Hoàng Trinh: Ngọt ngào và tin cậy!
Nhìn Hoàng Trinh vừa xuất hiện rực rỡ trong vở “Truy tìm thủy long kiếm” (chương trình “Ngày xửa ngày xưa” của Sân khấu kịch IDECAF) và một nhân vật “quậy” của “Gươm lạc giữa rừng hoa” (cũng của sân khấu này), thật sự không ai nghĩ cô trẻ hơn số tuổi đang có đến như vậy. Hoàng Trinh từng là cô đào đẹp của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ – thường gọi là Kịch 5B (5B Võ Văn Tần, TP HCM), rồi về Sân khấu Kịch IDECAF, lộng lẫy trong những vai công chúa, hoàng hậu và những vở kịch đủ màu sắc từ tình yêu cho tới trinh thám.
Hoàng Trinh trong vở “Gươm lạc giữa rừng hoa”
Suýt làm cô giáo
Cái “lý lịch” thi đậu vào Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm TP HCM của Hoàng Trinh đã bị cô “ém” rất kỹ, cho nên khi biết được thì tôi mới giật mình. Thảo nào thấy cô cứ có cái gì đó chuẩn mực, toát ra từ vẻ mặt, giọng nói, dáng đi, dáng đứng, từ sân khấu đến sinh hoạt bên ngoài. Hoàng Trinh suỵt nhỏ: “Chị đừng nói, em mắc cỡ. Học có vài tháng thôi, rồi tự nhiên thấy mình muốn thể hiện nhiều cuộc đời, nhiều nhân vật, thế là thi vô đoàn kịch Cửu Long Giang. Có làm cô giáo bao giờ đâu!”.
Lạ thiệt, sao cái nét cô giáo cứ thấp thoáng ở Hoàng Trinh mãi? Thậm chí, khi chưa tiếp xúc, càng có cảm giác đó là một cô giáo khó tính, khó gần. Chừng nào quen rồi mới thấy cô cười nói vui vẻ suốt. Cảm giác cô có một lớp vỏ bao bọc, không phải lúc nào cũng bộc lộ nhưng khi bộc lộ thì cũng tưng bừng hoa lá.
Thập niên 1980, Đoàn Cửu Long Giang đình đám lắm. Đoàn vừa diễn vừa mở lớp đào tạo diễn viên trẻ, kết hợp với Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật (quen gọi là Trường Nam Quốc Cang) để mời các thầy cô và nghệ sĩ giỏi về dạy đủ các môn rồi cấp bằng của trường. Học xong, Hoàng Trinh lại theo tiếp khóa đào tạo của Sân khấu 5B, chung một lớp với Anh Vũ, rồi trở thành đào đẹp của sân khấu này. Hàng loạt vai của Hoàng Trinh khi ấy vẫn chưa phai mờ trong ký ức người xem, ấn tượng mạnh nhất là “Tiếng giày đêm”, “Trầu cau” và “Đèn không hắt bóng”.
Hoàng Trinh và Lê Hoàng Giang trong vở “Truy tìm thuỷ long kiếm”
Cô đào kịch sáng giá
“Trầu cau” vẽ nên cái duyên của đất Sài Gòn, người Sài Gòn, giản dị như một bài lục bát mà chảy vào tim người ta nhẹ như không. Hoàng Trinh đóng vai cô cháu ngoại mà nét thanh tân thiếu nữ làm người ta cưng hết biết.
“Đèn không hắt bóng” lại là một đại cảnh dưới bàn tay đạo diễn của Minh Hải. Một ê-kíp toàn nghệ sĩ giỏi (Tú Trinh, Tấn Thành, Ái Như, Thành Hội, Tấn Thi) đã nâng bổng cô đào trẻ lên thật hài hòa, đồng điệu. Hoàng Trinh đủ sức đi cùng họ, đủ khẳng định lòng tin trong khán giả. Cô y tá người Nhật Noriko nhân hậu và chung tình, đẹp nao lòng như những cánh anh đào rơi tan tác trong tuyết lạnh. Sàn diễn 5B một thời cũng đẹp nao lòng như thế, là tuổi thanh xuân của nhiều nghệ sĩ, trong đó có Hoàng Trinh và có cả những khán giả như tôi.
Về IDECAF, Hoàng Trinh cũng là cô đào sáng giá. Hoàng Trinh vẫn tiếp tục vị trí của mình ở mảng kịch người lớn. 28 năm làm nghề, với hơn 50 vai kịch và 180 vai phim truyền hình, những vai diễn dù nhỏ hay lớn đều được chăm chút tỉ mỉ. Ấn tượng đẹp nhất là về một Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao trong vở “Bí mật vườn Lệ Chi”, mẹ đẻ của vua Lê Thánh Tông. Bà từng bị Thần phi Nguyễn Thị Anh mưu hại, nhờ Nguyễn Trãi cứu thoát, phải sống lưu lạc một thời gian. Phong thái của Hoàng Trinh sang trọng, chuẩn mực, đúng mẫu của một mệnh phụ gia giáo. Đến “Ngàn năm tình sử” thì cô trở thành Thượng Dương hoàng hậu, cũng một mệnh phụ sang cả.
Thú vị nhất là nhân vật cô con gái bê tha trong vở “Gươm lạc giữa rừng hoa”, Hoàng Trinh đã biến hình ngoạn mục. Ăn mặc rất ngầu, trang điểm cũng rất ngầu và diễn cũng rất quậy. Bất cần đời, ăn chơi, nợ nần, về nhà uy hiếp cha mẹ. Hoàng Trinh cười rất vui: “Lâu lâu cho tôi thay đổi hình tượng chứ, cứ đóng khung thùy mị nết na hoài sao!”. Cô còn đùa: “Không ai nghĩ rằng đó là cái thật trong tôi nhưng ngoài đời không dám làm nên lên sân khấu làm cho đã?”. Và cô kết luận: “Làm nghệ sĩ thích vậy đó, được thể hiện đủ thứ mà không sợ bị ai rầy. Lại còn vui ở chỗ, diễn mệt đừ thì về nhà ngủ ngon lành, không có thời gian suy nghĩ buồn phiền gì nhiều”. Có lẽ vì vậy mà cô trẻ lâu, cứ bị (hay được) đạo diễn cho đóng cặp với mấy anh kép trẻ hơn mình gần 20 tuổi. Vậy mà lên sân khấu thấy vẫn xứng, mới hay!
Trầm lặng nhưng thích đám đông
Hoàng Trinh không ồn ào, cô chỉ nói khi cần thiết, thậm chí nói rất nhiều là đằng khác, còn lại luôn phủ bên ngoài vẻ trầm lặng. Thế nhưng, cô lại thích đám đông, thế mới lạ.
“Tôi hoàn toàn trái ngược với ông xã, anh ấy thích nơi thanh vắng, còn tôi phải có xe cộ qua lại, người người đông đúc. Thanh vắng quá thì tôi cảm giác mình bị trì xuống, không có năng lượng làm việc. Còn đám đông lại tạo sự phấn khích, mình cứ muốn làm việc nhanh nhanh, buông cái này bắt cái kia. Dù trong đám đông tôi ngồi im ru nhưng cứ thích thú nhìn họ, quan sát, thấy họ khỏe, họ vui như chính mình đang khỏe, đang vui”.
Hoàng Trinh cũng không thích bon chen. Cô chủ trương sống trong một tập thể vui vẻ yên lành là tốt nhất, tiền chỉ kiếm vừa đủ là được. Thời gian cũng đầu tư cho gia đình rất nhiều, cô đảm đang có tiếng. Cho nên, cô không hối hả chạy sô, cứ từ từ mà đi, cái gì vô tay thì làm, không thì thôi, thà sống giản dị. Một cuộc đời không quá sắc sảo, nổi bật nhưng đủ ngọt ngào và tin cậy.
Đẹp rực rỡ vai công chúa, hoàng hậu
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn khi dựng kịch rối chen với cổ tích của Sân khấu Kịch IDECAF thì Hoàng Trinh luôn làm công chúa và nàng Bạch Tuyết. Rất xinh đẹp, điệu đà, tươi tắn, tung tăng, đó là hình ảnh Hoàng Trinh trên sân khấu cổ tích. Khi Mỹ Duyên về IDECAF, vai công chúa mới nhường lại cho cô để Hoàng Trinh lên ngôi hoàng hậu. Rất nhiều bà hoàng hậu trong “Hoàng tử gấu và hạt đậu thần”, “Alibaba”, “Nàng công chúa đi lạc”… đẹp rực rỡ, sang trọng, uy nghiêm. Hay ở chỗ, giờ đã U50 nhưng vóc dáng “hoàng hậu” vẫn thon thả nên “lên đồ” là đẹp vô cùng.