Mãi khắc ghi công ơn Đức Thánh Trần Hưng Đạo
Tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn tại Công trường Mê Linh ở trung tâm Quận 1. Tượng đài xây trước năm 1975 bằng bê tông cốt thép, được thiết kế theo hình tượng lưu truyền trong sử sách, tướng quân ra trận chỉ tay xuống dòng sông. Tượng đài đã trở thành một hình ảnh quen thuộc của người dân TPHCM những năm qua – Ảnh: VGP
Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (nhân dân gọi vắn tắt là “Trần Hưng Đạo”) là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam – Người có công lao to lớn trong ba lần chỉ huy quân đội Đại Việt đánh tan các cuộc xâm lược của Nguyên-Mông thế kỷ XIII.
Không chỉ tài giỏi về nghệ thuật quân sự gắn liền với trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử – trận Bạch Đằng Giang, Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn còn là nhà chiến lược quân sự – chính trị xuất sắc, nắm “thiên thời” cho việc dụng binh, hiểu “địa lợi” cho lập thế trận, giữ “nhân hòa” thu phục ba quân, đoàn kết anh em, hiếu tình thân tộc. Luận công ba lần đánh đuổi giặc nước, triều Trần phong tước Hưng Đạo đại vương cho Quốc công tiết chế (tháng Tư năm Kỷ Sửu, 1289). Ông để lại di sản về tư tưởng và nghệ thuật quân sự với Binh thư yếu lược và Hịch tướng sĩ cùng lời khuyên vua Trần Anh Tông cho sự nghiệp lâu dài của đất nước “Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”.
Sau hơn 3 năm kể từ ngày di dời về Đền thờ Trần Hưng Đạo trên đường Võ Thị Sáu, ngày 17/3 vừa qua, lư hương đã được đưa về lại trước tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo ở Công trường Mê Linh – Ảnh: VGP
Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn còn khéo dụng người. Trong và sau chiến tranh đã tiến cử nhiều người tài giỏi (trong và ngoài gia thần) như Dã tượng, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực… giúp nước, xây dựng triều chính. Trong 10 năm cuối đời, không sử dụng đặc quyền phong tước hiệu cho ai, ông lui về Vạn Kiếp để viết Vạn Kiếp tông bí truyền thư.
Ông được kính trọng, tôn vinh và lập đền thờ khi còn sống. Hàng trăm năm nay Nhân dân mọi miền đất nước tôn vinh phong tặng vị tướng, anh hùng dân tộc kiệt xuất ấy là “Đức Thánh Trần”… Đền thờ ông được lập ở nhiều nơi (thống kê sơ bộ cả nước có khoảng 30 đền thờ Đức Thánh Trần được xếp hạng).
Tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn tại xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa (Khánh Hòa) – Ảnh: VGP/Hà Minh Hồng
Không chỉ thờ trong đền, đất nước thời hiện đại còn dựng nhiều tượng đài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn ở các địa phương. Tượng đài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn ở Quảng trường 3/2 thành phố Nam Định từ lâu đã là nơi người dân đến tưởng niệm vào những ngày có sự kiện lịch sử hoặc ngày giỗ, ngày sinh, ngày mất của vị anh hùng dân tộc này; đồng thời là nơi tôn thờ và cầu nguyện Đức Thánh Trần.
Tượng đài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn được xây dựng ở đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa), trên đồi Hải Minh (Quy Nhơn, Bình Định), công viên Trần Hưng Đạo (thành phố Vũng Tàu), công viên Bạch Đằng (thành phố Nha Trang), Công trường Mê Linh (Q.1, Thành phố Hồ Chí Minh)…
Đâu đâu cũng thấy Hưng Đại đại vương trong y phục võ tướng, một tay tì lên đốc kiếm, một tay chỉ xuống sông giữ trọn lời thề quyết phá giặc Nguyên, hoặc tay cầm bản Hịch tướng sĩ khi cùng ba quân “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Ở đâu cũng thấy vị danh tướng thời Trần vẫn luôn đồng hành cùng quân dân biên giới, hải đảo trấn giữ bờ cõi, biên cương.
Nhân việc Thành phố Hồ Chí Minh cung thỉnh lư hương trở lại dưới chân tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo (ngày 17/3/2022), thiết nghĩ hơn nửa thế kỷ đã chỉnh trang được phần nền, đáp ứng được tâm nguyện của Nhân dân tôn thờ Anh hùng dân tộc. Nay còn phần tượng nữa, cần sửa lễ xin ý Ngài cho tôn tạo bằng chất liệu đá hoặc đồng để bền vững hơn nữa với thời gian, ghi đẩy đủ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn để khắc ghi mãi công ơn vị Anh hùng dân tộc.
Hà Minh Hồng