KTS Ngô Viết Thụ – Một trí thức tài ba đức độ
KTS Ngô Viết Thụ (1926 – 2000)
Tuổi thơ vất vả
Ngô Viết Thụ thuộc thế hệ thứ 17 họ Ngô Viết làng Lang Xá xã Thủy Thanh thị xã Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên – Huế (làng Lang Xá có ba họ Ngô: Ngô Văn, Ngô Viết và Ngô Tá, trong đó hai họ Ngô Viết, Ngô Tá có gốc từ họ Phú Bài). Ông sinh ngày 17 tháng 9 năm 1926 trong một gia đình trí thức gia giáo. Thân phụ là cụ Ngô Viết Quang, làm giáo viên Trường Kỹ thuật Huế, cụ cũng là một nhà Nho học với kiến thức uyên thâm và từng thiết kế kiến trúc và trang trí cho một số công trình của dòng họ tại Huế. Thuở nhỏ gia đình nghèo khó, cuộc sống vất vả nhọc nhằn, Ngô Viết Thụ ở với ông ngoại, được ông kèm dạy chữ Nho, sau từng vào học thợ tiện ở ngôi trường của cha, dự định nếu đường công danh trắc trở sẽ trở về quê làm thợ cơ khí kiếm sống. Vốn có tư chất thông minh, thừa hưởng các phẩm chất của cha ông, lại lớn lên trong môi trường đó, Ngô Viết Thụ được bồi đắp thêm óc sáng tạo, am tường sâu rộng kiến thức Hán Nôm, cũng là một thợ tiện có tay nghề cao, những nhân tố đó đã giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp sau này.
Nhân duyên tiền định
Học xong trung học, năm 18 tuổi Ngô Viết Thụ thi vào trường Kiến trúc Đà Lạt thuộc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và trở thành tân sinh viên trường này. Trong thời gian ở Đà Lạt, ông đã kết hôn với bà Võ Thị Cơ, một phụ nữ phẩm hạnh, gia giáo của xứ sở sương mù. Cuộc tình của ông bà được kể như một mối lương duyên tiền định.
Số là, ngay lần đầu tiên bước chân đến Đà Lạt, đang khi còn lạ nước lạ cái, ông gặp một thiếu nữ bên đường bèn hỏi thăm, người đó chính là cô Võ Thị Cơ, cô nữ sinh con gái ông chủ hiệu buôn Vĩnh Hưng – Võ Quang Tiềm ở khu trung tâm Hòa Bình, Đà Lạt. Sau ông chủ hiệu Võ Quang Tiềm muốn tìm một sinh viên học giỏi, có đạo đức về nhà làm gia sư cho Võ Thị Cơ và các con thì chính chàng trai thư sinh nho nhã gốc Huế Ngô Viết Thụ được chọn mời về.
Ngày đó, Ngô Viết Thụ nổi tiếng là một chàng sinh viên kiến trúc học giỏi và đẹp trai. Từ công việc gia sư dạy kèm cho các anh chị em trong nhà, anh rất có cảm tình với Võ Thị Cơ. Lúc đầu anh mới chỉ xem cô như một người em, nhưng sau dần dà cảm mến tính nết na, phẩm hạnh đáng quý với trái tim nhân hậu ở cô, tình cảm giữa hai người dần dần nảy nở, ngày một phát triển sâu đậm và năm 1948 thì đi tới hôn nhân.
Vợ chồng ông chủ hiệu buôn Vĩnh Hưng vốn trọng hiểu biết hơn tiền tài lại rất quý mến chàng sinh viên Kiên trúc nghèo nhưng học giỏi, tài năng và đức độ nên đã gạt sang một bên chuyện môn đăng hộ đối, một vấn đề lớn thời bấy giờ để tổ chức đám cưới cho hai người.
Đoạt giải thưởng “Khôi nguyên La Mã”
Sau khi ông tốt nghiệp Cao đẳng Kiến trúc Đà Lạt, muốn cho con rể của mình phát huy hết năng lực bản thân, ông bà Võ Quang Tiềm tạo điều kiện để Ngô Viết Thụ sang Pháp du học. Tuy nhiên Ngô Viết Thụ tỏ ra áy náy vì gia cảnh nghèo khó của mình, bản thân lại không muốn sống dựa vào nhà vợ. Hiểu rõ điều đó, người vợ trẻ không muốn chồng bận tâm áy náy, đã xin nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ buôn bán lấy tiền cho chồng du học.
Cảm ân tình của vợ, trong thời gian học tập xa quê, ông không dám ham chơi như các bạn đồng học tại Paris mà dành hết thời gian vào việc học hành, mong có ngày gặt hái thành quả. Sau này ông kể, có nhiều buổi dạ vũ tại đại học xá, âm nhạc vang vọng, các bạn sinh viên cử các cô đầm lên gõ cửa phòng để trêu ghẹo nhưng ông vẫn lặng lẽ ngồi trong phòng miệt mài vẽ các đồ án, bên cạnh tấm hình vợ bồng con gái đầu lòng.
Tại Pháp, Ngô Viết Thụ học ở trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Thời gian đó, ông đã xuất sắc đoạt giải Paul Bigot do Viện Hàn lâm tổ chức. Năm 1955, ông bảo vệ đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư xuất sắc D.P.L.G.
Cũng năm 1955, Học viện Hội họa và Điêu khắc tổ chức “Giải thưởng lớn Rôma” thường được gọi là giải “Khôi nguyên La Mã”. Đây là giải thường có truyền thống lâu đời từ năm 1663 ở Pháp dưới thời vua Louis XIV, dành cho những tài năng trẻ trong lĩnh vực âm nhạc, hội họa, điêu khắc và kiến trúc. Vì là giải thưởng rất danh giá và lâu đời nên cuộc thi quy tụ được hàng trăm thí sinh xuất sắc nhất châu Âu. Ngô Viết Thụ được ưu tiên mời tham gia cuộc thi này. Vì trước đó ông đã đoạt giải Paul Bigot do Viện Hàn lâm tổ chức nên không cần tham gia vòng ngoài mà trực tiếp vào thi 3 vòng sau cùng. Ngô Viết Thụ đã xuất sắc vượt qua 2 vòng liền để lọt vào vòng chung kết với 10 thí sinh còn lại.
Để chuẩn bị cho bài thi của mình, Ngô Viết Thụ đã miệt mài vẽ kiến trúc công trình Ngôi thánh đường trên Địa Trung Hải. Đến lúc chỉ còn 1 tuần nữa là hết hạn thì ông mới nhận ra rằng mình đã mắc sai lầm khi chọn phương án thiết kế theo phong cách cổ điển. Thời gian rất gấp, nhưng Ngô Viết Thụ vẫn quyết định mạo hiểm bỏ luôn bản cũ mà vẽ lại toàn bộ theo phong cách hiện đại với tư duy mới đột phá. Bằng đôi tay khéo léo của người từng là thợ cơ khí, ông đã tự thiết kế một thiết bị nhỏ giúp ông một mình vẽ nhanh đồ án trên một diện tích giấy rộng trên 10 thước vuông mà chỉ mất chưa đầy 1 tuần. Đồ án tuyệt vời này đã giúp ông thành người Việt Nam đoạt giải “Khôi nguyên La Mã” với số phiếu 28/29 của Ban giám khảo. Cánh nhà báo lúc đó còn điều tra và giải thích rằng, 1 phiếu nghịch dành cho Ngô Viết Thụ là của vị giám khảo có học trò cùng tranh tài, ông ta chỉ bỏ phiếu thuận duy nhất cho học trò của mình.
Khi kết quả được công bố, bạn bè của Ngô Viết Thụ, chủ yếu là người Pháp, đã hân hoan công kênh ông lên vai trên những con phố ở Paris trong niềm vui sướng vô hạn. Cho đến bây giờ Ngô Viết Thụ vẫn là người châu Á duy nhất đoạt được giải thưởng “Khôi nguyên La Mã” này.
Ngay sau khi biết tin đoạt giải, Ngô Viết Thụ chạy ra bưu điện gửi hai điện tín về Huế cho cha mẹ và về Đà Lạt cho vợ con. Gia đình ông rất hãnh diện và nhận được nhiều lời khen tặng và chúc mừng của người thân, bạn bè và chính quyền thời đó.
Giành được giải thưởng danh giá, Ngô Viết Thụ được làm nghiên cứu về quy hoạch và kiến trúc ở cung điện Medicis tại Rome do phía Pháp tài trợ. Các triển lãm kiến trúc, quy hoạch và hội họa hàng năm của ông cùng những người đoạt giải “Khôi nguyên La Mã” đều được Tổng thống Pháp và Ý đến cắt băng khánh thành.
Không màng danh lợi
Lúc này danh tiếng của Ngô Viết Thụ đã bay xa. Rất nhiều công ty ở Pháp, Ý và châu Âu mời ông về làm việc với mức thu nhập cao. Ông cũng hoàn toàn có thể cùng vợ và gia đình đến định cư ở châu Âu. Nhưng khi Giáo sư Nguyễn Phúc Bửu Hội đến Huế thăm cha ông và nhắn lời của lãnh đạo chính quyền Sài Gòn lúc đó muốn mời ông về Việt Nam giúp đất nước, cụ Ngô Viết Quang đã viết một bài thơ, kèm theo hai trái xoài trong vườn nhà nhờ Giáo sư Bửu Hội mang giúp sang cho con trai. Nhận thơ cha, Ngô Viết Thụ hiểu ý, họa lại bằng bài thơ ‘Cá gáy hóa long’, đại ý nói mình không quên nguồn gốc và sẽ về giúp đất nước…
Năm 1960, theo lời mời của Tổng thống Ngô Đình Diệm, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã về Việt Nam làm việc. Tại Tòa Đô chính Sài Gòn ông mở triển lám các tác phẩm từng thiết kế khi ở nước ngoài cũng như sau khi về nước. Chính quyền và dư luận lúc ấy rất quan tâm đến dự án nối kết Sài Gòn với Chợ Lớn của ông bằng một khu trung tâm hành chính quốc gia mới. Rất tiếc vì lý do thời cuộc và kinh phí eo hẹp, dự án này không thực hiện được.
Thấy đây là người thực tài, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã mời ông giữ chức Bộ trưởng bộ Xây dựng trong Nội các. Bộ này vào thời ấy nắm luôn cả Xổ số Kiến thiết từng hái ra tiền. Vốn không quen với việc làm quan, Ngô Viết Thụ rất băn khoăn, đem việc này chia sẻ với vợ. Vợ ông khuyên không nên nhận vì biết ông vốn là người giỏi nghệ thuật sáng tạo chứ không phải là chính khách. Ông từ chối vị trí này, nhưng trước thịnh tình của Tổng thống, nhận làm cố vấn và sẽ mở “Văn phòng tư vấn kiến trúc và chỉnh trang lãnh thổ” cho Phủ Tổng thống. Chính vì vậy Chính quyền Sài Gòn khi đó không có Bộ Xây dựng, việc quy hoạch do Ngô Viết Thụ cùng Văn phòng của ông nghiên cứu phát triển, sau đó Tổng nha Kiến thiết nghiên cứu thực hiện.
Hội trường Thống nhất (trước 1975 là Dinh Độc Lập) do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế.
Kiến trúc sư tài ba, nghệ sỹ đa tài
Văn phòng Tư vấn kiến trúc và Chỉnh trang lãnh thổ được mở tại 104 Nguyễn Du và số 8 Nguyễn Huệ, Sài Gòn. Ngô Viết Thụ thiết kế nhiều đồ án quy hoạch có giá trị như: Dinh Độc Lập (1961-1966), Viện Đại học Huế (1961-1963), Viện Nguyên Tử Đà Lạt nay thuộc Viện Năng Lượng Nguyên Tử Việt Nam (1962-1965), Làng Đại Học Thủ Đức (1962), Công trường Mê Linh (1961), Chợ Đà Lạt, Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam ở Huế… cùng một số công trình lớn nhưng không thể xây dựng do thời cuộc. Ngoài ra ông còn thiết kế hàng chục công trình cho các tỉnh thành khác.
KTS Ngô Viết Thụ là thành viên Hội Kiến trúc sư Pháp (SADG), ông cũng là người châu Á đầu tiên trở thành Viện sĩ danh dự của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (H.F.A.I.A.) cùng với một số kiến trúc sư danh tiếng cùng thời của thế giới.
Sau năm 1975, Ngô Viết Thụ là Cố vấn của Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam, và của Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là thành viên tổ chuyên gia tư vấn kiến trúc cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Thời gian này ông có các công trình thiết kế như: Ty Thủy lợi Đắc Lắc (1976), Bệnh viện Sông Bé 500 Giường (1985), Khách sạn Century Huế (1990), phác thảo chùa Trúc Lâm Đà Lạt (sau này do một nhóm KTS Lâm Đồng tiếp tục thực hiện phần khai triển chi tiết và thi công). Trên quy mô rộng hơn, ông cộng tác trong Quy hoạch tổng mặt bằng của Hà Nội (đến năm 2000), và Quy hoạch Hải Phòng. Ông là thành viên Ban giám khảo Quốc tế trong cuộc thi Thiết kế Quy hoạch Nam Sài Gòn (1993).
Trong suốt cuộc đời sáng tạo, Dinh Độc Lập – biểu tượng của Sài Gòn lúc đó là một trong những công trình lớn đầu tiên được xây dựng mà ông tâm đắc nhất. Thiết kế Dinh Độc Lập, KTS Ngô Viết Thụ đã thể hiện quan niệm kiến trúc Việt Nam hiện đại, không sao chép các chi tiết của kiến trúc cổ điển, nhưng vẫn hài hòa và mang bản sắc văn hóa dân tộc, hoàn toàn đi theo hướng khác so với thiết kế dinh của các KTS danh tiếng cùng thời, trong đó đa số hoặc theo xu hướng kiến trúc cổ điển Pháp hoặc mang nặng ảnh hưởng kiến trúc tôn giáo và cung đình. Ngoài ra, Dinh Độc Lập cũng đánh dấu sự khởi đầu cho phong cách kiến trúc mang dấu ấn riêng của ông. Trong các tác phẩm của ông, các yếu tố mỹ thuật và kỹ thuật luôn mang tính đổi mới và sáng tạo, hơn nữa, mỗi tác phẩm đều ẩn tàng một bản sắc độc đáo và triết lý sâu sắc.
Không chỉ là một kiến trúc sư, Ngô Viết Thụ còn là một nghệ sĩ đa tài. Ông từng có các bức tranh nổi tiếng như Thần tốc, Hội chợ, Bến Thuyền, và bộ tranh Sơn hà cẩm tú. Bộ tranh này được treo trong Dinh Độc Lập, gồm có 7 bức, mỗi bức dài 2m và rộng 1m. Ông tổ chức nhiều triển lãm cá nhân về quy hoạch, kiến trúc, điêu khắc, và hội họa, trong đó có triển lãm tại Tòa Đô Chính (1960), tại Nhà Triển Lãm Công viên Tao Đàn (1963) và tại Viện Kiến Trúc Philippines ở Manila (1963), triển lãm lưu động tại Viện Smithsonian và một số thành phố khác tại châu Âu (Hàn lâm viện Pháp tại Rome và Paris 1956, 1957, 1958) và tại Mỹ (1963).
Ông cũng là một nghệ sĩ điêu khắc (tác phẩm điêu khắc kim loại đặt trước Toà Đô Chánh Sàigòn, nay không còn), sành sỏi các loại nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, đàn tranh, đàn kìm và sáo, và là một nhà thơ có tài, để lại hàng trăm bài thơ và bài viết.
Nghĩa tình trọn vẹn
Bà Võ Thị Cơ vợ ông, một phụ nữ dịu dàng, trung hậu, đảm đang, suốt cuộc đời đứng sau chăm lo coi sóc mọi chuyện gia đình, tạo điều kiện tốt nhất để chồng phát huy tài năng, lại luôn đi bên cạnh động viên, giúp đỡ ông trong những lúc khó khăn nhất. Năm 1977, trong điều kiện kinh tế khó khăn, cuộc sống vất vả nhọc nhằn của những năm sau giải phóng miền Nam, bà đã qua đời, để lại cho ông và gia đình niềm tiếc thương vô hạn. Năm đó ông mới 51 tuổi. Vì quá yêu thương vợ nên về sau bạn bè, người thân giới thiệu cho ông nhiều người khác nhưng ông vẫn quyết ở vậy không đi thêm bước nữa.
Ông bà có tám người con nhưng chỉ có một người theo nghề kiến trúc là Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Anh tốt nghiệp Tiến sĩ Quy hoạch và Kiến trúc tại Đại học Washington và bằng Thạc sĩ Quy Hoạch và Kiến Trúc ở Đại Học California tại Berkeley (Mỹ). Anh cũng là một người nổi tiếng trong giới kiến trúc Việt Nam và thế giới. Anh có định hình phong cách riêng, tuy nhiên có rất nhiều tư tưởng học tập từ cha mình.
KTS Ngô Viết Thụ qua đời ngày 9 tháng 3 năm 2000 (tức ngày 4 tháng 2 năm Canh Thìn) tại nhà riêng số 22 Trương Định, Quận 3, TP Hồ Chí Minh do tai biến mạch máu não. Ban tổ chức tang lễ khi đưa tiễn ông đã cho xe chở linh cữu dừng trước cổng Dinh Độc Lập ít phút để vong linh ông được nhìn lại lần cuối tác phẩm kiến trúc ông từng tâm đắc nhất trong số các tác phẩm ông đã thực hiện trong suốt cuộc đời sáng tạo của mình.
Ngô Văn Xuân
(Tổng hợp giới thiệu)