Nghệ sĩ Lê Vũ Long và những cuộc dạo chơi với màn ảnh
Đẹp trai, gương mặt đậm chất xi nê cộng với lối diễn xuất thần, ngay từ khi “bén duyên” với màn ảnh cách đây hơn 20 năm, Lê Vũ Long đã luôn là cái tên mà khán giả chờ đợi. Nhưng, thi thoảng mới thấy anh xuất hiện trên màn ảnh và số lượng phim anh đóng đến nay cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Coi màn ảnh như một cuộc dạo chơi, nhưng cuộc dạo chơi nào với Lê Vũ Long cũng nghiêm túc và hết mình. Gần đây nhất, sau 5 năm vắng bóng, Lê Vũ Long đã tái xuất màn ảnh với một vai diễn trong phim truyền hình dài tập “Tình khúc bạch dương”.
“Tình khúc bạch dương” (36 tập, đạo diễn Vũ Trường Khoa) là một dự án phim đặc biệt của Hãng phim Truyền hình Việt Nam (VFC) bởi từ khi lên ý tưởng đến khi phim đóng máy mất tới 7 năm. Phim không chỉ quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng của hai miền Nam – Bắc mà còn ghi dấu sự xuất hiện trở lại của khá nhiều gương mặt diễn viên tên tuổi như Chi Bảo, Thanh Mai, Lê Vũ Long, Hoa Thúy…
Được biết, phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Tình khúc Lavanda” do các nhà văn là các cựu sinh viên khoa Nga chắp bút. Câu chuyện phim là chặng đường đời kéo dài gần 30 năm từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước tới nay. Nhân vật chính là 3 sinh viên Quyên, Vân và Hùng cùng với Quang – người mang biệt danh “Kỵ sĩ Bắc cực” – lưu học sinh tại Liên Xô (do Lê Vũ Long thủ vai). Câu chuyện tình yêu, hôn nhân của họ gắn liền với những biến thiên thời cuộc của Liên Xô, nước Nga và đời sống người Việt tại Nga.
Ngay từ buổi họp báo ra mắt phim, sự xuất hiện của nghệ sĩ Lê Vũ Long đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới. Nam diễn viên điển trai của “Xin hãy tin em” 20 năm về trước nhận được rất nhiều câu hỏi của phóng viên về việc tại sao anh lại ít xuất hiện trên màn ảnh đến như vậy, công việc, cuộc sống hiện tại của anh thế nào?…
Điều này chẳng có gì khó hiểu bởi với một nghệ sĩ đầy tố chất điện ảnh như anh, người ta nghĩ Lê Vũ Long sẽ trở thành gương mặt sáng giá của lĩnh vực này. Nhưng sau hai phim truyền hình “Khi người ta yêu”, “Xin hãy tin em” và khẳng định đẳng cấp những bộ phim truyện nhựa của những đạo diễn nổi tiếng: NSND Nguyễn Thanh Vân, NSƯT Vương Đức, đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng…
Lê Vũ Long “im thin thít và lặn mất tăm” trên màn ảnh tới cả chục năm trời. Năm 2013, anh mới gặp lại khán giả bằng vai diễn Vinh vô cùng cá tính trong phim “Hai phía chân trời”. Đây là bộ phim nói về cuộc sống của những người Việt tại các nước Đông Âu. Và rồi, lại sau tới 5 năm, Lê Vũ Long mới lại nhận lời vào vài Quang trong “Tình khúc bạch dương”, một bộ phim truyền hình có bối cảnh tại nước Nga.
Chia sẻ về những ấn tượng khi tham gia phim “Tình khúc bạch dương”, nghệ sĩ Lê Vũ Long bộc bạch: “Phim này lấy của tôi khá nhiều thời gian. Tôi mất tới nửa năm quay ở nước ngoài. Cảm xúc trong phim này vô cùng nhiều, tuy nhiên điều tôi ấn tượng nhất là được chứng kiến tình cảm thầy trò Nga – Việt vô cùng cảm động.
Nghệ sĩ Lê Vũ Long trong phim mới “Tình khúc bạch dương”.
Tôi có những cảnh quay với một cô giáo người Nga – người đã từng dạy rất nhiều sinh viên Việt Nam. Bà là một giáo sư ngôn ngữ, không phải diễn viên nhưng đoàn đã mời bà tham gia với vai một nhà giáo nên bà không phải diễn gì cả. Mặc dù là đóng phim nhưng tôi vẫn cảm nhận được tình cảm vẫn còn nguyên vẹn với học sinh Việt của bà”.
Một điều khá đặc biệt là 2 bộ phim gần đây nghệ sĩ Lê Vũ Long tham gia đều là những phim có bối cảnh ở nước ngoài. Chúng tôi hỏi vui anh rằng đây là sự tình cờ hay chủ ý của anh, là chỉ chọn những phim có yếu tố ngoại? Lê Vũ Long chân tình: “Lý do duy nhất mà tôi tham gia là vì tôi được mời và tôi thu xếp được thời gian”.
“Nhưng, một gương mặt như anh thì chắc hẳn vẫn có những đoàn làm trong nước gửi lời mời tới anh chứ?” – “Thỉnh thoảng tôi cũng nhận được lời mời tham gia phim này, phim kia nhưng có khi tôi không sắp xếp được thời gian.
Với nghệ sĩ chúng tôi đơn giản là được làm việc thôi. Với nghệ thuật, bản thân tôi không có sự phân biệt nhưng tôi muốn mỗi lần xuất hiện là được thử sức ở một dạng vai khác nhau, một nhân vật thú vị, khác với những gì từng làm. Tuy nhiên, có một thực tế là ở độ tuổi tôi bây giờ, không có nhiều vai thú vị nữa. Những vai chính, cá tính thường là những vai trẻ.
Chính vì thế, khán giả thấy tôi ít xuất hiện cũng là điều không quá khó hiểu. Dù cùng là phim có bối cảnh nước ngoài nhưng nhân vật Vinh trong “Hai phía chân trời” là mẫu đàn ông bươn chải, vật lộn với cuộc sống nhưng vẫn giữ được trái tim nhân hậu với mọi người xung quanh, còn Quang trong “Tình khúc bạch dương” lại là kiểu nhân vật nội tâm giấu kín. Trong mắt của những người xung quanh, Quang là mẫu đàn ông thành đạt tuy nhiên đời sống tình cảm lại chất chứa nhiều điều ít người biết.
Vất vả của đoàn làm phim, nhất là phim quay ở nước ngoài thì nhiều vô kể nhưng với bản thân tôi, khó khăn vẫn là đối diện với vai diễn của mình, việc hóa thân vào nhân vật, đưa cảm xúc đến người xem. Điều đó đáng coi là vất vả hơn là những chuyện thức đêm thức hôm hay làm quen với thời tiết, khí hậu bên đó ra sao”.
Báo chí, người hâm mộ cứ thắc mặc chuyện anh không mặn mà với phim ảnh nhưng Lê Vũ Long quan niệm, “chuyện một nghệ sĩ 5 – 6 năm, thậm chí cả 10 năm không đóng phim nào cũng là bình thường. Tại sao nghệ sĩ tuần nào cũng phải xuất hiện trên truyền hình?
Nghệ sĩ cần đầu tư thời gian cho công việc và điều đánh giá tài năng của nghệ sĩ ấy là tác phẩm chứ không phải tần suất xuất hiện ít hay nhiều? Tôi cho rằng, sự mặn mà của mỗi người khác nhau. Tôi chọn cách không chia sẻ nhiều trên báo chí để dành xúc cảm cho nhân vật và thời gian cho công việc. Thật sự tập trung vào công việc là ưu tiên hàng đầu của tôi”.
Ít đóng phim, nhưng chưa khi nào Lê Vũ Long rời xa nghệ thuật. Anh dành mọi thời gian, tâm sức cho nghệ thuật múa đương đại và đoàn múa “Nơi đến” mà anh thành lập năm 2002 cho những người khiếm thính. Ngoài ra, việc các quỹ văn hóa đang dần rút khỏi Việt Nam cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến chính lĩnh vực này. “Chính vì thế, cơ hội cho chúng tôi ở trong nước không nhiều.
Ba bốn năm trở lại đây, chúng tôi chủ yếu biểu diễn ở các nước châu Âu. Ở các nước này vẫn có một lượng khán giả không nhỏ quan tâm và thích thú với nghệ thuật múa đương đại” – nghệ sĩ Lê Vũ Long chân tình.
Ít nhắc lại hào quang cũ nhưng cũng kiệm lời khi nói về những dự định tương lại, dường như tất cả mọi năng lực của Lê Vũ Long đều dành cho những công việc hiện tại. Anh cho rằng ít đóng phim hay không ngồi ghế giám khảo những show truyền hình thực tế ở lĩnh vực mà anh tâm huyết như biên đạo múa… là vì không được mời. Nhưng thực tế không phải vậy. Chính Lê Vũ Long đã chủ động tạo ra một cơ chế khá nghiêm khắc với công việc của mình.
Cẩn thận, kỹ lưỡng và cầu toàn nên chỉ những nghệ sĩ hiểu anh, cùng “tạng” say mê nghiêm túc như anh mới đưa lời mời hợp tác. Và với Lê Vũ Long, đã nhận lời làm việc là hết mình, thậm chí vô điều kiện như lâu nay anh vẫn tận hiến cho nghệ thuật múa đương đại của mình.
Theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật chưa có nhiều công chúng, bươn chải, lăn lộn để được làm nghề nhưng chưa bao giờ gặp ở Lê Vũ Long thái độ kể khổ, than vãn. Không quá ảo tưởng nhưng cũng không quá bi quan, mà anh hài hước: “Đằng nào nghề múa cũng nghèo rồi, cứ làm tới cùng thôi”.
Cách đây vài năm, trong một lần trò chuyện với Lê Vũ Long, câu chuyện mà chúng tôi ấn tượng nhất về anh là dù bận đến mấy, trưa nào anh cũng tranh thủ đón con, nấu cơm cho con ăn rồi lại đưa con đến trường vì “Cháu lớn quá, nghỉ trưa bán trú ở trường sẽ không thoải mái”.
Sau mấy năm, anh bảo vẫn giữ nếp sinh hoạt ấy. Với anh, được cùng người bạn đời chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho con là hạnh phúc vì không mấy nữa mà chúng rời xa vòng tay của cha mẹ. Sống gọn gàng, nguyên tắc, mọi phá cách, sáng tạo Lê Vũ Long đều gửi gắm vào tác phẩm.
“Tôi cho rằng, nghệ sĩ cũng như bao người bình thường khác, có một cuộc sống với đầy đủ hỉ nộ ái ố, một gia đình để chăm lo, vun vén. Chính vì thế, thay vì kể lể hay trưng trổ đời sống riêng, thời gian ấy tôi dành thời gian cho công việc và những quan tâm thiết thực của mình”.