Cuộc đời sóng gió, truân chuyên của Lý Chiêu Hoàng
Lý Chiêu Hoàng là con gái thứ của vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Bà cũng là vị Hoàng đế thứ 9 và cuối cùng của triều đại nhà Lý (1010 – 1225). Ngay từ khi còn nhỏ, Lý Chiêu Hoàng đã bị cuốn vào cuộc tranh đấu vương quyền giữa hai triều Lý – Trần, để rồi cả quãng đời về sau bà phải chịu lắm nỗi truân chuyên.
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, Lý Chiêu Hoàng lên ngôi Hoàng Đế vào tháng 10 năm 1224, khi ấy bà mới 6 tuổi, niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Do tuổi còn quá nhỏ nên việc triều chính do Thái hậu Trần Thị Dung điều hành. Khi đó, Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ (anh họ của Thái hậu Trần Thị Dung) – người nắm quyền lực lớn nhất trong triều đình thời bấy giờ đã sắp xếp một người cháu họ là Trần Cảnh, 8 tuổi, đưa vào cung làm Chánh thủ, có nhiệm vụ hầu hạ Lý Chiêu Hoàng.
Có bạn chơi cùng, Lý Chiêu Hoàng rất thích Trần Cảnh nên hay trêu đùa với nhau. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Một hôm, Cảnh lúc ấy 8 tuổi phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng thấy thế làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng trên bóng.
Có một hôm, Cảnh bưng nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh…”.
Thấy cả hai có vẻ quấn quýt, Trần Thủ Độ bàn với chị họ là Thái hậu Trần Thị Dung thực hiện cuộc “đảo chính cung đình” với việc làm táo bạo bằng cách đem hết gia thuộc thân thích vào trong cung cấm.
Sau đó Trần Thủ Độ sai quân lính của mình đóng chặt cửa thành và các cửa cung, cử người coi giữ nghiêm ngặt, các quan xin vào chầu vua nhưng không được chấp thuận.
Khi hoàng cung đã bị phong tỏa, triều thần nhà Lý không ai có phản ứng gì vì họ Trần giữ Nữ hoàng và Thái hậu khác nào có con tin ở trong tay thì ai dám manh động. Tiếp đó Trần Thủ Độ liền cho loan báo rằng: “Bệ hạ đã có chồng rồi”. Như vậy là Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh đã nên duyên vợ chồng.
Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh dưới sự sắp đặt của Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ
Tháng 11 năm 1225, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Sau đó 1 tháng, bà trao hoàng bào cho chồng ở điện Thiên An. Triều đại nhà Lý tồn tại 216 năm chính thức chấm dứt. Sau đó Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế, tự xưng Thiện Hoàng. Sử sách gọi ông là Trần Thái Tông. Lý Chiêu Hoàng được phong làm Hoàng hậu, đổi hiệu là Chiêu Thánh. Bà cũng là Hoàng hậu trẻ nhất trong lịch sử khi chỉ mới 7 tuổi.
Lý Chiêu Hoàng cùng Trần Cảnh sống chung với nhau 10 năm, tình cảm rất sâu sắc và tôn trọng đối phương. Thế nhưng số phận của Lý Chiêu Hoàng không tránh khỏi những bi kịch. Năm 1233, bà sinh Thái tử Trần Trịnh nhưng không lâu sau khi sinh, Thái tử qua đời. Điều này để lại một nỗi đau lớn trong lòng khiến bà ốm đau liên miên. Vì vậy mà những năm tiếp theo bà vẫn không thể sinh con. Lo sợ chuyện này ảnh hưởng đến sự vững vàng của ngôi vua, Trần Thủ Độ ép vua truất ngôi Hoàng hậu của bà và lập Thuận Thiên công chúa (là chị gái của Lý Chiêu Hoàng và cũng vợ của anh trai vua Trần Thái Tông) đang mang thai 3 tháng lên thay. Lúc này, Thuận Thiên Công chúa được phong làm Hoàng hậu. Lý Chiêu Hoàng bị giáng xuống làm Chiêu Thánh Công chúa. Quá đau buồn, bà đã xin rời cung để xuất gia.
Năm 1258, quân Nguyên Mông xâm lược, vua Trần Thái Tông được một vị tướng tên Lê Tần hộ giá cứu sống, một mình một ngựa lấy ván gỗ che cho vua khỏi trúng tên của giặc. Ghi nhận công lao, vua không chỉ phong tước cho Lê Tần là Ngự sử đại phu mà còn gả vợ cũ của mình là Lý Chiêu Hoàng cho ông. Lúc đó, Lý Chiêu Hoàng đã 40 tuổi. Sống với Lê Tần, bà sinh được 2 người con. Sau này, con trai Lê Tông của bà, khi trưởng thành được phong tước Thượng vị hầu. Con gái là Ứng Thụy công chúa Lê Ngọc Khuê.
Theo ông Nguyễn Đức Thìn, nhà nghiên cứu sử làng quê và các di tích trên đất vua Lý, cuộc hôn nhân tuy gượng ép nhưng lại giúp cho Lý Chiêu Thánh được hưởng sự yêu thương, hạnh phúc.
Lý Chiêu Hoàng được gả cho Lê Tần tức Thủ lĩnh Lê Phụ Trần
Tuy là vua chính thức của vương triều nhà Lý – vương triều rực rỡ của nước Đại Việt, đặt nền móng cho sự thịnh trị của các triều đại sau này – nhưng Lý Chiêu Hoàng lại phải chịu lắm nỗi truân chuyên. Nhà Lý có 9 vị vua nhưng chỉ có 8 vị trước bà (từ Lý Thái Tổ tới Lý Huệ Tông) được thờ tại Đền Đô, riêng bà lại thờ tại Đền Rồng. Một số nhà nghiên cứu từng cho rằng vì Lý Chiêu Hoàng đã để mất ngôi nhà Lý nên bị coi là mang tội với dòng họ, không được thừa nhận và phải thờ riêng. Thế nhưng, ông Nguyễn Đức Thìn, nhà nghiên cứu sử làng quê và các di tích trên đất vua Lý cho rằng, sự chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần khi ấy là sự chuyển giao mang tính tất yếu của lịch sử:
“Việc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh là việc nên làm vì nhà Lý đã suy yếu, nhà Trần lên thay là phải đạo trời, để kịp thời củng cố một đại việt cường thịnh cho thiên hạ thái bình và để đủ sức mạnh 3 lần đánh thắng quân xâm lược nguyên mông, bảo vệ vững chắc non sông Đại Việt. Còn nếu cứ để Lý Chiêu Hoàng ở ngai vàng kéo dài như thế đất nước suy yếu khéo dài, bà lại có lỗi với nước với dân. Cho nên việc nhường ngôi cho chồng là rất tích cực đối với một công dân của nước Đại Việt, chưa nói đến người đã từng ở ngai vàng hoàng đế”, ông Nguyễn Đức Thìn nhận định.
Tháng 3/1278, Lý Chiêu Hoàng qua đời, lúc ấy bà 60 tuổi. Tương truyền, bà về thăm quê Cổ Pháp (Bắc Ninh) thì qua đời tại đó, tóc bà vẫn đen nhánh, môi vẫn đỏ như son, má vẫn tươi như hoa đào. Bà được an táng ở bìa rừng Báng, phía tây Thọ Lăng Thiên Đức. Bà được người đời sau lập đền thờ, gọi là Long miếu (đền Rồng).
Có thể nói, từ khi sinh ra cho đến khi từ biệt cõi đời, với bao biến cố đã khiến bà trở thành một người có số phận bi thương nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 7 lần ở những danh vị khác nhau: Công chúa triều Lý, Hoàng Thái tử nhà Lý, Nữ Hoàng đế nhà Lý, Hoàng hậu nhà Trần, Công chúa nhà Trần, Sư cô (thời Trần) và Phu nhân tướng quân nhà Trần.
Mời nghe âm thanh tại đây: