trong cảm quan của nhân dân, nhân vật được phụng thờ khác người thường ở sự huyền bí, thiêng liêng và thuộc về một thế giới siêu nhiên nào đó. Vì vậy, để tạo nên sự linh thiêng cho nhân vật, nhân dân đã khoác cho họ màu sắc kỳ ảo (huyền thoại hóa). Nhưng, đồng thời nhân vật đó phải mang tính xác thực, nghĩa là cộng đồng thường gán cho nhân vật một lai lịch rõ ràng, cụ thể và gắn liền với một giai đoạn lịch sử nhất định (lịch sử hóa). Mặt khác, vị thần mà dân làng tôn thờ phải là người gắn với địa phương, có vài ba nét đậm nhạt gắn với làng. Như thế thần mới là của làng mình, mới có ý nghĩa với làng (địa phương hóa). Như vậy, quá trình chuyển hóa từ nhân vật lịch sử trở thành nhân vật văn hóa tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của người dân càn chịu sự tác động của quá trình dân gian hóa với việc huyền thoại hóa, lịch sử hóa và địa phương hóa nhân vật được thờ.
Lý Nam Đế từ vị thế là một anh hùng dân tộc, với những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Lương đã được thiêng hóa trở thành nhân vật huyền thoại, vị phúc thần, thành hóang làng được phụng thờ ở nhiều làng xã. Dựa trên cái lõi là sự thật lịch sử, qua trí tưởng tượng kỳ diệu của nhân dân, hình tượng Lý Nam Đế trở nên hấp dẫn. Cuộc đời của ông được tô điểm bằng nhiều màu sắc huyền bí với những chi tiết kỳ ảo.
Truyền thuyết tại làng Giang Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội) kể lại rằng: “Lý Bí là con độc nhất trong một gia đình bố là Lý Toản (trưởng bộ lạc), mẹ là Lê Thị Oánh. Nhà ông họ Lý này vốn có lòng thành thiện từ lâu. Khi ông đã ngoài 40 tuổi, bà vợ hơn 30 tuổi vẫn chưa có con. Một hôm bà vợ nằm mơ, trong giấc mơ thấy trời đất tối tăm có 5 màu và có 2 con rồng vàng và trắng tranh nhau vầng thái dương. Bỗng nhiên một ngôi sao xuất hiện rơi vào mồm bà Oánh. Con rồng vàng chui theo vào bụng bà. Lúc tỉnh dậy bà thấy người mình khang khác và có mang. Sau 9 tháng 10 ngày đến ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi thì bà sinh được một người con trai khác với người thường…”(2).
Thần tích làng Ngọc Than ghi lại: “Ngày 11 tháng giêng năm Ất Dậu (505), bà Hoàng Thị Truyền nằm mộng thấy một người mặc áo vàng, tay cầm khí giới và một buồng cau xanh tốt đưa cho bà, tỉnh dậy bà nói lại với ông Tịnh Công, ông biết đấy là một điềm tốt lành, tới ngày 15 tháng giêng năm Bính Tuất (506) bà Hoàng Thị Truyền sinh một cậu con trai, đặt tên là Lý Bí”(3). Như vậy, ngay từ khi sinh ra Lý Bí (Lý Nam Đế sau này) đã không phải là người bình thường mà mang dòng dõi thần linh, là kết quả của một cuộc sinh nở kỳ lạ.
Không chỉ vậy, mà ngay từ thuở nhỏ ông đã là nột người khác thường, hơn người “một cậu con trai mặt rồng mắt phượng, trên lưng có 28 vì sao, giữa bụng có ghi chú 4 chữ: Nam Đế Lý Bôn, thường gọi là Bí”. Đến năm “5 tuổi hiểu được âm luật, 7-8 tuổi thông niên văn, tường địa lý, giỏi kinh sử và tài thao lược, 15 tuổi thân cao 8 thước, sức đối vạn người”(4). “Lúc thơ ấu Lý Bí nổi tiếng thần đồng, có tư cách hơn người, tướng mạo oai hùng, mặt sáng ánh sao, hai lòng bàn tay có nốt ruồi, lớn lên có tài văn võ”(5).
Đăc biêt ông có khả năng sai khiến được thần thánh: quở trách đức ông trong chùa hay trách phạt, giáng cấp long thần.Với khả năng kỳ diệu đó, nhân dân muốn khẳng định uy quyền vạn năng của Lý Bí, một người đứng cao hơn cả thần và phật.
Mặt khác, theo quan niệm của dân gian sinh vi tướng, tử vi thần, nên người anh hùng của họ khi sống là vị thiên tư lỗi lạc, có tài năng và khí phách hơn người, và khi chết hóa thân vào sông núi, vào cõi bất tử trường tồn. Cái chết của Lý Nam Đế cũng mang đầy tính thiêng liêng và chất huyền thoại. Truyền thuyết dân gian kể lại: “Ngày mồng 2 tháng 5 năm Mậu Thìn (548), khi còn ở động Khuất Lão nhà vua nằm ngủ mộng thấy ở sao Thái Dương có một điềm đen. Một ngôi sao rơi xuống trước mặt nhà vua biến thành người múa và hát rằng:
Vua ta chừ, vua ta chừ
Thang mây thiên đế gọi nhà vua
Xe rồng một buổi về thiên giới
Thế nước truyền cho Phật tử giờ
Nhà vua tỉnh lại, kể giấc mộng đó cho quần thần nghe và bỗng thấy đau rồi chết chôn tại đó…”(6). Đối chiếu với chính sử, ta dễ dàng nhận thấy có sự khác biệt. Theo sử sách ghi lại thì, ông chết vì đau yếu lại nhiễm lam sơn chướng khí ở động Khuất Lão khi trốn quân của Trần Bá Tiên. Nhưng cái chết đau đớn ấy đã được các tác giả dân gian thêu dệt, thần thánh hóa khiến cho nó trở nên nhẹ nhàng, bình thản: ngài đã hóa sau một giấc mộng. Một tiếng lòng đầy nghẹn ngào, nhưng âu cũng là tính khách quan của thời gian và quy luật nghiệt ngã của đời người. Và, trong tâm thức của nhân dân, linh hồn, khí phách người anh hùng Lý Nam Đế luôn bất diệt với non sông đất nước.
Cùng với quá trình huyền thoại hóa là quá trình lịch sử hóa. Nhân dân thường gắn cho nhân vật được thờ vào một giai đoạn lịch sử nào đó. Theo tác giả Hà Văn Tấn thì đây là “lịch sử giả”. Cộng đồng thường gắn nhân vật với một thời kỳ lịch sử xa xưa như: thời kỳ Hùng Vương, Hai Bà Trưng… và để nhân vật trở nên linh thiêng hơn thì lịch sử càng xa mờ càng tốt. Tuy nhiên, ở đây Lý Nam Đế là một nhân vật có thật trong lịch sử, đại diện cho một thời kỳ lịch sử nhất định của dân tộc ta, nên nhân dân không cần phải gán cho ông một “lịch sử giả” nào đó như những nhân vật huyền thoại khác, mà chủ yếu thiêng hóa bằng những chi tiết huyền bí xoay quanh cuộc đời và hành trạng của ông. Vì vậy, câu chuyện về cuộc đời Lý Nam Đế trở nên rất thơ, nhưng không làm mất đi những giá trị lịch sử xác thực.
Ngoài ra, ở hầu hết các làng đều có các thần tích, thần phả ghi lại cuộc đời, hành trạng của nhân vật được phụng thờ, nhằm tôn vinh công trạng và đánh giá mức độ thiêng của thần. Hơn nữa, tích về thần ở các làng bao giờ cũng có vài ba nét đậm nhạt gắn với làng. Điều đó chứng minh, thần là của làng mình. Đó là vinh dự đồng thời là chỗ dựa tinh thần cho làng.
Trở lại với vấn đề phụng thờ Lý Nam Đế, gần đây các nhà nghiên cứu đều đi đến khẳng định: quê hương gốc của Lý Nam Đế là ở ấp Thái Bình, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên, nhưng quê mà ông gắn bó hơn cả là vùng Hoài Đức (Hà Nội). Tuổi thơ ông gắn liền với ngôi chùa Linh Bảo (làng Giang Xá). Khi lớn lên chiêu binh luyện quân, vùng quê ấy cũng là nơi ông phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Lương. Hàng loạt tên đất, tên gò mang dấu ấn lịch sử từ thời Lý Nam Đế vẫn còn lại đến ngày nay. Làng Lưu Xá theo tương truyền là nơi đóng đại bản doanh của nghĩa quân Lý Nam Đế với nhiều cơ sở hoạt động: chùa Rộc, chùa Đúc, chùa Giáo. Ngoài ra, ở đây còn nhiều dấu tích: gò Khảm, gò Mộc là nơi đặt những bộ phận của xưởng công binh; gò Lương Y – để kho lương thực và trạm quân y (nay gọi là xóm Gạo); gò Yên Ngựa – buộc ngựa của các tướng lĩnh từ các nơi về họp bàn việc quân… Làng Đại Tự (xã Kim Chung) với địa hình, địa thế thuận lợi được Lý Nam Đế chọn là một trong những căn cứ địa chủ yếu để giấu quân và luyện quân. Ngày nay, tên đồng, tên đất vẫn còn mang dấu ấn lịch sử từ thời Lý Nam Đế như đồng Nội (xưa là khu nội bản doanh), gò ấn (nơi đóng dấu ấn tín của bản doanh), gò Hòn Son (nơi để nghiên bút son của ông)… Ngoài ra, trong quá trình hành quân dấu chân của Lý Nam Đế còn đi qua nhiều làng: Lý Bí đến Ngọc Than chiêu tập binh mã, cả khu vực này để giấu quân mã và ao là nơi để tắm ngựa của nhà vua. Theo thần tích, ông đã ở đây từ ngày mồng 8 đến 15-11-545…(7). Sau này, nhân dân các địa phương nơi ông đi qua đều dành một không gian thờ cúng riêng biệt cho Lý Nam Đế và suy tôn làm thành hoàng làng, hàng năm mở hội cùng các nghi lễ thờ cúng để tưởng niệm.
Tóm lại, dưới sự tác động của quá trình dân gian hóa (huyền thoại hóa, lịch sử hóa, địa phương hóa) và sự tham gia của các vương triều thế tục, Lý Nam Đế từ một nhân vật lịch sử, người anh hùng dân tộc đã trở thành vị thần trong bách thần, một thành hoàng làng với khả năng siêu phàm có thể che chở, bảo hộ cho cuộc sống của cộng đồng làng xã nơi thần ngự trị. Điều đó cho thấy tình cảm yêu mến, ngưỡng vọng của người dân dành cho người anh hùng Lý nam Đế. Mặt khác, cũng có thể thấy rằng quá trình chuyển hóa này đã đem đến cho hình tượng Lý Nam Đế một sức sống trường tồn, vĩnh cửu. Bởi lẽ trở thành một nhân vật văn hóa tín ngưỡng Lý Nam Đế luôn gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của dân chúng qua truyền thuyết, thần tích và lễ hội. Có thể nói, lễ hội chính là nơi khẳng định vị trí của Lý Nam Đế trong ký ức và niềm tin của nhân dân. Với tính chất tưởng niệm, tôn vinh người anh hùng dân tộc, lễ hội tôn thờ Lý Nam Đế với nhiều hành động nghi lễ thiêng, kèm theo tục hèm và các trò diễn giúp cho người dân ý thức về một truyền thống đấu tranh anh hùng của dân tộc. Vì thế, cuộc đời và chiến công hiển hách của Lý Nam Đế luôn được nhân dân ghi nhớ, lưu truyền qua các thế hệ trong cõi tâm linh của người dân trên mọi miền đất nước.
_______________
1. Minh Tú, Di tích Lý Nam Đế, Báo Nhân dân, số ra ngày 8-6-1986, tr.23.
2. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Dậu, 72 tuổi, thôn Giang Xá, Hoài Đức, Hà Nội.
3, 5, 7. Đỗ Thị Huyền, Di tích đình làng Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Tây), Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội, 2008, tr.20.
6. Theo lời kể của ông Trần Văn Quang, 60 tuổi ở thôn Đại Tự, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 304, tháng 10-2009
Tác giả : Nguyễn Thị Thanh Mai
Đánh giá post