Những bài vọng cổ vang bóng – Kỳ 8: Hàn Mặc Tử của Trọng Hữu

Cuộc đời bi thương của nhà thơ Hàn Mặc Tử đã là nguồn cảm hứng cho biết bao bản nhạc và vọng cổ. Riêng bài tân nhạc với những câu Đường lên dốc đá, nửa khuya trăng tà nhớ câu chuyện xưa… là bài đi vào lòng người lâu bền nhất, và từ đó cũng rất nhiều soạn giả lấy làm nền cho bản vọng cổ của mình.

Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 8 : Hàn Mặc Tử của Trọng HữuNSND Lệ Thủy và NSƯT Trọng Hữu – Ảnh: Th.Hiệp

NSND Lệ Thủy và NSƯT Trọng Hữu – Ảnh: Th.Hiệp

Loan Thảo viết bài vọng cổ Hàn Mặc Tử trước 1975, và Hãng đĩa Việt Nam của bà Sáu Liên đã thu âm với giọng ca Chí Tâm – Lệ Thủy. Nhưng khi nghệ sĩ Chí Tâm đi định cư ở nước ngoài thì hàng loạt bài của ông đã được bà Sáu Liên cho thu lại hết, và chọn Trọng Hữu để “gửi gắm niềm tin”. Quả thật bà chọn không sai. Giọng ca Chí Tâm có sự ngân rung rất lạ kỳ làm khán giả rưng rưng nước mắt thì Trọng Hữu cũng thế, anh có chất giọng trầm ấm, cũng có hơi rung nhẹ nhàng, làm người nghe xao xuyến. Anh ca không gồng, chỉ ở tông thấp nhưng mượt mà, ngọt lịm. Chính vì vậy càng làm tăng độ mùi mẫn, đặc biệt là độ bi thương của nhân vật Hàn Mặc Tử. Nhưng bi mà không đến nỗi quá “lụy”, khiến người nghe dễ chịu. Cái đau hình như từ trong nội tâm bị dồn nén được bật ra, chứ không phải là cái đau cố tình sướt mướt. Trọng Hữu làm chủ được tình thế ấy. Và rõ ràng giọng ca của anh đã chinh phục được khán giả sau mấy chục năm họ đã quen với giọng nghệ sĩ Chí Tâm.

Trọng Hữu hình như “có duyên” với Hàn Mặc Tử. Trước khi thu bài vọng cổ này, anh đã đóng vai nhà thơ trong 3 vở cải lương video và 1 vở thu audio. Lần quay đầu tiên anh đóng cùng nghệ sĩ Phượng Liên (vai Mộng Cầm) và Linh Huệ (vai Mai Đình). Lần quay thứ hai, anh đóng với nghệ sĩ Mỹ Châu (Mộng Cầm) và Lệ Thủy (Mai Đình). Cách đây 2 năm, anh lại được mời thu hình, đóng với Cẩm Tiên (Mộng Cầm) và Thanh Ngân (Mai Đình). Qua mấy thế hệ nghệ sĩ nữ, vẫn là Trọng Hữu trong vai Hàn Mặc Tử. Hình như nhân vật này sinh ra là để cho anh. Trọng Hữu nói: “Tôi sung sướng nhất là lời nói của soạn giả Viễn Châu. Có nhiều người đã đến xin ông cho dựng vở này với những kép khác, có người rất đẹp và nổi tiếng, nhưng ông bảo: Tôi viết hình tượng nhân vật này là để cho Trọng Hữu, ai đóng cũng không ra đâu”. Con mắt tinh tường của Viễn Châu nhìn biết ai phù hợp nhất.

Và chính Trọng Hữu cũng cảm xúc rất mạnh với nhân vật Hàn Mặc Tử. Anh đọc thơ của ông, đọc những câu chuyện về ông rất nhiều trước khi lên sàn tập kịch bản. Đặc biệt anh nhớ nhất một kỷ niệm: “Đạo diễn Huỳnh Nga thường kêu tôi ngồi nghe ông kể chuyện. Ông biết rất nhiều chuyện về nhà thơ. Ông nhẩn nha kể, cốt để cho tôi có kiến thức và “thấm” nhân vật, thì tôi diễn mới hay. Huỳnh Nga có lối nói chuyện hay lắm, ông nói chậm nhưng truyền cảm, có lúc lại biết hài hước. Mình nghe là mê luôn đó! Ông làm đạo diễn cẩn thận như vậy. Ông muốn diễn viên phải nắm thật chắc nhân vật, nhập tâm nhân vật, để khi diễn là diễn bằng sức mạnh nội tại, cái hay, cái đẹp, cái bi phải bật ra từ trong sâu thẳm tim mình, chứ không chỉ diễn lớt lớt ngoài da. Thế hệ chúng tôi tri ân những đạo diễn như thế”.

Chính vì đã diễn cả một vở dài về Hàn Mặc Tử, lại diễn tới diễn lui không biết bao nhiêu lần trên sân khấu trước khi thu hình, nên Trọng Hữu quá nhuyễn nhân vật này, tới khi thu âm bài vọng cổ thì anh chỉ cần dượt qua là biểu cảm được ngay. Anh và Lệ Thủy – Mai Đình lại tái ngộ. Bài vọng cổ giờ được phát rộng rãi trên internet, nhưng khi qua Mỹ thì bà con vẫn yêu cầu anh hát lại. Họ cứ gọi anh là Hàn Mặc Tử, chính là niềm hạnh phúc của nghệ sĩ khi người ta nhớ được nhân vật của mình. Nhiều khán giả bảo: “Trong đời tôi chưa bao giờ gặp Hàn Mặc Tử, chỉ đọc thơ, đọc sách mà tưởng tượng ra ông. Nhưng khi anh bước lên sân khấu, khi anh cất tiếng ca, là tôi thấy anh đúng y như trí tưởng tượng của tôi về nhà thơ bạc mệnh”. Trọng Hữu quá đỗi sung sướng khi nghe lời ấy. Đời nghệ sĩ, đi tìm vai hay đã khó, người ta nhớ vai đã khó, mà nhân vật ấy lại là một người có thật, khiến cho người ta “tin” mình quả thật càng khó.

Rate this post