Nhà văn Nguyễn Thành Nhân và những dấu ấn khó phai từ trang viết
Trong mắt nhiều bạn bè, đồng nghiệp,cố nhà văn Nguyễn Thành Nhân là một người đa tài, không chỉ nổi tiếng với những trang văn giàu hiện thực cảm xúc, mà ông còn là một dịch giả, một người làm thơ với nhiều bài thơ được độc giả yêu thích.
Đã từng là một người lính, nhà văn Nguyễn Thành Nhân đã có những năm tháng khoác ba lô lên đường chiến đấu tại chiến trường K, có lẽ đấy cũng chính là môi trường giúp ông xác định được lý tưởng sống và trung thành với lý tưởng đã chọn. Đó cũng chính là những tố chất được thể hiện rõ ràng qua vai trò nhà văn cũng như vai trò dịch giả của tác giả Nguyễn Thành Nhân.
Các nhà văn đã đến tham dự buổi lễ tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Thành Nhân. Ảnh: PV
Nhà văn Lâm Hà cho rằng, Nguyễn Thành Nhân là “một người hiền trong cuộc sống”. Ông sống đúng với chức trách nhiệm vụ của một người lính trong chiến tranh, nhưng không sa vào trào lưu “tự phán, tự hối”, mà luôn tự hào về nghĩa vụ làm trai trong cuộc chiến tranh bắt buộc bảo vệ tổ quốc.
“Là người viết, Nguyễn Thành Nhân yêu tính lý tưởng của văn chương đích thực, nghĩa là tự thân tham dự vào sự kiện mà nội dung tác phẩm do mình thể hiện. Từ “Mùa xa nhà” cho đến “Nhà văn già và em mọi nhỏ”, đều là những câu chuyện sống của chính tác giả tại từng thời điểm, ở mỗi địa phương. Tiếc thay, phần đời tác phẩm văn xuôi của anh lại ngắn ngủi với một tiểu thuyết, một tập truyện ngắn, một tập tản văn…
Đại diện gia đình nhà văn Nguyễn Thành Nhân nhận hoa và bìa tập sách Mùa xa nhà. Ảnh: PV
Là người dịch, Nguyễn Thành Nhân yêu tính lý tưởng của ngôn ngữ. Anh luôn cho rằng mỗi ngôn ngữ đều có sự vẹn toàn lý tưởng của nó và bản dịch một tác phẩm chỉ là một chiếc áo mới được khoác lên cho nguyên tác là một nguyên hàm nội dung cùng chủ đề tư tưởng tác phẩm. Khi dịch tác phẩm, Nhân tỏ bày sự đam mê nghệ thuật của một nhà thiết kế thời trang khi chăm chút từng từ sao cho hợp ngữ cảnh và phong cách văn của tác giả nguyên tác”, tác giả Lâm Hà nhận xét.
Với nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM, “Nguyễn Thành Nhân là một đồng nghiệp có một trí tuệ đặc biệt, không chỉ Nhân là một cộng tác viên khiêm nhường lặng lẽ của Nhà xuất bản Văn nghệ, nơi tôi từng làm việc, mà chính là nhân cách sáng tạo, nhân cách văn chương của Nhân.
Trước khi đọc “Mùa xa nhà”, tôi đọc một số truyện ngắn của Nhân, truyện nào Nhân cũng day dứt về cái sự “thành nhân” của con người. Rồi đến “Mùa xa nhà”, mùa chinh chiến, mùa không mùa và cũng là mùa không thể kết thúc dù chiến tranh có khép lại”.
Nguyễn Thành Nhân, một cựu chiến binh, người đã hóa thân thành những nhân vật nhân vật người lính trong tiểu thuyết “Mùa xa nhà” (đã in lần thứ năm), dù có thoát khỏi chiến trường K, vẫn không thể thoát khỏi những dư chấn tâm lý từ sự giết chóc man rợ của một cuộc chiến diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử loài người.
Đại diện gia đình nhà văn nói lời cảm ơn với ban tổ chức. Ảnh: PV
Trở về từ chiến trường K, kể từ đó, như những nhân vật của “Mùa xa nhà”, dường như Nhân không thể sống được một cuộc sống bình thường. Trái tim Nhân, tâm hồn nhân chừng như vỡ vụn. Thế mà, Nhân vẫn kiên trì, vẫn nỗi lực, vẫn cố vá víu những rách nát tổn thương, để có thể được sống một cuộc sống bình thường.
Sống một cuộc sống bình thường, là được sống giữa yêu thương, là có một việc làm để sinh nhai và tìm một thế giới riêng để suy tư và cũng để vừa đồng hành, vừa xoay trở, vừa cựa quậy và cũng vừa chống chọi, thường khi là để chống chọi với sự giằng xé của chính mình. Và trong cái thế giới riêng tư đó, ít nhiều, Nhân cũng đã tìm thấy hạnh phúc, đặc biệt là hạnh phúc với con chữ”, nhà văn Bích Ngân chia sẻ.
Những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thành Nhân. Ảnh: PV
Thay mặt Hội nhà văn TP.HCM, nhà văn Trầm Hương cũng đã trao cho đại diện gia đình cố nhà văn bìa sách in đóng khung tác phẩm Mùa xa nhà để làm kỷ niệm. Đây là tập tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Thành Nhân được nhiều bạn đọc biết đến.
Nhà văn Nguyễn Thành Nhân (1964-2020) quê quán TP.HCM, vào năm 1984 ông tham gia nghĩa vụ quân sự tại chiến trường Campuchia. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh trở về anh tiếp tục theo đuổi việc học Đại học Luật và tốt nghiệp năm 1994.
Ông sáng tác đa dạng ở nhiều thể loại, với nhiều tác phẩm như: Bán trâu, Lục bình, Xa vắng… (truyện ngắn), hai tập thơ Lá cỏ, Vũ điệu buồn của chữ (tiểu luận). Đặc biệt, ở tiểu thuyết Mùa xa nhà, được xem như là đỉnh cao sáng tác của ônng. Tác phẩm là dòng hồi ức về những năm tháng trên chiến trường Campuchia. Vào năm 2012, ông trở thành hội viên của Hội Nhà văn TP.HCM.
Ngoài sáng tác, Nguyễn Thành Nhân còn là dịch giả của hơn 30 đầu sách. Đặc biệt, trong gia tài dịch thuật của nhà văn Nguyễn Thành Nhân, tác phẩm của nữ nhà văn Anh Virginia Woolf giữ khá nhiều với 5 đầu sách. Ngoài Căn phòng của Jacob còn có Tới ngọn hải đăng, Orlando, Ba đồng ghi-nê và Bà Dalloway.