Hồ Quý Ly và di sản thành nhà Hồ

Hồ Quý Ly là một nhân vật lịch sử mà cho đến nay vẫn còn rất nhiều tranh cãi. 

Thế nhưng, có một điều không thể phủ nhận, đó là vào giai đoạn cuối nhà Trần suy vi, đất nước lầm than, thì việc Hồ Quý Ly phế nhà Trần là không thể tránh khỏi. Chính vì thế, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng việc nhà Hồ thay nhà Trần cũng là một tất yếu của lịch sử.        

Nhà Hồ trong lịch sử chỉ kéo dài 7 năm từ năm 1400 đến năm 1407 nhưng Hồ Quý Ly đã nắm chính quyền trước đó rất lâu. Vậy nên công cuộc chấn hưng đất nước và điều hành chính sự của ông đã kéo dài tới 35 năm.

Hồ Quý Ly đã từng bước tiến hành một cuộc cải cách rộng lớn trên mọi mặt, đặc biệt là việc đưa tiền giấy vào lưu hành lần đầu tiên ở nước ta vào năm 1396 thay thế cho tiền kim loại vẫn sử dụng trước đó. Có thể nói sự cải tiến này của Hồ Quý Ly là một bước tiến vĩ đại có tầm nhìn xa trông rộng.

Là một người có tài và nhiều hoài bão, sau khi lên ngôi, Hồ Quý Ly đã đổi quốc hiệu thành Đại Ngu, thể hiện ước vọng về một giang sơn bình yên và rộng lớn.

Dưới thời của ông, nước ta đã có nhiều thành tựu khoa học, kỹ thuật, phát minh súng thần cơ, thuyền chiến hai tầng, hệ thống thủy lợi quy củ. Đặc biệt ở thời này, nhiều công trình kiến trúc xây dựng độc đáo bậc nhất đã được hoàn thành như đàn tế Nam Giao, cung Bảo Thanh. Tiêu biểu phải kể đến thành Tây Đô hay còn gọi là thành nhà Hồ, đây là nơi định đô của Hồ Quý Ly sau khi lên ngôi.

Chị Triệu Thị Hương, hướng dẫn viên khu di tích thành nhà Hồ cho biết: thành nhà Hồ được chia thành 3 vòng, phía ngoài là La Thành, phía trong là Hào Thành và trong cùng là Hoàng Thành.  

Di sản  thành nhà Hồ, dấu ấn văn hóa nổi bật gắn với tên tuổi Hồ Quý LyDi sản  thành nhà Hồ, dấu ấn văn hóa nổi bật gắn với tên tuổi Hồ Quý Ly

Dù thành nhà Hồ được xây dựng trong yêu cầu bảo vệ đất nước nhưng có thể nói, đây là một kiệt tác nghệ thuật trong xây dựng công trình bằng đá. Những phiến đá nặng 10 đến 20 tấn được nâng lên cao ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có một chất kết dính. Theo nhà sử học lê Văn Lan, chính điều này đã làm nên giá trị của thành nhà Hồ.

Thành nhà Hồ không chỉ được xây dựng và gắn chặt với một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc mà còn là một dấu ấn văn hóa nổi bật gắn với tên tuổi của Hồ Quý Ly.

Theo PGS.TS Sử học Nguyễn Đức Nhuệ thì dẫu triều đại nhà Hồ tồn tại không lâu dài nhưng những cải cách, dấu ấn của Hồ Quý Ly luôn được sử sách đánh giá cao.

Theo sử sách ghi lại, Hồ Quý Ly có những chính sách vô cùng tiến bộ nhưng ông lại không có khả năng đoàn kết, không được lòng dân nên ông đã không thành công. Tuy nhiên, ngày nay sự tồn tại của thành nhà Hồ đã trở thành di sản quý giá của nước ta. Công trình độc đáo này đã thể hiện sự phát triển mới trong phong cách kiến trúc và kỹ thuật xây dựng, chứng minh được quyết tâm của nhà Hồ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

       

Rate this post