‘Giáo sư Cù Trọng Xoay’: Cách duy nhất để đến với hạnh phúc là bước qua khổ đau
TPO – “Giáo sư Cù Trọng Xoay”- tên thật Đinh Tiến Dũng- bất ngờ làm host của talkshow “Lối ra”, chuyên chủ đề hậu ly hôn. Không tung chiêu “Hỏi xoáy, đáp xoay”, một trong những nhiệm vụ của “giáo sư” là gật gù lắng nghe khách mời trải lòng. Chẳng tốn nhiều lời, thế mà “giáo sư” mời được cả những nhân vật nổi tiếng đã quyết để “tình ơi ngủ yên” cũng nhiệt tình tham gia chương trình, xong câu chuyện họ còn hứng khởi hát tặng “giáo sư”: “Trả hết trả hết cho người/ Trả luôn mắt môi nụ cười/Trả xong đời còn hư không”…
Anh có tìm thấy lối ra cho chương trình “Lối ra”? Bởi talkshow đề cập đến hậu ly hôn, một câu chuyện mà nhiều người trong cuộc chỉ muốn cất giấu trong lòng? “Giáo sư” có gặp khó khăn khi thuyết phục họ kể câu chuyện riêng của mình một cách công khai?
Đinh Tiến Dũng: Thú thật, nhiều khi trong chương trình, tôi cũng bí Lối ra lắm. Cũng không biết sẽ thoát khỏi câu chuyện tâm sự của khách mời như nào. Chương trình này của chúng tôi không có kịch bản trước, nên khách mời cứ đến là ngồi nói chuyện thôi. Thi thoảng tôi cũng “bị” khách mời dẫn vào “mê cung” của họ và phải rất tỉnh táo mới nhớ ra là còn phải tìm lối ra cho chính câu chuyện đó.
Các khách mời khi đến với chương trình của tôi thì nhìn chung trong lòng họ, quá khứ đã được xử lý ổn thỏa, do vậy cũng chẳng có điều gì họ phải ngại ngần cả, cứ thẳng thắn chia sẻ cùng tôi. Nhiều khi cả buổi nói chuyện tôi chỉ chủ yếu là ngồi gật đầu với “Vâng” và “Ừ” thôi.
Hỏi thật, anh và ê-kip có bị nhân vật từ chối nhiều không?
Đinh Tiến Dũng: Khi mời khách mời thì cũng có người từ chối, tôi đoán chắc họ vẫn còn điều gì đó phải thu xếp với quá khứ của minh. Chúng tôi trên tinh thần là tôn trọng cảm xúc và mong muốn của khách mời, nên sẽ chờ đến khi nào họ sẵn sàng thì chúng tôi mời lại.
Trước khi nhận lời làm host của “Lối ra” anh có đọc thêm sách tâm lý không, vì đụng vào một sự đứt gánh trong đời sống tình cảm của mỗi con người không hề đơn giản?
Đinh Tiến Dũng: Tôi không có mong muốn mình sẽ trở thành “chuyên gia tâm lý” để phân tích câu chuyện hay động viên khách mời gì đâu. Muốn làm được việc đó thì chắc phải học hành cẩn thận, chứ đọc sách ăn thua gì. Tôi chỉ có một sự chân thành và tôn trọng nỗi buồn cùng sự đau khổ được sẻ chia. Tôi nghĩ trong chương trình “Lối ra” này thì người dẫn chương trình chỉ cần thế là đủ, chứ cũng chẳng cần phải hoạt ngôn hay sắc sảo gì với những nỗi buồn cả. Cứ chân thành mà sẻ chia thôi.
Những trải nghiệm trong những chương trình trước đó, điển hình như “Hỏi xoáy đáp xoay” có giúp ích cho anh trong “Lối ra”? Liệu “Lối ra” về sau có cần gia tăng cái nhìn hài hước, theo anh?
Đinh Tiến Dũng: Tư duy phản biện kiểu hơi AQ của “Hỏi xoáy đáp xoay” đôi khi cũng giúp tôi và khách mời tìm ra một con đường thoát hiểm cho một câu chuyện đang đứt phanh lao dốc. Giả sử khách mời nói về một câu chuyện buồn, ai cũng biết là buồn rồi, buồn thật chứ không phải buồn đùa.
Nhưng giờ tôi lại kết luận là câu chuyện vừa rồi đúng là buồn thật thì có khi cũng chẳng cần dẫn chương trình làm gì. Tôi sẽ nghĩ xem nỗi buồn đó rốt cuộc có mang lại giá trị gì không, và nếu có, đó là gì.
Một trường hợp cụ thể, anh và ê-kip đã làm thế nào để “cô gái vàng Wushu” năm nào chịu kể chuyện riêng của mình, đã vậy còn hát “Trả nợ tình xa” như ca sỹ chuyên nghiệp?
Đinh Tiến Dũng: Chị Thúy Hiền thì dễ thương lắm, trong những bạn bè tôi biết, hiếm có ai tên Hiền mà hiền như chị ấy. Câu chuyện của chị ấy đã qua đủ lâu rồi, những vết thương đã lành lại cộng với một bản lĩnh đối đầu khó khăn đã được rèn luyện bao năm, chị ấy không gặp khó gì trong việc kể lại câu chuyện của mình với tôi. Còn chuyện chị ấy hát thì tôi cũng bất ngờ, chắc nói chuyện với tôi vui quá nên chị cao hứng hát luôn. Tôi nghĩ thế vẫn còn may hơn là chị rút đao, rút thương ra đi vài đường với tôi.
Làm “Lối ra” anh có chút lo sợ ám vào chính anh không, khi anh đang có tổ ấm hạnh phúc?
Đinh Tiến Dũng: Tôi không lo sợ gì đâu. Một tổ ẩm hạnh phúc là điều mà tôi và cả các vị khách mời của tôi luôn mong muốn và nỗ lực cho điều đó. Tôi không nghĩ chuyện ly hôn là điều gì đó đối lập rạch ròi với hạnh phúc, mà nó giống như là quãng đường khó khăn các khách mời của chúng tôi đã phải đi qua để tìm thấy sự bình yên và những hạnh phúc mới, nên nói cách nào đó, ly hôn cũng là một “thành phần” để làm nên hạnh phúc mới mà. Chẳng ai muốn đường đời của mình sẽ gặp phải những đoạn đường khó khăn, đau khổ, nhưng nếu gặp phải đoạn đường đó, cách duy nhất để đến với hạnh phúc là phải bước qua nó thôi.
Bí quyết giữ lửa hôn nhân của anh là gì? Tò mò một chút, trong đời thường, cụ thể ở nhà với vợ con, anh có hài hước không?
Đinh Tiến Dũng: Vợ chồng tôi luôn cố gắng làm tốt vai trò của mình trong hôn nhân đồng thời phải luôn thông cảm, thấu hiểu cho người còn lại. Nếu có khúc mắc gì, chúng tôi sẽ chọn thời điểm thích hợp để đối thoại và hiểu nhau hơn. Những cuộc đối thoại chân thành và cởi mở của hai vợ chồng chính là những lần “tầm soát” hôn nhân hữu ích.
Sự hài hước đúng lúc cũng giúp ích nhiều cho việc hạ nhiệt những lo toan thường nhật và làm cho các thành viên khác cùng vui. Ở nhà không chỉ riêng tôi mà các thành viên trong gia đình đều mong muốn những người còn lại được vui và hài hước.
Từ hồi tham gia “Cặp đôi hoàn hảo” đến nay giọng ca anh có được cải thiện không? Liệu trong tương lai khán giả có còn được gặp anh ở vai trò thí sinh của một gameshow ca hát, nhảy múa nào đó?
Đinh Tiến Dũng: Tôi nghĩ là càng ngày nó càng tệ đi. Chắc sẽ không có gameshow nào mời tôi ca hát nhảy múa đâu, một lần là quá đủ rồi. Các nhà sản xuất họ cũng biết rút kinh nghiệm chứ (cười)