Hành trình tự học của tác giả Rosie Nguyễn
Sau thành công của “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”, Rosie Nguyễn lên đường du học. Cô nhìn lại quá trình học tập của mình trong cuốn “Trên hành trình tự học”.
Rosie Nguyễn là tác giả được nhiều bạn trẻ yêu thích. Cho đến cuối năm 2020, riêng cuốn Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu của cô đã bán ra thị trường 350.000 bản. Các sách khác của nữ tác giả như Ta balô trên đất Á, Mình nói gì khi nói về hạnh phúc? đều có con số phát hành ấn tượng.
Hiện, cô theo học thạc sĩ nghiên cứu ngành truyền thông báo chí tại Đại học Wisconsin, Mỹ. Chủ đề tự học là niềm hứng thú của Rosie.
Ngay từ Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Rosie Nguyễn đã nhắc về việc tự học. Nhưng cho đến nay, những suy ngẫm về hành trình tự giáo dục mới được cô chắt lọc, trở thành chủ đề bao trùm cuốn sách Trên hành trình tự học.
“Xấu hổ với các bậc tiền bối, tôi bước vào hành trình tự học”
Trong buổi giao lưu qua mạng cùng bạn đọc tối 14/8, tác giả Rosie Nguyễn chia sẻ về nguồn cảm hứng khiến cô bắt đầu hành trình tự học. Điểm khởi đầu của hành trình ấy bắt nguồn từ khoảng thời gian mà cô cho là khó khăn, lạc lối của tuổi trẻ.
Ra trường, Rosie Nguyễn có việc làm văn phòng trong một khu công nghiệp. Hàng ngày, cô dậy từ 5h sáng, chuẩn bị rồi lên xe bus đi làm, 19h mới về. Rosie bắt đầu cuộc sống của người trưởng thành, không thể tránh khỏi vòng xoáy cơm áo gạo tiền.
Sau một thời gian như vậy, cô thấy cuộc sống của mình bị bó hẹp trong bốn bức tường văn phòng và bốn bức tường ngôi nhà mình ở. Một đồng nghiệp hơn tuổi đã nói với Rosie Nguyễn về cuộc sống: Ra trường đi làm, tiết kiệm tiền, mua chung cư, cưới chồng, sinh con, ổn định cuộc sống.
“Khi nghe chị đồng nghiệp nói vậy, tôi thấy không thỏa mãn, tự nhủ cuộc sống này chỉ lặp đi lặp lại như vậy thôi sao?”, Rosie Nguyễn kể.
Tác giả Rosie Nguyễn. Ảnh: FBNV.
Có những người làm một công việc trong 10-20 năm vẫn hạnh phúc, nhưng Rosie Nguyễn không phải như vậy. Cô thấy nếu lặp đi lặp lại một việc làm, một vòng ổn định, bản thân sẽ già đi mà không lớn lên. Cô nhìn xung quanh, thấy nhiều bạn học xong đi làm thì vứt hết sách vở để lao vào kiếm tiền và vòng quay cuộc sống.
“Tùy bản thân, mỗi người có những mục đích khác nhau. Tôi không muốn quay cuồng để tìm kiếm tiền. Tôi thấy mình phải tìm một lối thoát khác, kiếm tìm những điều mà bản thân mình cho là hạnh phúc”, Rosie Nguyễn kể lại.
Cô bắt đầu đọc lại những cuốn sách như Tôi tự học (Thu Giang Nguyễn Duy Cần), Tự học – Một nhu cầu thời đại (Nguyễn Hiến Lê), các sách học làm người của Hoàng Xuân Việt…
Đọc sách của các học giả, Rosie Nguyễn nhận thấy bậc tiền bối ít có điều kiện học tập như mình, không có Internet, thiếu công cụ tra cứu, nhưng kiến thức của họ đầy đặn, thông kim bác cổ, hiểu Đông, Tây.
“Nhìn lại tôi xấu hổ vì mình không biết bên ngoài, không hiểu rõ nơi mình sinh ra, văn hóa nước mình. Lúc đó, tôi mới bước vào hành trình tự học”, nữ tác giả tâm sự.
Khuyến học – cuốn sách gối đầu giường của người Nhật một thời – cũng là sách gối đầu giường trong hành trình tự học của Rosie. Trong cuốn sách ấy, Rosie tâm đắc với luận điểm của tác giả Fukuzawa Yukichi, đại ý Nhật Bản khi ấy có nhiều kiểu thanh niên. Trong đó, thanh niên đi làm kiếm tiền, lấy vợ, xây tổ ấm được nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng nếu chỉ như vậy thì đến con sâu, cái kiến cũng tự kiếm ăn, tự xây tổ của mình. Tác giả khuyến khích mỗi người tự vươn lên, hướng tới cái cao đẹp trong mình.
Đó là một trong những động lực để Rosie Nguyễn bước vào hành trình tự học, tự giáo dục để phát triển bản thân.
Hành trình đó biến Rosie Nguyễn từ nhân viên văn phòng sang tác giả sách, rồi làm công việc phát triển thanh niên, giờ đây là tự học, và nghiên cứu.
Không thể biết tương lai hành trình này sẽ đưa Rosie đến đâu, làm nghề gì, cô luôn tin khi có kỹ năng tự học tốt, có thể sống được cuộc đời mình mơ ước.
Vươn tới điều đẹp đẽ bên trong mình
Trên hành trình tự học không phải là cẩm nang về tự học. Nó không có chỉ dẫn, các bước 1, 2, 3, 4 để tự học. Sách là những chiêm nghiệm, phản tư của Rosie Nguyễn về cốt lõi của tự giáo dục.
“Tôi viết quyển sách này muốn mở ra một không gian, diễn đàn, một khu vườn nhỏ để người thích tự học thì cùng nhau bàn luận”, tác giả nói.
Cuốn sách có cấu trúc bốn phần: Học để biết, Học để làm, Học để chuyển mình, Học để chung sống. Mỗi phần đều được viết dựa trên kinh nghiệm của tác giả và từ những câu chuyện của những người bạn mà tác giả có dịp gặp gỡ, chia sẻ.
Bìa sách Trên hành trình tự học. Ảnh: Nhã Nam.
Rosie Nguyễn cũng bàn về các khía cạnh khác nhau của sự học: Cách học trực tuyến, học từ trường, từ gia đình…
Tác giả cùng đưa ra nhận định tổng quan về giá trị chung của việc học.
Trong thời gian viết cuốn sách, Rosie nguyễn tìm hiểu và tâm đắc với triết lý “Giáo dục toàn diện”.
Triết lý Giáo dục toàn diện cho rằng mỗi người có thể tìm thấy căn tính bản thân mình thông qua kết nối: Kết nối với bản thân mình, kết nối với cộng đồng xung quanh mình, kết nối với thế giới tự nhiên, kết nối với các giá trị nhân văn (như lòng trắc ẩn, tình yêu thương, tri thức)…
Triết lý giáo dục này hướng tới niềm say mê với cuộc sống, tri thức và học hỏi. Mục đích của nó là trở thành những gì mà một con người mong muốn trở thành, phát triển sức khỏe, cảm xúc, sáng tạo…
Triết lý này giúp cho mỗi người tự khai sáng bản thân mình, thấy được ánh sáng, niềm tin, cảm nhận được sự kết nối giữa mình với mình, mình với thế giới bên ngoài, vươn tới khao khát cao cả của con người.
“Tự học cho ta công cụ để vươn tới phần người đẹp đẽ bên trong mình. Viết cuốn sách này là một phần trải nghiệm đó. Tôi cảm thấy mình đã có được niềm vui, một phần quả ngọt của hành trình tự học đó”, Rosie Nguyễn thổ lộ.
Qua cuốn sách, Rosie Nguyễn gửi gắm thông điệp về học tập suốt đời, xem cuộc sống là trường học vĩ đại, nơi mỗi trải nghiệm là một cơ hội học hỏi để không ngừng lớn lên, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Tác giả nói: “Khi viết cuốn sách này, tôi vẫn là một người đang trong hành trình tự học. Có những lúc tôi thấy mình mất động lực, học chưa đủ, làm chưa đủ… đó đều là phần tự nhiên của quá trình tự học mà thôi”.